Viết tiếp bài 72 ngàn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp: Thừa lượng - thiếu chất

Thứ Tư, 09/04/2014, 12:00

Câu chuyện chất lượng đào tạo của giáo dục đại học không phải mới, nhưng con số thất nghiệp đáng báo động, một lần nữa khiến chúng ta không khỏi giật mình. Bởi ai cũng hiểu, có một nguyên nhân căn bản nằm ở chính chất lượng đào tạo. Nhiều chuyên gia giáo dục khẳng định, chúng ta đang thiếu cử nhân, thạc sĩ chất lượng cao. Ở một xã hội mà nhà nhà, người người chạy đua theo bằng cấp thì không biết đến bao giờ, bài toán chất lượng mới được giải quyết để góp phần nâng cao nguồn nhân lực, đáp ứng được nhu cầu hội nhập.
>> Thất nghiệp thanh thản

"Giấc mơ" việc làm

Bạn bè của Ái Nhi (26 tuổi, quê ở Huế), cử nhân khoa Ngôn ngữ học, trường ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn TP HCM vẫn thắc mắc tại sao một người bằng giỏi như cô vẫn ì ạch mãi mà chẳng xin được việc mặc dù đã tốt nghiệp hơn 2 năm. Khi bạn bè cùng khóa ra trường, nhiều người đã đi làm, thì vấn đề xin việc của Nhi vẫn trống rỗng với kinh nghiệm tròn trĩnh là con số 0. Khi hỏi thì Nhi bảo rằng mình cũng đã gửi hồ sơ vào rất nhiều nơi như sales, làm biên tập, làm báo… Thế nhưng, chẳng có nơi nào gọi đi làm.

Cô bảo: "Có thể do bọn mình vừa mới ra trường, kinh nghiệm thực tế chưa nhiều, không đáp ứng được yêu cầu của phía tuyển dụng. Mặt khác, những kiến thức được học ở giảng đường chỉ là lý thuyết, không phù hợp với thực tế nên khi vào đời, bọn mình trở nên hoang mang và không biết mình phải làm gì. Tự bản thân mình cũng nhận ra mình không yêu ngành học này, không đam mê nó đến tận cùng và cũng không phù hợp để làm những công việc liên quan đến nó. Vậy nên, sau khi tốt nghiệp và không xin được việc làm, mình chuyển sang học văn bằng 2 tại Trường ĐH Kinh tế TP HCM. Nhi vừa tốt nghiệp văn bằng 2 cuối năm vừa rồi, đang chờ lấy bằng rồi về quê làm việc". Không chỉ Nhi mà rất nhiều bạn tốt nghiệp đại học vẫn loay hoay với câu hỏi: sẽ làm gì và bắt đầu như thế nào. 

Còn Quỳnh Vân (Hà Tĩnh) tốt nghiệp xuất sắc khoa Kinh Tế đối ngoại - Đại học Ngoại thương, sau hơn một năm loay hoay nộp hồ sơ, thi tuyển vào các công ty, ngân hàng, nhưng vẫn thất bại. Cô nhận ra: "Tôi thấy sai lầm khi thời sinh viên chỉ chăm chăm vào việc học để lấy điểm cao mà không chú trọng đến các kỹ năng như hoạt động xã hội, làm việc nhóm, tham gia các chương trình của cộng đồng và học tiếng Anh. Đi phỏng vấn tôi mới thấy mình thua kém nhiều bạn về sự nhanh nhạy, hiểu biết. Mặc dù có thể bằng cấp của tôi cao hơn. Nhưng kỹ năng, rõ ràng tôi thua xa nhiều bạn chỉ được bằng khá. Mà các nhà tuyển dụng họ không quá quan trọng chuyện bằng cấp. Họ chỉ cần biết, bạn làm được gì". Hiện tại, Quỳnh Vân đang cố gắng hoàn thiện những kỹ năng mềm như tiếng Anh, giao tiếp để tìm kiếm một cơ hội tốt cho mình trong tương lai.

Sinh viên tìm kiếm cơ hội việc làm tại hội chợ.

