Vươn lên từ lầm lỡ

Thứ Hai, 21/09/2015, 13:00
Chỉ vì một phút "giận quá mất khôn", Hoàng Văn Thắng đã phải đánh đổi tuổi thanh xuân bằng mấy năm tù giam. Ra tù, với nghị lực vươn lên làm lại cuộc đời, anh đã thành ông chủ nhà hàng kiêm xưởng gỗ, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Về Quỳnh Thọ, hỏi nhà hàng Thắng Ken do anh Hoàng Văn Thắng (xóm Thọ Tiến, Quỳnh Lưu, Nghệ An) làm chủ, người dân ở đây chẳng mấy ai không biết. Họ biết đến anh không phải vì anh từng có một quá khứ tội lỗi, mà bởi vì anh là một tấm gương điển hình thanh niên vượt khó trong lập thân lập nghiệp. Gần hai năm đi vào hoạt động, nhà hàng của anh được người dân trong và ngoài xã tìm tới ngày một đông, nhưng đằng sau sự thành công ấy là một tuổi xuân nông nổi.

Trong nhà hàng khang trang vào buổi sáng mai còn thưa vắng khách, ngồi bên vợ và con trai út mới 7 tháng tuổi, Thắng bắt đầu trải lòng với sự cởi mở, chân tình.

Phút cả giận, trả giá bằng ba năm tù

Quê Thắng ở Quỳnh Thọ, nơi người dân quanh năm làm muối và làm nghề đi biển. Tuy vậy, bố mẹ Thắng đã sớm chọn cho mình nghề kinh doanh nên so với trong làng ngoài xóm, điều kiện của gia đình Thắng cũng không đến nỗi nào. Học xong lớp 12, Thắng vào Đà Lạt thi đại học. Vì thiếu điểm nên Thắng học hệ trung cấp Trường Giao thông vận tải 3. Theo học ở đây được hai năm nhưng vì bản tính chơi bời, hay đua đòi nên không ít lần Thắng và nhóm bạn gây gổ đánh lộn. Một lần trong cuộc nhậu, lời ra tiếng vào, Thắng đánh một giáo viên trong trường. Sau vụ đó, Thắng bị đuổi học.

Không dám về quê, vốn đam mê nấu nướng nên Thắng xin vào một nhà hàng tại Đà Lạt học nghề. Thắng cho biết, khi ấy anh may mắn được một đầu bếp nổi tiếng người Trung Quốc truyền dạy. Tuy nhiên, Thắng phải nghỉ giữa chừng vì bất đồng ngôn ngữ. Sau ba năm học nghề đầu bếp, Thắng trở về quê. Thấy nghề mộc đang "ăn nên làm ra", Thắng xin bố mẹ cấp vốn để thử sức.

Lúc ấy, trong làng của Thắng đã có mấy cơ sở làm mộc có tiếng. Là người đi sau, để tìm được chỗ đứng cho riêng mình, chàng thanh niên trẻ tìm tòi những mẫu mã mới, những loại gỗ có chất lượng để tạo ra sản phẩm tốt, tăng giá nhân công. Nhờ đó, chỉ trong một thời gian ngắn, xưởng gỗ của Thắng đã thu hút được nhiều lao động có tay nghề, thậm chí những người thợ làm lâu năm ở hai xưởng gỗ trong làng cũng tìm đến "đầu quân".

Anh Thắng cùng người vợ và con trai thứ của mình.

Thấy Thắng "ăn nên làm ra", còn "cướp" mất nhân công, "miếng cơm manh áo" của mình, mấy chủ xưởng gỗ trong làng tức tối, nói bóng gió, đặt điều cho Thắng. Trong một phút "giận quá mất khôn", Thắng lao vào đánh người, đập phá tài sản. Với hành vi này, anh đã bị cơ quan Công an bắt, Tòa án nhân dân huyện Quỳnh Lưu xử phạt 42 tháng tù giam về tội "Cố ý gây thương tích" và "Cố ý hủy hoại tài sản". Đó là những tháng ngày tăm tối, nghiệt ngã nhất trong cuộc đời Thắng. Trong chốn lao tù, anh vừa thương nhớ vợ con, vừa căm giận chính bản thân mình dại dột để phải sa vào vòng lao lý. Anh luôn cố gắng cải tạo tốt để trở về làm lại cuộc đời.

Trong thời gian chấp hành án phạt tù, nhờ quá trình cải tạo tốt, Thắng được tin tưởng giao nhiệm vụ làm Đội trưởng Đội vệ sinh với 45 người. Nhờ gương mẫu trong lao động, chấp hành kỷ luật theo quy định và tuyên truyền, vận động các phạm nhân chấp hành nghiêm các quy định nên chỉ một thời gian ngắn, anh đã nhận được sự tin tưởng của cán bộ quản giáo và sự quý mến từ các phạm nhân. Qua các lần bình xét giảm án, anh Thắng được xét giảm 2 lần và được trở về đoàn tụ cùng gia đình trước thời hạn 9 tháng.

Làm lại cuộc đời bằng niềm đam mê

Ngày trở về quê, Thắng hy vọng tiếp tục duy trì sản xuất xưởng gỗ của mình. Nhưng anh cảm thấy lạc lõng vì không ít người còn kỳ thị vì anh mới "ở tù về". Chính trong quãng thời gian gian nan, thử thách, đầy khắc nghiệt ấy của cuộc sống, tâm hồn anh lại được sưởi ấm nhờ tình yêu thương, lòng vị tha, rộng lượng từ gia đình. Với anh, đó không chỉ là tự động viên về mặt vật chất, mà còn bằng tình thương và trách nhiệm trong những tháng ngày khó khăn nhất của cuộc đời anh.

