Vượt qua bệnh tật, hơn 30 năm dạy học miễn phí

Thứ Bảy, 13/10/2018, 16:38
"Loay hoay cả ngày với học sinh, với lượng kiến thức cần cập nhật, nỗi đau đớn thể xác trong tôi bị quên đi phần nào. Đã 53 tuổi, có lúc nghĩ bâng quơ, lòng thấy nao nao về một ngày không còn được khỏe mạnh, minh mẫn, nhưng khi nào tôi còn sống, còn có thể dạy thì vẫn tiếp tục…", thầy Hưng tâm sự.

Con đường dẫn chúng tôi đến nhà thầy Lê Quốc Hưng (53 tuổi, ở thôn Tuân Lễ, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) nằm ở cuối thôn, nhiều người dân trầm trồ ngợi khen và cảm phục về hành trình "gieo chữ" cho học sinh nghèo của người đàn ông mắc bệnh tật đặc biệt. Họ bảo, với thân hình gầy gò, ốm yếu, đôi chân bệnh nặng, nhưng hơn 30 năm qua, thầy Hưng đã tự mở lớp học miễn phí, vừa dạy kiến thức văn hóa vừa dạy kỹ năng sống, bài học làm người cho học sinh khắp cả huyện.

Hơn 30 năm qua, thầy Hưng dạy học miễn phí cho học sinh nghèo.

Đến đầu cổng, chúng tôi thấy bên trong lớp học có hai học sinh và người thầy đang đứng giảng bài. Thấy có khách đến thăm, thầy Hưng tạm nghỉ dạy, cho các em giải lao tại chỗ. Nở nụ cười trìu mến, thầy kéo ghế mời chúng tôi ngồi, còn mình thì đứng trò chuyện. Thầy bảo, căn bệnh không cho phép thầy được ngồi mà phải đứng thẳng quanh năm suốt tháng, đến khi nằm, người cũng phải thẳng đơ như khúc gỗ.

Thầy Hưng sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở xóm nhỏ trên đường Lê Hồng Phong, phường Ngô Mây, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Dù cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn nhưng chưa bao giờ cậu học trò nghèo này tỏ ra nản chí. 11 năm học trôi qua với bao nhọc nhằn, gian khó, nhưng ít ai biết từ bậc tiểu học đến bậc phổ thông năm nào Hưng cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi. Nhưng số phận thật trớ trêu, vào một đêm đầu năm học lớp 12, bỗng Hưng bị chẩn đoán mắc bệnh viêm khớp dạng thấp.

Từ đó trở đi, Hưng được gia đình đưa đi điều trị ở nhiều nơi với đủ phương thuốc. Thế nhưng, bệnh tình không những không giảm mà lại tái phát nặng hơn từ mắt cá chân trái sang phải, lên đầu gối, hông, xương sống. Chỉ sau mấy tháng phát bệnh, toàn bộ xương sống, xương khớp chân của anh đều bị căng cứng, không thể cử động được. "Các đốt xương từ chân lên đến ngực cứng như một khúc gỗ khiến sinh hoạt của tôi gặp nhiều khó khăn. Từ một người lành lặn bỗng thành vô dụng, quá thất vọng nên nhiều lần tôi định tự tử, nhưng được gia đình, bạn bè chia sẻ động viên, tôi mới tiếp tục sống", thầy Hưng bùi ngùi cho biết.

Căn nhà của thầy Hưng

Cũng từ đó, ước mơ trở thành một bác sĩ giỏi để khám, chữa bệnh cho bệnh nhân nghèo mà anh ấp ủ từ lâu bỗng chốc tan biến. "Thời còn đi học, tôi từng ấp ủ mơ ước thi vào Đại học Y Huế để mai sau làm bác sĩ, nhưng giấc mơ không thành vì tôi bệnh nặng. Để trấn tĩnh lại tinh thần, quên đi cuộc sống xô bồ, nhộn nhịp nơi thành phố, năm 1983, gia đình quyết định đưa tôi về quê ở thôn Tuân Lễ này sinh sống. Chính nhờ cuộc sống yên ả, thanh bình làng quê mà ước mơ thắp sáng con chữ trong tôi lại được đánh thức. Ngày ngày, tôi lại tìm đến những cuốn sách, cốt là để quên đi những năm tháng buồn tủi vì bệnh tật", thầy Hưng tâm sự.

