Việt Nam “gắn sao” cho các trường đại học như thế nào?

Thứ Tư, 26/08/2020, 11:58
Một nhóm nghiên cứu của Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã công bố hệ thống xếp hạng “made in Vietnam” UPM, đồng thời đã “gắn sao” cho 30 cơ sở giáo dục Việt Nam và ASEAN.


Sau khi một số trường đại học ở Việt Nam lọt vào các bảng xếp hạng (BXH) toàn cầu thì mới đây, một nhóm nghiên cứu của Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã công bố hệ thống xếp hạng “made in Vietnam” UPM, đồng thời đã “gắn sao” cho 30 cơ sở giáo dục Việt Nam và ASEAN. Dù còn đang trong quá trình nghiên cứu nhưng BXH này đã mang đến một luồng gió mới và sự phấn chấn cho giáo dục đại học Việt Nam…

Xếp hạng – công cụ mới để quản trị chất lượng

UPM là sản phẩm do nhóm nghiên cứu ĐHQGHN thực hiện dưới sự tài trợ của Chương trình Khoa học Giáo dục cấp quốc gia do Bộ GD&ĐT chủ trì. GS.TS Nguyễn Hữu Đức, nguyên Phó Giám đốc ĐHQGHN, người trực tiếp phụ trách hệ thống này cho biết, top 1.000 đại học thế giới chiếm khoảng 3%. 

UPM quan tâm đến 97% với hơn 28.000 trường đại học còn lại, gồm đông đảo các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) Việt Nam và khu vực, mặc dù có vai trò và đóng góp lớn, tuy nhiên, hệ thống những trường còn lại này chưa được đánh giá đúng mực.

Theo UPM, các trường đại học (đặc biệt là các đại học định hướng nghiên cứu) đạt chuẩn 5 sao là các trường đã có khả năng tiếp cận nhóm 100 châu Á, có chất lượng hàng đầu quốc gia và bắt đầu có uy tín quốc tế. 

Các trường đại học 4 sao là các trường đại học có uy tín trong nước và khu vực. Các trường đại học 3 sao thực hiện tốt chức năng đào tạo theo phân khúc thị trường và có thể tham gia vào việc trong đổi sinh viên trong khu vực.      

Đẩy mạnh khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo được UPM chú trọng, phù hợp với sự phát triển của giáo dục đại học trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.

Đến nay, đã có 30 trường đại học Việt Nam và ASEAN tự nguyện tham gia sử dụng bộ tiêu chí UPM để đối sánh chất lượng. Theo Giáo sư Nguyễn Hữu Đức, kết quả đối sánh chất lượng và gắn sao cho thấy một bức tranh chân thực và tích cực về chất lượng các trường đại học Việt Nam và khu vực. 

Các cơ sở GDĐH có thể sử dụng các tiêu chí của UPM để tự đánh giá kết quả các hoạt động, đồng thời sử dụng UPM như một công cụ để quản trị chiến lược, phát triển thương hiệu, phát triển đối tác. 

Người học có được những thông tin chính xác về các trường ĐH để có thể lựa chọn trường, lựa chọn lĩnh vực, ngành nghề đào tạo phù hợp với năng lực, sở trường. Người sử dụng lao động có cơ sở để xây dựng chiến lược nhân sự, kế hoạch tuyển dụng và hợp tác chuyển giao tri thức.

Hệ thống UPM tiếp cận các trường đại học theo xu hướng đối sánh và gắn sao. Theo đó, các trường đại học có thành tích gần nhau được xếp cùng một nhóm và gắn từ 1-5 sao. 

UPM gồm 8 nhóm lĩnh vực và 54 tiêu chí. Mỗi lĩnh vực có mốc chuẩn và trọng số riêng với tổng cộng là 1.000 điểm. 8 nhóm lĩnh vực lần lượt là: Quản trị chiến lược (5 tiêu chí, trọng số 6%), Đào tạo (15 tiêu chí, trọng số 35%), Nghiên cứu (4 tiêu chí, trọng số 20%), Đổi mới sáng tạo (4 tiêu chí, trọng số 11%), Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo (4 tiêu chí, trọng số 6%), Công nghệ thông tin và tài nguyên số (10 tiêu chí, trọng số 10%), Mức độ quốc tế hóa (9 tiêu chí, trọng số 6%) và Phục vụ cộng đồng (3 tiêu chí, trọng số 6%). 