Nhiều bạn khi ra trường, va chạm thực tiễn, mới nhận ra mình đã bỏ phí thời gian bốn, năm năm trên giảng đường đại học. Học cho có bằng, học chỉ để mà học thiếu định hướng cho tương lai, đó là nguyên nhân dẫn đến tình trạng hoang mang lúc ra trường. Thế nên, con số 72 ngàn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp, chắc hẳn, ngoài những nguyên nhân xã hội, thì có một vấn đề cơ bản nằm ở chính bản thân các em chưa đáp ứng được nhu cầu của các nhà tuyển dụng.

Không chọn bằng cấp - chỉ chọn kỹ năng

Theo khảo sát các nhà tuyển dụng có một vấn đề nổi trội của những sinh viên, thậm chí là thạc sĩ, rất ít người đáp ứng được nhu cầu của các nhà tuyển dụng. Con số này, theo khảo sát hơn 500 doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh có đến 94% nhân viên mới phải đào tạo lại (nguồn từ công ty Nhân Việt Management Group).  Còn khảo sát 150 doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội, mức độ đáp ứng công việc của sinh viên tốt nghiệp đại học chỉ ở mức trung bình, dưới chuẩn.

Chính ông Trần Anh Tuấn - phó Giám đốc Trung tâm dự báo nguồn nhân lực và thị trường lao động TP Hồ Chí Minh cũng khẳng định: "70% sinh viên tốt nghiệp chưa trang bị tốt về chuyên môn cũng như kỹ năng mềm, trình độ ngoại ngữ để tiếp cận công việc. Bằng cấp cao không quyết định việc xin việc khó hay dễ mà nhân lực có đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng hay không". Đó là những vấn đề đáng báo động cho tình trạng chất lượng sinh viên của Việt Nam. Đó cũng là một nguyên nhân căn bản lý giải cho tình trạng thất nghiệp hiện nay. Câu chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" này, vẫn loay hoay chưa tìm được lối ra.

Theo đại diện của Ngân hàng cổ phần Quân đội, trong những năm gần đây, kinh tế khó khăn, mỗi năm ngân hàng này tuyển dụng chừng 300 đến 400 nhân sự. Việc tuyển chọn được lựa từ hàng ngàn hồ sơ, thậm chí nhiều nhân sự được tuyển dụng qua nhiều vòng thi khắt khe, vẫn không đáp ứng được yêu cầu công việc. Nên trong khoảng 300 đến 400 đó, vẫn có những người bị đào thải trong quá trình làm việc. Có một thực tế cho thấy trong quá trình tuyển dụng là việc đào tạo không gắn với thực tiễn. Nhiều cử nhân, thạc sĩ bằng giỏi mà ra trường vẫn không đáp ứng được yêu cầu. Cũng chính đại diện của ngân hàng này nhấn mạnh: đi làm cần những kỹ năng mềm như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, sự nhanh nhạy, chủ động trong công việc. Mà hầu hết cử nhân, thạc sĩ ra trường đều thiếu trầm trọng.

Cần hướng nghiệp cho các em để tránh tình trạng thừa thầy, thiếu thợ.

Vì thế nên chị Thùy Nhi, Phó Giám đốc, phụ trách nhân sự của Công ty Văn hóa sáng tạo Trí Việt (First News) nhận được rất nhiều hồ sơ xin vào các vị trí  tuyển dụng, nhưng chỉ xem qua hồ sơ đã thấy chưa có trường hợp nào nổi trội. Chị nói: "Vừa rồi, báo chí có đưa tin Việt Nam mình có tới 72.000 cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp. Và người ta nói đủ thứ lí do từ chủ quan tới khách quan. Với tư cách là người phụ trách nhân sự của công ty, tôi không quan tâm nhiều tới những thứ khác. Cái chúng tôi quan tâm là con người và người đó có đáp ứng được yêu cầu của chúng tôi hay không. Nhiều năm nay, chúng tôi vẫn phải tìm nhân lực qua nguồn này nguồn khác hoặc sự giới thiệu của người quen. Và đã có kinh nghiệm rồi".

Thậm chí, theo chị Hương, nhân viên maketting của Công ty An ninh mạng BKV, trong quá trình tuyển dụng chị nhận thấy rõ, nhiều cử nhân, thạc sĩ không xác định được mục tiêu từ đầu cho công việc của mình. Đôi khi họ chỉ gửi hồ sơ cho nhà tuyển dụng lấy lệ. Chứ thực tế họ không thể hiện tâm huyết và quyết tâm lựa chọn con đường của mình. "Sự hời hợt trong cách nghĩ, cũng là một vấn đề lớn của các cử nhân hiện nay. Thế nên, vừa rồi công ty tôi chỉ uyển được 5 em trong số 400-500 hồ sơ, hầu hết, nhiều người chỉ nộp cho vui, chứ không có mục đích đi tìm việc thực sự".