Hàng ngày, trong ngôi nhà nhỏ ở quê nghèo Tuân Lễ, anh nhìn cảnh trẻ em xóm nghèo lầm lũi vì không được đến lớp mà lòng quặn đau. Nhiều đêm trằn trọc, anh muốn làm một điều gì đó để giúp cho các em có được con chữ. Thế là sau hơn 2 năm bị căn bệnh viêm khớp đeo đẳng, Hưng quyết định gạt bỏ tất cả nỗi buồn để hướng đến một cuộc sống nhiều niềm vui hơn. 

Ban ngày, anh chủ động mượn sách giáo khoa chương trình cấp 2, cấp 3 học sinh học trên trường về tự mình chép lại bài. Đêm tối, thậm chí đến tận khuya, anh tự ra bài tập rồi dựa trên lý thuyết sách giáo khoa và tự mình mày mò tìm ra phương pháp giải.

Năm 1986, khi ấy chàng trai tật nguyền 21 tuổi phần nào lấy lại được hình ảnh cậu học trò năm xưa với kiến thức sâu rộng. Lúc này, anh bàn với gia đình mở lớp học tại nhà để dạy chữ cho trẻ em ở địa phương. "Thôn làng còn nghèo, vì lo kiếm ăn từng bữa nên các bậc phụ huynh ngày đêm lo làm lụng, không có thời gian chăm sóc, lo việc học cho con. 

Tôi thấy thương các em nên mở lớp học tình thương, dạy học miễn phí cho các em. Lúc mới mở, lớp chỉ vài ba em nhỏ trong xóm. Nhưng càng về sau thấy tôi dạy đơn giản, bọn trẻ lại tiếp thu nhanh, hiểu bài hơn, lại chẳng tốn tiền nên bọn trẻ đến ngày một đông hơn. Nhiều lúc cũng thấy mệt lắm, đứng mãi đôi bàn chân lại đau buốt, nhưng nghĩ lại thấy vui vì mình đã giúp được cho trẻ em nghèo có được vốn kiến thức sau này có thể bước ra đời sống tốt hơn", thầy Hưng nhớ lại.

Tay thầy Hưng bị thâm tím vì những ngày tháng tận tụy dạy học.

Những năm đầu, thầy Hưng chỉ dạy cho trẻ em nghèo không có điều kiện đến trường. Về sau, nhiều học sinh sau buổi học trên lớp cũng tìm đến thầy nhờ giảng giải thêm kiến thức. Để bài giảng sinh động, bắt nhịp xu thế giảng dạy chương trình mới, thầy Hưng luôn tìm cách tiếp cận phương pháp giảng dạy hiện đại. Sau những lần giảng bài, thầy lại nhờ học sinh mua sách để tham khảo. 

Bây giờ, vốn kiến thức từ các môn tự nhiên như Toán, Lý, Hóa, Sinh đến các môn học xã hội như Văn, Ngoại ngữ, thầy Hưng tỏ ra rất thông suốt, am hiểu sâu. Nhờ vậy, mà kiến thức thầy truyền dạy được học sinh tiếp thu rất nhanh và hiệu quả.

Em Nguyễn Văn Thành (15 tuổi, ở xã Phước Hiệp) cho biết: "Thầy Hưng dạy cả sáng, chiều, tối, lúc nào có học sinh đến là thầy dạy. Thường buổi tối các bạn đến học nhiều hơn, có buổi lên đến 20 bạn. Nhiều bạn ở các xã như Phước Thắng, Phước Lộc, thị trấn Diêu Trì cách xa mười mấy cây số vẫn tìm đến học. Những năm qua, nhờ lòng tận tụy, thương yêu học sinh mà thầy đã truyền dạy cho em rất nhiều kiến thức, giúp em tiến bộ từng ngày".

