Viên đá hút nọc rắn

Thứ Năm, 11/04/2013, 16:08
Cũng giống như những thầy thuốc khác, hai người "thầy thuốc bất đắc dĩ" này không nhớ hết số người bị rắn cắn mà họ đã cứu trong suốt nửa cuộc đời của mình. Tuy nhiên, đây lại là những ca chữa bệnh có một không hai trong lịch sử. Bởi thầy thuốc chỉ là thợ xây không được đào tạo qua trường lớp nào, những khái niệm trong y học như "giường bệnh", "phẫu thuật", "thuốc"… được thay thế hoàn hảo bằng một viên đá kì lạ - vốn là kỉ vật từ thời kháng chiến của gia đình.

Từ viên đá kì lạ… đến người "thầy thuốc bất đắc dĩ"

Cách thành phố Thái Bình 20km về phía Đông Nam, rẽ vào thôn Dương Cước (xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương) khi hỏi đường tới nhà  gia đình hai ông Vũ Văn Vần - Vũ Văn Khản có viên đá chữa rắn độc cắn thì từ trẻ đến già không ai không biết.

Ông Vần và ông Khản là hai anh em ruột, làm nghề thợ xây, tuổi đều đã cao. Trước đây, ông Vần thường giữ viên đá nhưng gần đây ông đi làm ăn xa nên giao lại viên đá cho ông Khản.

Khi hỏi về nguồn gốc viên đá, ông Khản cho biết thời kháng chiến chống Pháp, ông ngoại của ông là cụ Phạm Văn Tráng nuôi giấu hai cán bộ hoạt động cách mạng bí mật trong nhà mấy năm trời, trong đó có một vị thủ trưởng người Thanh Hóa. Lúc chào tạm biệt để về hoạt động ở cơ sở theo chỉ thị cấp trên, người này có nói: "Tình nghĩa ấy, công lao ấy, nếu có được hai trái tim thì con xin được gửi lại một. Viên đá này là của đơn vị trang bị cho con trong quá trình hoạt động để ứng phó với những lúc bị rắn độc cắn. Con xin được gửi lại gia đình".

Vị thủ trưởng này dặn thêm sau khi hút nọc độc xong, phải ngâm viên đá trong sữa của phụ nữ đang trong thời kỳ cho con bú. Và lâu lâu, nó cũng cần được "bảo dưỡng" bằng cách bỏ vào túi gạo nếp sữa!

Với kích thước rất khiêm tốn, viên đá này đã cứu không biết bao nhiêu người khỏi bàn tay tử thần.

Viên đá trở thành một kỉ vật quý của gia đình suốt ba thế hệ nối tiếp nhau từ dạo đó. Bẵng một thời gian dài, một lần bị rắn cắn, ông Khản mới được mục sở thị công dụng kì diệu của viên đá này. Từ đó, dù không quảng cáo, tin gia đình sở hữu viên đá có khả năng hút nọc độc rắn cắn theo tỏa lộ cứ lan ra ngày càng rộng. Không chỉ có người trong thôn, trong xã mà người từ khắp nơi như Nam Định, Hà Tây, Hải Dương, Hải Phòng… bị rắn cắn đều tìm đến và nhờ cậy gia đình ông.

Viên đá thích ăn gạo nếp và tắm sữa mẹ!

Viên đá trên thực tế cực kì nhỏ bé so với trí tưởng tượng của nhiều người. Nó hình vuông, diện tích chừng 4cm2, dày tầm 1cm; hai mặt đều được khắc chữ U bao quanh bởi hình tròn và có khả năng hút kim loại sắt như nam châm.

Hễ ai bị rắn cắn đến nhờ, ông lại đưa viên đá ra. Cách chữa hết sức đơn giản. Chỉ cần đặt viên đá lại gần vùng vết thương, như có một lực hút kì lạ, lập tức viên đá dính chặt vào chỗ đó mà không cần tay người giữ. Hút hết nọc độc trong cơ thể, nó tự nhả ra. Thời gian chữa phụ thuộc vào mức độ nặng nhẹ do rắn cắn, thường thì khoảng 30 phút nhưng cũng có những ca phải 1 - 2 giờ đồng hồ mới xong.

Điều đặc biệt là trong lúc chữa, người bị rắn cắn không thấy cảm giác đau đớn gì, vết răng của rắn cắn trên da cũng biến mất. Chị Nguyễn Thị Hồi (xã Hà Hồi, huyện Thường Tín, Hà Nội) kể lại lần mình bị rắn cắn "nhớ đời": "Hồi đó là tháng 6, tôi về nhà một người bà con ở xã Hồng Thái chơi, đang ngủ trưa thì chẳng biết con rắn ở đâu lao đến và cắn phập vào ngực. Khi đưa đến nhà ông Khản thì vết thương đã lan rộng, tím đen. Ông chỉ tiến hành vài thao tác đơn giản mà một giờ sau vết thương biến mất hoàn toàn. Lạ là chẳng thấy đau đớn gì hết. Tôi lại đang thời kỳ cho con bú, cháu nhà tôi mới ba tháng tuổi thôi. Ông bảo chẳng vấn đề gì đâu, tôi chữa rắn cắn hàng chục năm nay rồi. Cứ về mà cho con bú sữa bình thường nhé. Và quả đúng là như vậy".

