Vững lái trong sóng dữ

Thứ Hai, 26/05/2014, 17:26

Để biện hộ cho việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 ở khu vực Nam Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, phía Trung Quốc đã không ngần ngại ra hàng loạt tuyên bố dối trá. Bộ ngoại giao, Bộ quốc phòng và các bản tin báo chí phát đi từ nước này cứ ra rả một luận điệu vu cáo rằng hoạt động thăm dò, khai thác bình thường của họ ở khu vực Hoàng Sa thường xuyên bị phía Việt Nam cản trở, khiêu khích.

Mỉa mai thay, thực tế hoàn tòa ngược lại. Lực lượng chấp pháp trên biển của phía Việt Nam chỉ gồm tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư và có sự hỗ trợ của một số tàu cá để bảo vệ chủ quyền lãnh hải. Trong khi đó, vây quanh giàn khoan hạ đặt trái phép, Trung Quốc đã điều tổng cộng gần 130 tàu của 9 lực lượng khác nhau, gồm cả hải cảnh, hải giám, ngư chính…lẫn những tàu quân sự có khả năng cơ động - tấn công cao như tàu hộ vệ tên lửa, tàu hộ vệ săn ngầm, tàu tuần tiểu tấn công nhanh lớp Hải Thanh, lớp Giang Khải, tàu tên lửa tấn công nhanh lớp Hậu Tân…v.v. Lực lượng hùng hậu và nguy hiểm này còn được hỗ trợ thường xuyên bởi khoảng 100 tàu cá vỏ sắt, thực chất là tàu quân sự cải hoán trá hình giàn hàng ngang tạo thành một hành lang hình rẻ quan bọc mạn Nam và Tây Nam của giàn khoan hải Dương 981 ở bán kính trên dưới 10 hải lý.

Trong một tuần lễ có mặt trên tàu Cảnh sát biển tiếp cận khu vực điểm nóng ở khu vực Hoàng Sa, từ  ngày 13 đến ngày 18/5, chúng tôi đã thường xuyên bị những bóng ma trên biển này rượt đuổi, uy hiếp và khiêu khích. Cùng có mặt trên tàu CSB 4033, đồng nghiệp Nhật Bản Vatagai Toshihiro của hãng Kyodo News đã phải thốt lên: "Thật không tin nổi. Tôi thật sự bị sốc. Trung Quốc đã thể hiện một sự ngạo mạn, ngang ngược không thể chấp nhận nổi!"

Con tàu CSB 4033 mà chúng tôi có mặt chính là tàu Cảnh sát biển Việt Nam đầu tiên bị tàu Trung Quốc cố ý va đâm gây thiệt hại nặng sau khi đưa giàn khoan vào xâm lấn vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Ngày 3/5/2014, trong khi đang chấp pháp cách giàn khoan khoảng 5 hải lý, nó đã bị tàu hải cảnh Trung Quốc húc thẳng vào mạn phải. Sườn tàu bên mạn phải ngay vị trí đặt buồng máy bị móp méo, toàn bộ lan can sắt bị gãy. Cú húc còn làm vỡ ba giàn đèn, ba giàn cửa thông gió, vỡ đèn tín hiệu… Dù vậy, tàu CSB vẫn dũng cảm bám trụ điểm nóng tiếp tục làm nhiệm vụ, đến ngày 11- mới về bờ sửa chữa cấp tốc, để đến 1 giờ sáng ngày 13/5, chỉ  một ngày rưỡi sau lại hú còi chào bến ra với Hoàng Sa. Trong chuyến đi này, ngoài thủy thủ đoàn còn có thêm 23 nhà báo trong nước, 9 nhà báo các hãng thông tấn nước ngoài của các hãng Kyodo News, AP, AFP Bloomberg, Ashahi TV…

Tàu kiểm ngư nhỏ, tốc độ chậm hơn tàu CSB thường dễ bị tổn thương khi tàu Trung Quốc cố ý va chạm. Trong ảnh là tàu KN762 với nhiều thương tích sau khi bị tàu hải cảnh Trung Quốc đâm va.

