Vững vàng qua thử thách

Thứ Sáu, 28/08/2015, 13:00
Năm năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành - một chặng đường chưa phải dài nhưng những chiến công xuất sắc mà tập thể cán bộ chiến sĩ Phòng 2 - C50 nỗ lực giành được quả thật đáng khâm phục. Trong số hàng trăm vụ án mà các anh đã triệt phá thì chuyên án phối hợp cùng các tổ chức quốc tế bắt giữ đường dây tội phạm xuyên quốc gia có tên "Mattfeuter" đã chiếm hưởng số tiền khoảng 200 triệu đô la Mỹ được coi là một chiến công đặc biệt xuất sắc.

An ninh mạng trở thành vấn đề nóng bỏng của mỗi quốc gia. Gần 1 tỷ USD đã "bốc hơi" khỏi các tổ chức tài chính trên toàn thế giới trong vòng 2 năm do bị tin tặc tấn công. Từ khi được thành lập đến nay, những chiến sĩ Phòng 2 (Phòng phòng, chống tội phạm mạng máy tính) - Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) đã triệt phá thành công hàng chục chuyên án lớn xuyên quốc gia, bắt giữ hàng trăm tên tội phạm sử dụng công nghệ cao về quy án, góp phần quan trọng trong cuộc đấu tranh với loại tội phạm tàng hình này. Các anh đang hằng ngày, hằng giờ lặng lẽ, âm thầm lập  nên những chiến công xuất sắc để có thể đưa ra ánh sáng những tên tội phạm "giấu mặt".

Cục C50 đón nhận thư khen của Chủ tịch nước.

1.Năm năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành - một chặng đường chưa phải dài nhưng những chiến công xuất sắc mà tập thể cán bộ chiến sĩ Phòng 2 - C50 nỗ lực giành được quả thật đáng khâm phục. Trong số hàng trăm vụ án mà các anh đã triệt phá thì chuyên án phối hợp cùng các tổ chức quốc tế bắt giữ đường dây tội phạm xuyên quốc gia có tên "Mattfeuter" đã chiếm hưởng số tiền khoảng 200 triệu đô la Mỹ được coi là một chiến công đặc biệt xuất sắc.

Chuyên án được bắt đầu kể từ khi Phòng 2-C50 tiếp nhận đề nghị của Cơ quan Phòng chống tội phạm nguy hiểm và có tổ chức của Vương quốc Anh và  Cục Điều tra Liên bang Mỹ về việc phối hợp điều tra chuyên án liên quan tới nhóm tội phạm "Mattfeuter" do Trương Hải Duy là người Việt Nam cầm đầu có hành vi tổ chức, mua bán trái phép thông tin thẻ tín dụng.

Theo Cơ quan Phòng chống tội phạm nguy hiểm và có tổ chức của Vương quốc Anh cung cấp, từ năm 2005 đến 2013, ước tính đường dây tội phạm xuyên quốc gia "Mattfeuter" đã chiếm hưởng số tiền khoảng 200 triệu đô la Mỹ từ hoạt động mua bán trái phép thông tin thẻ tín dụng trộm cắp của người nước ngoài. Đồng thời, Cơ quan Phòng chống tội phạm nguy hiểm và có tổ chức của Vương quốc Anh cung cấp một số thông tin về địa chỉ email, địa chỉ IP của các đối tượng trong nhóm "Mattfeuter".

Tiến hành phân tích thông tin cho thấy, người điều hành nhóm "Mattfeuter" là Trương Hải Duy, trú tại phường 13, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh. Duy sử dụng hòm thư augustino267@yahoo.com. Trong hòm thư này, có hàng nghìn email trao đổi mua bán trái phép thông tin thẻ tín dụng trộm cắp. Thông qua dịch vụ chuyển tiền Western, các đối tượng liên quan trong vụ án là Đặng Tấn Tài, Phạm Minh Đệ, Phạm Ngọc Thịnh, Lê Văn Minh Hiển, Huỳnh Nhật Sang, Lê Quang Tú, Tô Thanh Huệ đã nhận tổng số tiền hơn 1,5 triệu USD. Tất cả các đối tượng nhận tiền tại Công ty TNHH Trần Chánh có địa chỉ số 477 Trần Phú, quận 5, TP Hồ Chí Minh.

