Vụ Công ty Long Sơn và bài học trong công tác quản lý đất rừng ở Tây Nguyên

Thứ Hai, 02/01/2017, 06:03
Đất và rừng ở Tây Nguyên được xem là vốn tài sản vô cùng quý giá, vì vậy, nếu không có chính sách quản lý, sử dụng, phân bố một cách thật hợp lý thì không những nảy sinh tiêu cực, lãng phí, mất mát... mà còn gây bất ổn cho xã hội.


Từ vụ án xảy ra ở Công ty TNHH Thương mại - Đầu tư Long Sơn cho thấy có nhiều bất cập lớn trong công tác quản lý, giao đất, giao rừng ở Tây Nguyên...

Trong khoảng thời gian chừng chục năm trở lại đây, đất và rừng ở Tây Nguyên được nhiều doanh nghiệp, đại gia khắp cả nước săn lùng, tìm cách “chạy” dự án đầu tư.

Xe ủi của Công ty TNHH Thương mại - Đầu tư Long Sơn vào khai phá vườn điều.

Nhiều doanh nghiệp có năng lực kinh tế thực sự, làm ăn đàng hoàng tìm đến Tây Nguyên đầu tư là một điều đáng mừng cho người dân và chính quyền địa phương. Thế nhưng, thực tế lại có không ít doanh nghiệp tìm cách chạy chọt, xí phần, kiếm dự án để phá rừng, chiếm đất trục lợi, chuyển nhượng... và để lại những hậu quả đau lòng.

Ở huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai, từng là điểm “nóng” tranh chấp đất đai giữa người dân với doanh nghiệp được giao dự án. Cụ thể như Công ty Lê Khanh được UBND tỉnh Gia Lai cấp dự án từ năm 2006, với diện tích đất tạm giao ban đầu hơn 2.300ha để trồng rừng kết hợp chăn nuôi.

Tuy nhiên, quá trình triển khai chậm trễ, không hiệu quả, để xảy ra cháy rừng trồng... nên nhiều lần đã bị tỉnh Gia Lai thu hồi đất. Đến nay, diện tích đất còn lại khoảng 410ha nhưng dự án vẫn không hiệu quả, một phần bị người dân lấn chiếm...

Điểm “nóng” khác là dự án Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Trường Thịnh ở xã Ia Le, huyện Chư Pưh, bị dân di cư từ các nơi lấn chiếm hàng trăm hécta đất dự án đã được UBND tỉnh Gia Lai giao doanh nghiệp để thực hiện trồng rừng, hồ tiêu và kết hợp chăn nuôi.

Cuối năm 2015, nhiều lần phía Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Trường Thịnh tiến hành đưa phương tiện vào cày xới đất để thực hiện dự án thì bị nhiều người dân vây đánh, ngăn cản dẫn đến xô xát... nhưng rất may được cơ quan chức năng ngăn chặn kịp thời nên chưa xảy ra hậu quả đáng tiếc.

Ông Nguyễn Văn Khanh-Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Pưh (Gia Lai) cho biết, trên địa bàn huyện có 11 dự án chuyển đổi từ rừng nghèo sang trồng cao su và trồng rừng kết hợp chăn nuôi, sản xuất... với tổng diện tích hơn 7.000ha, đã được UBND tỉnh Gia Lai giao cho các doanh nghiệp thực hiện.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện, một số doanh nghiệp kém năng lực, chậm triển khai để dân lấn chiếm, có hàng trăm hécta đất dự án dính tranh chấp với rẫy của dân khai phá trước đây nên không thể thực hiện được dự án...

Ở địa bàn tỉnh Đắk Lắk hiện có 50.975ha rừng và đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép, trong đó diện tích bị phá, lấn chiếm trước năm 2008 là 24.503ha, từ năm 2008 đến nay là 26.471ha.

Để cưỡng chế, thu hồi và trồng mới rừng trên diện tích đất này đang là bài toán nan giải đối với các ngành chức năng địa phương. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp được UBND tỉnh Đắk Lắk giao đất rừng đã thực hiện dự án không hiệu quả, có doanh nghiệp chuyển nhượng trái phép...

Điểm “nóng” ở địa bàn huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông về tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai, mâu thuẫn gay gắt giữa người dân với các doanh nghiệp kéo dài trong nhiều năm qua.

Năm 2008, DNTN Phạm Quốc (có trụ sở đóng tại thôn 3, xã Đắk Som, huyện Đắk Glong) được UBND tỉnh Đắk Nông cho thuê hơn 318ha đất lâm nghiệp thuộc xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức để thực hiện dự án trồng rừng, trồng cao su và khoanh nuôi bảo vệ rừng. Thế nhưng, ngoài việc để mất rừng với diện tích lớn, lực lượng bảo vệ của doanh nghiệp này còn có nhiều biểu hiện vi phạm khác.

Tháng 11-2011, bảo vệ của DNTN Phạm Quốc xảy ra xô xát, đánh nhau với người dân địa phương. Đối tượng Dương Viết Hoài (trú xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, Bình Phước), một trong những bảo vệ của doanh nghiệp đã dùng súng M16 bắn anh Điểu MRú (30 tuổi, trú tại thôn Đắk La, xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) trúng đạn và tử vong sau đó...