Giờ khởi hành và số hiệu con tàu được bảo mật đến phút chót. Trước khi xuống tàu, cánh phóng viên báo chí đã được thông báo trước đầy đủ về sự vất vả, nguy hiểm và được yêu cầu kiềm chế tối đa trong khi tác nghiệp, tránh có bất kỳ một hành vi có thể gây hiểu lầm nào. Không hiểu vì lý do gì, ngay tại bến tàu, một phóng viên nước ngoài đã bất ngờ xin không xuống tàu trước giờ khởi hành chừng… 1 phút. Đơn giản thôi, vất vả và nguy hiểm là những thứ không phải ai cũng muốn chia sẻ và trải nghiệm, nhất là khi nó không đi kèm với hai từ Tổ quốc!

Sau 10 giờ hành trình, tàu CSB 4033 có mặt thả trôi tại Hoàng Sa. Phía Đông Bắc, cách 9 hải lý, giàn khoan khổng lồ trị giá hàng tỷ USD hiện ra đen thẫm trong vùng sáng ngược cuối chân trời. Tại đó, nhóm phóng viên chúng tôi tách tốp hai lần, chia nhau xuống tác nghiệp ở hai tàu CSB 4032 và CSB 8003. Trên tàu CSB 4033 còn lại 10 nhà báo, 6 trong nước và 4 nước ngoài. Ra đến Hoàng Sa, khi tàu dừng máy thả trôi để cặp mạn tàu khác chuyển người, hàng, sóng bất ngờ trỗi cấp 4 - cấp 5, tàu CSB 4033 bị chao đảo dữ dội nên cánh nhà báo không quen sóng gió ai cũng say sóng lử đử. Mang hai máy ảnh trước ngực, tay xách thêm một máy quay phim, đồng nghiệp Hoàng Đình Nam, phóng viên người Việt của hãng AFP bị say sóng nặng, cứ ngồi bẹp xuống sàn ca bin tàu và nôn liên tục. Nhưng mỗi khi có sự kiện, anh cũng như các đồng nghiệp đang say sóng khác lại vội choàng dậy để tác nghiệp, xong là ngồi thụp xuống nhắm nghiền mắt.

Tình cờ, con tàu CSB 4033 mà chúng tôi có mặt  chính là tàu giữ vị trí chỉ huy biên đội 6 tàu Cảnh sát biển của chuyến công tác. Do đó, chúng tôi có đầy đủ mọi thông tin liên quan và được tận mắt chứng kiến đầy đủ mọi sự kiện va đâm, rượt đuổi trong 7 ngày lênh đênh. Mọi chiến thuật, thủ đoạn và sự ngang ngược, trơ tráo của tàu Trung Quốc, anh em cảnh sát biển Việt Nam đều đi guốc trong bụng nên tỏ ra khá bình tình khi xử lý. Không dám tấn công trực diện các tàu lớn như CSB 8003, CSB 8001, các tàu Trung Quốc cứ lượn lờ vây bọc, tìm cách cắt tốp các tàu nhỏ của ta như CSB 4003, CSB 4032, CSB 2013, CSB 2016, CSB…và các tàu kiểm ngư cả độ choán nước lẫn tốc độ đều thấp.

Thông thường, tận dụng tốc độ cao, cứ 4-5 tàu Trung Quốc bọc lấy một tàu Việt Nam, hai chiếc bọc mạn, 1-2 chiếc khóa đuôi, chiếc còn lại bọc lên chặn đầu. Khi đi ngang tầm, tàu Trung Quốc sẽ tìm cách áp sát và phun nước bằng vòi rồng áp lực cao. Nếu tàu ta vòng tránh chiếc này, chiếc khác của Trung Quốc sẽ tăng tốc cắt mặt và lượn từ trái sang phải húc  vào sườn tàu ta. Giữ nguyên tốc độ, tàu Việt Nam sẽ bị đâm ngang sườn phải, phía  từ sau đuôi tàu. Nếu tăng tốc để tránh, tàu ta sẽ bị đâm vào tàu khác của trung Quốc vừa chắn mặt, tạo cớ cho họ tuyên truyền vu cáo Việt Nam chủ động va đâm. Dù va chạm kiểu gì, tàu Việt nam nhỏ hơn cũng sẽ bị thiệt hại nặng.

Tàu hải cảnh 46001 của Trung Quốc đang cố bẻ lái đâm thẳng vào sườn tàu CSB 4033 của Việt Nam.