Tang vật vụ án mà các chiến sĩ Phòng 2 - C50 khám phá.

Xét thấy cần phải huy động lực lượng cũng như sử dụng tổng hợp các biện pháp nghiệp vụ mới có thể nhanh chóng điều tra, làm rõ, ngăn chặn kịp thời hoạt động phạm tội của các đối tượng, Phòng 2 - C50 đã tiến hành xác lập Chuyên án do Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa, Cục trưởng C50 làm Trưởng ban Chuyên án.

Được sự cho phép của lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát, các chiến sĩ của Phòng 2 - C50 cùng Văn phòng Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an (C44) đã tiến hành họp bàn phương án phá án với Cơ quan Phòng chống tội phạm nguy hiểm và có tổ chức của Vương quốc Anh và Cục Điều tra Liên bang Mỹ.

Ban chuyên án nhận định đây là một tổ chức tội phạm lớn, hoạt động hết sức chặt chẽ, quy mô và địa bàn hoạt động rộng xuyên quốc gia nhưng chủ yếu là ở Mỹ và Anh. Sau một thời gian nỗ lực xác minh, điều tra trinh sát, bằng nhiều biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ, các trinh sát đã xây dựng được sơ đồ, mô hình tổ chức của nhóm tội phạm "Mattfeuter" do một đối tượng có tên là Văn Tiến Tú, SN 1987, trú tại quận 7, TP Hồ Chí Minh cầm đầu.

Các đối tượng trong đường dây có tuổi đời đều rất trẻ, từ 19 đến 30 nhưng sở hữu một khối lượng tài sản "khủng" gồm các bất động sản, biệt thự có vị trí đắc địa tại TP Hồ Chí Minh cùng các siêu xe. Từ những số tiền thu lợi bất chính, đối tượng Văn Tiến Tú đã mua 4 căn biệt thự và 1 lô đất đều có mặt tiền ở các vị trí đẹp, "đắc địa" trên đường Nguyễn Trãi, Lương Định Của, Nguyễn Công Trứ, Quốc Hương của quận 1, 2 TP Hồ Chí Minh. Tú còn có một sở thích là sưu tập các "siêu xe khủng" có trị giá mỗi chiếc lên đến hàng chục tỷ đồng. Trong gara của Tú luôn thường trực 4 chiếc xe hơi có nhãn hiệu nổi tiếng thế giới như chiếc xe Porche, Mercedec S65, Chrysler và Honda Accord.

Khi thời cơ phá án đã đến, ngày 31/5/2013, các trinh sát của C50 phối hợp cùng C44 tiến hành bắt, khám xét khẩn cấp đối với Văn Tiến Tú, Trương Hải Duy, Lê Văn Kiều, Trần Thị Diệu Hiền, đồng thời thực hiện các lệnh khám xét khẩn cấp tại nơi ở, nơi làm việc của các đối tượng khác có liên quan.

Cơ quan Cảnh sát điều tra xác định tổng số tiền mà Văn Tiến Tú đã thu lợi bất chính từ hoạt động phạm pháp mua bán trái phép thông tin thẻ tín dụng trộm cắp của người nước ngoài tính từ năm 2009 đến khi bị bắt là hơn 105 tỷ đồng.  Trong thời gian trước và sau khi phá án, Cảnh sát Anh và Mỹ đã nhiều lần cử các cán bộ điều tra, kỹ thuật giỏi nhất của mình sang Việt Nam cùng với C50 phối hợp phá án. Sau khi lực lượng Cảnh sát Việt Nam tiến hành bắt giữ các đối tượng trong vụ án, Cơ quan Phòng chống tội phạm nguy hiểm có tổ chức của Vương quốc Anh đã tiến hành bắt giữ 3 đối tượng tại Anh liên quan đến vụ án.

Các chiến sĩ Phòng 2 - C50 đấu tranh với nạn cá độ bóng đá.

