Chuyện chỉ có ở Tây Bắc

Vùng đất đa thê

Thứ Ba, 31/01/2012, 12:47
Sống ở nơi thâm sơn cùng cốc, trời xanh mây trắng, sương giăng bảng lảng, không biết có phải do phong cảnh hữu tình nên thơ tác động hay không mà nhiều nam giới nơi đây "tậu" cho mình những 2 người vợ, thậm chí là 3 vợ. Ở một số xã vùng cao của huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên gặp những người đàn ông có số đào hoa lấy nhiều vợ không còn là chuyện hiếm nữa.

Kiếp chồng chung

Đến ngày hôm nay, bà Tùng vẫn không tin là chồng mình đã "rước" thêm 1 cô vợ hai. Ở tuổi trăng rằm, bà đẹp như bông hoa rừng giữa đại ngàn. Khi đó ông Chá Gà Nếnh yêu Tùng say đắm. Mối tình đẹp của bà là niềm mong ước của bao người. 20 mùa trăng, mùa rẫy đã trôi qua bà Tùng cùng chồng sống hạnh phúc, vui êm đềm cùng núi rừng. Họ sinh hạ được mấy mặt con. Tình nghĩa phu thê những tưởng gắn bó keo sơn, không gì chia tách họ được. Vậy mà đùng một cái, ông Nếnh "bàn với bà Tùng" cho ông ấy đi lấy vợ hai. Vợ chồng cũng không có mâu thuẫn gì lớn.

Theo lý giải của bà Tùng, mình đã già rồi. Ông ấy không còn yêu mình nữa. Buồn hơn là ông Nếnh còn đưa luôn vợ hai về ở cùng một nhà. Chung đụng gì, chứ chung một người đàn ông quả là điều khó. Chắc  ở đời, không một phụ nữ nào muốn thế. Hằng ngày ra vào 2 bà gặp nhau, chẳng ai chịu nổi. Ấy vậy mà đã nhiều mùa trăng đi qua, bà Tùng vẫn phải sống trong cảnh đó.

Đang ngồi nói chuyện với bà Tùng thì ông Nếnh về. Mới ngoài năm mươi tuổi, nhưng ông Nếnh còn phong độ lắm. Vòm ngực nổi cuồn cuộn như trai bản ngoài đôi mươi. Ông Nếnh nói chuyện về người vợ hai không hề ngượng ngùng. Ông Nếnh bảo: "Cây lim, cây nghiến trên rừng còn sức sống thì tán phải lan rộng. Mình cũng vậy thôi mà. Còn sức thì mình phải lấy vợ hai". Ông Nếnh còn kể cái phong tục của các cụ, "kéo vợ" hai về nhà vẫn ở chung được đấy thôi. Nghe ông Nếnh nói vậy, bà Tùng không lấy gì làm ngạc nhiên. Suốt mấy năm qua, bà cả "ngậm đắng nuốt cay" nhiều rồi.

Hiện ông Nếnh đang làm ngôi nhà sàn to nhất bản. Vừa rồi, ông bán cả đàn trâu, đàn bò của nhà đi mới đủ. Ông Nếnh dự định đưa cô vợ hai là bà Vừ Thị Khua ra đây ở. Sau gần 20 năm về làm vợ lẽ, bà Khua cũng kịp sinh cho ông Nếnh 5 người con. Vừa ngắm nghía căn nhà sàn rộng thênh thang của mình, ông Nếnh tỏ ra rất đắc ý. Ông Nếnh bảo, 2 vợ sống cùng trong căn nhà cũ, đôi lúc cũng gặp nhiều chuyện bất tiện.

Ông Gà Nếnh luôn "tự hào" là mình có 2 vợ.

Dự định cuối năm nay, mình có thể đưa vợ 2 ra ăn Tết ở đây rồi. Nói xong ông Nếnh còn vào nhà lấy cái sổ hộ khẩu của gia đình cho tôi xem, hơn chục trang của cuốn sổ đã kín tên. Cái sổ hộ khẩu của ông Nếnh có chi tiết khác hơn các cuốn sổ khác là ghi cả tên 2 người vợ của ông Nếnh, vợ cả là bà Mùa Thị Tùng, vợ 2 là bà Vừ Thị Khua. Ông Nếnh bảo, giờ 7 đứa con của 2 bà còn đang đi học. Nuôi chúng cũng tốn kém đấy.

