"Vỡ mặt" vì… làm đẹp trừ nợ

Thứ Sáu, 30/08/2019, 19:49
Do có mối quan hệ từ trước, Nguyễn Thị H. (SN 1992, ở Hà Nội) đồng ý thử phương pháp làm đẹp mới nhất tại spa của bà Đỗ Mai A... Nhưng sau khi bơm mỡ tự thân để làm đẹp, khuôn mặt của H. ngày càng biến dạng, nhiễm trùng và chảy mủ. Đến mức khi nhìn lại khuôn mặt của mình qua gương, H. đã phải sững sờ vì hậu quả của việc làm đẹp…


Chuột bạch

Trong lá đơn kêu cứu gửi báo chí, chị Nguyễn Thị H. đã trình bày lại quá trình vụ việc khiến mình phải chịu hậu quả đau đớn vì việc làm đẹp. Đầu năm 2018, chị H. đến cơ sở chuyên cung cấp dịch vụ làm đẹp của bà Đỗ Mai A. tại phố Hào Nam (phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội) để đăng ký làm học viên, với học phí là 25 triệu đồng cho khóa học.

Sau khi đóng tiền được hơn 1 tháng, dù chưa được tham gia lớp học để được đào tạo thì H. phát hiện mình có thai. H đã xin bảo lưu việc học để sinh con. Dù nghỉ giữa chừng nhưng H. và bà A. vẫn giữ liên lạc thường xuyên trong suốt quãng thời gian đó. Lý giải cho việc này, chị H. cho biết bà A. từng là giảng viên của một trường đại học tại Hà Nội, nơi cô từng theo học. Với quan hệ cô - trò nên sau khi ra trường, H. vẫn thường xuyên liên lạc và rất tin tưởng vào cô giáo của mình.

H. từ khi chưa làm đẹp.

Cũng trong những buổi nói chuyện ấy, H. được bà A. giới thiệu về một phương pháp làm đẹp mới rất hay và an toàn với chi phí chỉ khoảng 3 triệu đồng. Do là phương pháp mới nên bà A. cũng tuyển mẫu để làm thử, tiện để dạy cho học viên và trong một lần nói chuyện, H. đã đồng ý đăng kí làm mẫu cho cô giáo cũ của mình.

Ngày 3-7-2019, chị H. đến cơ sở làm đẹp của bà A. chơi và cho bà này mượn 150 triệu đồng để mua máy móc thiết bị và đi học nâng cao. Sau khi H. cho cô giáo cũ vay tiền, bà A. còn mời H. làm đẹp miễn phí bằng cách bơm mỡ tự thân lên khóe cười. Kèm theo đó là lời hứa an toàn không gây đau đớn, ca làm đẹp này sẽ do đích thân bà A. trực tiếp làm và hoàn toàn miễn phí, đáp lại việc chị H. đã cho bà này vay tiền trước đó.

"Ban đầu nghe phương pháp này thì tôi không định làm, nhưng bà A. liên tục thuyết phục và cho rằng làm phẫu thuật sẽ không đau, không nguy hiểm nên sau đó tôi cũng đồng ý", H. cho biết.

Bắt đầu ca phẫu thuật, H. được yêu cầu nằm lên bàn, gây tê vùng bụng, rạch 2 lỗ để đưa ống hút mỡ vào, sau đó đem mỡ đi tách li tâm. Sau khi tách li tâm, H. được tiêm 2 mũi mỡ tự thân vào rãnh cười. Tuy nhiên ngay sáng hôm sau, cô gái trẻ đã thấy mặt biến dạng, sưng vù.

Thẩm mỹ viện của bà A. đang đóng cửa.

Làm đẹp thành…làm xấu

Chụp ảnh khuôn mặt biến dạng của mình gửi cho bà A., H. lại được bà này kê đơn thuốc nhưng uống 1 tuần không đỡ, thậm chí mặt sưng to hơn. Do lo sợ, H. tiếp tục tìm đến tận nhà riêng của bà A. để hỏi chuyện. Thấy tình hình nghiêm trọng, bà này tiếp tục dẫn H đến gặp một chủ spa khác, nói là "thầy dạy", được kê thêm 1 đơn thuốc khác.

