Vời vợi vàng sao

Thứ Tư, 07/01/2015, 17:30
Hẳn nay ai đến thôn Từ Vân, xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội đều biết tiếng gia đình vợ chồng nhà anh Phục chị Duyên chuyên may cờ đỏ sao vàng. Bởi lẽ quanh năm nhà anh có khách hỏi đến để đặt hàng. Nhất là vào những ngày lễ tết, hội hè đình đám, khách thập phương kéo đến nhận cờ về để bán. Vào những dịp này, người trong làng như vào ngày hội, nhà nhà nhộn nhịp may cờ. Người già, con trẻ ríu rít với những cánh sao vàng trên tay…

1. Khi về tới thôn Từ Vân đang thời kỳ may cờ chuẩn bị đón cái Tết sắp tới, cùng những ngày hội vào xuân, mới hay không khí tại gia đình anh Phục mới nhộn nhịp làm sao. Nhiều người thợ đã được huy động kịp thời ngày đêm may cờ. Thậm chí nhận được nhiều hợp đồng, gia đình anh còn phải phân chia bớt cho các gia đình khác trong thôn cùng làm. Đúng là hàng triệu lá cờ đỏ sao vàng trên mọi nẻo đường đất nước đều bắt đầu tung bay từ ngôi nhà cấp bốn này. Đó là niềm vui không chỉ riêng gia đình anh mà còn là của cả làng thêu nổi tiếng khắp vùng này.

Lại nhớ cách đây không lâu, vào mùa bóng đá quốc tế, các đại lý bán cờ cho nhà anh Phục, ở phố Hàng Bông đều hết nhẵn hàng. Thế là cả nhà anh Phục phải huy động cả bà con trong làng mê mải làm suốt đêm mới đủ cờ để cung cấp theo yêu cầu. Họ đòi ngay trong đêm phải có hàng ngàn lá cờ để bán cho những người đam mê cuồng nhiệt bóng đá. Ai nấy, đều phải có lá cờ đỏ sao vàng trong tay tung hô, khích lệ cầu thủ của đội tuyển quốc gia Việt Nam. Có lần cả nhà ngồi xem trên màn ảnh nhỏ hàng chục ngàn người tung lá cờ đỏ sao vàng trên khán đài hát vang bài ca “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” mà trong lòng rạo rực làm sao. Những đứa trẻ trong nhà vội lấy lá cờ khoác lên vai cùng hô to “Việt Nam cố lên!”. Rồi chúng reo hò như ở ngoài sân bãi. Có lẽ niềm vui của chúng được nhân lên khi nhìn thấy những lá cờ của gia đình mình đang tung bay trên sân vận động.

Anh Phục bùi ngùi kể lại cái đận gian nan cách đây 18 năm, đã phải cùng bố đi giao hàng trên phố, vất vả ngày đêm để tạo dựng dần mối hàng. Với bao ký ức của một thời nhọc nhằn, khi cả làng bỏ nghề đi kiếm việc làm khác nhiều tiền hơn, thì gia đình anh vẫn cặm cụi may từng lá cờ dù nhỏ nhất để sinh sống qua ngày.

Anh Phục may cờ.

Bà Đàn, mẹ anh Phục trò chuyện, xưa cả làng làm nghề thêu là chính, chỉ làm cờ đỏ sao vàng vào những thời vụ trong năm. Bà nhớ vào ngày 19/8/1945, cuộc tổng khởi nghĩa cướp chính quyền của quân và dân ta, hàng vạn lá cờ của làng Từ Vân đã tung bay ở Thủ đô Hà Nội. Đó là thời khắc lịch sử và cũng là cái mốc làm nghề may cờ đỏ sao vàng ở Từ Vân. Hồi ấy, làng còn có hẳn một hợp tác xã mang tên Cờ Đỏ, đóng trụ sở ở số 4 phố Hàng Bông. Bà con trong làng lên Hà Nội làm cờ nhộn nhịp lắm. Sau này, khi kinh tế gặp nhiều khó khăn, hợp tác xã bị giải thể, bà con lại quay về làng may cờ, và tiếp tục với nghề thêu truyền thống lâu đời mà ông cha để lại hàng trăm năm qua. Nhưng rồi ngày càng khó khăn, nghề thêu cũng lận đận mọi bề, ở thời buổi thị trường này. Hơn nữa, tiền lãi làm cờ bán chả được bao nhiêu, họ đều bỏ hết, giờ chỉ còn độc mỗi gia đình nhà bà Đàn làm công việc này.

