Vụ nước sạch sông Đà bị nhiễm bẩn: Không thể xem thường sức khoẻ của người dân

Thứ Sáu, 18/10/2019, 14:22
Hàng nghìn hộ dân phía Tây Hà Nội nhiều ngày qua phải sống trong cảnh hoang mang lo sợ vì nguồn nước sinh hoạt bốc mùi. Nguyên nhân đã rõ, mức độ nguy hiểm đã rõ, nhưng khi nào có nước sạch trở lại thì vẫn là câu hỏi lớn mà rất nhiều người dân quan tâm. Sự cố này không chỉ cần  lời xin lỗi mà cần phải có sự kiểm tra, xử lý quyết liệt. Không thể mang sức khoẻ của hàng vạn người dân ra làm trò đùa với “may rủi”.


Cuộc sống của hàng nghìn hộ dân bị đảo lộn

Gần một tuần qua, cuộc sống của nhiều hộ dân ở bán đảo Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội) bị đảo lộn hoàn toàn. Khu vực này được xem là bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong việc đường nước sạch sông Đà nhiễm dầu. Mấy ngày nay, gia đình anh Trần Công Hải (chung cư HH2C Linh Đàm) đều phải mua nước đóng chai để phục vụ việc nấu ăn và tắm cho 2 con nhỏ.

Anh Hải cho biết: “Không hiểu đợt này nước nhiễm những gì mà lại có mùi hắc và khét như mùi của keo dán ống nhựa. Đến ngửi thôi cũng còn khó nói gì đến chuyện ăn và sinh hoạt. Mới có mấy ngày thôi mà gia đình tôi đã phải bỏ tới 500 nghìn đồng để mua nước đóng chai rồi. Nếu tình trạng này kéo dài thì làm sao đỡ nổi”.

Nhiều người lo ngại nước sạch miễn phí có vấn đề và không đảm bảo chất lượng.

Cùng tòa nhà với anh Hải, gia đình anh Lê Thế Tiến mấy ngày qua cũng đã phải mua rất nhiều nước đóng chai về dự trữ ở khu bếp và phòng khách. Anh Tiến cho hay: “Tình hình này thì kể cả có tiền cũng khó mà mua kịp nước đóng chai mà dùng. Người bán thì ít mà người mua thì nhiều. Nhà tôi cũng chỉ dám mua nước sạch về nấu ăn và cho các con tắm thôi, chứ người lớn thì vẫn phải cố mà tắm nước máy. Tắm xong người mẩn nốt và phải mấy tiếng sau mới hết được mùi”.

Do nhu cầu của người dân mua nước đóng chai tăng đột biến nên các đại lý trên địa bàn này luôn trong tình trạng cháy hàng. Khách nhiều khi phải đặt từ sáng mà đến chiều mới có nước chở đến nhà.

Cũng tại Khu đô thị Linh Đàm, cư dân chung cư HUD3 phải bỏ tiền mua nước và chuyển bằng xe téc đến để cư dân dùng trong ăn uống. Một số người có con học tại Trường Tiểu học Chu Văn An đã thống nhất với hội phụ huynh mua nước chở bằng xe téc đến trường để nấu ăn cho các con. Nhiều gia đình mang quần áo sang nhờ người thân, hoặc ra hàng giặt.

Chiều 16-10, khi chiếc xe chở nước sạch miễn phí đến khu vực tổ hợp chung cư HH Linh Đàm thì đã có hàng trăm người dân chờ đợi sẵn ở đó để lấy nước. Tuy nhiên khi một người dân mở vòi ra bơm vào chiếc xô mình mang theo thì phát hiện nước có màu đục và mùi rất tanh.

Trên diễn đàn cư dân Linh Đàm, nhiều người sau khi đưa nước về nhà cũng bày tỏ lo ngại. Anh Lý Bá Sơn, đại diện cư dân HH1C Linh Đàm cho biết, khi nước sạch được đưa đến phục vụ người dân, anh cùng một số người đã bơm vào ấm và bình nước để ngửi, thậm chí uống thử.