Lúc 8h30 sáng 13/5, tàu CSB 4032 đã bị tàu hải cảnh 46001 của Trung Quốc bám đuổi ráo riết ở khu vực cách giàn khoan 5,5 hải lý. Dù đã cảnh giác nhưng do tốc độ thấp hơn nên tàu 4032 chỉ kịp né mà không tranh đước cú cắn trộm, bị mũi tàu 46001 lướt từ đuôi lên đến gần nửa thân, làm dập vỏ tàu và gãy đổ toàn bộ lan can mạn phải, thiết bị thu sóng vệ tinh rơi xuống biển. Chỉ thực hiện một phần ý đồ chơi bẩn, tàu Trung Quốc cũng bị đứt dây neo và rơi mất một mỏ neo trước mũi.

Sáng 16/5, 3 tàu 2013, 2016 và 4033 tiến sâu vào cách giàn khoan khoảng 5,5 - 6 hải lý. Cùng lúc 7 tàu Trung Quốc lao ra chặn đường. Một tàu đầu kéo, 2 tàu hải cảnh 33101 và 31101 của Trung Quốc tăng tốc lao thẳng về phía tàu 2013 của CSB, tháo bạt nòng pháo 25 ly và vòi rồng phun nước để đe dọa. Tàu 4033 lập tức cơ động tiến ra, phát loa cảnh báo, xua đuổi tàu Trung Quốc rời khỏi khu vực. Rất xảo trá, khi đã chạy song song tàu ta, hai sườn tàu chỉ cách nhau khoảng 20m, tàu Trung Quốc đột ngột kéo còi xin vượt bên mạn phải nhằm lấy cớ bị cản trở để đâm ngang sườn tàu 4033. Không mắc mưu, thuyền trường tàu 4033, thượng úy Lê Trung Thành lập tức ra lệnh tăng tốc lên đến lao vọt đi, sau đó đánh lái. Tàu nhỏ nên khẩu độ mở vòng cũng nhỏ, tàu CSB 4033 nhanh chóng chệch được ra ngài tầm va húc của đối phương, vượt ngay sau đuôi chiếc 33101 vừa vòng căt mặt, đồng thời bỏ rơi chiếc 31101 đang loay hoay chuyển lái cố vòng theo ở một bên và dần dần tụt lại.

Ngoài hai tàu lớn CSN 8003 và CSB 8001, hầu như tất cả các tàu CSB còn lại từng có mặt tuần tra ở mạn tây nam Hoàng Sa đều đã ít nhất một lần bị va đâm gây tổn thất. Tất cả đều bị đâm bên mạn phải, từ gần sau đuôi đến giữa thân tàu. Kiểu tấn cống này  bộc lộ đầy đủ bản chất xảo trá, nham hiểm và cố sát tối đa của Trung Quốc, bởi họ luôn nhắm vào khu vực hầm máy tàu để tấn công, cú va đâm nếu thành công thì sức nặng của tàu Trung Quốc lớn hơn tàu ta nhiều sẽ thừa đủ sức xé toang con tàu của Việt Nam.

Mặt khác, lao vào bên mạn phải, họ sẽ có cớ biện hộ là đã di chuyển đúng luật hàng hải, vượt đường từ bên phải, va húc là do bị tàu Việt Nam cản đường. Chưa hết, "hành trình đúng luật", tự rêu rao mình là "nạn nhân", "tai nạn" xảy ra (nếu thực hiện được ý đồ va đâm, phun nước) là "không tránh khỏi" nhưng mỗi lúc có cơ hội tiếp cận tàu CSB hay tàu kiểm ngư của ta, tàu Trung Quốc cũng đều tháo hết bạt che phủ, chĩa cả nòng súng phun nước lẫn nòng pháo 25mm về phía tàu Việt Nam mà họ đang tăng tốc đâm sườn nhưng gọi là xin vượt. Tất cả những điều này  xảy ra như cơm bữa trong vùng biển đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam!

