Tôi đến Hà Tĩnh khi công tác khắc phục hậu quả vụ sập khung ván trượt đúc giếng chìm làm đê chắn sóng tại công trường Dự án Formosa (Hà Tĩnh) vẫn đang tiếp diễn, và câu chuyện cận kề sống chết để cứu người hôm ấy vẫn còn in đậm trong tâm trí những chàng lính trẻ ở Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PC66) - Công an tỉnh Hà Tĩnh.
Tranh nhau lên… xe đầu
Đam mê với "nghiệp" chữa cháy, sau 37 năm chiến đấu với giặc lửa đến lúc về hưu, anh Dương Thế Khanh đã định hướng cho cậu con trai của mình nối nghiệp cha. Câu chuyện "phụ nghiệp tử năng thừa" ở Phòng PC66 - Công an tỉnh Hà Tĩnh gây xúc động cho nhiều người. Bởi hoạt động cứu hỏa, cứu hô,å cứu nạn... là những công việc cực nhọc và đầy rủi ro, nguy hiểm. Việc người cha khuyên con trai bước tiếp con đường mình đã chọn trong suốt cuộc đời, hẳn có căn nguyên sâu xa.
Thượng sỹ Dương Quang Hiệp kể: "Cha tôi thường dạy: "Cứu một người phúc đẳng hà sa". Làm người lính cứu hỏa, công việc hiểm nguy nhưng cao cả. Khi đã lao vào nơi mịt mù khói lửa cứu người thoát khỏi lưỡi hái Thần Chết, người lính nhận thấy rõ giá trị của sự sống, để thêm yêu cuộc đời. Công việc này còn là môi trường tốt để rèn luyện nghị lực và bản lĩnh cho chúng tôi ở ngưỡng cửa vào đời".
 |
CBCS Phòng PC66, Công an tỉnh Hà Tĩnh cứu nạn vụ sập đổ cấu kiện tại Cảng nước sâu Sơn Dương - Vũng Áng ngày 25/3/2015.
|
Trở thành người lính cứu hỏa theo tâm nguyện ấy, Hiệp cùng đồng đội đã gan góc trong những trận đánh dữ dội với giặc lửa. Hầu hết những vụ cháy lớn, hay những thảm họa, tai nạn đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh trong thời gian qua, đều có sự góp mặt tích cực của chàng trai trẻ này.
Thảm họa từ sự cố sập khung ván trượt đúc giếng chìm làm đê chắn sóng Cảng nước sâu Sơn Dương - Vũng Áng, tại công trường Dự án Formosa Hà Tĩnh ngày 25/3/2015 vừa qua, với 13 người chết, 29 người bị thương... đã trở thành một trong những ví dụ kinh hoàng nhất về tai nạn lao động ở nước ta.
Thượng sỹ Hiệp kể: "Tin báo về vụ thảm họa khi chúng tôi đang sinh hoạt Chi đoàn. Lệnh báo động phát ra, đơn vị tăng cường thêm 10 chiến sỹ vào phối hợp với 18 anh em trong đội chữa cháy Vũng Áng để triển khai cứu hộ, cứu nạn. Chúng tôi tranh nhau trèo lên chiếc xe đầu tiên rời khỏi trụ sở để vào hiện trường cách TP Hà Tĩnh 75 km. Lính chữa cháy là vậy, nghề nghiệp đã rèn cho chúng tôi tính tự giác và tiên phong. Nghe báo động là sẵn sàng dẫn đầu, lăn xả vào nơi hiểm nguy, không một chút băn khoăn do dự.
Tại công trường lúc này ngổn ngang các cấu kiện xây dựng bị sập đổ. Khối bê tông làm đê chắn sóng ước tính rộng khoảng 15m, dài 20m, cao 12-15m đang đè lên hệ thống khung giá đỡ bằng kim loại, vùi lấp gần 50 công nhân trong đống đổ nát. Xác định cứu người là trên hết, chúng tôi đã lợi dụng 3 rãnh đường ray để trườn bò sâu vào trong lòng khu vực xảy ra tai nạn, tìm kiếm nạn nhân đưa ra ngoài.
