Vực cuộc đời từ vũng lầy ma túy

Thứ Sáu, 27/06/2014, 15:00

Một thời chìm đắm trong cái chết trắng, Dương Văn Dũng (sinh năm 1974, quê Thái Nguyên) những tưởng đời mình đã chết rũ xương bởi ma túy. Sực tỉnh lại, anh thấy mình muốn sống, cần phải sống để trả nợ quãng đời tuổi trẻ đã chôn thân phơi xác trong những cuộc ăn chơi vô độ. Con đường quay đầu lại của Dũng khiến nhiều người khâm phục nhưng cũng là bài học xương máu cho những ai dám thử sức với "nàng tiên nâu".

Nỗi ám ảnh mang tên ma túy

Mặc dù đã hẹn trước, nhưng công việc nhiều quá nên anh quên khuấy đi. Chúng tôi phải chờ cả buổi sáng, chờ anh làm xong hết công việc đã hứa trước với khách hàng. Anh điện cho vợ là Nguyễn Thị Hạnh (sinh năm 1974), hiện đang là giảng viên trường Đại học Lâm nghiệp cơ sở tại thị trấn Trảng Bom (Đồng Nai) ra đón chúng tôi. Người đàn bà có đôi mắt buồn, nụ cười buồn có cái gì đó chất chứa trong lòng, có thể cả đời này chị không nói ra, có thể cả đời này chỉ hiện trên khóe mắt và nụ cười của chị.

Trong khi chờ anh Dũng về, chúng tôi đã ngồi đối diện chị, chị không kể nhiều, chị bảo để anh Dũng kể, vì chỉ có anh Dũng mới hiểu hết về bản thân anh ấy mà thôi. Bây giờ quá khứ đã qua rồi, chị nhẹ nhàng buông xuôi, mặc kệ người đời có nhổ báng hay dè bỉu. Anh Dũng hối hả trở về, anh mua một bịch hến rất lớn, nói là thằng con trai lớn thích ăn cháo hến, nên dù có gấp cũng phải ghé vào mua cho bằng được. Dường như quãng thời gian hơn 10 năm làm bạn với ma túy đã tàn phá cơ thể anh Dũng quá nhiều. Giờ đây, dáng vẻ anh vẫn cong queo, gầy ốm, héo hon cho dù anh đã chia tay với khói thuốc. Anh chỉ còn đôi mắt là vẫn sáng, sáng lạ thường khi anh kể về gia đình và công việc hiện tại của mình. Hỏi anh có mặc cảm hay xấu hổ vì thời tuổi trẻ đã ăn chơi, nghiện ngập? Anh bảo: "Không có gì phải xấu hổ cả, chỉ là hơi tiếc nuối vì quãng thời gian sống hoài, sống phí. Ăn chơi là do tôi, do tôi đua đòi với bạn bè. Và quay đầu lại cũng do tôi, tôi quyết tâm là làm được. Giờ tôi chẳng quan tâm nhiều đến người ta nói này nói nọ, cho nên tôi mới chia sẻ hết chuyện quá khứ của mình". 

 Năm 1992, học xong phổ thông, Dũng gói ghém ước mơ lên Hưng Yên học trường Trung cấp điện tử. Sau 2 năm hiền ngoan, tu chí học hành, Dũng rinh được tấm bằng về trả nợ bố mẹ. Nhưng thời đó, ở quê không có nơi nào phù hợp với nghề điện tử của Dũng. Dũng nằm dài ở nhà ăn bám bố mẹ, rồi bạn bè lối xóm rủ rê đi buôn. Dũng hưởng ứng liền. Dũng xin vốn, xin xe máy của bố mẹ đi khắp các tỉnh biên giới buôn bán. Có tiền, lại được giao du với nhiều đối tượng có thiều thành tích ăn chơi. Một lần thử ma túy, Dũng vẫn giữ được bản thân. Nhưng sang lần hai, ba rồi cứ tiếp diễn như thế, Dũng trở thành con nghiện có máu mặt. Bao nhiêu vốn liếng và cả chiếc xe máy Drem Thái thời đó, Dũng cuốn phăng vào ma túy. Hết tiền, Dũng quay trở về nhà chôm chỉa đồ đạc của bố mẹ bán tống bán tháo chỉ để thỏa mãn cơn thèm thuốc.

Trong những lúc khó khăn nhất, anh Dũng luôn có người vợ bên cạnh.

Mọi chuyện vỡ lở, bố mẹ biết đã cấm Dũng không được đi buôn nữa, cấm Dũng không được ra khỏi nhà. Nhưng Dũng như con ngựa bất kham, trượt dốc không phanh trong sự đê mê của thứ bột trắng chết người. Năm 1996, Dũng bỏ nhà đi đãi vàng. Dũng nhanh chóng buông thân, anh lao vào những cuộc chơi bệnh hoạn nơi thâm sơn cùng cốc. Một thời gian ngắn, Dũng đã là tay chơi có máu mặt, có tiếng tăm trong bãi vàng, chẳng chừa thú vui nào. Dũng làm ngày, đêm đi chơi ma túy. Mấy tháng làm quần quật, Dũng trắng tay, không những thế còn nợ nần chồng chất. Dũng quay về nài nỉ bố mẹ. Nhưng gia đình Dũng có tiền núi cũng không cung ứng đủ những cuộc chơi không bờ bến của con. Bố Dũng là thương binh hạng 1/4, còn mẹ là giáo viên. Bố mẹ Dũng đành khuyên con quay trở về, làm lại từ đầu rồi ông bà sẽ trẻ hết nợ nần cho. Thế là Dũng khăn gói về quê. Dũng đăng ký học Cao đẳng kỹ thuật Hưng Yên, tiếp tục nuôi mộng trở thành kỹ sư trong ngành điện tử.