Trong 2 ngày 16 và 17/5, chúng tôi đã chứng kiến nhiều lần cảnh cùng lúc khoảng 20 tàu các loại của Trung Quốc chia đội hình dồn đuổi và tấn công cả tàu CSB lẫn tàu kiểm ngư của Việt Nam. Khoảng 18h50 ngày 16, một tàu đầu kéo và tàu cảnh sát biển bọc 44103 của Trung Quốc đã cùng lúc tấn công tàu KN 774 vùng 4 Việt Nam. Cú đâm mạnh đã khiến tàu KN 774 rách 3m bên sườn, gãy lan can, móp méo be chắn sóng, vỡ 3 cửa thông gió, vỡ toàn bộ hê thống phun sương, cửa sổ thông hơi, vỡ ra đa và gãy đèn mũi. Hôm sau, 17/5, lại thêm hai tàu Việt Nam đã bị Trung Quốc tấn công. Tàu CSB 2013 bị húc vào mạn, gãy toàn bộ lan can bên phải. Tàu kiểm ngư KN 762 bị tàu đầu kéo và một tàu hải cảnh Trung Quốc dồn ép phun vòi rồng, đồng thời húc bể toàn bộ cửa kính ca - bin, sập mái che sau đuôi, gãy xuồng cứu sinh và dập một phần mạn phải.

Thâm độc hơn, lợi dụng ưu thế chiều cao vượt trội, trong những lần tấn cống sau này, các tàu Trung Quốc đều cố ý câu vòi rồng vào ống khói tàu ta, nhằm phá hỏng máy tàu, buộc tàu kiểm ngư phải dừng hẳn để họ đâm thẳng nhằm "giết tuyệt"! Không có cách nào hữu hiệu hơn, tàu KN 629 đã nảy ra sáng kiến độc đáo vô tiền khoáng hậu: đặt một chiếc thùng phuy rỗng lên che ngay trên đầu ống khói để hạn chế bị phun nước phá hỏng máy.

Căng thẳng, mệt mỏi, sức lực bị bào mòn vì luôn phải căng mắt, căng tai cảnh giác với tàu Trung Quốc, nhưng anh em CSB lẫn kiểm ngư đều cố kiềm chế, vừa tránh bị khiêu khích dẫn đến trả đũa bột phát để tự vệ, vừa cố vòng tránh đâm va để hạn chế thiệt hại. Nhưng khi tạm dừng nhiệm vụ, anh em luôn lạc quan và rất tự tin. Những ngày có mặt trên tàu CSB4033 để tác nghiệp và sau đó chuyển sang tàu CSB 2013 để di chuyển về đất liền, buổi tối chúng tôi vẫn thường cùng anh em thủy thủ rọi đèn vớt mực chuẩn bị "ca nhạc nhẹ đêm khuya". Biển quê hương hào phóng, mỗi tối chỉ cần vớt chừng 2- 4 kg mực là chúng tôi đã đã có được một chương trình "ca nhạc đặc sản" rất xôm tụ.

Đáng tiếc, đêm cuối ở lại trên tàu CSB 4033, cuộc vui đã bị các "bóng ma" phá ngang. Vừa vớt được 2 con mực lá lớn và 4-5 con mực ống nhỏ, chúng tôi đã bị hai tàu Trung Quốc áp sát pha đèn lóa mắt. Thuyền trưởng Lê Trung Thành hô to: "Các nhà báo ngừng… tác nghiệp, vào ngay trong ca bin", đồng thời ra lệnh tăng tốc cho tàu rời xa tầm nguy hiểm. Tàu Trung Quốc nhanh chóng bị tụt lại, hãm máy, nhưng đèn pha như những con mắt xoi mói vẫn chòng chọc quét về phía tàu Việt Nam bình tĩnh, nhẫn nại và chịu đựng.

Lúc quây quần cùng anh em thủy thủ thưởng thức đặc sản Hoàng Sa, tôi bỗng nghĩ rất lâu: hai từ Trung Quốc nghe thật bất hạnh. Bởi, chính quyền của họ, đến bây giờ vẫn không từ bỏ được ý đồ hằn học và tham lam nên cứ phải lao theo bao nhiêu hành vi ngang ngược và xảo trá. Không biết họ sẽ thu được gì, nhưng chắc chắn nhân dân của họ đã và sẽ luôn bị đầu độc trong một thứ niềm tin mơ hồ được gia cố bởi các thông tin bip bợm và dối trá. Tất nhiên, không thể có một tư cách lớn nào được hình thành từ sự dối trá.Tôi nghĩ điều đó tuyệt đối đúng và vĩnh cửu, cho dù là đối với một cá nhân hay với một quốc gia!

Phóng sự của Nguyễn Hồng Lam - PV báo CAND tại Hoàng Sa
.
.
.