Vượt trùng dương mang quà Tết cho lính Trường Sa

Thứ Sáu, 31/01/2014, 10:32

Năm nào cũng vậy, những đoàn tàu Hải quân lại nối đuôi nhau vượt ngàn hải lý mang những món quà ra cho những người lính đảo. Dường như tất cả những người tham gia trên những chuyến tàu này đều mang một cảm xúc rất đặc biệt. Đó là một điều vô cùng thiêng liêng, một sự tự hào đặc biệt. Từ những anh lính Hải quân, đoàn phóng viên và những người thân, tất cả đều mang một tâm lý hồ hởi, đón chờ thời khắc vượt vạn con sóng dữ để đặt chân lên vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc. Những lá dong, những tải gạo, những gói quá Tết đơn giản nhưng thấm đẫm tình yêu của đất mẹ được đưa ra hải đảo như một niềm động viên to lớn với những con người bám trụ để bảo vệ Tổ quốc.

Khuất phục sóng dữ

Quân cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) trong những ngày cuối năm thật náo nhiệt. Hàng chục đoàn thăm đảo được sắp xếp một cách trật tự nhất để chuẩn bị lên những chuyến tàu mang quà Tết ra đảo. Những anh phóng viên tay xách nách mang trang thiết bị để chuẩn bị cho một chuyến tác nghiệp đặc biệt. Nhìn những con sóng bạc đầu dồn dập xô vào bờ cát như muốn nuốt trọn tất cả, nhưng với những con tàu Hải quân, chúng đều phải chịu khuất phục.

Một cán bộ thuộc Hải quân Vùng 4 hồ hởi nói với mọi người: "Chỉ lúc nữa thôi anh em sẽ được nếm mùi biển". Nó như một sự cảnh báo nhẹ cho cả đoàn công tác vì theo dự báo trong vài ngày tới, biển sẽ động, sóng lớn. Biết là vậy nhưng kế hoạch đã định thì không thay đổi, hơn nữa, chuyến đi đã nằm trong sự kiểm soát chặt chẽ của lực lượng Hải quân, sự an toàn gần như đã được đảm bảo tuyệt đối.

Để chuẩn bị cho chuyến đi, ngoài những trang thiết yếu cần thiết thì thứ quan trọng nhất chính là những gói quà. Năm nào cũng vậy, mọi nhu yếu phẩm phục vụ cho ngày đón xuân mới đều được chuẩn bị vô cùng kỹ lưỡng. Từ thực phẩm, nước ngọt, quần áo, rồi đến những món quà lưu niệm... gần như chẳng thiếu thứ gì. Chị Hà, phóng viên của một tờ báo trong miền Nam hồ hởi nói: "Hay là mang cành mai ra cho các anh ấy. Ở ngoài đảo mà được nhìn thấy mai thì sướng phải biết". Mong muốn là vậy nhưng một cán bộ Hải quân liền bảo: "Chỉ sợ khi mang ra đến đảo, mai chỉ còn mỗi thân không, lá hoa rụng hết rồi!".

Sóng biển đâu có hiền lành như chúng ta tưởng, nó đủ sức để vắt kiệt sức của tất cả mọi thứ. Ngay cả những tập lá dong, phải rất khéo léo, cẩn thận tưới nước hằng ngày mà khi ra đến nơi còn úa vàng nhầy nhụa, chứ nói gì đến cành mai mỏng manh. Tất anh em đi trên chuyến tàu được các cán bộ Hải quân hướng dẫn cụ thể cách lên tàu, thực hiện các nội quy để đảm bảo an toàn tuyệt đối. Mọi thứ đã sẵn sàng, người cũng đã lên tàu, máy đã nổ, lệnh xuất kích được vang lên.

Con tàu Hải quân từ từ rời cảng Cam Ranh, mỗi phút nó lại cách đất liền một đoạn, đất mẹ dần dần khuất vào tầm mắt. Khi tàu còn đi trong vịnh, sóng còn nhẹ, một số người đi ra trước boong để hưởng cảm giác được hít thở không khí biển. Tuy nhiên, cho đến khi bốn bề chỉ là nước, tàu đã đi ra khỏi cửa biển thì chẳng ai còn đủ vững vàng đứng trên boong, chỉ còn các người lính tàu ở vị trí làm nhiệm vụ.