Kì lạ hơn, sau mỗi lần hút nọc độc, viên đá phải được ngâm trong sữa của người phụ nữ đang cho con bú. Khi cho viên đá vào, lập tức màu sữa biến đổi, nọc độc kết thành từng váng nổi lềnh bềnh trên chén sữa theo hình dạng của viên đá, phần chất lỏng dưới chén lại hoàn toàn trong suốt như nước mưa. Tùy từng loại nọc rắn mà những vệt váng có màu khác nhau. Nếu là nọc rắn hổ mang thì váng có màu vàng, rắn mái gầm (hay còn gọi là rắn cạp nong) thì váng đen…

Nếu không xin được sữa, hoặc vào mùa đông ít người bị rắn cắn, ông vẫn lấy vài chục hạt thóc nếp sữa, bóc vỏ rồi bỏ gạo vào trong cái hộp đựng viên đá. Chẳng biết vì sao mà một thời gian sau những hạt gạo nếp trở nên rỗng ruột, còn vỏ ngoài giống như bị mọt ăn. Bà Vũ Thị Lễ, hàng xóm nhà ông Khản, có người con trai tên là Vũ Văn Nghi từng bị rắn cắn nói thêm: "Thật đấy, chính mắt tôi trông thấy cũng như là cái lúc nó thải độc nổi lên mặt sữa ấy. Nó "ăn" gạo thật đấy, cả làng này đều biết thế mà".

Sở dĩ gọi ông là "thầy thuốc bất đắc dĩ" bởi cùng với thời gian, thì cũng tự nhiên ông tích lũy được nhiều kinh nghiệm chữa rắn cắn. Bây giờ mới nhìn qua vết thương, ông có thể phân biệt được đâu là rắn độc, rắn thường, từ vết thương có thể suy ra loại nào cắn.

Cứu người làm phúc

Từ ca cứu người đầu tiên tới nay ngót nghét mấy chục năm trôi qua, số người được cứu khỏi bàn tay tử thần đếm không xuể. Bởi coi đây là việc thiện nên gia đình ông chẳng bao giờ ghi lại thông tin liên lạc cũng như tính toán với họ. Trong trí nhớ của người đàn ông gầy gầy, cao cao này chỉ mang máng nhớ họ là đàn ông hoặc đàn bà, ở một địa danh chung chung như "Chợ Lũ", "Xứ Kẻ Vồi"… chứ cụ thể và chính xác như thế nào thì ông chịu, không tài nào nhớ nổi.

Tuy nhiên, trong đời làm phúc cho thiên hạ của mình, cũng có vài người so đo, chưa được kiểm chứng mà dựng chuyện vô cớ về viên đá của gia đình khiến ông buồn lòng. Người thủ trưởng năm xưa đã hi sinh trong một lần giặc càn quét, người đồng chí còn lại cũng đã mất cách đây mấy năm nên dù viên đá có nhiều điều khó hiểu thì gia đình ông cũng không biết làm thế nào. Có điều, khả năng chữa lành nọc độc do rắn cắn của nó là có thật và có hàng trăm người trong thôn, trong xã sẵn sàng đứng ra làm chứng.

Ngày trước, hễ ai có người nhà bị rắn cắn, đến trình bày sơ qua với ông là ông cho mượn về nhà tự chữa. Có lần, họ mượn về và chẳng may làm viên đá sứt mẻ. Lần khác, có người mượn đến ba bốn ngày không thấy trả nên ông cũng lo lo, dù gì nó cũng là kỷ vật ý nghĩa của gia đình. Từ đó, ông chẳng để viên đá ra khỏi phạm vi gia đình nữa.

Ông Vũ Văn Khản.

Mặc dù xã Hồng Thái ngày nay không còn cái cảnh trầy trượt bì bõm bùn đất và cây cối rậm rạp như xưa nhưng không vì thế mà không có rắn. Ông kể, người dân khu vực này thường đi đánh cá điện ban đêm nên giẫm phải rắn rồi bị nó cắn. Có người còn chủ quan tới mức bắt… rắn mà không quan tâm xem nó là loại rắn gì. Có đôi thanh niên trong xã, cứ tối đến dắt nhau chui vào bụi rậm bị rắn cắn, rồi cũng ông Khản ơi".