Vào trường học, nhưng ma túy vẫn chưa thôi ám ảnh Dũng, những cuộc chơi và những lúc đê mê bởi "nàng tiên nâu" cứ lởn vởn trong đầu. Hằng đêm Dũng vẫn ngáp ngắn ngáp dài rồi chỉ cần một tiếng hú ở ngoài hàng rào ký túc xá là Dũng lao ra. Ma túy vẫy gọi, Dũng nghiện trở lại. Người Dũng héo úa, oằn uột như thứ khói ma túy hư ảo anh vẫn phủ phê hàng đêm. Dũng cho biết, đám bạn chơi với anh toàn con nhà giàu có, bố mẹ không làm ông nọ bà kia thì cũng có công ty, cửa hàng kinh doanh phát đạt. Còn Dũng, chỉ là con nhà nửa mùa, gia đình không có nhiều tiền để "đua" với chúng bạn. Dũng dần tách mình ra, vừa mặc cảm vừa muốn từ giã ma túy.

Dũng tự nhận thấy, bản thân anh không cưỡng lại được thú vui vốn dĩ đã ăn sâu vào máu thịt. Chỉ còn mấy tháng nữa tốt nghiệp Cao đẳng, Dũng quyết định bỏ tất cả. Dũng một mình vào Đồng Nai, hai bàn tay trắng và một tấm thân tiều tụy, rách nát. Ban đầu, anh xin ở nhờ phòng trọ của một người bạn cùng quê, rồi xin được một chân vào làm công nhân trong công ty gỗ. Tuy nhiên, thời gian đầu vừa đoạn tuyệt với ma túy, Dũng vật vã khổ sở. Ngày đi làm, anh quên đi cơn thèm, nhưng đêm đến làn khói trắng ám ảnh anh không thôi. Dũng nhớ lại: "Dù mình quyết tâm lắm, nhưng nhiều khi ở xứ người cô quạnh, buồn bã lại nghĩ đến. Mình phải cố gắng kìm chế, tìm niềm vui để khỏa lấp sự thèm thuồng. Mình sợ nhất là đêm đến, nó như địa ngục với mình".

Ánh sáng nơi cuối đường

Trong thời gian học hành ở quê, Dũng đang có người yêu là chị Hạnh. Năm 1997, Hạnh học xong sư phạm Thái Nguyên đã vào Đồng Nai xin việc và lập nghiệp luôn. Dũng và Hạnh là bạn học cùng phổ thông, nhà cách nhau chừng 2km. Khi dứt dần với ma túy, Dũng mới nhớ đến Hạnh. Nếu cứ tiếp tục ở lại đây, một ngày nào đó Dũng sẽ lại bị bạn bè mê hoặc. Dũng tìm cách bắt liên lạc với Nguyễn Thị Hạnh đang làm việc tại Biên Hòa. Lúc này, chị Hạnh làm ở Trung tâm giống cây trồng tại TP Biên Hòa. Sự đồng cảm đã kéo hai con người lại với nhau. Ngày ra đi, chị Hạnh đinh ninh rằng, sẽ chẳng bao giờ còn gặp lại người bạn thưở thiếu thời. Gặp lại nhau, chị Hạnh thoáng chút bối rối. Có lẽ cũng vì chị mà anh Dũng có hướng vào Đồng Nai, đi tìm người con gái hàng xóm năm nào.

Năm 1999, tức một năm sau ngày anh Dũng vào Sài Gòn, anh đã xin phép được cưới chị làm vợ. Từ đây, cuộc đời anh bước sang một trang mới, chính thức gác lại quá khứ đao kiếm để làm lại cuộc đời. Bây giờ ngồi nhớ lại, chị Hạnh chỉ cười, chị bảo: "Ngày đó gặp anh ở Sài Gòn mừng lắm. Có nghe chuyện anh ăn chơi, hút chích ma túy nhưng vẫn chấp nhận, vì hiện tại anh đã quay đầu lại. Thương anh vì lẽ đó".

Sau khi cưới vợ, anh Dũng lao vào làm việc quần quật. Có chút vốn liếng, anh mở xưởng dệt bao tay tại nhà. Công nhân của anh là những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cũng từng một thời lầm lỡ, sa chân vào con đường ma túy. Vợ chồng anh Dũng giao toàn bộ xưởng cho công nhân làm. Còn anh vẫn chạy đôn chạy đáo ngoài đường, tham gia công tác tuyên tuyền cộng đồng và thức tỉnh những đối tượng nghiện ma túy quay đầu vào bờ.

Dương Văn Dũng bây giờ là cánh chim đầu đàn ở Câu lạc bộ Bạn và tôi. Nơi những người từng một thời lầm lỡ, trót dính vào ma túy có thể tìm thấy yêu thương, sự giúp đỡ của cộng đồng. Trước khi chia tay, anh nói với theo chúng tôi khoe, sắp tới anh sẽ được ra Hà Nội nhận bằng khen.

Bác sĩ Trần Hữu Hậu - Trưởng phòng Y tế TP Biên Hòa (Đồng Nai):

"Việc cảm hóa và đưa những người từng nghiện ngập như anh Dũng trở thành người bình thường là rất khó khăn. Anh Dũng là một trong những người đã cai nghiện thành công và hòa nhập với xã hội. Không chỉ từ bỏ được ma túy mà anh Dũng còn đứng ra tổ chức nhiều câu lạc bộ đồng đẳng giúp những người đã từng lầm lỡ hòa nhập với cộng đồng.

Ngọc Thiện
.
.
.