Vinh danh hay kinh doanh... danh

Thứ Ba, 03/05/2016, 20:37
Vừa qua, chương trình Đại Khánh hội “lễ vinh danh Nhà quản lý theo tiêu chí đạo đức toàn cầu, Trí thức Việt Nam sáng tạo và cống hiến, đơn vị, doanh nghiệp, doanh nhân văn hóa theo tiêu chí của UNESCO” đã diễn ra tại Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội.


Đáng nói là, chương trình này do Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam đứng ra tổ chức và để được vinh danh thì mỗi cá nhân sẽ nộp cho Ban tổ chức 22 triệu đồng/người. Sự việc này trước đó đã bị các nhà khoa học phản ứng gay gắt.

Chạy danh… hão

Theo tài liệu do các nhà khoa học cung cấp, danh sách những người được vinh danh lên tới 200 người. Ban tổ chức chương trình này gửi cho những người được vinh danh bảng hợp đồng hỗ trợ và yêu cầu kê khai thành tích, đóng góp của bản thân. Số tiền hỗ trợ là 22 triệu đồng/ người. Chính điều này đã khiến nhiều nhà khoa học bày tỏ sự bức xúc và khẳng định không tham gia chương trình vì có yếu tố trục lợi.

PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa (ĐH Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội) cho biết, bà nhận được số điện thoại của một thành viên trong Ban tổ chức vinh danh thông báo vào top 200 người xuất sắc. Họ đề nghị bà cho xin email để gửi thông tin.

Chương trình Đại Khánh hội diễn ra mới đây.

“Điều rất vô lý là Ban tổ chức thông báo tôi được đề cử vinh danh nhưng tôi hỏi cá nhân nào hay tổ chức nào đề cử tôi thì không biết; thậm chí đã đưa tên tôi vào danh sách được vinh danh rồi mà còn yêu cầu tôi gửi bản kê khai thành tích. Không biết thành tích của tôi thì làm sao lại đi vinh danh?”, bà Hoa nói.

 Nhận được email với 6 nội dung là: thư mời, đề án vinh danh, phiếu đăng ký, đề cử xét vinh danh, bảng thông báo dự trù kinh phí tổ chức chương trình và thông báo tên PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa có trong 200 người được vinh danh. “Tôi đọc xong suýt ngất”, bà Hoa bày tỏ tiếp. Chưa hết ngạc nhiên về việc mình có tên trong các tổ chức để vinh danh thì bà Hoa lại phát bực vì trong các file đính kèm Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam đề nghị bà nộp cho chương trình 22 triệu đồng để được lên sóng truyền hình. Vì thế, bà không hồi đáp.

“Hôm sau, lại có người xưng danh của Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam gọi điện hỏi tôi đã nhận được email chưa? Tôi trả lời đã nhận được nhưng tôi không phải người đi mua danh hão”. Nói xong, bà Hoa tắt máy.

“Tôi cho rằng đây là trò lừa đảo, đánh vào thói háo danh, thích danh hão của người Việt Nam, cũng giống như việc nộp 1.000 USD để được có tên vào danh sách “1.000 danh nhân tiêu biểu thế giới”, việc bỏ tiền ra mua danh hiệu Viện sĩ của các tổ chức quốc tế vài năm trước đây…

Cò kè ngã giá… mua danh

Tương tự, PGS.TS Nguyễn Công Lý, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tôn giáo, Trường ĐH KH-XH&NV - ĐHQG TP Hồ Chí Minh cũng nhận được email với 6 nội dung trên. Đặc biệt kèm theo cả Hợp đồng kinh phí hỗ trợ tổ chức của Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam, Công ty cổ phần Truyền thông và Phát triển thương hiệu Đại Việt. 

Ngoài ra, PGS.TS Nguyễn Công Lý còn nhận nhiều cuộc điện thoại của người Ban tổ chức này hỏi có tham gia cuộc vinh danh này không và thông báo nếu tham gia đóng góp 20 triệu đồng. “Khi họ nói như thế, tôi nói: Nhà giáo làm gì có tiền?”, ông Lý chia sẻ. Sau đó, đại diện Ban tổ chức thông báo là giảm giá xuống còn 10 triệu đồng.

 “1 đồng tôi cũng không mua danh hão đó. Tôi thấy đây là một sự sỉ nhục, mua bán. Hiện nay có tình trạng, chạy chức, chạy quyền, chạy chức danh khoa học, chạy bằng cấp, chạy học vị… bây giờ thêm chạy danh. Tôi không ngờ đạo đức của trí thức lại xuống cấp như vậy. Tôi cũng không ngờ nhiều người có tiếng trong giới khoa học lại tham gia Hội đồng xét duyệt như vậy” – PGS.TS Nguyễn Công Lý nói.

Cùng chung hoàn cảnh này là PGS.TS Hoàng Đình Chiến, Trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh. Để được vinh danh, mức giá ban đầu do Ban tổ chức đưa ra cho vị giảng viên này là 24 triệu đồng sau đó giảm dần xuống còn 22 triệu đồng. “Thậm chí, người gọi điện cho tôi còn nói: Thôi xét hoàn cảnh của thầy, không có điều kiện thì giảm xuống 18 triệu đồng”.

