Vụ rửa tiền công nghệ cao rúng động thế giới

Thứ Hai, 01/07/2013, 16:59

Theo The Tico Times và La Nacion - 2 tờ báo của Costa Rica: Cảnh sát Tây Ban Nha đã bắt Arthur Budovsky Belanchuk, 39 tuổi trong một cuộc điều tra rửa tiền kết hợp với nhà chức trách Mỹ và Costa Rica.

Hệ thống chi trả trực tuyến Liberty Reserve có rất nhiều lợi ích trong cộng đồng người tiêu dùng online vì khả năng giao dịch an toàn, bảo mật tốt và điều kiện đăng kí chỉ cần qua một địa chỉ email hợp lệ. Chính vì vậy ngân hàng tiền ảo này trở thành hệ thống thanh toán công nghệ cao phổ biến nhất trong giới tội phạm mạng với mục đích rửa tiền.

Kẻ đứng đầu cùng với đường dây của hắn bị đánh sập, Cục Cảnh sát hình sự (C45) lập công lớn trong việc phơi bày vụ kinh doanh trái phép tiền điện tử đầu tiên tại Việt Nam.

Trò rửa tiền bị lật tẩy

Theo The Tico Times và La Nacion - 2 tờ báo của Costa Rica: Cảnh sát Tây Ban Nha đã bắt Arthur Budovsky Belanchuk, 39 tuổi trong một cuộc điều tra rửa tiền kết hợp với nhà chức trách Mỹ và Costa Rica.

Tên này đã bị điều tra từ năm 2011 do sử dụng Liberty Reserve (thường gọi: LR) để rửa tiền kiếm được từ việc kinh doanh trang web khiêu dâm trẻ em và vận chuyển ma túy của Budovsky tại Costa Rica. Các thông tin về truy vấn tên miền cho thấy libertyreserve.com bị trỏ về shadowserver.org, trang web của một tổ chức phi lợi nhuận đấu tranh chống tội phạm máy tính toàn cầu.

Theo tin ghi nhận từ Bộ Tư pháp Mỹ, vào ngày 27/7/2006, Budovsky bị kết án 5 năm vì tội chuyển tiền bất hợp pháp với số tiền lên đến hơn 30 triệu USD theo luật ngân hàng liên bang. Tuy là công dân Mỹ nhưng Budovsky đã từ bỏ quốc tịch của mình để trở thành người Costa Rica.

Qua vụ việc của Budovsky, theo cáo buộc của công tố viên Preet Bharara tại họp báo ngày 28/5 tại Manhattan, Liberty Reserve bị nghi ngờ tiến hành âm mưu rửa tiền với tổng trị giá lên đến 6 tỷ USD đồng thời điều hành mạng lưới cung cấp dịch vụ chuyển tiền trái phép.

Con số 55 triệu giao dịch phi pháp cho hơn 1 triệu người vẫn còn chưa dừng lại cho đến khi cuộc điều tra kết thúc. Bộ Tài chính Mỹ cho biết, đây là lần đầu tiên họ thực hiện việc cấm các ngân hàng quốc tế có liên quan đến LR giao dịch với các nhà băng Mỹ.

LR được giới Underground (Thế giới ngầm) sử dụng như một giải pháp để rửa tiền. Lý do Liberty Reserve là một hệ thống payment system được phép ẩn danh với nhiều mức level security như yêu cầu mã PIN khi log in vào tài khoản, yêu cầu phải nhập Master Key khi gửi tiền, do vậy đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tài khoản của khách hàng.

Việc đóng cửa Liberty Reserve đã gây thiệt hại nặng nề cho nhiều người do họ không thể truy cập được lượng tiền đang lưu giữ trong các tài khoản. Một hacker có nickname off-sho.re cho biết anh ta đã mất 25.000 USD trong tài khoản Liberty Reserve đồng thời nhận định đây là thiệt hại lớn nhất trong lịch sử tiền ảo từ trước đến nay.

Điểm cuối cùng của quá trình phạm tội

Liên quan đến hệ thống chi trả trực tuyến tiền ảo Liberty Reserve trên thế giới, một số đối tượng người Việt Nam tham gia kinh doanh qua hệ thống này từ lâu; Ngày 28/5, Cục Cảnh sát hình sự (C45) cho biết, đã kết luận điều tra vụ án kinh doanh trái phép tiền điện tử Liberty Reserve (viết tắt là tiền LR).