Nhận thấy giới trẻ đang mê mẩn trượt patin và được bố mẹ vợ tạo điều kiện cho mượn mặt bằng, anh cùng chị gái tìm đến UBND xã Sơn Hải đặt vấn đề kinh doanh. Thắng đầu tư hơn 60 triệu đồng mở sân trượt, mua giày phục vụ nhu cầu thể thao, giải trí cho thanh thiếu niên vùng biển sau mỗi chuyến ra khơi. Chỉ trong hai tháng, trừ chi phí ban đầu, anh thu về hơn 20 triệu. Tiếp đó, Thắng vay mượn 350 triệu đồng để xây dựng tổ hợp nhà hàng chuyên về đặc sản rừng, biển tại xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu.

Ông chủ nhà hàng Hoàng Văn Thắng (phải) đang hướng dẫn cho nhân viên nấu nướng.

Những ngày đầu với vợ chồng Thắng khá khó khăn vì đồng vốn eo hẹp, thêm nữa không tránh khỏi sự kỳ thị của xã hội vì dẫu sao, anh cũng từng có một thời lầm lỡ. Bỏ ngoài tai mọi điều tiếng, Thắng chuyên tâm vào công việc.

Từ ngày khai trương, tuy là ông chủ nhà hàng nhưng Thắng tự đứng ra làm đầu bếp, ngoài ra anh tuyển thêm 2 thợ phụ và 1 đầu bếp chỉ nấu được món thịt dê. Nói đến đây, nét mặt ông chủ nhà hàng có vẻ buồn buồn. Thì ra khi mở nhà hàng này, Thắng đã có ý định kêu gọi những người bạn tù với mình ngày trước về làm, nhằm tạo việc làm cho họ. Thắng cho biết, cũng có hai người tìm về làm nhưng được một thời gian anh đành phải cho nghỉ việc vì phát hiện họ tái nghiện.

"Họ làm việc cho mình rất siêng năng, chăm chỉ nhưng cứ chiều chiều, họ lại xin phép đi ra ngoài rồi trở về trong trạng thái liêu xiêu, ngái ngủ. Sau mình cho người theo dõi mới phát hiện họ tiếp cận với thanh niên nghiện ngập trong vùng để hút, tiêm chích ma túy nên cực chẳng đã mình đành phải cho họ nghỉ việc. Đúng là muốn tạo việc làm cho anh em mà cũng không dễ dàng gì", Thắng phân trần.

Không chỉ phục vụ tại chỗ, vợ chồng anh còn nhận đặt tiệc, làm mâm cỗ cưới, giỗ chạp, ma chay… nhờ đó thực khách tìm đến nhà hàng Thắng Ken ngày một nhiều. Công việc kinh doanh của anh cứ thế phát triển, lớn mạnh. Sau hai năm gây dựng, Thắng không chỉ làm giàu cho bản thân, mà còn tạo việc làm ổn định cho 4 lao động địa phương với mức thu nhập từ 2,5 đến 5 triệu đồng mỗi tháng.

Ngoài ra, xưởng gỗ anh gây dựng từ trước đang tạo việc làm cho 40 lao động với mức thu nhập khá. Từ chỗ gặp vô vàn khó khăn, chỉ trong thời gian ngắn, gia đình anh đã có cơ ngơi khang trang với nhiều phương tiện sinh hoạt có giá trị. Đến nay, Thắng đã bỏ ra cả tỷ đồng để xây dựng nhà hàng rộng rãi, hiện đại, là địa chỉ tin cậy để nhiều người tìm đến.

Nói về các tấm gương tái hòa nhập cộng đồng tại địa phương, ông Trần Huy Vinh, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thọ nhận định: "Vượt qua những mặc cảm, anh Hoàng Văn Thắng luôn nỗ lực, quyết tâm trở thành công dân tốt. Ngoài thời gian lao động, làm ăn, bản thân anh Thắng còn tham gia các phong trào của địa phương, tích cực hưởng ứng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tham gia giữ vững ANTT tại địa phương. Ngoài ra, anh luôn nhắc nhở bạn bè, anh em không sa ngã vào các tệ nạn xã hội".

 Với những cố gắng trên, tháng 7/2014, anh vinh dự là 1 trong 10 cá nhân tiêu biểu được Giám đốc Công an tỉnh tặng giấy khen về thành tích xuất sắc trong tái hòa nhập cộng đồng theo Nghị định 80/2011 của Chính phủ.

Tạm biệt nhà hàng Thắng Ken, nơi có người thanh niên trẻ tuổi vượt qua quá khứ lầm lỗi, vươn lên trở thành ông chủ trẻ, chúng tôi không sao quên được lời tâm sự của anh: "Cuộc đời không ai không khỏi mắc sai lầm nhưng quan trọng mình biết nhận ra lỗi lầm để vươn lên làm lại cuộc đời thì không bao giờ là hết cơ hội. Điều quan trọng mình có thực sự cố gắng, có ý chí và nghị lực không thôi".

Bằng nghị lực, quyết tâm của bản thân, Hoàng Văn Thắng đã vươn lên làm giàu chính đáng, là người có ích cho xã hội.

Thạch Văn
.
.
.