Lúc đó trời tối, lại đang mưa to, công trình và đống cấu kiện có thể tiếp tục đổ ụp lên đầu bất cứ lúc nào, nhưng với trách nhiệm được giao, anh em vẫn kiên trì tìm kiếm. Khi phát hiện được nạn nhân, chúng tôi dùng tay bới vật liệu để moi lên và đưa họ ra ngoài, về sau dùng máy banh cắt thủy lực nên công việc cứu nạn triển khai nhanh hơn. Hôm đó bản thân tôi đã đưa được một công nhân bị thương cùng một người đã chết ra ngoài. Anh em tôi đã làm việc quần quật suốt đêm 25, đến 17h ngày 26/3 mới xong. Kết thúc chiến dịch đã kịp thời giải thoát cho 29 công nhân bị nạn".
Được biết, trong vụ cháy Trung tâm Thương mại BMC ngày 18/12/2012, Hiệp đã băng vào nơi khói lửa mù mịt chỉ với chiếc khẩu trang và đèn pin trên tay, với nhiệm vụ trinh sát đám cháy. Sau khi quan sát, phát hiện có người đã chết, Hiệp cùng đồng đội đạp lửa chuyển nạn nhân ra ngoài, rồi cũng gục xuống vì bị choáng ngạt.
Nghề nguy hiểm
Kể với tôi về nỗi gian truân của nghề, Thượng úy Lê Đình Lộc (Đội trưởng Đội chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Trung tâm) cho biết: "Bất cứ cuộc chữa cháy nào cũng nguy hiểm. Quá trình làm việc, người lính buộc phải leo trèo trên cao, có thể bị bỏng do lửa, bị choáng ngất do hít phải khí độc từ các sản phẩm cháy. Nhưng nguy hiểm hơn cả là bị điện giật hay khí gas hóa lỏng, xăng dầu trong bình chứa phát nổ. Ngoài ra, chúng tôi phải đối mặt với hiện tượng các cấu kiện xây dựng bị đổ sập dưới tác động của nhiệt.
Đã có nhiều vụ tai nạn xảy ra với lính cứu hỏa, nhưng anh em cán bộ chiến sỹ trong đơn vị vẫn rất đam mê công việc. Người phải ở nhà cũng nóng lòng muốn đi chữa cháy. Người được cử đi thì không cần thúc giục, tự biết việc và sẵn sàng lao vào nơi nguy hiểm nhất để cứu người, dập lửa”.
Trung tá Hoàng Văn Long (Phó trưởng Phòng PC66, Công an tỉnh Hà Tĩnh) chia sẻ những kinh nghiệm nghề nghiệp: "Trong lúc anh em chiến sỹ hăng hái nhiệt tình lao vào chữa lửa, thì cán bộ chỉ huy lại phải có cái đầu lạnh. Khi đến hiện trường, chúng tôi phải quan sát rất nhanh để đánh giá tình hình và lên phương án tối ưu nhất để xử lý. Thường thì đồ đạc, tài sản trong đám cháy rất khó cứu được, nên trước hết cần phải ưu tiên cứu người, sau đó là làm mọi cách để chống cháy lan, cô lập đám cháy rồi mới tiến hành dập lửa. Nếu không tỉnh táo mà cứ cho quân xông vào trong để dập lửa ngay, có thể sẽ rất nguy hiểm vì công trình, kết cấu vật liệu bên trong bị đổ sập. Những hoạt động như cắt điện, vô hiệu hóa nguy cơ phát nổ của các bình khí hóa lỏng… được triển khai ngay.
 |
Trung tá Hoàng Văn Long - Phó trưởng Phòng PC66, Công an tỉnh Hà Tĩnh.
|
Trong các vụ hỏa hoạn, chúng tôi luôn quan sát màu của khói. Thông thường, khói của đám cháy là khói đen, nếu thấy khói trắng thì phải hiểu đó là hơi nước bốc lên, báo hiệu quá trình "sôi, trào, phụt, bắn" của chất lỏng… sẽ rất nguy hiểm cho tính mạng chiến sỹ nếu để họ đứng gần".