Tỉnh Đắk Nông có 18 dự án đất rừng giao cho các doanh nghiệp, trong đó huyện Tuy Đức đã trở thành điểm “nóng” về phá rừng và lấn chiếm đất trái phép. Trước tình trạng mất kiểm soát về việc xâm chiếm đất rừng, UBND tỉnh Đăk Nông đã từng quy hoạch 3 khu dân cư để ổn định gần 500 hộ dân di cư tự do đến huyện Tuy Đức.

Tuy nhiên, ngoài số dân này thì trên địa bàn huyện hiện có đến khoảng 2.000 hộ dân khác từ nơi khác đến cư trú bất hợp pháp, lấn chiếm trên 3.400ha rừng, đất rừng. Mặc dù đoàn chức năng của tỉnh đã nhiều lần tổ chức cưỡng chế, thu hồi diện tích lấn chiếm, song kết quả chưa đem lại như mong muốn.

Vụ mâu thuẫn giữa người dân với Công ty TNHH Thương mại - Đầu tư Long Sơn (Bình Phước), thực hiện đầu tư dự án tại Tuy Đức, Đăk Nông đã dẫn đến 3 người chết và 16 người bị thương hôm 23-10-2016 là thể hiện “giọt nước tràn ly” trong chuyện tranh chấp đất đai giữa doanh nghiệp với người dân. Sau khi vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã nhanh chóng vào cuộc điều tra bắt giữ các đối tượng bắn chết người.

Mở rộng điều tra, ngày 24-12, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nghiêm Xuân Thiên Sửu (54 tuổi) - Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Đầu tư Long Sơn về hành vi hủy hoại tài sản; khởi tố bị can đối với Phạm Công Thiện (39 tuổi), quản lý dự án tại Đắk Nông (con riêng của vợ ông Sửu) cùng về hành vi hủy hoại tài sản nhưng cho tại ngoại. Theo cơ quan CSĐT Bộ Công an, đến nay đã khởi tố 5 bị can với các hành vi giết người và hủy hoại tài sản liên quan đến vụ án này.

Tài liệu điều tra cho thấy, năm 2008, Công ty TNHH Thương mại-Đầu tư Long Sơn được UBND tỉnh Đắk Nông giao hơn 1.000ha đất rừng, thời hạn 50 năm, tại Tiểu khu 1535 để thực hiện dự án đầu tư sản xuất đất nông nghiệp. Theo dự án, Công ty TNHH Thương mại-Đầu tư Long Sơn trồng hơn 440ha cao su, 62ha rừng, 68ha điều và quản lý bảo vệ hơn 500ha rừng.

Hiện phía doanh nghiệp mới trồng được khoảng 100ha cao su, còn bị người dân lấn chiếm trái phép trên 900ha, trong đó phần lớn diện tích rừng được giao quản lý bảo vệ trong dự án đã bị mất. Đã nhiều lần phía công nhân, bảo vệ của doanh nghiệp xảy ra xô xát với người dân trên diện tích đất dự án, người dân gửi đơn khiếu nại việc tranh chấp đất đai với doanh nghiệp nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng.

Ngày 23-10, phía Công ty TNHH Thương mại-Đầu tư Long Sơn tiếp tục cho người và phương tiện máy móc vào san ủi khu vườn điều của người dân nằm trong vùng dự án. Trong đó có diện tích của hộ gia đình ông Hoàng Văn Thắng (51 tuổi), thuộc Tiểu khu 1535 xã Quảng Trực, Tuy Đức, Đắk Nông và xảy ra vụ nổ súng gây thương vong nhiều người.

Những sai phạm của chủ dự án và cả người dân xâm chiếm đất trái phép, gây hậu quả chết người đều bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật. Tuy nhiên, qua vụ án này cho thấy nhiều bất cập trong việc quản lý, sử dụng, giao đất, giao rừng cho các doanh nghiệp ở Tây Nguyên hiện nay.

Trong đó nổi lên những vấn đề chính là giao đất rừng cho doanh nghiệp không đủ năng lực, thực hiện dự án không hiệu quả, kéo dài... dẫn đến tình trạng người dân xâm chiếm, trồng hoa màu để đòi doanh nghiệp thương lượng trả tiền đền bù cho họ.

Nhiều hung khí, tang vật vụ án thu tại hiện trường.

Mặc khác, khi giao dự án cho doanh nghiệp chưa khảo sát kỹ lưỡng thực tế, nhiều diện tích rừng đã bị dân chiếm làm rẫy lâu đời nhưng vẫn quy hoạch đưa vào dự án nên xảy ra tranh chấp không thực hiện được... 

Cốt lõi về chính sách phát triển kinh tế của Đảng, Nhà nước ta là làm sao khai thác được hết tiềm năng, lợi thế về đất đai, diện tích rừng ở Tây Nguyên để đem lại của cải vật chất, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương.

Vì vậy, việc giao dự án đất rừng phải gắn chặt với việc giải quyết công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân địa phương chứ không thể giao dự án một cách bất chấp các vấn đề xã hội phát sinh.

Vì vậy, lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên cần có nhận thức và hành động đúng đắn để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra. Bởi ở đâu muốn có sự phát triển xã hội bền vững thì quá trình phát triển kinh tế ở đó không thể tách rời chuyện nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Đặc biệt đối với địa bàn Tây Nguyên thì vấn đề trên càng phải quan tâm đến.

Đặng Ngọc Như
.
.
.