Ông thở dài: "Có những người tìm tôi đến ba lần chỉ vì rắn cắn. Có nhà tất cả thành viên đều bị rắn cắn. Có hôm sáng ra có người kêu cứu, tối đến lại có người nhờ. Người ta ỷ lại vào viên đá ấy mà. Cứ ỷ lại thế có ngày bỏ mạng oan. Năm nay lại là năm Tỵ nữa chứ, vì yếu tố tâm linh mà người ta càng săn lùng nó ráo riết. Lỡ mà có người ở xa về đón tôi với viên đá đi mà ở nhà lúc đó lại có người bị rắn cắn đến tìm thì biết làm thế nào!".

Tiếng lành về công năng của viên đá đồn xa, có nhiều người đánh xe về hỏi mua viên đá với giá cao, thậm chí mới đây có người còn trả tới 1 tỷ đồng nhưng ông vẫn không bán. Chúa từng bảo "Đong cho ai được đấu nào thì nhận được lại bằng đấu ấy". Vốn là một con chiên của xứ đạo, ông giãi bày: "Nếu nghĩ đến đồng tiền thì gia đình tôi đã khác, chẳng nghèo như thế này".

Về trường hợp viên đá lạ kỳ này, PGS - TS Trinh Dánh - Nguyên GĐ Bảo tàng địa chất Việt Nam cho biết: "Thực tế trên thế giới cũng có một số loại đá có từ tính có thể chữa được bệnh. Nhưng trường hợp viên đá chữa được rắn cắn như người ta nói thì tôi chưa nghe đến bao giờ. Nhưng viên đá có tác dụng hút độc rắn hay không thì ít nhất là tôi phải tận mắt nhìn xem nó là loại đá gì thì mới có điều để nói được. Chứ không trực tiếp thấy nó thì khó nói lắm".

Từ xa xưa, người cổ đại tin rằng đá quý có khả năng điều chỉnh sự mất cân bằng trong cơ thể và tạo nên năng lượng bên trong con người. Một số loại đá được xem là có khả năng chữa bệnh như:

Đá mã não: Chữa trị chứng mất ngủ, mang lại những giấc mơ êm đềm.

Đá hổ phách: Có tác dụng an thần, định kinh, lợi tiểu...

Đá thạch anh tím: Chữa bệnh mất ngủ, giúp con người giữ được niềm tin và lòng dũng cảm.

Đá Citrine: Giảm chứng lở loét.

Ngọc lục bảo: Tác dụng đến mắt, tim và hệ thần kinh, dự báo được bệnh tật.

Đá Garnet: Có khả năng lọc máu, tốt cho hệ tuần hoàn.

Mã não đỏ: Biểu tượng của sức khỏe, sự hưng thịnh và trường thọ.

Đá carnelian: Làm giảm sự giận dữ và có thể cầm máu khi bị thương.

Mới đây, các nhà khoa học Pháp đã tìm thấy nhiều bằng chứng cho thấy một số loại đá có khả năng trao đổi năng lượng. Thậm chí họ còn chứng minh rằng đá không phải là một tĩnh vật mà có thể thở, vận động và tiềm ẩn nhiều nguồn năng lượng có tác động đến con người.

Cho đến ngày nay, quan niệm về khả năng chữa trị bệnh của các loại đá của người xưa vẫn chưa được khoa học hiện đại kiểm chứng. Ngoài tác dụng làm đồ trang sức thì các tính năng chữa bệnh của chúng vẫn còn là một ẩn số.

Ông Vũ Văn Thoại, cán bộ văn hóa xã Hồng Thái xác nhận: "Hòn đá đúng là cứu được rất nhiều người và bây giờ vẫn đang được sử dụng. Không chỉ dân trong xã mà khắp các vùng lân cận, ai bị rắn cắn cũng tìm đến nhờ viên đá của gia đình nhà ông Khản. Cứ mấy ngày lại có người tới nhờ hút nọc. Ngay trong ủy ban chúng tôi trước đây có trường hợp đồng chí Nguyễn Xuân Báu, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Thái cũng từng được viên đá cứu thoát khỏi nọc độc chết người của rắn. Chuyện xảy ra cũng lâu lắm rồi".

Chuyện viên đá kỳ lạ và thầy thuốc bất đắc dĩ này là có thật. Tuy nhiên người viết bài này chỉ ghi chép lại qua lời kể của ông Vũ Văn Khản và các nhân chứng chứ chưa được mục sở thị tình huống chữa bệnh trực tiếp của ông và hòn đá. Bản thân viên đá kỳ lạ này cũng chưa từng được khoa học kiểm chứng và cách chữa bệnh của ông Khản vẫn là cách chữa bệnh dân gian.

Đậu Dung
.
.
.