Theo nhận định của các điều tra viên, tiền LR có thể là "điểm cuối cùng" trong quá trình hoạt động phạm tội; từ mua bán thông tin thẻ tín dụng, trộm cắp hàng hóa, tống tiền, làm thẻ tín dụng giả, cá độ bóng đá...đều được các đối tượng thanh toán cho nhau bằng tiền LR sau đó được đổi thành tiền VNĐ hoặc tiền ngoại tệ.

Liên quan đến vụ án là các đối tượng Vũ Văn Lăng, SN 1983, Giám đốc Công ty Thịnh Vũ, có trụ sở tại quận Dương Kinh, TP Hải Phòng; Công ty TNHH Giao Dịch nhanh, địa chỉ 233 Nguyễn Văn Linh, phường Kênh Dương, quận Lê Chân, TP Hải Phòng do Nguyễn Thế Dũng làm Giám đốc.

Vụ án được các cơ quan chức năng tiến hành điều tra sau khi nhận được công văn của Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị hỗ trợ xác minh đối tượng có email money4ptr@gmail.com đã đột nhập và lấy cắp dữ liệu quan trọng trong máy chủ của một người tên là Tun Musfata, sau đó yêu cầu nạn nhân phải chuyển 948 USD cho một người Việt Nam tên là Vu Van Su, (Hai Phong) (viết theo phiên âm tiếng Anh-PV) thông qua hệ thống chuyển tiền của Western Union. Tiếp sau đó Văn Phòng Tùy viên Pháp luật - Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Campuchia yêu cầu hỗ trợ xác minh về tổ chức tội phạm sử dụng công nghệ cao đánh cắp dữ liệu trong hệ thống máy tính để tống tiền.

Đây là vụ án do Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) đang điều tra, liên quan đến vụ án có một số đối tượng ở Việt Nam đã nhận tiền từ các nạn nhân, gồm: Pham Thi Thuy, Bui Thi Tuyen, Doan Van Cong (Hai Phong). Tất cả các giao dịch trên đều do Vũ Văn Lăng sử dụng bản photocopy CMND của nhiều người lập hồ sơ khách hàng để nhận tiền của Western Union thông qua các đại lý chi trả Western Union của Thịnh Vũ, Nam Phong và Giao dịch nhanh.

Theo các điều tra viên, Vũ Văn Lăng lập ra Công ty cổ phần Thịnh Vũ từ năm 2008, làm đại lý phụ cho Ngân hàng Đầu tư và Phát triển chi nhánh Hải Phòng (BIDV Hải Phòng) để chi trả kiều hối thông qua hệ thống Western Union. Tuy nhiên, mục đích của Lăng không phải để kinh doanh mà để có quyền chi trả ngoại tệ phục vụ việc kinh doanh tiền điện tử LR.

Lăng thu mua LR từ trong nước và nước ngoài sau đó bán cho người nước ngoài để thu lợi, các giao dịch nói trên được thực hiện thông qua mạng internet. Những người mua LR của Lăng trả tiền bằng cách gửi tiền về cho y thông qua đại lý Western Union mà chính Công ty cổ phần Thịnh Vũ làm đại lý của dịch vụ này.

Ngày 3/6/2011, Western Union Việt Nam đã đơn phương chấm dứt hợp đồng với Công ty Thịnh Vũ do phát hiện công ty này có nhiều vi phạm và có liên quan đến tiền điện tử. Tháng  6/2011, Công ty cổ phần Thịnh Vũ bị Sở Kế hoạch và đầu tư thành phố Hải Phòng tước giấy phép kinh doanh.

Để tiếp tục thu lợi từ việc kinh doanh tiền LR, Vũ Văn Lăng đã thỏa thuận với Nguyễn Thế Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Giao Dịch Nhanh và Nguyễn Văn Chiển, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Nam Phong tiếp tục mở đại lý phụ của ngân hàng để chi trả ngoại tệ từ Western Union giúp Vũ Văn Lăng kinh doanh trái phép. Đổi lại, Dũng và Chiển sẽ nhận được khoản phí hoa hồng mà ngân hàng chi trả.