Tuy nhiên cảm quan của mọi người đều cảm nhận nước này có mùi rất tanh. Sau khi phát hiện có sự bất thường trong téc nước sạch miễn phí, anh Sơn đã gọi điện cho Ban quản lý hỏi về nguồn nước lấy ở đâu thì được trả lời là lấy từ Nhà máy nước Pháp Vân. Tiếp tục, anh Sơn đã cùng với một số người dân nơi đây trực tiếp mang nước đó sang Nhà máy nước Pháp Vân để hỏi xem nước có an toàn và đảm bảo chất lượng hay không.

Nhiều người vì thấy nước quá tanh và có màu đục nên dù đã lấy vào xô và chậu vẫn buộc phải đổ đi. Bà Lê Thị Thanh, chung cư HH1 bức xúc nói: “Mang tiếng là nước sạch cung cấp miễn phí nhưng chất lượng như thế này chúng tôi cũng chẳng dám dùng. Lại đành phải bỏ tiền ra mua nước đóng chai rồi đợi người ta khắc phục sự cố thôi. Chứ cứ cố dùng có khi lại đau bụng hay ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa thì quá tội”.

Không chỉ ở khu vực Linh Đàm mà nhiều ngày nay những người dân sống tại cụm cơ khí 1A phường Khương Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội) cũng bị đảo lộn không kém.

Nơi đây có khoảng 800 hộ dân đang sinh sống. Theo nhiều người dân sống tại đây cho biết từ trước đến nay chưa bao giờ nước sông Đà lại có mùi khó chịu như thế. Thậm chí ngay cả khi bị vỡ đường ống nước thì nước cũng chỉ có màu vàng đục, nhưng để lắng vẫn có thể khắc phục dùng tạm.

Ông Đinh Tiến Dũng, Bí thư chi bộ cụm cơ khí 1A cho biết: “Bản thân tôi cũng đã đại diện cho bà con của cụm đến hỏi UBND phường. Lãnh đạo phường nói rằng họ cũng đã phản ánh tới công ty nước. Công ty này cũng đã lấy mẫu để mang đi xét nghiệm, khi nào có kết quả họ sẽ trả lời”.

Cuộc sống của hàng nghìn người dân bị đảo lộn hoàn toàn.

Bà Lê Thị Thái, trú tại ngõ 129, đường Nguyễn Trãi thì không giấu được bức xúc: “Không hiểu trong nước có gì mà uống vào vừa có vị cay, vừa có vị đắng, tôi không nuốt nổi nên nôn thốc ra luôn. Chúng tôi phải bỏ tiền ra mua nước của họ mà họ bán cho chúng tôi thứ nước như vậy đấy, thật quá vô trách nhiệm”.

Tại chung cư Gemek 1 (Hoài Đức, Hà Nội) 23 giờ ngày 15-10, hàng trăm cư dân nơi đây vẫn xách theo can nhựa, chai lọ… xếp hàng dài để chờ lấy nước sạch từ Nhà máy nước Hà Nội. Anh Ngọc (34 tuổi, cư dân chung cư Gemek 1) đã đứng xếp hàng khoảng 1 tiếng.

Anh cho biết: “Lúc 10 giờ tối, tôi nghe thấy tiếng loa của ban quản lý thông báo xe chở nước đến, khi xuống sảnh tôi đã thấy cả đoàn người xếp hàng dài”. Có gia đình huy động gần như đủ quân số để thay phiên nhau đứng xếp hàng với mong muốn làm sao lấy được nhiều nước sạch nhất có thể để bớt phải bỏ tiền ra mua nước đóng chai.

Công ty nước sạch sông Đà đã cấp nước trở lại

Trong buổi họp giao ban báo chí Thành uỷ (15 -10), ông Lê Văn Dục – Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội đã thông tin về kết quả kiểm tra, xét nghiệm chất lượng nước sau sự cố đổ trộm chất thải. Kết quả kiểm tra của đoàn công tác đã xác định khu vực đầu nguồn bãi khe núi tại xã Phú Minh, Kỳ Sơn, Hoà Bình có dấu hiệu đổ trộm dầu nhớt thải, chất thải đã chảy ra suối, chảy vào hồ Đầm Bài, hồ chứa nước để cấp nước cho nhà máy.

