Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển khoa học công nghệ

Thứ Bảy, 18/01/2020, 17:38
Trường Đại học VinUni vừa chính thức khánh thành và bắt đầu tuyển sinh. Mục tiêu của những người sáng lập là xây dựng trường thành đại học tinh hoa của thế giới. Phóng viên Chuyên đề CSTC đã có cuộc trao đổi với Giáo sư Rohit Verma đến từ Trường Đại học Cornell (hiện ông là Hiệu trưởng của Trường Đại học VinUni) xung quanh những vấn đề làm thế nào để đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao.


PV: Giáo sư có bao lâu để tìm hiểu về giáo dục đại học của Việt Nam? Đến nay, ông đã đủ hiểu về giáo dục đại học Việt Nam để bắt đầu một “hành trình” đầy thử thách hay chưa?

GS Rohit Verma: Trước mùa hè 2016, thú thực tôi hoàn toàn không biết gì về giáo dục đại học Việt Nam. Nhưng lần đầu tiên ở Đại học Cornell, tôi được biết về một dự án rất “tham vọng” của Tập đoàn Vingroup. Họ đã đến gặp chúng tôi và đề nghị chúng tôi giúp đỡ nghiên cứu để xây dựng một đại học tinh hoa hàng đầu ở Việt Nam. Ngay lúc đó, tôi rất “phấn khích” và bắt đầu tìm hiểu về giáo dục Việt Nam.
GS Rohit Verma.

Trong suốt 2 năm 2016- 2017, tôi đã đến Việt Nam 12 lần; mỗi lần đến, tôi đều đi cùng một nhóm nhà khoa học là những giáo sư hàng đầu của Mỹ để cùng nghiên cứu về giáo dục Việt Nam, nghiên cứu về nhu cầu của doanh nghiệp và đất nước Việt Nam. Sau 2 năm liên tục trao đổi và tìm hiểu, chúng tôi quyết định tham gia vào hợp tác chiến lược này. Đó không chỉ là vinh dự của riêng tôi mà còn là vinh dự của hơn 20 đồng nghiệp của Đại học Cornell cùng tham gia dự án này.

Trong 2 năm này, chúng tôi đã tham gia vào nhiều lớp học ở các trường trung học phổ thông của Việt Nam để hiểu về các em. Chúng tôi cũng đến một số trường đại học, mời họ cùng hợp tác, giúp đỡ chúng tôi; đặc biệt chúng tôi còn tiếp cận với nhiều nhà khoa học Việt Nam đang sống ở nước ngoài như Singapore, Hàn Quốc để hiểu thêm về cách thức hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học tại Việt Nam

PV: Vậy giáo sư có những thuận lợi và gặp khó khăn gì trong chiến lược đưa một trường đại học ở Việt Nam trở thành một đại học tinh hoa?

GS Rohit Verma: Phát triển giáo dục đại học là một lĩnh vực rất vất vả, đòi hỏi sự đầu tư nghiêm túc và lâu dài. Việc chúng tôi có được cơ sở vật chất tuyệt đẹp và nguồn lực tài chính mạnh là một thuận lợi nhưng đó cũng chỉ là bước khởi đầu rất nhỏ. Thử thách tiếp theo sẽ là làm sao để có được nguồn sinh viên có chất lượng, nguồn nhân lực có chất lượng. Đó mới là yếu tố quyết định thành công lâu dài để phát triển giáo dục đại học ở Việt Nam.

Những giáo sư đầu ngành của thế giới sẽ đến giảng dạy tại Trường ĐH VinUni.

Nhiệm vụ của giáo dục đại học không chỉ đào tạo, giảng dạy mà còn tạo ra tri thức mới cho đất nước, tri thức này phải được chuyển hóa thành những sản phẩm phục vụ cho đất nước. Vì  vậy, để vượt qua những khó khăn tiếp theo, chúng tôi đang nghiên cứu và tìm hiểu để xây dựng hệ thống phát triển khoa học công nghệ. Chặng đường này mất chừng 20-30 năm, nhưng chúng tôi tin rằng, đó sẽ là con đường mà chúng tôi đi, và sẽ tới đích.

PV: Sinh viên VinUni sẽ học tập theo các chương trình tiên tiến nhất, dựa trên các nền tảng chuẩn mực quốc tế tốt nhất. Vậy giáo sư có sự chuẩn bị như thế nào về đội ngũ để đạt được mục tiêu đó?

GS Rohit Verma: Chuẩn mực của chúng tôi đòi hỏi các giảng viên phải đạt trình độ cao nhất thế giới. Vì thế, câu hỏi chúng tôi đặt ra là những người xuất sắc nhất thế giới hiện đang ở đâu? Ngay tại thời điểm này, chúng tôi đã có được những giảng viên đến từ Mỹ, Úc, Singapore; đặc biệt, chúng tôi thu hút được nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu người Việt Nam đã học tập ở nước ngoài.

Việc thu hút này giải quyết được câu chuyện ngắn hạn của chúng tôi là có lực lượng để giảng dạy và nghiên cứu ngay lập tức, nhưng dĩ nhiên là chúng tôi luôn có tầm nhìn dài hạn về phát triển giảng viên và nghiên cứu.