Nhưng rồi thời gian trôi đi, sự nhẫn nại cũng đã được đền đáp. Bà nhớ, bố chồng bà khuyên thôi cứ may cờ cho đẹp là đủ sống, không nghĩ tới làm giầu mà phải bươn chải vất vả. Bà nghe lời cùng chồng gây dựng sự nghiệp cho con cái. Bà Đàn nhớ lại, nếu cứ kể chuyện cụ nội làm lá cờ đầu tiên từ năm 1940, giữ bí mật và chờ cho đến khi Cách mạng Tháng Tám thành công, thì gia đình bà đã có tới hơn 70 năm làm nghề may cờ. Tính đến nay, ngoài anh Phục, ở độ tuổi 40 là đời thứ tư trong gia đình làm nghề may cờ, thì hiện tại các cháu nội của bà cũng đã phụ giúp gia đình các công việc cắt may.

Bà còn vui vẻ kể, mấy đứa con của vợ chồng anh Phục, chị Duyên cũng say cờ lắm. Việc gì chúng cũng làm, bắt đầu từ việc nhỏ nhất là giặt vải, phơi cờ, đến chọn chỉ, chọn kim… Còn Thảo, đứa cháu gái may những ngôi sao vào cờ đỏ khéo và đẹp, không kém gì mẹ nó. Bà kể thật say sưa mọi chuyện với niềm vui muốn chia sẻ với mọi người, cho dù mỗi lá cờ chỉ được vài ngàn đồng thôi, nhưng yêu nghề và thổi hồn vào những lá cờ mới là quan trọng. Bà chỉ mong có thế.

2. Nhưng có lẽ không kỷ niệm nào của gia đình vui hơn, khi bà Đàm khoe, con trai bà là người may lá cờ Tổ quốc lớn nhất nước. Nếu không nói là cờ đỏ sao vàng rộng 54m2 của anh Phục là một kỷ lục trong bảng Guinness của nước ta hiện nay. Nói về chuyện này cách đây mươi năm, anh Phục trầm ngâm nhớ lại, với bao nỗi niềm xúc động. Khi được các anh trong đơn vị quân đội yêu cầu làm một lá cờ rộng 54m2, tượng trưng cho 54 dân tộc của đất nước ta, anh hồi hộp và lo âu lắm. Nhất là khi lá cờ ấy lại được bay cao trên cột cờ ở Lũng Cú, Hà Giang, nơi địa đầu Tổ quốc, khẳng định chủ quyền nước ta. Cả mấy đêm anh không ngủ để tìm phương án may cờ. Bởi lẽ để làm một lá cờ đẹp, dù nhỏ cũng đòi hỏi người thợ phải tỉ mỉ và tập trung, còn chuyện làm một lá cờ lớn như vậy thật không hề dễ dàng chút nào. Anh nói, việc chọn vải cho một lá cờ lớn đến như thế là cả một vấn đề. Yêu cầu nước cờ phải tươi sáng, bền mầu theo thời gian và vững vàng trước những luồng gió mạnh trên đỉnh núi cao. Cùng với đó là chia tỉ lệ cân đối giữa ngôi sao vàng lớn trên nền cờ, để khi tung bay, hình cờ phải cân đối, đẹp mắt cũng không hề đơn giản. Đó quả là một công trình để đời của vợ chồng anh Phục, chị Duyên.