Uống thêm được 3 ngày thuốc, H. thấy mặt căng tròn như quả bóng, khuôn mặt bị phù nề biến dạng đến mức phải đi cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Thời điểm này cũng chính bà A. đưa cô đến bệnh viện và có trao đổi với bác sĩ điều trị. Sau khi chẩn đoán, các bác sĩ cho biết khuôn mặt của H. bị nhiễm trùng tạo thành các ổ mủ lớn trên mặt, gây biến dạng khuôn mặt.

Để điều trị cho H, các bác sĩ của Bệnh viện 108 phải rạch nhiều điểm trên khuôn mặt và dùng ống hút, vét mủ để làm sạch các ổ mủ này. Quá trình rạch vết thương hút mủ khiến cô gái trẻ vô cùng đau đớn, cùng với việc sử dụng nhiều thuốc tê và H. mới chỉ sinh con chưa đầy 6 tháng nên có thời điểm sức khỏe của cô vô cùng nguy kịch. Sau 22 ngày điều trị (từ 16-7 đến 9-8), tình trạng bệnh không tiến triển do H. bị nhiễm vi khuẩn lạ từ việc phẫu thuật.

Quá hoang mang, lo lắng, gia đình đã xin chuyển chị H. sang Bệnh viện Nhiệt đới để điều trị. Tại đây, các bác sĩ cho biết chị H. có nguy cơ bị nhiễm trùng máu, chưa có phác đồ điều trị và khuyên gia đình chuyển sang Singapore để điều trị với chi phí vô cùng tốn kém.

Khuôn mặt của H. bị hỏng sau khi làm đẹp.

Chị H. cho biết lúc này, bà A. đã tỏ thái độ không hợp tác và chặn số điện thoại liên hệ, đồng thời còn có lời đe doạ các bác sĩ điều trị cho chị với lý do nghi ngờ hai bên đã phối hợp để "làm tiền" bà A.

Theo thông tin báo chí xác minh, hiện tại bà A. là giảng viên dạy môn âm nhạc thuộc khoa văn hóa và du lịch. Hiện tại, bà A. vẫn đang công tác và giảng dạy tại trường. Việc mở cơ sở Spa làm đẹp và vay mượn tiền rồi để sự việc xảy ra như đã nêu thì nhà trường bây giờ mới biết.

Tuy nhiên, nhà trường sẵn sàng hợp tác với các cơ quan chức năng để làm rõ sự việc với tinh thần không bao che. Chị H. cũng cho biết cơ sở spa của bà A. đã đóng cửa sau khi sự việc xảy ra.

Trao đổi với phóng viên, Trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh nhân Nguyễn Thị H. sau khi chuyển từ Bệnh viện 108 sang, đến nay đã qua 8 ngày điều trị tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương bằng các thuốc kháng sinh, kháng nấm, các dấu hiệu nhiễm trùng đã cải thiện, một số vết mủ se lại.

Nhưng vẫn xuất hiện các ổ mủ mới... may mắn là thị lực của bệnh nhân không bị ảnh hưởng. Hiện tại, ngoài việc điều trị nhiễm trùng, bệnh viện cũng đang phải phối hợp với các bác sĩ khoa lành vết thương của viện Bỏng quốc gia để tìm biện pháp giảm nguy cơ sẹo xấu, co kéo gây biến dạng khuôn mặt của bệnh nhân.

Những cuộc làm đẹp thất bại

Ngoài vụ việc của Nguyễn Thị H, đã có nhiều trường hợp gặp "tai nạn" khi làm đẹp tại spa. Đáng chú ý nhất là vụ việc xảy ra vào ngày 6-4-2019, khi Khoa cấp cứu của Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận trường hợp một bệnh nhân nữ tên Đỗ N.A. (SN 1994) hôn mê sâu từ  bệnh viện tư nhân An Việt (TP. Hà Nội) chuyển tới.