Tầm nhìn dài hạn là chúng tôi sẽ tìm kiếm các nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam, những người trẻ tuổi để gửi họ ra nước ngoài học tiến sĩ tại những trường hàng đầu thế giới, sau đó mời họ về Việt Nam.

Để dẫn dắt đội ngũ giảng viên và nghiên cứu viên trẻ tuổi này, cần những giáo sư đầu ngành, do đó, chiến lược của chúng tôi là sẽ đến những trường hàng đầu thế giới và mời những người đầu ngành ở đó về Việt Nam.

PV: Nhiệm vụ của giáo dục đại học không chỉ giảng dạy, nghiên cứu mà phải góp phần giải quyết những vấn đề lớn của đất nước. Trong chiến lược đào tạo, ông xác định ưu tiên giải quyết vấn đề gì của Việt Nam?

GS Rohit Verma: Chúng tôi chắc chắn có danh sách ưu tiên giải quyết vì Việt Nam còn rất nhiều vấn đề nóng bỏng cần có sự vào cuộc của các trường đại học, như vấn đề cơ sở hạ tầng, doanh nghiệp. Viện Kinh doanh và Quản lý của chúng tôi sẽ tập trung giải quyết cơ sở hạ tầng, cách thức khởi nghiệp của doanh nghiệp, chuỗi cung ứng và phân phối sản phẩm tại Việt Nam.

Trường ĐH VinUni được đầu tư vật chất hiện đại.

Tôi cho rằng, Việt Nam có tiềm năng phát triển khoa học công nghệ rất lớn, nhưng cũng đang đối mặt với nhiều thách thức như ô nhiễm không khí, giao thông, cần “dữ liệu lớn” để giải quyết các vấn đề lớn – Viện Khoa học kỹ thuật máy tính của chúng tôi sẽ ưu tiên giải quyết những vấn đề này.

Việt Nam hiện là nước đang phát triển nhưng đã xuất hiện những bệnh tật giống như các nước phát triển, đó là bệnh tim, ung thư, đột quỵ. Chúng tôi luôn đặt câu hỏi, với nền tảng của nước đang phát triển, làm sao phải có giải pháp phù hợp để giải quyết những căn bệnh cấp bách này. Viện Sức khỏe của chúng tôi sẽ làm việc này.

Nhiệm vụ của chúng tôi giờ đây là tạo ra sự khác biệt sâu sắc, một sự khác biệt sâu sắc đối với học sinh của chúng tôi. Một sự khác biệt sâu sắc đối với Việt Nam và một sự khác biệt sâu sắc đối với khu vực Đông Nam Á và thế giới.

Với sự giúp đỡ từ các đồng nghiệp của Trường Đại học Cornell và Trường Đại học Penn, chúng tôi đã phát triển một chương trình giảng dạy linh hoạt và sáng tạo, dựa trên phương pháp học tập tích cực, cơ chế học trải nghiệm và đa dạng, nhấn mạnh vào việc giáo dục theo dịch vụ, tư duy kinh doanh và phù hợp với thế giới thực.

Tôi vui mừng thông báo rằng, chúng tôi đã nhận được đơn đăng ký nhập học từ các học sinh xuất sắc nhất từ các trường trung học của Việt Nam. Chúng tôi cũng đã nhận được hơn 3.000 đơn đăng ký cho các vị trí giảng viên, từ các tiến sĩ có thành tích cao của các trường đại học danh tiếng trên thế giới.

Về đầu ra của sinh viên, chúng tôi đã phát triển chương trình rất kỹ lưỡng, sinh viên liên tục được làm việc và trải nghiệm với doanh nghiệp suốt trong 4 – 6 năm học tại VinUni thông qua các dự án trong lớp học, thông qua việc học tập và thông qua cả việc doanh nghiệp trực tiếp giảng dạy với chúng tôi. Chúng tôi tin rằng, sinh viên của chúng tôi khi ra trường không chỉ hấp dẫn với doanh nghiệp trong nước mà ngay cả những doanh nghiệp nước ngoài cũng sẽ nhìn thấy đây là những nguồn lực đáng giá.

PV: Xin trân trọng cảm ơn giáo sư.

“Nguồn nhân lực tinh hoa có thể tự trưởng thành từ thực tiễn, nhưng nếu có đại học tinh hoa thì sẽ giúp họ rút ngắn hơn nhiều quá trình trưởng thành và cống hiến. Sẽ rất khó để có những con người tinh hoa trình độ cao dẫn dắt sự phát triển của đất nước nếu không có đại học tinh hoa, đại học chất lượng cao để đào tạo. Chúng ta đã bước vào thời đại cách mạng công nghệ lần thứ 4, tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt, cạnh tranh toàn cầu ngày càng khốc liệt... Đất nước muốn phát triển nhanh, bền vững, ứng phó hiệu quả với biến đổi toàn cầu, nâng cao được năng lực cạnh tranh thì phải dựa vào nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là nhân tài. Vì thế, cần phát triển các trường đại học tinh hoa như Trường Đại học VinUni để thực hiện sứ mệnh này” (GS. Mai Trọng Nhuận, Chủ tịch Hội đồng đảm bảo chất lượng Đại học Quốc gia Hà Nội).
Thu Phương (Thực hiện)
.
.
.