Phải nói đó là một lá cờ vĩ đại làm cả làng Từ Vân sửng sốt. Sau nhiều ngày đêm họp bàn, nhiều đề xuất khả thi, cuối cùng cha con anh Phục cũng đã thể hiện tài năng và tình yêu đất nước qua lá cờ khổng lồ này. Đúng như bà Đàn, mẹ anh đã từng dạy làm một lá cờ không khó, nhưng muốn làm đẹp phải có tình yêu đối với nó, tâm hồn phải trong trẻo khi thể hiện từng đường kim mũi chỉ. Chuyện đến lúc này, anh Phục chợt nhớ đến người họa sĩ cách mạng, Nguyễn Hữu Tiến, người đã sáng tác hình tượng lá cờ đỏ sao vàng. Ông cũng là người dựng bản vẽ và làm lá cờ đầu tiên, khi tham gia khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940. Tâm huyết của tác giả khi sáng tác lá cờ đỏ sao vàng đã được khắc họa sâu sắc qua những vần thơ:

Hỡi những ai máu đỏ da vàng

Hãy chiến đấu dưới cờ thiêng Tổ quốc

Nền cờ thắm máu đào vì nước

Sao vàng tươi, da của giống nòi

Đứng lên mau hồn nước gọi ta rồi

Hỡi sỹ nông công thương binh

Đoàn kết lại như sao vàng năm cánh”.

Nguyễn Văn Phục đã thiết kế lá cờ rộng 54m2 của mình từ một tâm thế thiêng liêng như thế. Những cảm xúc trong tâm hồn anh, cùng sự giúp đỡ của mọi người thân trong gia đình, ngọn cờ Tổ quốc trên đỉnh Lũng Cú đã thành công. Hiện nay, mỗi khi lên tới khu cổng trời này, ai cũng đều được ngắm lá cờ lớn tung bay trong gió, với niềm vui của người dân làng Từ Vân, được gửi gắm qua bàn tay tài hoa của Nguyễn Văn Phục.

Lá cờ 54 dân tộc bay trên đỉnh Lũng Cú.

Giờ đây nhắc lại kỷ niệm làm một lá cờ đạt kỷ lục xưa nay hiếm, trong lòng anh vô cùng tự hào và sung sướng. Anh coi đó là thành quả của làng chứ không còn phải là của riêng mình. Anh bồi hồi kể mỗi lần được nhìn hình lá cờ của làng bay trên đỉnh Lũng Cú, cho dù chỉ qua màn ảnh truyền hình, trong lòng rạo rực xiết bao. Những kỷ niệm cứ tràn về, tươi nguyên như mới ngày nào, tràn ngập niềm vui. Lúc ấy, mọi người đều ngồi im lặng bên nhau, bồi hồi nhìn lá cờ và cùng ước sẽ có một ngày tất cả đều được lên đỉnh Lũng Cú để kính cẩn nghiêng mình chào lá cờ thiêng liêng.

3. Hòa với niềm vui với đất nước, hàng triệu lá cờ mang sắc đỏ thiêng liêng của dân tộc đã ghi dấu tâm hồn và bàn tay của những người thợ làng nghề Từ Vân, luôn luôn tung bay trong gió thể hiện tình yêu với Tổ quốc. Gia đình anh Phục đã có nhiều tâm huyết giữ lấy nghề của ông cha để lại. Niềm vui của gia đình được nhân lên khi con trai anh Phục, cháu Nguyễn Phương Nam thay mặt cho anh chị em trong nhà, thế hệ thứ năm nói, khi lớn lên sẽ tiếp tục làm nghề may cờ. Có lẽ bà Đàn đã đúng khi truyền được tình yêu và tâm hồn cho các cháu về ý nghĩa sâu sắc và vẻ đẹp của lá cờ Tổ quốc, ngay từ những công việc đầu tiên, từ cánh sao đầu tiên trong cuộc đời.

Mai Đỗ
.
.
.