Để giúp sức cho Vũ Văn Lăng kinh doanh trái phép, Dũng và Chiển đã cho Lăng quyền truy cập từ xa bằng phần mềm Teamviewer vào tài khoản của đại lí phụ của công ty để lập chứng từ, in hóa đơn và nhận tiền.Tổng số tiền mà Thịnh Vũ và 2 công ty kia đã lập hồ sơ của khách hàng để nhận tiền là:  24,534,838.07 USD tương đương với số tiền hơn 404,7 tỷ đồng. Để nhận được số tiền trên, Vũ Văn Lăng đã cho thực hiện 59.605 giao dịch và lấy tên của hơn 1.000 người để lập hồ sơ rút tiền.

Trong vụ của Vũ Văn Lăng, đối tượng cũng đã giúp một bị can trong vụ án khác là Nguyễn Phi Khanh phạm tội. Cụ thể, từ 21/10/2008 đến ngày 24/6/2009, Lăng đã lợi dụng việc được quyền chi trả ngoại tệ, giúp Nguyễn Phi Khanh nhận số tiền 15.502USD tương đương với số tiền hơn 256 triệu đồng (tính theo tỷ giá quy đổi tại thời điểm ngày 21/10/2008).

Nguồn gốc số tiền này, theo bị can Nguyễn Phi Khanh khai nhận là tiền bán thông tin thẻ tín dụng trộm cắp được của người nước ngoài nhận từ nước ngoài về thông qua đại lý Western Union của Vũ Văn Lăng. Tuy nhiên khi nhận tiền, Khanh không nói cho Lăng biết về nguồn gốc số tiền nhận về.

Theo phản ánh của Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỹ và Cảnh sát Mỹ thì Vũ Văn Lăng có thể còn liên quan đến hoạt động "rửa tiền" cho các tổ chức tội phạm người nước ngoài. Tuy nhiên, đến nay phía nước ngoài chưa cung cấp tài liệu chứng minh về hành vi này của Lăng nên Cơ quan CSĐT - Bộ Công an sẽ tách tài liệu liên quan để điều tra, xử lý tiếp

Từ vụ án này, theo các điều tra viên, việc kinh doanh tiền LR có thể liên quan nhiều đến các hoạt động phạm tội về công nghệ cao, đặc biệt là tội phạm "rửa tiền". Hiện rất nhiều trang bán hàng trực tuyến quốc tế đã từ chối giao dịch khi phát hiện khách hàng truy cập từ địa chỉ IP của Việt Nam.

Trong khi đó, hiện chưa có cơ chế quản lý loại tiền điện tử LR cũng như chưa có quy định cụ thể về việc kinh doanh loại tiền này ở Việt Nam. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần phải nghiên cứu, xem xét việc kinh doanh tiền điện tử LR ở Việt Nam và cần có chế tài để quản lý việc kinh doanh loại tiền trên, nhằm hạn chế việc lợi dụng nó để phạm tội về công nghệ cao.

Thị trường giao dịch trực tuyến tiền ảo LR đã tồn tại ở Việt Nam trong nhiều năm nay, thậm chí còn được đối xử như một ngoại tệ. Hiện nay Tổng cục VI- Bộ Công an đang làm rõ một số vụ án tương tự liên quan đến hệ thống rửa tiền công nghệ cao Liberty Reserve.

Theo cảnh báo của lực lượng công nghệ cao có thể còn có những trang mạng khác lập ra với mục đích lừa đảo trong việc kinh doanh tiền tệ. Các cơ quan chức năng cần siết chặt việc kinh doanh tại các ngân hàng và thông tin rộng rãi cho người dân biết thủ đoạn và phương thức hoạt động của loại tội phạm ảo này.

Không cần dùng đến giấy tờ tùy thân, chỉ vài thao tác đơn giản, người tiêu dùng có thể đăng kí trở thành thành viên và truy cập vào trang web LR để tiến hành các giao dịch qua mạng.

Phương thức lấy tiền thật, mua tiền ảo và sử dụng số tiền ảo này để mua bán với phí giao dịch 2,99 USD 1 lần thông qua dịch vụ chuyển tiền điện tử (exchanger). Tiền LR sau đó có thể được quy đổi ra thành USD hoặc bất cứ loại tiền tệ nào trên thế giới để gửi vào tài khoản ngân hàng.

Điều đáng nói là LR không lưu trữ bất kì một thông tin nào về giao dịch hay hoạt động qua ngân hàng của bên thứ ba. Điều này được tội phạm mạng lợi dụng một cách triệt để trong các phi vụ rửa tiền của chúng. LR bị đánh sập gây thiệt hại lên đến 10 tỷ USD cho thị trường tiền tệ thế giới.

Thu Hòa - Lê Huyền
.
.
.