Vui thôi, đừng vui quá

Thứ Hai, 26/02/2018, 07:47
Những ngày Tết, người ta thường chúc nhau những điều tốt đẹp, may mắn và nó trở thành một nét đẹp văn hóa của người Việt. Ai cũng kiêng nói về chuyện xui xẻo, bởi nếu có gặp chuyện không vui thì sẽ “dông” cả năm.

Xã hội ngày càng phát triển, đời sống người dân đầy đủ hơn và vào dịp Tết, người ta không chỉ nói chuyện ăn ngon hơn, mặc đẹp hơn mà còn phải tìm những chỗ vui chơi thú vị hơn. Cụ thể là những tour du lịch trong và ngoài nước vào dịp Tết giá thường cao gấp rưỡi ngày thường mà vẫn kín chỗ.

Mọi người hẳn sẽ có một cái Tết trọn vẹn nếu họ biết dừng lại đúng lúc những cuộc vui hay giữ thói quen sống điều độ hàng ngày. Tuy nhiên, một số người không nghĩ như vậy. Họ coi Tết là dịp để ăn chơi thỏa thích, là nhậu nhẹt, cờ bạc thâu đêm, là rồ ga phóng xe bạt mạng trên đường… Thật đáng buồn, những hậu quả mà họ gây ra là điều báo trước và nó còn gây ra tai họa cho những người khác.

Minh họa của Lê Tâm.

Mặc dù Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo đã có hiệu lực hơn hai chục năm nay, nhưng cứ vào dịp Tết đến xuân về, chúng ta lại phải nghe những câu chuyện thương tâm từ pháo. Trong đợt công tác trước Tết vào Nghệ An, chúng tôi được nghe khá nhiều chuyện về việc người dân bỏ việc đồng áng rủ nhau đi buôn lậu pháo qua các cửa khẩu.

Dễ hiểu thôi, vì lợi nhuận từ việc buôn pháo nổ gấp 10 lần số vốn bỏ ra nên người ta ham cũng là đương nhiên. Song, để tình trạng này diễn ra theo chiều hướng ngày càng tăng rõ ràng có trách nhiệm của các cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương.

Còn về việc đốt pháo, thống kê từ Bộ Y tế cho thấy trong 3 ngày Tết (từ ngày 30 đến mùng 2 Tết) đã có 190 người nhập viện do tai nạn pháo nổ, tăng gấp rưỡi so với Tết Đinh Dậu 2017. Xin đơn cử một vài ví dụ: tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Nghệ An đã tiếp nhận cấp cứu cho 5 trường hợp bị thương do đốt pháo. Hầu hết các bệnh nhân đều nhỏ tuổi.

Sau ca phẫu thuật, mặc dù không nguy hiểm đến tính mạng nhưng các bệnh nhân đều bị tổn thương nặng vùng bàn tay. Còn tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cũng tiếp nhận điều trị cho hai cháu bé 9 tuổi và 15 tuổi cấp cứu trong tình trạng bàn tay bị dập nát do đốt pháo nổ.

Đau đớn nhất là trường hợp một học sinh lớp 7 ở Hải Phòng nghịch pháo tự chế khiến 2 bàn tay dập nát. Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật trong nhiều giờ đồng hồ nhưng chỉ giữ được ngón cái tay phải và 3 ngón tay trái…

 Các em còn nhỏ lắm, chỉ vì không chịu nghe lời dạy bảo của người lớn mà dẫn đến nông nỗi này. Gia đình các em không chỉ mất Tết mà chính các em sẽ sống ra sao khi những năm tiếp theo của cuộc đời với đôi bàn tay tàn phế đó?

Còn đây lại là một chuyện buồn khác. Cũng theo thống kê của Bộ Y tế, trong 3 ngày Tết, số người nhập viện vì... đánh nhau là 1.950. Trong đó, gần 1.100 người phải vào điều trị nội trú, trên 270 người phải chuyển bệnh viện tuyến cao hơn, 6 người tử vong do thương tích quá nặng. Trong số những bệnh nhân vào cấp cứu, có 230 người nhập viện trong tình trạng còn nồng nặc hơi men.

Điển hình nhất phải nói tới vụ tai nạn “hy hữu” rạng sáng mùng 1 Tết. Các bác sĩ đã phải phẫu thuật cấp cứu 4 tiếng đồng hồ khâu vết thương rất sâu ở tim cho bệnh nhân uống rượu say rồi bị bạn bè khích đã tự cầm dao đâm vào ngực mình…

Trước Tết vài tháng, cư dân mạng đã lan truyền một thông điệp ngắn gọn như nhắn nhủ mọi người: Vui thôi, đừng vui quá! Vâng, cái gì quá cũng mất hay. Bởi đó là lúc con người ta dễ thỏa hiệp mà bước qua những nguyên tắc bản thân. Đó cũng là khi một số người không kiểm soát được hành vi của mình để rồi gây ra những hậu quả đáng tiếc. Có những hậu quả được khắc phục trong một vài tháng, song có những hậu quả người ta phải gánh chịu nỗi bất hạnh cả đời.

Tuấn Nguyễn
.
.
.