2. Trung tá Lê Xuân Minh là người trực tiếp gắn bó với những chuyên án của Phòng 2. Với cương vị nguyên là Trưởng phòng 2 - C50 và giờ đây là Phó Cục trưởng Cục C50 phụ trách trực tiếp Phòng 2, anh  chia sẻ rằng: Đấu tranh phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao gây án là cuộc chiến vô cùng khó khăn, nóng bỏng. Bởi lẽ hiện nay, có tới 95% thông tin ở Việt Nam được tạo ra ở dạng số hóa và được lưu trữ, truyền tải dưới dạng dữ liệu điện tử. Lượng người dùng Internet cũng chiếm tới 31,9% dân số và xu hướng truy cập mạng bằng thiết bị di động đang tăng nhanh chóng.

Đặc điểm của tội phạm sử dụng công nghệ cao thường có sự móc nối giữa tội phạm trong nước và quốc tế, tạo thành các đường dây tội phạm xuyên quốc gia. Trên thế giới cứ 14 giây lại có một vụ phạm tội sử dụng công nghệ cao. Những thủ đoạn mới phạm tội xuất hiện thì chỉ vài phút sau sẽ lan truyền khắp thế giới. Đây là loại tội phạm gắn liền với trình độ công nghệ cao nên phương thức, thủ đoạn phạm tội hết sức linh hoạt và tinh vi, thách thức khả năng phát hiện, điều tra xử lý của lực lượng Cảnh sát. Chính vì thế, trên thế giới, loại tội phạm này được xếp vào nhóm những nguy cơ đe dọa an ninh lớn nhất đối với mỗi quốc gia.

Mỗi mùa bóng đá, lực lượng Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao ngăn chặn tới hơn 1.000 trang web cá độ bóng đá, trong đó có nhiều trang web cá độ quy mô lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Hàng loạt các sàn giao dịch vàng trái phép trên tài khoản bị triệt phá. Gần đây nhất, liên tiếp các đường dây làm giả thẻ tín dụng chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng của chủ thẻ tín dụng thật đã bị các anh triệt phá mà điển hình nhất là chuyên án phối hợp với Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ bắt giữ 12 đối tượng chiếm hưởng số tiền khoảng 21 tỷ đồng, gây thiệt hại cho phía chủ thẻ hàng trăm triệu đô la Mỹ.

Đây là vụ án đầu tiên về tội phạm sử dụng công nghệ cao có sự hợp tác thành công của Cảnh sát các quốc gia như Vương quốc Anh, Mỹ, Đức, Nga, Úc, Singapor, Hong Kong, Nam Phi, Canada, Costa Rica... Sau khi lực lượng Cảnh sát Việt Nam tiến hành bắt, khám xét các đối tượng trong chuyên án tại Việt Nam, Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ đã tiến hành bắt giữ hàng loạt đối tượng tại Mỹ liên quan đến chuyên án. Đồng thời tổ chức họp báo trên các phương tiện truyền thông nhận định đây là vụ án mua bán, trộm cắp thông tin thẻ tín dụng, sử dụng thông tin thẻ tín dụng trộm cắp để mua hàng  lớn nhất thế giới từ trước đến nay. Cảnh sát các nước đánh giá cao về sự hợp tác và tinh thần đấu tranh chống tội phạm của lực lượng Cảnh sát Việt Nam; nâng cao uy tín lực lượng Công an Việt Nam trên trường quốc tế…

Ứng dụng công nghệ thông tin phá án.

Thời gian cứ lặng lẽ trôi cùng với nhịp sống sôi động của một thế giới đang toàn cầu hóa sâu sắc. Dẫu biết rằng cuộc chiến đấu phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao ở phía trước còn vô vàn những thử thách, khó khăn, nhưng những cán bộ chiến sĩ của Phòng 2 - C50 luôn biết vượt qua mọi thử thách, xây dựng nên một tập thể đoàn kết, vững mạnh, lập nên nhiều chiến công xuất sắc, góp phần vào việc đảm bảo giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Việt Hưng
.
.
.