Theo GS. Nguyễn Hữu Đức, “UPM có cả phần mềm quản lý các tiêu chí, chỉ số để các trường tự quản lý, đối sánh. Trường nào có nhu cầu, UPM đều có thể hỗ trợ, tư vấn và thẩm định, thông báo kết quả cho các trường. Vấn đề là các trường phải cung cấp dữ liệu và minh chứng đầy đủ”.

Xếp hạng – cần một tổ chức độc lập để tăng độ tin cậy

TS. Trương Quốc Quân, Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Trường ĐH Thủy lợi (cơ sở giáo dục được gắn 4 sao) đánh giá, BXH UPM không tạo áp lực cho các trường, vì các trường được phân cấp thành từng nhóm khác nhau, và được “gắn sao” như “gắn sao” khách sạn, không phân chia theo thứ tự 1, 2, 3, 4…, nên các trường không phải ganh đua nhau, đây là điểm khá tích cực. 

Bộ tiêu chí BXH UPM cũng đã bao phủ được cả ba lĩnh vực quan trọng đối với bất kỳ một trường đại học nào, đó là đào tạo, nghiên cứu và phục vụ cộng đồng. Trong thời đại 4.0, UPM có thêm tiêu chuẩn liên quan đến đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp là phù hợp.

Tuy nhiên, theo về mức độ “quốc tế hóa” trong BXH này, theo TS. Quân là “điểm  yếu chung” của đa số các trường đại học Việt Nam, kể cả những trường đại học tốp đầu do tỉ lệ các chương trình đào tạo bằng tiếng nước ngoài và các chương trình liên kết đào tạo còn hạn chế, tỉ lệ giảng viên quốc tế đến làm việc và sinh viên nước ngoài theo học còn chưa cao.

Làm thế nào để việc gắn sao cho các trường đại học không rơi vào hình thức? TS. Trương Quốc Quân cho rằng, việc này phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Thứ nhất, về tư cách pháp nhân của đơn vị thực hiện xếp hạng, rất cần một đơn vị độc lập không liên quan đến bất kỳ một cơ sở hay một tổ chức nào thì việc xếp hạng, gắn sao sẽ khách quan, tin cậy hơn. 

Thứ hai, dữ liệu mà các trường cung cấp cho tổ chức xếp hạng cũng phải được kiểm chứng xem có chuẩn xác hay không? Ngoài ra cần tổ chức nhiều hội thảo, đa dạng hình thức truyền thông... để mọi người nắm rõ hơn bộ tiêu chuẩn xếp hạng, từ đó có thể hiểu và đánh giá khách quan hơn về kết quả xếp hạng của các trường đại học.

Theo bảng xếp hạng “made in Vietnam” UPM, những hoạt động phục vụ cộng đồng của các trường đại học cũng được tính điểm xếp hạng.

Chung quan điểm với TS. Trương Quốc Quân, một chuyên gia về giáo dục đại học cho hay, rất khuyến khích có một tổ chức nào đó đứng ra thực hiện công việc xếp hạng này, đồng thời đưa thêm nhiều trường đại học vào cùng thử nghiệm để góp ý, căn chỉnh, đồng thuận bộ tiêu chí. 

Có thể các cơ sở giáo dục cùng nhau lập một tổ chức trung gian, độc lập để xếp hạng, hoặc có thể kết hợp với một cơ quan báo chí như cách mà Tổ chức xếp hạng Times Higher Education, hay U -Multirank đang làm. “Như vậy ít nhạy cảm hơn mà mục tiêu để các trường tự phấn đấu cải thiện điểm yếu, phát huy điểm mạnh cũng đạt được”, chuyên gia này cho hay.