Không riêng gì các chàng trai Mông, nhiều người có chức tước hẳn hoi cũng bất chấp dư luận để đi lấy vợ hai. Ông Giàng Dúa Dế, trưởng bản Háng Tàu, xã Xa Dung cũng có 2 người vợ. Đầu đã hai thứ tóc, có nhà cửa, con cháu đề huề rồi. Như người ta ở tuổi này, ông sẽ là người làm gương cho con cháu, vậy mà ông vẫn đi lấy vợ hai. Người vợ hai của ông còn rất trẻ, đâu chưa đến tuổi băm. Ông còn khoe: "Vợ cả được 3 đứa con. Riêng vợ 2 chưa sinh được đứa nào. Mình còn khoẻ mà, cô ấy cũng ưng mình đấy chứ". Mặc cho gia đình khuyên ngăn, ngay cả xã cũng phản đối, nhưng ông cũng không nghe. 

Xã Xa Dung được coi là mảnh đất "phát" của những chàng trai thích lấy vợ hai. Thống kê sơ sơ của cán bộ tư pháp xã, toàn xã có 9 người lấy vợ hai. Đa phần họ là những người đã đứng tuổi có con cái đề huề rồi. 

3 vợ vẫn ổn

Người có nhiều vợ nhất xã Xa Dung phải kể đến là ông Lầu Chù Di. Nhà ông Di ở bản Xa Dung A. Hôm chúng tôi đến nhà ông, trời đã tối mịt. Sương giăng khắp lối. Trong ngôi nhà gỗ, nền đất ám mùi khói bếp, người đàn ông có số đào hoa nhất xã tiếp chúng tôi rất niềm nở. Ông đang ở cùng vợ cả là bà Chá Thị Dua. Ông Di khá đẹp lão. Năm nay mới ngoài 50 tuổi, dáng người dong dỏng, nước da đỏ au như gà chọi. Mái tóc mới lốm đốm bạc. Vốn là người hay làm lại ăn nói khéo, hơn nữa ông lại là trưởng tộc nên rất được bà con, dân bản tin mến.

Năm 14-15 tuổi gì đó, ông Di đã đi chơi hội xuân tán gái. Đến đâu ông cũng được các sơn nữ khen đẹp trai, ngỏ ý sẵn sàng "mở cửa" đợi nếu như ông Di đến. Ấy vậy mà duyên số đưa đẩy thế nào, ông lại thích cái cô Chá Thị Dua ở tít bản Pó Khung, xã Nậm Ti. 2 người quen nhau đã lâu, ý đồng tâm hợp. Tình yêu của họ đã chín muồi. Vào một đêm xuân rét mướt, ông Di đã vượt 10km đường rừng đến nhà bà Dua "cho pò lịa" - kéo vợ. Mấy hôm sau ông đưa bố mẹ đến thưa chuyện với cha mẹ bà Dua, cho ông bà được nên duyên vợ chồng.

Ông Di và 3 người vợ của mình.

Kéo được vợ về ông Di mừng lắm. Thế là từ nay ông đã có người nâng khăn sửa túi cho mình. Cái nương, cái rẫy có người chung lưng đấu cật làm việc. Chẳng mấy chốc bà Dua đã sinh được đứa con gái đầu lòng. Chẳng hiểu sao bà Dua sinh đến đứa con thứ 4 vẫn là con gái. Điều này khiến ông Di đứng ngồi không yên. Ông thầm nghĩ, mình đứng đầu một dòng tộc, vợ lại đẻ toàn con gái. Việc này không ổn. Sau này, già cả lấy ai chăm sóc. Năm đó ông Di chưa đến 30 tuổi, ông còn dư sức khỏe để làm nhiều chuyện khác. Thế là ông "bàn" với bà Dua, để cho ông lấy cô vợ 2 kiếm đứa con trai nối dõi tông đường. Biết phận mình sinh con một bề nên bà Dua đã đồng ý để cho ông Di lấy thêm vợ.