Những con sóng dần lớn hơn, chiến hạm giờ đây chỉ như một quả bóng nhỏ bé dập dềnh trên mặt nước. Lên rồi lại xuống, ngang rồi lại dọc, con tàu đảo qua, đảo lại đã khiến cho không ít các thành viên hoa mắt, chóng mặt. Đã có người say sóng và phải nằm ệp xuống chiếc giường quân dụng. Thuyền trưởng tàu động viên mọi người để lấy lại khí thế: "Mọi người cứ nghỉ ngơi đi, mọi việc đã có anh em chúng tôi lo. Ngoài đảo, anh em đang mong lắm đấy".

Nói là vậy chứ để ra đến đảo Trường Sa, dù thời tiết bình thường cũng phải mất gần 3 ngày. Trước những con sóng dữ, con tàu vẫn hùng dũng vượt qua tất cả. Chuyến đi mang theo sự quyết tâm, tình yêu của Tổ quốc dường như đã chiến thắng tất cả sự tàn khốc của biển cả. Ngày rồi qua đêm, tiếng tàu xình xịch vang đều và mũi tàu vẫn rẽ ngang các con sóng để thực hiện hành trình của mình.

Chuyển quà Tết lên đảo.

Bữa cơm trên tàu thật đặc biệt đối với những người lần đầu tiên được đi ra Trường Sa. Giữa không gian xung quanh là biển, trên là trời, một sự mênh mông bất tận nhưng bên cạnh vẫn là những người anh em. Cùng ngồi bên mâm cơm đơn giản, cũng có rau, cũng có thịt, để rồi nhìn về phía trước, chờ đợi đến thời khắc được nhìn thấy Trường Sa. Những người lính Hải quân phục vụ trên các chuyến tàu rất cẩn thận, họ cố gắng hết sức có thể để lo liệu cho bữa cơm của cánh phóng viên đầy đủ nhất. Đại diện cho Hải quân Vùng 4 trước mỗi bữa ăn thường đi qua từng bàn động viên: "Anh em phải cố gắng ăn nhiều vào để giữ gìn sức khỏe. Hành trình chúng ta còn dài, phải có sức khỏe thì mới hoàn thành được".

Cứ như vậy, con tàu cứ từ từ vượt qua cả trăm hải lý một cách thật ngoạn mục. Khoảng cách từ đất liền ra Trường Sa nghĩ thật xa nhưng lại rất gần, nó như thể chỉ cách nhau tày gang vì trong thâm tâm tất cả mọi người, mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc vẫn luôn ở trong trái tim.

Tết của người dân đảo

Đã có rất nhiều người cảm thấy bất ngờ khi đặt chân lên Song Tử Tây được chứng kiến cảnh các hộ dân đang tất bật chuẩn bị công việc đón Tết. Gia đình anh Quang, một hộ dân trên đảo, đang cẩn thận ngồi lau những lá bàng vuông để chuẩn bị gói bánh chưng. Trước sự ngỡ ngàng của mọi người, anh Quang giải thích: "Ngoài này không có lá dong nên anh em chúng tôi sử dụng lá bàng vuông để thay thế. Dù có khác so với lá dong thật nhưng nó cũng xanh và cũng đậm lắm".

Đại diện đoàn công tác bắt tay các chiến sĩ trên đảo Sinh Tồn.

Sự sống là bất diệt, đó là những gì mà ai cũng cảm thấy được khi nhìn vào cuộc sống của những hộ dân trên đảo Song Tử Tây. Phải một lần tận mắt nhìn thấy thì mới có thể cảm giác một cách đầy đủ nhất về những gì diễn ra ở đây. Trước khi tham gia chuyến công tác này, tôi vẫn nghĩ về một Trường Sa là gì đó vất vả, là gì đó vắng vẻ là gì đó xa xôi lắm, nhưng giờ đây khi đã được đặt chân lên mảnh đất máu thịt của Tổ quốc, được nhìn thấy đồng bào của ta đang sinh hoạt một cách thoải mái thì tất cả những suy nghĩ trước đã tan biến hoàn toàn.

Nhìn thấy đoàn công tác ra, anh Quang và tất cả thành viên trong gia đình đều dừng lại tất cả công việc để đón tiếp. Những cái bắt tay nồng ấm tình đồng bào, tình quân dân được trao cho khiến cho mọi cảm giác mệt mỏi tan chảy. Chúng tôi đi lên đảo, từng bước chân như thể mang theo một niềm tự hào vô cùng. Đại diện lực lượng Hải quân ở trên đảo ra tận cầu cảng để đón đoàn. Hội trường trong đơn vị đã bày biện sẵn, ấm trà thơm, chút kẹo ngọt được chuẩn bị rất chu đáo.