Tuy nhiên, căn nguyên của sự kém chất lượng ấy, không chỉ nằm ở bản thân các cử nhân, thạc sĩ của chúng ta. Một căn nguyên sâu xa, từ chính chất lượng đào tạo của các trường đại học. Sự mở rộng ồ ạt các ngành nghề, chạy theo số lượng, thị hiếu của các trường công lập và ngoài công lập càng ngày càng đẻ ra những sản phẩm kém chất lượng. Và song hành với nó là một xã hội tư duy trọng bằng cấp. Cho nên, theo tìm hiểu của chúng tôi, để đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cho các công ty, nhất là các công ty tư nhân, hoặc công ty nước ngoài, họ chọn giải pháp đào tạo nguồn nhân lực từ sinh viên. "Việc lựa chọn sinh viên cộng tác làm việc, sau đó 1,2 năm, nếu đáp ứng được nhu cầu sẽ tuyển dụng chính thức đang là một giải pháp hữu hiệu của nhiều công ty nhằm đáp ứng đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao. Chứ chúng tôi không thể chỉ trông chờ vào việc đào tạo ở nhà  trường". Chị Hương thẳng thắn.

Tiến sĩ Lê Đông Phương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục
và Nghề nghiệp, Viện Giáo dục Việt Nam

Nên tháo gỡ sự rối loạn của đào tạo đại học

Giáo dục đại học ở nước ta phát triển quá nhanh, số lượng bùng nổ, nhưng chất lượng lại tỉ lệ nghịch với chất lượng. Bên cạnh đó việc phân bố ngành học và địa bàn đào tạo cũng bất hợp lý. Có đến quá nửa các trường đại học, cao đẳng tập trung tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM. Ngoài ra, học sinh, sinh viên theo học những ngành về kinh tế, quản trị kinh doanh, tài chính, ngân hàng… tăng đột biến. Còn các ngành khoa học khác thì lại thiếu số lượng theo học. Giảng viên trong các trường đại học hiện nay đã thiếu, nhưng về năng lực cũng không cao. Việc cần làm là tháo gỡ từng vấn đề cho sự rối loạn của đào tạo đại học. Bên cạnh đó, đào tạo theo nhu cầu của xã hội là một giải pháp đã được Bộ GD-ĐT đặt ra từ lâu nhưng thực hiện rất chậm. Phần vì các trường chưa năng động, chưa có sự liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp, để biết được nhu cầu về nhân lực. Do vậy, Nhà nước cần phải có chính sách nhất định mới thúc đẩy các đơn vị sử dụng lao động liên kết với nhà trường.

GS. TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam

Thầy yếu dạy học trò lười

Nhà nước ta chưa bao giờ có những công bố công khai để biết được nhu cầu cần thiết về nguồn nhân lực như thế nào. Thế nên học tốt cũng thất nghiệp, mà đôi khi những người học kém lại xin được việc, vì họ có phong bì nên xin việc dễ hơn. Chúng ta cứ chạy theo thành tích, đẩy vống điểm lên, mà thực chất thì không có. Trong khi đó, các doanh nghiệp họ cần chất lượng, họ căn cứ vào chất lượng mà tuyển dụng. Ngày nay phổ biến hiện tượng, tôi gọi đó là sự pha loãng chất lượng. Một chén đường pha cho 5 ly nước thì ngọt, giờ pha ra 10 ly, 15 ly thì sao ngọt được nữa. Nhiều cán bộ giảng dạy trình độ kém, các trường ngoài công lập không đủ cơ sở vật chất, kỹ thuật, sinh viên chỉ được học lý thuyết mà thiếu thực tiễn. Nhà trường đào tạo chưa đến nơi đến chốn.

Có một vấn đề nữa xuất phát từ chính các em, đó là sự thiếu chủ động, tìm tòi, thích nghi với môi trường. Chúng ta dồn ép các em học phổ thông kinh khủng quá, nên lên đại học, các em có tâm lý xả hơi. Thầy yếu dạy học trò lười thì kết quả thế nào ai cũng rõ.

Nhóm PV
.
.
.