Vùng quê nghèo và những người hiến tặng ánh sáng

Thứ Ba, 16/12/2014, 18:30
Đã hơn 7 năm kể từ khi Luật Hiến tặng mô tạng có hiệu lực, cả nước có hơn 200 cá nhân hiến tặng giác mạc khi qua đời, trong đó tỉnh Ninh Bình có 150 người. Nhưng một điều đặc biệt, trong số 150 người ấy, huyện Kim Sơn đã có 144 người và hơn một nửa số đó đến từ xã Cồn Thoi. Nghĩa cử cao đẹp này dường như đã trở thành phong trào lan rộng ở làng quê nghèo từng thiếu ăn, thiếu mặc…

Từ người đầu tiên

Xã Cồn Thoi thuộc huyện Kim Sơn (Ninh Bình) là một xã nghèo ven biển. Người dân nơi đây chủ yếu sống dựa vào nông nghiệp và đánh bắt thủy sản nhưng cuộc sống cũng vô cùng bấp bênh như sóng nước. Theo ông Quách Hữu Viến, Phó Chủ tịch UBND xã Cồn Thoi thì cái tên của xã lấy từ chính thực trạng xưa kia. Đó là một cồn cát nổi giữa đại dương. Dần dần, các bãi bồi lấn dần sáp hợp cồn cát ấy với đất liền. Cho đến bây giờ, bãi bồi đã lấn thêm ra biển 3 vòng đê. Xã Cồn Thoi toàn cát với muối mặn nên làm ra hạt gạo là khó, mỗi năm hai mùa lúa chẳng đủ ăn. Theo cụ Hoạt ở xóm 8A cho biết: "Vào những năm 90 của thế kỷ trước, người địa phương còn chịu cái đói, phải ăn cơm độn sắn hoặc khoai ngứa dành cho lợn. Lắm nhà có thóc, có gạo mà không dám ăn vì còn phải đề phòng mất mùa. Tháng nào họa hoằn lắm thì lôi một ít gạo ra nấu ăn cho đỡ thèm. Bây giờ cuộc sống của người dân đã no đủ, nhưng làm ra đồng tiền ở vùng quê này vẫn còn khó khăn lắm".

Tưởng rằng chuyện cái nghèo, cái đói cũng giống như cơn lốc cuốn phăng nhưng suy nghĩ, ước mơ của người dân nơi đây vào cơm ăn, áo mặc. Thế nhưng, trước những khó khăn của việc thiếu hụt giác mạc, giúp nhiều người có khả năng thấy lại ánh sáng, người dân nơi đây đã tạo nên phong trào hiến giác mạc đầu tiên ở Việt Nam.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan khen thưởng các gia đình có người hiến giác mạc ở huyện Kim Sơn, Ninh Bình (Ảnh: TTXVN).

Vào đầu năm 2007, khi ấy Luật Hiến tặng mô còn chưa có hiệu lực, việc hiến giác mạc ở nước ta là hoàn toàn xa lạ nên ít người biết, nhất là ở vùng quê như Cồn Thoi. Vậy mà khi nghe một thanh niên tên Sự là người cùng xã đến trò chuyện, kể về tình trạng mắt của người chị dâu đang nằm viện ở Hà Nội thì cụ Nguyễn Thi Hoa ở xóm 8A bày tỏ sẽ cho giác mạc nếu bác sĩ lấy ra được. Chính anh Sự cũng không thể ngờ được rằng, khi hỏi các bác sĩ ở bệnh viện thì họ gật đầu bảo rằng y học hiện đại có thể thực hiện được điều đó. Nói lại với cụ Hoa điều đó, chính anh Sự cũng ngại ngùng vì từ ngàn đời nay, người Việt có quan niệm chết phải toàn thây, liệu con cháu, gia đình cụ có đứng ra ngăn cản. Nhưng điều bất ngờ là, khi biết rằng có thể cho một người ánh sáng, cụ Hoa đã kiên quyết hiến đi đôi mắt mình đi cho một người khác, mặc kệ con cháu ngăn cản. 