Chiêu bài vinh danh, thực chất là kinh doanh… danh này, ở nước ngoài đã có từ lâu. Nó vốn chỉ để dành cho người háo danh nộp tiền vào để được có mặt trong sách này, sách kia. Đã từng có một số nhà khoa học của Việt Nam nhận được giấy mời của các tổ chức nước ngoài này, nội dung cho biết người nhận được giấy mời đã lọt vào top 1.000 bộ óc vĩ đại nhất thế giới. Đổi lại, hãy nộp cho họ 1.000 USD để nhận lấy một tờ giấy chứng nhận đóng dấu của một viện xa lắc lơ nào đó. 

Có người đã hài hước mà đùa rằng, đem tờ giấy chứng nhận đó, đốt ra tro rồi hòa vào nước uống sẽ trị được bách bệnh. Người nhận được giấy đấy hãy là còn may; nhà báo Bùi Hoàng Tám còn cho biết rằng, có người nộp 500 USD xong, được hứa hẹn làm bảng vàng vinh danh, được in sách, kết quả là “mất hút con mẹ hàng lươn”.

Vaccine chống virus háo danh

Nhà văn Văn Công Hùng (Hội VHNT tỉnh Gia Lai) bình luận rằng: “Cái thói háo danh rất lạ, nó chả chừa ai”. Một thời gian trước, nhiều người dân ta đã từng cắm cúi nhắn tin bình chọn vịnh Hạ Long là kỳ quan theo lời mời của một trang web cũng ất ơ nào đó, từ Bộ trưởng tới đứa bé mấy tháng tuổi cùng suốt ngày bấm bấm bấm…

Lâu lâu lại thấy trực tiếp trên truyền hình quốc gia các lễ vinh danh, hỏi ra thì biết, phần lớn là phải… nộp tiền.  Ông Văn Công Hùng cho rằng, lâu nay chúng ta bị nhiễu danh hiệu.

“Trước đấy vài tháng, Quảng Bình đã cương quyết khước từ việc nộp tiền để một tổ chức ất ơ nào đó vinh danh hệ thống hang động của mình, bởi nó đã là kỳ quan rồi, đã chính danh rồi thì cần gì những thứ phù phiếm ấy”, ông Hùng kể.

Điều nhà thơ ở đất Tây Nguyên này phải kính nể là “có những người vượt lên trên được cái thói háo danh thông thường ấy, để… kinh doanh nó”.

Nhân nói đến chuyện kinh doanh danh hiệu thì trong cả nước chẳng thiếu chỗ nào. Doanh nhân thì có tôn vinh cúp này, cúp nọ, cúp kia. Thôi thì doanh nhân hay thương gia là người có tiền, họ có mua bán cũng chẳng sao. Còn nhà khoa học lâu nay vẫn được người dân kính trọng vì những thành quả nghiên cứu của mình. 

Bên cạnh những đề tài khoa học trên giấy, hay nhét trong các hộc, các tủ trong các kho của Nhà nước thì vẫn có những nhà khoa học đưa được các công trình áp dụng vào thực tế, ứng dụng thiết thực cho thực tiễn đời sống đất nước. Để vinh danh họ, hãy căn cứ vào các công trình. Người viết bài này cho rằng, căn cước của một nhà khoa học phải là ở sản phẩm khoa học thực sự. 

Nghĩa là, công trình đó phải có ứng dụng thực tế. Chứ còn, xúng xính các loại học hàm học vị, liệt kê bảng thành tích dài kín hết cả mặt giấy A4 mà chỉ là sản phẩm để mốc trong kho thì đó cũng chỉ là khoa học rởm. Vì là khoa học rởm nên họ cần đến danh hão để khoe với đời.

Có lần, tôi đi mua sách cũ, cầm một cuốn lên, thấy đề rằng tác giả là nhà khoa học tầm cỡ thế giới thì thất kinh, suýt rơi sách. Lạ một điều là tôi cũng không đến nỗi ít đọc hay gà mờ Internet để giao lưu, vậy mà còn không biết đến tên của vị này thì mới thấy cái thói khoe danh hão đến sợ. Cho nên, còn những người thích danh hão thì vẫn còn đất sống của những người buôn danh. 

Chính vậy mà, nhà thơ Văn Công Hùng hàm tiếu nói rằng: “Không thể ngày một ngày hai mà loại được ngay các món lừa này, bởi như đã nói, thói háo danh nó khu trú trong từng con người, chỉ chờ cơ hội là bùng phát. Lạy trời, một ngày nào đó, người ta phát minh ra được loại vaccine chống virus háo danh này…”.

Nguyễn Văn Vĩnh... người không ưa hư danh

Tròn 80 năm về trước, khi nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh (1882 – 1936) qua đời, nhiều trí thức kính nể ông. Sinh thời, Nguyễn Văn Vĩnh có chí tự lập và không ưa hư danh.

Ngự sử văn đàn Phan Khôi đã viết trên báo Sông Hương số 1 (ra ngày 1-8-1936) rằng: “Kể trong ba bốn mươi năm nay, ở Bắc kỳ, ông nào có máu mặt cũng chạy cho được cái Bắc Đẩu bội tinh, cái Hồng Lô tự khanh, cái Hàn Lâm gì đó, cùng không nữa cũng đồng kim tiền, chiếc kim khánh. Chỉ một mình ông Vĩnh, muốn có thì giống gì mà chẳng có, nhưng ông đã chẳng có gì cả, ông chỉ là bạch đinh. Tấm lòng nguội lạnh đối với hư vinh ấy đã đưa ông lên làm tiêu biểu cho bạn trẻ chúng ta sau này”.

Kiều Mai Sơn
.
.
.