Đại tá Nguyễn Đức Vượng, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân là người dẫn đầu đoàn công tác đi vào hội trường. Những tiếng cười vang lên lấn át hoàn toàn tiếng sóng dữ dằn ngoài biển. Mọi người cùng ngồi với nhau trò chuyện, hỏi thăm, động viên, cánh phóng viên thì tất bật lấy máy quay, máy ảnh, sổ bút ra tác nghiệp. Mọi cảnh quay chẳng cần sắp đặt đã như một bộ phim tuyệt diệu mà nó chỉ đơn giản là cuộc gặp gỡ của quân dân.

Sau cuộc gặp gỡ với những người lính đảo, đoàn công tác chúng tôi được đi thăm hàng loạt hộ dân trên đảo Song Tử Tây. Bước vào căn nhà của gia đình anh Ngô Cần và chị Nguyễn Thị Chí, một không khí ấm áp, hạnh phúc bao trùm lên tất cả. Hai vợ chồng quê ở Nghệ An này đang cẩn thận gắn từng bông hoa mai bằng giấy lên cành khô ở góc nhà. Thấy có khách vào nhà, anh Cần dừng tay rồi vừa cười, vừa nói: "Ngoài này anh em chúng tôi phải làm mai giả để ngắm. Trông vậy chứ chẳng khác gì cành thật đâu anh em nhỉ?".

Với anh Cần, cuộc sống ngoài hải đảo dù có thiếu đi nhiều thứ nhưng qua nhiều năm tháng, vợ chồng anh chị vẫn cảm thấy thỏa mãn với những gì đang diễn ra. Nói bằng một tâm lý có phần tự hào, anh Cần chia sẻ: "Ở ngoài này anh em chúng tôi cảm thấy rất thoải mái. Có khó khăn gì thì đã có các anh em Hải quân giúp đỡ. Ở đây, Quân đội và nhân dân là một gia đình. Chúng tôi là anh em, chẳng có khoảng cách nào cả. Mọi người tối lửa, tắt đèn có nhau”.

Chiến sĩ trên đảo trang trí cây mai chuẩn bị đón xuân.

Tết năm nào cũng vậy, đoàn công tác từ đất liền ra đảo đều đến từng hộ dân hỏi thăm, tặng quà để đồng bào đón xuân mới. Những vật phẩm thật đơn sơ nhưng nó chứa biết bao tình cảm của đất liền. Không giấu được niềm hạnh phúc của mình, anh Cần chia sẻ: "Chúng tôi năm nào cũng được cán bộ tặng quà mà không biết lấy gì cảm ơn. Chỉ biết ở ngoài này cố gắng lao động cùng với các anh lính Hải quân xây dựng đảo ngày càng vững vàng hơn".

Trước khi chia tay, anh Cần còn cẩn thận gửi lời cảm ơn về đồng bào trong đất liền. Những lời chúc giản dị nhưng mang biết bao tình cảm của con người sống ngoài hải đảo. Họ đang ngày ngày bám trụ nơi miền địa đầu Tổ quốc, cùng với những người lính Hải quân giữ gìn chủ quyền hải đảo. Cuộc gặp mặt với những hộ dân ở đảo Song Tử Tây khiến cho chúng tôi có cảm giác hải đảo thật gần gũi. Cuộc sống đang đâm chồi nảy lộc ở đây và trong thâm tâm tất cả thành viên trong đoàn công tác đều vững vàng một niềm tin rằng, Song Tử Tây nói riêng và Trường Sa nói chung sẽ ngày một lớn mạnh hơn, vững vàng hơn.

Dời Song Tử Tây, đoàn công tác chúng tôi trên hành trình tìm đến các đảo khác. Trong kế hoạch của đoàn, chúng tôi sẽ đến hàng loạt các đảo chìm, như: Đá Đông, Đá Tây, Đá Nam, Đá Lát, Tiên Nữ, Cô Lin, Len Đao… Một cán bộ Hải quân nói với chúng tôi rằng: "Phải ra đến đảo chìm thì mới cảm nhận đầy đủ được hết cuộc sống ở lính đảo được". Đó như là một lời giới thiệu đặc biệt với chúng tôi và tất cả đang chờ đợi những thử thách ở phía trước.

Sự sống bất diệt

Đúng như những lời người cán bộ trước đây nói, khi chúng tôi tận mắt nhìn thấy những ngôi nhà được xây dựng trên các đảo chìm thì mới cảm nhận rõ rệt nhất về cuộc sống của người lính đảo. Không sân, không vườn, không lối đi, bước chân từ xuồng là lên tới nhà, những chòi canh cao ba tầng, cửa mở tứ phía là nơi mà những người lính đảo canh gác ngày đêm.