Lý do chuyển viện của bệnh nhân này là bệnh nhân xuất hiện co giật, trụy mạch sau khi khởi mê để phẫu thuật. Bệnh viện An Việt đã cấp cứu tại chỗ và chuyển sang Bệnh viện Bạch Mai để tiếp tục cấp cứu. Khi được đưa tới Bệnh viện Bạch Mai, nữ bệnh nhân này đang rơi vào tình trạng hôn mê sâu, phải có sự hỗ trợ hô hấp và tuần hoàn.

Sau khi đưa bệnh nhân đi làm các xét nghiệm thăm dò chức năng, chụp cộng hưởng từ … kết quả cho thấy bệnh nhân bị thiếu mãu não, phù não… Các bác sĩ đã tiến hành các biện pháp hồi sức tích cực, hội chẩn liên chuyên khoa ngay trong đêm và sau đó được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực.

Bệnh viện Bạch Mai cũng đã nhiều lần tổ chức hội chẩn chuyên môn với sự phối hợp của các bác sĩ chuyên khoa, cũng như sử dụng các máy móc hiện đại để hồi sức, tuy nhiên, tình trạng bệnh nhân không tiến triển và đã tử vong vài ngày sau đó. Được biết nạn nhân có quốc tịch Nhật Bản. Trước đó cô cũng làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sắc đẹp tại Nhật.

Ngoài việc có nguy cơ tử vong, nguy hiểm đến tính mạng khi tiến hành phẫu thuật thẩm mỹ tại các cơ sở kém chất lượng, nhiều người còn bị lây các căn bệnh truyền nhiễm chết người khi thực hiện việc làm đẹp.

Cũng trong tháng 4-2019, một trường hợp bệnh nhân đến khám và điều trị sau khi sửa mí mắt được phát hiện nhiễm HIV cũng khiến nhiều người lo ngại về việc làm đẹp. Bệnh nhân nữ, tên V. (Hà Nội), bị sụp mí bẩm sinh, trước đó, cô từng đi cắt mí tại một cơ sở thẩm mỹ không có danh tiếng với chi phí thấp hơn rất nhiều so với làm tại các bệnh viện.

Trước khi vào phòng mổ để sửa lỗi, V. được đưa đi xét nghiệm các bệnh truyền nhiễm và làm hồ sơ. Kết quả kiểm tra máu cho thấy bệnh nhân này dương tính với virus HIV. Bệnh nhân được bác sĩ gọi vào phòng riêng thông báo. Các bác sĩ đã từ chối ca phẫu thuật thẩm mỹ này, hướng dẫn đến chuyên khoa truyền nhiễm thăm khám.

Theo các bác sĩ, việc những bệnh nhân đến làm đẹp tại các cơ sở thiếu uy tín, làm chui, việc nhiễm các căn bệnh từ việc không sát khuẩn kĩ dụng cụ phẫu thuật là điều không hiếm. Một bộ dụng cụ mổ khá đắt, sau mỗi ca mổ các dụng cụ này được đưa đi sát khuẩn, vô trùng theo quy trình rất nghiêm ngặt của Bộ Y tế. Toàn bộ hệ thống máy móc để hấp rửa và sấy khô dụng cụ được kiểm soát chặt chẽ.

Đầu tiên dụng cụ được ngâm dung dịch tiền khử khuẩn. Sau đó, dụng cụ được rửa bằng tay. Công đoạn khử khuẩn hoàn thiện, dụng cụ được đưa máy hấp ướt, sấy khô, đóng vào hộp inox. Cuối cùng các hộp dụng cụ đưa vào phòng kín, có chiếu tia cực tím, tránh lây nhiễm vi khuẩn từ không khí.

Mỗi bộ dụng cụ sau khi chiếu tia cực tím phải đợi 2 tiếng sau mới được dùng, vì trong khoảng thời gian này trên dụng cụ vẫn lưu lại tia cực tím, không tốt cho bệnh nhân. Tuy nhiên, không phải cơ sở spa nào cũng áp dụng quy trình này, thậm chí là làm một cách qua loa, từ đó dẫn đến bệnh tật và những hậu quả đáng tiếc.

Đinh Hiền
.
.
.