Không chỉ dạy kiến thức, thầy Hưng còn dạy kỹ năng sống, kể những câu chuyện mang tính nhân văn, qua đó truyền đến các em lối sống đẹp. "Tôi thường kể các em nghe những câu chuyện tốt đời đẹp đạo để hướng các em đến cái tâm trong sạch. Có như vậy mới nên người được. Ước mơ của tôi là mong muốn tất cả các em ngày càng học cao hơn nữa để trở thành người có ích cho xã hội. Tôi vui mừng vì không những các em mà người dân ở địa phương gọi mình là thầy", thầy Hưng bộc bạch.

Không qua trường lớp sư phạm, nhưng thầy Hưng trở thành người thầy trong lòng những cô cậu học sinh nghèo và cả trong cộng đồng dân cư huyện Tuy Phước từ lúc nào không rõ. Chỉ biết mọi người đã gọi thầy với danh xưng thân thiết và tôn trọng - thầy giáo Hưng. "Các bậc phụ huynh ở đây ai cũng quý mến và trân trọng thầy Hưng bởi tấm lòng cao cả của thầy. Ngoài việc học không tốn tiền, con tôi còn được thầy dạy thêm nhiều điều hay lẽ phải để sau này trở thành người tốt. Cũng nhờ lớp học đặc biệt này, nhiều thế hệ học trò ở đây giờ đã trở thành những người có ích cho xã hội, có nghề nghiệp, công việc làm ổn định", chị Nguyễn Thị Vân (ở thôn Tuân Lễ) cho biết.

Từ căn nhà nhỏ này, nhiều học sinh của thầy Hưng bây giờ thành đạt, có người làm bác sĩ, kỹ sư, giáo viên… Trong lòng họ, người thầy giáo này như một tấm gương, như sức mạnh để họ vượt lên những khó khăn trong cả cuộc đời. "Lâu lâu các em về thăm, có em gọi điện hỏi thăm, tôi vui lắm. Tôi không phải là thầy giáo đứng lớp dạy ở trường nhưng 20-11 năm nào cũng có học sinh đến thăm, tặng hoa. Tôi không giúp được gì nhiều cho xã hội nhưng cũng góp một chút sức cho các em vững bước vào đời", thầy Hưng chia sẻ.

Trước việc làm ý nghĩa của thầy Hưng, mới đây, một nhóm từ thiện đã tài trợ xây sửa căn nhà. Chỗ ở của thầy cũng như lớp học từ đó khang trang hơn. Nhưng hơn hết, nó đã tạo cho thầy niềm tin mạnh mẽ hơn. Đó là cái cảm giác khi được sẻ chia, niềm vui, hạnh phúc được nhân lên. Thầy Hưng càng mong muốn được cống hiến sức lực còn lại của mình cho trẻ em ở nơi này. "Bây giờ tôi chỉ mong cuộc sống luôn bình an bên những học sinh thân yêu. Loay hoay cả ngày với các em, với lượng kiến thức cần cập nhật, nỗi đau đớn thể xác trong tôi bị quên đi phần nào. Đã 53 tuổi rồi, có lúc nghĩ bâng quơ, lòng thấy nao nao về một ngày không còn được khỏe mạnh, minh mẫn. Nhưng khi nào tôi còn sống, còn có thể dạy thì vẫn tiếp tục dạy", thầy Hưng tâm sự.

Ông Nguyễn Văn Đức - Chủ tịch UBND xã Phước Hiệp, cho biết: "Tấm lòng cao cả, tinh thần chịu thương, chịu khó cùng ý chí, nghị lực luôn biết vươn lên và vượt qua nỗi đau bệnh tật của người thầy giáo không biên chế Lê Quốc Hưng để dạy học cho trẻ em địa phương khiến người dân trong xã ai cũng khâm phục, nể trọng. Không chỉ dạy kiến thức sách vở mà thầy còn giúp học sinh hoàn thiện bản thân trong giao tiếp xã hội, giúp các em học đạo lý làm người, biết yêu thương chia sẻ".

Chia tay hình ảnh một người thầy bệnh tật nhưng đầy tâm huyết với học trò cứ đeo đuổi chúng tôi trong suốt quãng đường trở về. Dọc hành trình, chúng tôi vẫn luôn vững niềm tin rằng yêu thương vẫn luôn đong đầy trong cuộc sống quanh ta.

Phan Nhuận Phin
.
.
.