Cuộc sống ở đây thật sự đặc biệt, trong một không gian có thể nói là chật hẹp, mọi hoạt động của người lính đảo đều diễn ra trong đây. Từ việc thực hiện nhiệm vụ của Tổ quốc rồi đến những sinh hoạt cuộc sống, tất cả đều diễn ra trong căn chòi canh gác. Trong những gói quà mang đến cho các chiến sĩ ở đây, một trong những thứ đặc biệt là ai cũng phải thấy ngỡ ngàng đó chính là những bao đất thịt. Quà Tết lại là đất. Thật lạ lẫm. Nhưng khi chứng kiến sự vui mừng của các chiến sĩ đón nhận món quà này thì ai cũng có thể hiểu được giá trị của nó.

Có đất, các anh sẽ có thể trồng được rau xanh. Ở đảo chìm, rau xanh là một thứ vô cùng giá trị, nó quan trọng hơn tất cả thịt cá. Một anh cán bộ đảo chìm Đá Thị chia sẻ: "Chúng tôi ngoài này hầu hết là ăn rau khô, rất ít khi có rau xanh. Được đoàn công tác mang đất với hạt mầm ra thế này chúng tôi có thể trồng được rau để ăn rồi". Năm ngoái, các anh cũng đã nhận được các bao đất và đến năm nay nó đã biến thành những cụm rau xanh mướt được trồng vào những thùng xốp, thùng nhựa.

Nhìn thấy những cây rau xanh lớn lên giữa biển khơi trập trùng, ai cũng cảm thấy rõ ràng nhất về cuộc sống bất diệt. Ở bất cứ nơi nào, sự sống vẫn có thể sinh sôi, nảy mầm nếu như có sự quyết tâm. Những người lính ở đây, họ đang bám trụ với biển đảo để bảo vệ chủ quyền và bản thân họ cũng đang biến cuộc sống ở một nơi khắc nghiệt thành những gì đó bình dị và gần gũi.

Sinh hoạt trên đảo của các chiến sĩ.

Bữa cơm trên đảo chìm thật thấm đẫm tình cảm. Chúng tôi được ăn món rau nén, thứ mà các chiến sĩ chỉ dám dùng khi có "cỗ". Thứ rau chắc nịch, mất hết vị xanh ngọt nhưng vẫn khiến cho chúng tôi cảm thấy ngon miệng. Thứ rau đã ngấm sóng, ngấm gió, ngấm mồ hôi, ngấm tình yêu người lính đảo và thật tự hào vì chúng tôi đã được nếm trải. Nó vừa thú vị, vừa mang biết bao kỷ niệm sâu sắc.

Đặt chân lên đảo Sinh Tồn, một địa danh  vô cùng đặc biệt trong các chuyến đi. Những cuộc gặp mặt diễn ra trong tình cảm thấm đẫm. Anh chiến sĩ trẻ tên Trung đã có vài năm gắn bó với đảo Sinh Tồn, hồ hởi nói: "Bọn em ngoài này cứ thấy ai lên thăm là mừng như Tết rồi". Có thể món ăn lúc này mà ai cũng cảm thấy ngon nhất chính là những câu chuyện. Chúng tôi kể cho những người lính đảo nghe câu chuyện ở đất liền, còn họ kể về những kỷ niệm bám đảo, bảo vệ chủ quyền.

Tết đến đã gần, nhiệm vụ thì vẫn được thực hiện liên tục từng giờ, từng phút. Hằng đêm, những chiến sĩ vẫn ôm súng đứng vững trên đảo để bảo vệ ranh giới của Tổ quốc. Sóng biển lúc lên, lúc xuống nhưng các anh vẫn bảo vệ vị trí để thực hiện nhiệm vụ. Những chiến sĩ nào đã từng canh gác đêm Giao thừa sẽ luôn có những cảm giác vô cùng đặc biệt. Họ nhớ nhung và coi đó như là những kỷ niệm bất diệt.

Đón đoàn công tác, những người lính đảo Sinh Tồn đã thiết đãi chúng tôi bằng một món cá nướng đặc biệt. Các anh câu được từ biển rồi nướng bằng "công nghệ lính đảo". Chúng tôi cùng ngồi bên mâm cơm, trò chuyện để cùng nhau đón xuân mới nơi đầu sóng, ngọn gió

Việt Hùng - Việt Cường
.
.
.