Trước khi viết đơn tự nguyện hiến giác mạc, cụ Hoa lên gặp cha xứ trình bày sự việc. Vị cha xứ ấy thoạt nghe cũng không khỏi lúng túng vì chưa gặp trường hợp nào như vậy. Nhưng hành động cao cả ấy đã được vị cha xứ đồng ý vào tận gia đình khuyên bảo gia đình. Cuối cùng, mọi người đồng ý và để cụ Hoa viết đơn tự nguyện hiến giác mạc. Ngày cụ Hoa mất, đoàn giáo sư Viện Mắt Trung ương về làng khiến người dân xúm lại để bàn tán. Nhưng cũng từ sự kiện ấy, xã Cồn Thoi đã trở nên nổi tiếng và phong trào hiến giác mạc dần lan tỏa đến mọi người.

Tiếp lửa từ cụ Hoa, chỉ sau đó vài tháng, Bệnh viện Mắt Trung ương đã tiến hành thu nhận giác mạc của cụ Phạm Thị Nhẫn, 93 tuổi, ở cùng xã Cồn Thoi. Cụ Nhẫn là người đầu tiên ở Việt Nam hiến tặng giác mạc sau khi Luật Hiến tặng mô tạng có hiệu lực từ ngày 1/7/2007. Hai giác mạc của cụ Nhẫn đã được Bệnh viện Mắt Trung ương ghép cho 2 bệnh nhân bị bệnh về giác mạc.

Sổ ghi chép về những người đã đăng kí hiến giác mạc.

Theo như sự giới thiệu của chính quyền xã, chúng tôi đã tìm đến nhà ông Nguyễn Đình Tú, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Cồn Thoi để tìm hiểu thêm về phong trào hiến giác mạc ở nơi đây. Ông Tú cho biết: "Cho đến nay, địa phương đã có 76 người hiến giác mạc và hàng trăm người đăng kí tình nguyện hiến giác mạc khi qua đời. So với con số 204 người trên cả nước thì Cồn Thoi đã chiếm hơn 1/3 rồi". Nói đến đó, ông Tú bắt đầu lôi sổ sách ghi chép những người đã đăng kí và quyển sách ghi lại những nghĩa cử cao đẹp ra cho chúng tôi xem. Nói một cách nghẹn ngào, ông Tú giở trang sách có hình con gái ông và cho biết, chị cũng là một trong những người đầu tiên hiến giác mạc ở nơi đây.

Con gái ông Tú, chị Nguyễn Thị Lan khi biết mình lâm bệnh nặng khó qua khỏi đã âm thầm viết đơn hiến giác mạc gửi lên Viện Mắt Trung ương vào năm 2008. Vì sợ gia đình ngăn cản nên chị phải giấu giếm, ngay cả những người thân thiết nhất chị cũng không nói. Cho đến khi nằm hấp hối trên giường bệnh, chị Lan mới nói chuyện ấy ra như một điều nhắn gửi cuối cùng khiến ai nghe chuyện cũng phải xúc động. Người phụ nữ 33 tuổi đã bỏ ngoài tai mọi quan niệm văn hóa xưa cũ để viết lá đơn mong muốn được chuyển giao ánh sáng cho những người không may mắn. Dĩ nhiên, những di nguyện ấy của chị Lan đã được gia đình chấp nhận, nhất là người cha.

Từ ngày con gái mất, ông Tú tham gia vào Hội Chữ thập đỏ và phối hợp cùng với giáo xứ Cồn Thoi đi tuyên truyền, vận động người dân đăng kí hiến giác mạc. "Trước khi đi vận động người dân, tôi cũng đi gặp nhiều người mù để hiểu cảm giác có được ánh sáng đối với họ quý giá ra sao. Phải làm thế thì mình mới có cái để vận động bà con, giúp họ hiểu chỉ cần một hành động nhỏ có tác dụng lớn ra sao…".

Những dấu ấn buồn

Ông Tú cho biết, sau khi được vận động tuyên truyền, phần lớn người dân đã hiểu ra nghĩa cử cao đẹp ấy và sẵn sàng đăng kí hiến giác mạc. Nhiều người trong số ấy vẫn còn rất trẻ và cuộc sống vô cùng khó khăn. Như để minh chứng cho lời kể của mình, ông Tú dẫn chúng tôi tới nhà anh Vũ Văn Bình ở xóm 5 - người hiến giác mạc vào tháng 10-2013. Ở đó chỉ có hai người phụ nữ và hai đứa trẻ sống trong một gian nhà được xây bằng gạch cũng đã in màu thời gian, ẩm thấp, tường nhiều hoen mốc. Chồng mất sớm, nay con lại qua đời nên mẹ anh Bình hằng ngày vẫn phải vật lộn trông hai đứa cháu và nhặt chỉ áo may cho nhà máy với số tiền công vẻn vẹn 20.000 đồng một ngày.