Điều đáng nói, một số cán bộ của Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà có phát hiện việc này từ sáng 8 -10 nhưng không có bất cứ báo cáo nào với cơ quan chức năng của tỉnh Hoà Bình cũng như thành phố. Đồng thời, cũng không có các hành vi để triển khai ngăn chặn ô nhiễm theo quy định. Vì thế váng dầu này đã chảy vào nguồn nước qua hệ thống của nhà máy, vừa chảy vào hệ thống đường ống cấp nước cho một số vùng như quận Hà Đông, quận Hoàng Mai, Thanh Xuân…

Chưa khi nào chủ đề nước được người dân Hà Nội bàn tán nhiều như hiện nay.

Về kết quả của các mẫu nước xét nghiệm, ông Dục cho biết các cán bộ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Sở Y tế đã kiểm tra nhiều mẫu nước ở các vị trí khác nhau để xét nghiệm.

Căn cứ vào kết quả xét nghiệm của Trung tâm kiểm soát bệnh tật của thành phố theo QCVN 01:2009/BYT xác định: Các mẫu xét nghiệm đều có hàm lượng Styren thuộc nhóm các chỉ tiêu giám sát mức độ C, cao hơn giới hạn cho phép (20mg/l) theo QCVN 01:2009/BYT từ 1,3 đến 3,65 lần (tại các vòi hộ gia đình, hàm lượng Styren thấp hơn tại nhà máy và các điểm chứa trung gian). Các chỉ tiêu giám sát nước độ A: 8/8 mẫu nước đạt quy chuẩn đối với 14/15 chỉ tiêu giám sát.

Chỉ tiêu mùi vị là không đạt. Từ kết quả xác minh, kết quả giám định xác định mùi “khét” có trong nguồn nước tại các nhà dân trong toàn bộ khu vực cấp nước của nhà máy tại các quận: Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông là do chất Styren có từ dầu thải gây ra.

Nguyên nhân dẫn đến việc nguồn nước sạch bốc mùi, ô nhiễm gần như đã sáng tỏ. Sự cố xảy ra khoảng 1 tuần, hàng trăm nghìn người dân Hà Nội phải sống trong hoang mang lo sợ. Chúng tôi đã phải cầu cứu tới các cơ quan liên quan nhưng sau 1 tuần cũng không có động thái nào, đặc biệt là Viwasupco.

Mãi đến sang 14 -10, sau 5 ngày thì công ty với có văn bản gửi Sở Xây dựng Hà Nội. Văn bản này thừa nhận vào 12h00 ngày 9-10-2019, thời tiết khu vực mưa, nhân viên bảo vệ đi vớt rong rêu phát hiện ngoài cửa kênh dẫn nước hồ có váng dầu chưa rõ nguyên nhân. Bảo vệ đã báo cáo lên lãnh đạo công ty cho hướng xử lý”.

Sau khi xúc rửa đường ống, 20h ngày 16-10, nhà máy nước sông Đà đã cấp nước trở lại.  Giám đốc công ty Viwaco Nguyễn Hữu Tới cho biết: "Sau khi cấp nước trở lại, áp lực nước sẽ tăng dần. Do vậy, trong ngày hôm nay, toàn bộ khách hàng của chúng tôi sẽ có nước sạch".

Theo ông Tới, hiện công ty Viwaco đang quản lý, cung cấp dịch vụ cấp nước cho khoảng 150.000 khách hàng, tại khu vực quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, một phần quận Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Trì (phía Tây quốc lộ 1A). Trung bình mỗi ngày khách hàng của Viwaco tiêu thụ khoảng 100.000 m3 nước của nhà máy nước sạch sông Đà.  Giám đốc công ty nước Hà Đông Lại Văn Thịnh cũng xác nhận, từ 21h ngày 16-10, Công ty nước sạch sông Đà đã cung cấp nước trở lại cho khách hàng của công ty này.

"Mỗi ngày chúng tôi tiếp nhận từ 40.000 - 45.000 m3 nước của nước sạch sông Đà. Từ khi cấp nước trở lại đến nay, áp lực nước đang dần ổn định", ông Thịnh nói. Hiện công ty nước sạch Hà Đông cấp nước cho các hộ dân tại khu vực quận Hà Đông, một phần Nam Từ Liêm, một số xã của huyện Hoài Đức, Thanh Oai, Đan Phượng, Ứng Hòa... Tuy nhiên, điều người dân quan tâm là cơ quan chức năng cần kiểm tra chất lượng nước đã đảm bảo hay chưa.

Phong Anh
.
.
.