Quả thực ở ông Di có một điều gì đó rất lôi cuốn phụ nữ. Người vợ hai của ông là bà Chá Thị Mị, ở cùng bản. Cô Mị này đã thầm yêu trộm nhớ ông từ lâu rồi. Chỉ buồn cho cái duyên phận, ngày còn trẻ mà họ không thể nên duyên vợ chồng. Người ta vẫn bảo, tu 7 kiếp mới được kết mối tơ hồng, không biết có phải do kiếp trước, ông bà có duyên số với nhau hay không, chứ cái hôm ông Di đến ngỏ ý đón bà Mị về, bà Mị đồng ý ngay. Để cho cuộc sống thuận hòa, chính bà Dua đã cùng ông Di đến đón bà Mị về nhà. Từ bữa đó ông Di đã có 2 người vợ. Vui hơn là sau hơn 20 năm chung sống, bà Mị cũng kịp sinh cho ông 6 người con, trong đó có 4 người con trai.

Cái số ông Di vốn được chị em yêu quý. Sống với 2 người vợ dường như chưa làm ông Di hài lòng. Cách đây 5 năm, ông lại "bàn" cái sự lấy vợ với bà Dua và bà Mị là ông đã thầm yêu bà Sồng Thị Mị ở bản Ca Tâu. Cô Mị này có số phận hẩm hiu. Cô lấy chồng, sinh được 2 người con nhưng chồng cô mất sớm. Thương cảnh mẹ góa con côi, ông Di đã động lòng trắc ẩn. Chẳng hiểu ông thuyết phục 2 người vợ trước như thế nào, họ lại "đồng tình" ủng hộ ông đón cô Mị về làm "cô em" của mình.

Minh chứng là trong gia đình này, tuy có 3 người phụ nữ nhưng họ đều tôn trọng và nể ông. Chưa bao giờ nghe thấy tiếng mắng chửi nhau giữa các bà cả. Hôm chúng tôi đến, ông Di đã gọi cả 3 người vợ đến để cùng chụp ảnh. Vợ cả, vợ hai, vợ lẽ gặp nhau tay bắt mặt mừng. Tôi để ý kĩ, trên nét mặt của họ rất bình thản. Họ coi cái chuyện chồng chung, chẳng có gì có thể ảnh hưởng tới cuộc sống của họ vậy.

Khó ngăn chặn

Trong muôn vàn cái sự lạ ở vùng sơn cước xa ngái này, có một điều mà ngay cả những cán bộ nơi đây cũng không thể giải thích nổi đó là nhiều bà vợ cả sẵn sàng sửa sính lễ để đi đón vợ 2 về cho chồng. Từ lâu người Mông nơi đây đã có lệ, trai gái tự tìm hiểu nhau, "ưng cái bụng" của nhau là họ về ở với nhau. Gia đình hai bên tổ chức đám cưới, mời bà con dân bản đến uống rượu chia vui là đôi trẻ nên duyên vợ chồng. Những năm trước đây, nhiều xã vùng cao chưa có cán bộ tư pháp nên việc đăng ký kết hôn gần như bị bỏ trống. Mãi mấy năm gần đây, xã Xa Dung mới có cán bộ tư pháp nhưng tỷ lệ trai gái đến đăng ký kết hôn cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Theo anh Lầu A Sá, cán bộ tư pháp xã Xa Dung, tất cả những trường hợp lấy vợ 2 trong xã không đến xã đăng ký kết hôn. Khi xã phát hiện, đến vận động họ chỉ ậm ừ cho qua. Xã phạt thì họ nộp phạt, chứ chẳng anh nào chịu "buông" cô vợ 2 ra cả. Cũng theo anh Sá, những năm gần đây tình trạng nam giới lấy 2 vợ đã giảm. Nó chỉ rơi vào độ tuổi của những người ở độ tuổi trung niên, riêng lớp trẻ không có trường hợp nào cả.

Vấn đề đăng ký kết hôn ở nhiều xã vùng cao vẫn là việc nan giải. Hiếm khi họ đưa nhau xuống xã đăng ký kết hôn. Đặc biệt là với những đôi vợ chồng đã ở cái tuổi ngũ thập - thuộc về thế hệ trước. Do vậy, khi các ông đòi lấy vợ hai thì các bà vợ đều lép vế cả về lý lẫn về tình. Hơn nữa, phụ nữ ở đây lại hoàn toàn phụ thuộc kinh tế vào nhà chồng. Do vậy, đa phần họ cam phận sống cảnh "chồng chung", rất ít phụ nữ dám bước qua cái bậu cửa của nhà chồng để tìm một cuộc sống mới cho mình

Linh Nhi
.
.
.