Vụ bê bối dầu bẩn tại Đài Loan: Cháy nhà ra mặt kẻ gian

Thứ Năm, 02/10/2014, 14:30

Vụ bê bối dầu bẩn (dầu lấy từ rác thải bếp hoặc vớt từ cống rãnh) tại Đài Loan tiếp tục thu hút sự quan tâm của dư luận sau khi chính quyền sở tại phạt Quách Liệt Thành, chủ cơ sở Chung Guann ở huyện Bình Đông, thành phố Cao Hùng 50 triệu Đài tệ (1,67 triệu USD) về tội bán hàng trăm tấn dầu bẩn và gây ra vụ bê bối an toàn thực phẩm làm rúng động Đài Loan.

Quyết định kể trên được đưa ra hôm 9/9 và trước đó, do ảnh hưởng của vụ bê bối dầu bẩn, hàng trăm tấn bánh trung thu, bánh ngọt, bánh mì, mì gói và bánh bao đã bị rút khỏi kệ bán hàng, hàng trăm nhà hàng đã xin lỗi khách hàng vì vô tình sử dụng dầu bẩn nói trên.

Cơ quan Thuốc và Thực phẩm Đài Loan cho biết, hơn 1.000 nhà hàng, quán ăn và cơ sở chế biến thực phẩm, trong đó có 397 cơ sở tại thành phố Đài Bắc, sử dụng dầu bẩn của tập đoàn Toàn Thống, nhà cung cấp nguyên liệu thực phẩm nổi tiếng ở Đài Loan.

Được biết, chỉ trong 6 tháng qua, tập đoàn Toàn Thống đã mua lại 243 tấn dầu bẩn (từ các nhà máy của Quách Liệt Thành) để chế biến hơn 780 tấn dầu ăn và bán cho hàng trăm cơ sở kinh doanh thực phẩm. Theo kết quả điều tra, số dầu bẩn kể trên là dầu đã qua sử dụng tại các nhà hàng, quán ăn, được Quách Liệt Thành mua về và trộn với mỡ lợn để bán lại cho các cơ sở hữu quan.

Trước đó, cơ quan chức năng Đài Loan đã thu giữ 49 tấn dầu tái chế của tập đoàn Toàn Thống khi khám xét và yêu cầu những công ty mua dầu từ cơ sở này thu hồi các sản phẩm đã sử dụng dầu bẩn. Giới chuyên gia ước tính, có ít nhất 50% trong số 23 triệu dân Đài Loan đã tiêu thụ sản phẩm có chứa dầu bẩn kể trên.

Được biết, 2.934 thùng dầu ăn trong kho của tập đoàn Toàn Thống đã bị cơ quan y tế thành phố Cao Hùng niêm phong. Tổng giám đốc tập đoàn Toàn Thống Diệp Văn Tường đã xin lỗi người tiêu dùng, nhưng khẳng định không biết gì về vụ việc này.

Quách Liệt Thành khi được phỏng vấn.

Theo Cơ quan Thuốc và Thực phẩm Đài Loan, vụ bê bối dầu bẩn đã làm tổn hại danh tiếng của hơn 1.000 cơ sở cung cấp thực phẩm và hình ảnh thực phẩm Đài Loan ở nước ngoài và đã lan sang Hongkong, Macau và Trung Quốc đại lục. Ngày 8/9, cơ quan chức năng Hongkong đã "điểm danh" các doanh nghiệp của Senven Eleven, Starbucks, Café Express… nằm trong số chuỗi cửa hàng bán đồ ăn nhanh làm bánh từ dầu bẩn kể trên.

Trong ngày 8/9, Tập đoàn Maxim khẳng định, đã sử dụng dầu bẩn để làm khoảng 9.000 chiếc bánh dứa một ngày trong vòng 3 năm qua. Cũng trong ngày 8/9, cơ quan điều tra Đài Loan cho biết, đang điều tra thêm một công ty ở Đài Bắc vì từng mua dầu từ tập đoàn Toàn Thống và bán lại cho các doanh nghiệp ở Hongkong, Trung Quốc và Macau. Nhà chức trách Đài Loan tiếp tục ra lệnh thu hồi toàn bộ số dầu ăn của tập đoàn Toàn Thống cho dù chúng đã được kiểm định an toàn.

Theo tờ South China Morning Post, 4 nhà nhập khẩu của Hongkong là Dah Chong Hong, Synergy Foods, Angliss Hong Kong Food Service và Urban Food có liên quan tới vụ án kể trên. Chuỗi nhà hàng Bafang Yunji ở Hongkong cũng đã ngưng bán các loại bánh có nhân ở 54 cửa hàng của họ vì nhà cung cấp cho nhãn hiệu này ở Đài Loan đã nhập dầu bẩn của Quách Liệt Thành.

Tiến sĩ Hà Ngọc Hiền, cố vấn của trung tâm an toàn thực phẩm Hongkong cho biết, trung tâm này đã gọi điện thoại trực tiếp cho hơn 100 doanh nghiệp và viết thư điện tử cho hơn 10.000 doanh nghiệp khác để ngăn chặn vụ bê bối dầu bẩn lan rộng ở đặc khu này.

Theo giới truyền thông, ngày 6/9, chính quyền Đài Loan đã bắt giữ Quách Liệt Thành, chủ cơ sở Chung Guann vì bị cáo buộc thu mua sản phẩm thải loại để tinh chế thành dầu ăn cung cấp cho hơn 1.000 nhà hàng và quán ăn. Vụ bê bối thực phẩm dầu bẩn được dư luận biết tới sau khi cảnh sát Đài Loan đột nhập nhà máy tái chế dầu bất hợp pháp của Quách Liệt Thành ở huyện Bình Đông. Ngay lập tức, giới chức Đài Loan ra lệnh kiểm tra tất cả các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm đóng hộp và kinh doanh ăn uống tại vùng lãnh thổ này. Đài Loan đang có khoảng 100.000 nhà sản xuất thực phẩm và đồ hộp, để kiểm tra hết số doanh nghiệp này phải mất 30 tháng.

Theo tòa án huyện Bình Đông, Quách Liệt Thành đã bị bắt sau khi có dấu hiệu định bỏ trốn cùng một số nghi can khác. Bởi tuần trước, cơ quan công tố Đài Loan đã kháng nghị quyết định phóng thích Quách Liệt Thành sau khi đối tượng này nộp bảo lãnh gần 1.700 USD. Được biết, Quách Liệt Thành đã kiếm được hơn 4 triệu Đài tệ/năm từ việc làm phi pháp kể trên.

Nếu bị buộc tội, các đối tượng này sẽ phải ngồi tù và nộp phạt khoảng 1,7 triệu USD vì vi phạm luật an toàn vệ sinh thực phẩm. Vụ bê bối dầu bẩn kể trên đang khiến dư luận lo ngại về độ an toàn thực phẩm tại vùng lãnh thổ này. Bởi đây là vụ bê bối an toàn thực phẩm thứ hai xảy ra tại Đài Loan trong chưa đầy một năm qua

Lê Tuấn Cường
.
.
.