Ông Nguyễn Đình Tú bồi hồi khi kể về con gái và đang xem lại những quyển sổ ghi chép về người hiến tặng giác mạc.

Còn chị Trương Thị Liên (27 tuổi) - vợ anh Bình - chỉ mới kết hôn được 3 năm, anh chị còn mạnh dạn đấu thầu khu đầm của hợp tác xã để làm trang trại, nhưng dự định chưa đến ngày gặt hái thành quả thì anh Bình lại đột ngột ra đi. "Mặc dù anh ấy đã mất, nhưng một phần cơ thể của anh vẫn còn trên dương gian. Mình cũng lo hiến giác mạc anh ấy sẽ phải đau đớn thêm một lần nữa nhưng gia đình vẫn đồng ý theo di nguyện của anh", chị Liên nức nở. Anh Bình cũng là người trẻ nhất đã lập gia đình hiến tặng giác mạc, anh ra đi khi tuổi đời chỉ mới 30, tuy anh ra đi đột ngột nhưng người thân trong gia đình vẫn đồng ý hiến tặng giác mạc cho BV Mắt Trung ương. 

Tuy nhiên theo ông Tú, vẫn có nhiều trường hợp để lại cho ông ấn tượng buồn khi tham gia vận động bà con hiến giác mạc. Thời gian đầu khi nhiều người dân không nắm được rõ ràng thông tin, chưa hình dung hiến giác mạc sẽ như thế nào nên nghĩ rằng phải móc hẳn con mắt người đã khuất ra và lưu giữ. Tưởng tượng đến cảnh đó thôi thì ai mà chẳng đau xót cho người thân của mình vừa lìa trần bởi quan niệm người chết phải toàn thây. Cũng vì thế mà, mỗi ca hiến tặng giác mạc là tâm huyết của biết bao người. Ông Tú và cha xứ Đoàn Minh Hải - hai người đặc biệt tận tâm trong vận động hiến giác mạc ở Cồn Thoi - đã gặp những chuyện đáng tiếc. Trường hợp ở xóm 5, bản thân người hiến đã đăng ký và gia đình đã xuôi tình, nhưng vì một người con gái lấy chồng xa về không đồng ý và dọa bỏ tang nên gia đình đành chịu. Lần khác, các bác sĩ Ngân hàng Mắt Trung ương về đến tận Cồn Thoi thì vấp phải sự phản đối của một anh con trai đã ngấm men rượu, người này đứng chặn ở cửa và cấm không cho ai bước vào phòng nơi đặt xác của cha mình. Khuyên bảo không được, cuối cùng các bác sĩ cũng đành phải quay xe về Hà Nội trong nỗi tiếc nuối vì giác mạc chỉ sử dụng cấy ghép được khi người ra đi trút hơi thở cuối cùng không quá 8 tiếng. Như vậy là lại có một người không được ghép giác mạc, một người không thể nhìn lại ánh sáng.

Cho đến tận bây giờ, khi những ca lấy giác mạc hiến tặng đã phổ biến hơn nhưng cũng có nhiều trường hợp con cháu, người thân của người hiến tặng không cho bác sĩ vào lấy. Có trường hợp khuyên bảo được nhưng lại có trường hợp căng thẳng khiến các bác sĩ phải bỏ về. Ông Tú cho biết: "Nhiều lúc thấy xe của bệnh viện về làng, nhiều thanh niên còn nói đùa độc mồm rằng họ lại về móc mắt đấy. Biết rằng đó chỉ là một câu nói đùa nhưng cũng khiến chúng tôi cảm thấy buồn, khó chịu…". Nhưng dẫu sao, những người phản đối, chê bai chỉ là một số ít, phong trào hiến giác mạc vẫn còn đang phát triển rất mạnh ở Cồn Thoi.

Giác mạc là một lớp màng mỏng trong suốt. Việc thu nhận giác mạc chỉ được thực hiện khi người hiến đã qua đời. Quy trình tiến hành rất nhanh, chỉ từ 25 - 30 phút và không làm thay đổi khuôn mặt, mắt của người hiến. Trong 7 năm (2007-2014), cả nước có trên 35.000 người đăng ký hiến tặng giác mạc, trong đó có 204 người hiến tặng giác mạc sau khi qua đời.
Lê Phong - Ngọc Trâm
.
.
.