Về 8 lĩnh vực và 54 tiêu chí của BXH UPM, vị chuyên gia này cho rằng là hơi nhiều. “Cá nhân tôi thì ủng hộ việc đánh giá theo từng lĩnh vực/nhóm tiêu chí; không nên tính điểm tổng hợp - vì trọng số bao nhiêu là một vấn đề luôn gây tranh cãi”. 

Tuy nhiên, theo quan điểm của TS. Trương Quốc Quân (Trường ĐH Thủy lợi), số lượng 54 tiêu chí không quá nhiều, vì hiện tại Bộ tiêu chuẩn kiểm định cho cơ sở giáo dục của Bộ Giáo dục và đào tạo đã có đến 25 tiêu chuẩn và 111 tiêu chí.

Ở góc nhìn khác, một chuyên gia chuyên nghiên cứu về xếp hạng cho hay, bộ tiêu chí của UPM vừa giúp nhận diện tổng thể, vừa có thể phân tích điểm mạnh, điểm yếu đến từng hoạt động, từng lĩnh vực của cơ sở giáo dục ĐH. Đây là điểm rất đáng cổ vũ, hoan nghênh. 

Bảng tiêu chí có nhiều lĩnh vực mới phù hợp với yêu cầu phát triển chung của hệ thống đại học Việt Nam và khu vực, như lĩnh vực về “đổi mới sáng tạo và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo” với tổng cộng 8 tiêu chí, chiếm trọng số 8%. 

Lĩnh vực quản trị chiến lược cũng là một lĩnh vực ít được mang ra xếp hạng – thì đã xuất hiện trong BXH UPM. Hiện tại các bảng xếp hạng của thế giới vẫn chú trọng nhiều vào 2 tiêu chuẩn chính là nghiên cứu và đào tạo, với trọng số rất lớn. 

Chuyên gia này đề xuất, BXH đánh giá các trường trong mỗi nhóm cũng nên có bộ tiêu chí khác nhau. Thêm nữa, việc gắn sao về cơ bản sẽ làm cho các trường hài lòng, vì trường ở ngưỡng đầu của 3 sao với ngưỡng cao nhất của 3 sao cũng xếp trong cùng 1 nhóm, không tạo ra sự phân biệt về chất lượng rõ rệt, ít tổn thương đến tâm lý của trường. Nhưng ngược lại làm người học rất khó trong việc lựa chọn trường vì không thể biết chính xác trường nào thật sự tốt hơn trường nào.

Theo kết quả nghiên cứu ban đầu, các cơ sở GDĐH định hướng nghiên cứu đạt tiêu chuẩn “5 sao” bao gồm: Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN), Trường ĐH Công nghệ (ĐHQGHN), Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và ĐH Kasetsar (Thái Lan).

Trong nhóm cơ sở GDĐH định hướng nghiên cứu đạt tiêu chuẩn “4 sao” có Trường ĐH Y-Dược (ĐH Huế), Trường ĐH Khoa học (ĐH Huế), Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế), Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Dược Hà Nội, Trường ĐH Vinh, Trường ĐH Thủy Lợi, Trường ĐH Mỏ - Địa chất, Trường ĐH Giao thông Vận tải, Trường ĐH Phenika và ĐH Burapha (Thái Lan) và ĐH Malang (Indonesia). Trường ĐH Kinh tế thuộc ĐH Huế là trường ĐH khối khoa học xã hội đầu tiên đánh giá theo định hướng nghiên cứu đạt chuẩn “3 sao”.

Theo định hướng ứng dụng, đạt chuẩn “4 sao” có các trường: Trường ĐH Ngoại thương, Học viện Ngoại giao, Trường ĐH Thủ Dầu Một, Trường ĐH Quy Nhơn, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH West Visayas (Philippines). Nhóm 3 sao có: Trường ĐH Thành Đô, Trường ĐH Nam Cần Thơ, Trường ĐH Tây Đô, Trường ĐH Phan Thiết, ĐH Centro Escalar.

Thu Phương
.
.
.