Một tập thể say nghề
Người dân Hà Tĩnh vẫn chưa quên những cơn hỏa hoạn kinh hoàng mới đây, như vụ cháy tại kho vật tư của Công ty TNHH MTV cấp nước và xây dựng Hà Tĩnh ngày 15/4/2014; cháy tại Công ty TNHH Trường Sơn Minh Hà ngày 21/6/2014; cháy Nhà máy Sợi Công ty Vinatex Hồng Lĩnh ngày 11/10/2014; vụ cháy tại công trường Formosa ngày 14/5/2014 do các phần tử quá khích phá hoại; vụ cháy tại Doanh nghiệp tư nhân Bình Nguyên ngày mùng một Tết Ất Mùi… và gần nhất là thảm họa sập đổ cấu kiện tại Cảng nước sâu Sơn Dương - Vũng Áng.
Chỉ sau tiếng kẻng báo cháy vài giây, những chiếc xe cứu hỏa lại rời đơn vị, hú vang còi rồi phóng như bay đến hiện trường. Những chàng lính trẻ với chiếc mũ màu đỏ trên đầu lại băng vào nơi đang mù mịt lửa khói để cứu người, dập lửa. Hình ảnh chiến sỹ ta ngủ gục ngay tại hiện trường sau những giờ phút chiến đấu căng thẳng, đã gây xúc động đặc biệt.
Về hoạt động của đơn vị, Trung tá Hoàng Văn Long cho biết: "Thực hiện Luật PCCC, chúng tôi đã tăng cường hướng dẫn, kiểm tra các địa bàn, chuyên đề trọng điểm, khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, khu kinh tế, làng nghề truyền thống, chợ, trung tâm thương mại, các tổng kho, nhà cao tầng, nhà máy, kho tàng, xí nghiệp, cơ sở quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, nơi tập trung đông người, phương tiện giao thông, các khu rừng trọng điểm...
Những năm qua, đơn vị đã tổ chức kiểm tra hàng chục ngàn lượt cơ sở, lập trên 10 nghìn biên bản kiểm tra; phát hiện và hướng dẫn cơ sở khắc phục hàng trăm ngàn sơ hở thiếu sót trong công tác PCCC; đã lập 640 biên bản vi phạm; xử phạt hành chính gần 1 tỷ đồng…
 |
Bức ảnh gây xúc động: chiến sỹ mệt rũ sau khi cứu nạn.
|
Để chủ động phòng ngừa hỏa hoạn, đơn vị đã hướng dẫn các địa phương, cơ sở xây dựng "Cụm dân cư an toàn PCCC", "Tuyến phố an toàn PCCC, "Cụm nhà máy, xí nghiệp an toàn PCCC". Đến nay đã xây dựng được 5 mô hình cụm dân cư, tuyến phố, cơ sở an toàn PCCC. Công tác tuyên truyền xây dựng phong trào toàn dân tham gia công tác PCCC đã xây dựng được 57 đội dân phòng, 1.300 đội PCCC cơ sở, 3 đội PCCC chuyên ngành, với gần 17 nghìn đội viên được tổ chức thành lập, huấn luyện và đi vào hoạt động hiệu quả. Công tác lập và thực tập phương án chữa cháy được quan tâm, nhất là các cơ sở có nhiều nguy hiểm về cháy, nổ. Chúng tôi đã tổ chức thực tập trên 90 phương án chữa cháy, tổ chức diễn tập 15 phương án cháy lớn, có nhiều lực lượng, phương tiện tham gia.
Công tác thường trực chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được duy trì nghiêm túc; 100% các vụ cháy, nổ, tai nạn xảy ra trên địa bàn đều được nhận tin nhanh, xuất xe kịp thời, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có hiệu quả. Trong chiến đấu đã có nhiều gương điển hình về tinh thần dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, như đồng chí Võ Đăng Khoa, Phan Thế Hùng, Dương Quang Hiệp, Trần Văn Dũng, Phạm Anh Huân…".
Với những thành tích đã đạt được, Phòng PC66 - Công an tỉnh Hà Tĩnh đã hai lần vinh dự được Bộ Công an tặng cờ Đơn vị dẫn đầu trong phong trào thi đua "Vì an ninh Tổ quốc" cấp cơ sở; nhiều năm liền đạt danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng", "Đơn vị văn hóa, kiểu mẫu về điều lệnh".
Đào Trung Hiếu