WHO đang mất vai trò chỉ huy trong cuộc chiến chống COVID-19

Thứ Bảy, 11/04/2020, 17:48
Kể từ khi được thành lập vào ngày 7/4/1948, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), với 194 thành viên, chưa bao giờ phải đối mặt với đại dịch xảy ra đồng thời trên tất cả các châu lục như hiện nay. Tuy nhiên, thay vì khẳng định vai trò lãnh đạo về vấn đề sức khỏe của người dân toàn cầu thì các ý kiến chỉ đạo của WHO đang gặp khó khăn khi muốn thuyết phục các nước.

Tại buổi họp báo tối 7/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dọa sẽ ngừng đóng góp cho WHO vì theo ông WHO đã bất lực để xảy ra đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, ông Trump không đưa ra thông tin chi tiết về thời điểm cũng như số tiền ngừng tài trợ cho WHO. Năm 2019, Mỹ đã đóng góp tổng cộng 500 triệu USD cho WHO và là quốc gia đóng góp nhiều nhất cho tổ chức này.

Trước đó, cùng ngày, trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Trump đã chỉ trích nặng nề tổ chức này: "WHO thực sự đã làm hỏng mọi thứ. Vì một lý do nào đó, (WHO) được Mỹ tài trợ rất nhiều, song lại xoay quanh Trung Quốc... Thật may mắn là tôi đã bác bỏ lời khuyên trước đó của họ về việc mở cửa biên giới với Trung Quốc. Vì sao họ có thể đưa ra một khuyến cáo sai lầm như vậy?".

Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres (trái) và Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus họp bàn về tình hình dịch virus corona tại Geneve, Thụy Sĩ ngày 24/2/2020.

Không chỉ riêng Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhiều nghị sĩ Mỹ khác cũng đã kêu gọi Tổng giám đốc WHO Tedros từ chức với cáo buộc ông này chịu ảnh hưởng từ Trung Quốc.

Trên thực tế, các lời khuyên của WHO trong giai đoạn đầu năm 2020 gây nhiều thắc mắc, bao gồm việc dẫn thông tin từ Trung Quốc đánh giá dịch COVID-19 không nghiêm trọng. Ngày 14/1, WHO báo cáo không tìm thấy bằng chứng rõ ràng về sự lây truyền từ người sang người của virus mới. Ngày 31-1, tổ chức này khuyên các nước không nên đóng cửa biên giới dù dịch bệnh đang bùng phát.

Trước đó, một đơn kiến nghị trực tuyến kêu gọi Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros từ chức đã thu được hơn 718.000 chữ ký. Đơn kiến nghị này được tạo trên trang Change.org và được dịch ra nhiều thứ tiếng như Pháp, Tây Ban Nha, Đức và Arab. Tờ đơn khẳng định cách xử lý của các quan chức y tế thuộc Liên hợp quốc (UN) và WHO đối với sự bùng phát của dịch COVID-19 là "không chấp nhận được". Và rằng ông Tedros "không phù hợp" với vị trí người đứng đầu WHO. Tờ kiến nghị cho rằng, WHO phải là một tổ chức trung lập về chính trị.

Ông Antoine Flahault, Giám đốc Viện Sức khỏe toàn cầu thuộc Đại học Geneve, Thụy Sĩ, nhấn mạnh: "WHO đã không đưa ra chỉ dẫn rõ ràng cho các quốc gia, nhất là về việc triển khai biện pháp đóng cửa trường học, hạn chế tụ tập đông người… Về biên giới giữa các nước, WHO đề nghị các nước không đóng cửa khẩu, nhưng khi các nước như Đức, Italia, Áo phong tỏa biên giới thì WHO lại không có phản ứng. Thực ra, biện pháp của các nước nói trên hoàn toàn vi phạm các quy định quốc tế về y tế mà chính các nước đã ký và có tính bắt buộc".

Vì sao WHO không thể hiện được vai trò trong khi lẽ ra cuộc chiến chống COVID-19 phải mang lại cho WHO khả năng lãnh đạo thế giới? Hàng ngày, vào một giờ cố định, từ phòng họp báo trống trải, đại diện WHO chỉ nhắc lại là bằng mọi giá phải "làm gián đoạn chuỗi truyền bệnh".

Trong khi đó, lãnh đạo các nhà nước và chính phủ chỉ quan tâm đến dư luận trong nước, thông báo với dân chúng rằng họ đang nỗ lực tối đa để phòng chống dịch bệnh. Bác sĩ David Nabarro, Giám đốc Viện Sáng kiến sức khỏe toàn cầu, Đại học Hoàng gia London (Anh), một chuyên gia trong cuộc chiến chống dịch Ebola, đặc phái viên của WHO về dịch Covid-19 từ cuối tháng 2, nhấn mạnh một thực tế là hiện giờ thế giới không có một giải pháp nào với sự phối hợp liên chính phủ.

Vào năm 2005, hai năm sau khi dịch SARS bùng phát ở các nước châu Á, WHO đã sửa đổi hoàn toàn các tiêu chuẩn để có khả năng phản ứng nhanh nhạy trong trường hợp xảy ra một cuộc khủng hoảng dịch bệnh mới. Điều này phát huy hiệu quả khi xảy ra dịch cúm A (H1N1) năm 2009. Điều cơ bản trong quy định mới về y tế của quốc tế khi đó là các Nhà nước thành viên trước hết phải báo cáo trực tiếp lên trụ sở của định chế WHO ở Geneve, Thụy Sỹ, báo cáo ngay khi bùng phát dịch bệnh, và nhất là khẩn trương chia sẻ thông tin để cộng đồng khoa học quốc tế có thể nhanh chóng nắm bắt tình hình. Sau đó, WHO đảm nhiệm việc điều phối hoạt động kiểm dịch, đưa ra các báo động và kiến nghị.

Các nguyên tắc mới này đã được tất cả các quốc gia phê chuẩn và có tính ràng buộc về mặt pháp lý. Tuy nhiên, một nhà ngoại giao châu Phi ở Geneve nhận định: "Không mấy nước tôn trọng những quy định đó. Kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng COVID-19, các nước chỉ hành động vì nước đó mà thôi. Tất cả mọi quốc gia đều quên mất các chỉ thị mà chúng tôi đã phải vất vả đàm phán và có được, bởi vì không nước nào muốn từ bỏ một phần chủ quyền của mình cho một "bộ máy quốc tế". WHO không thể trừng phạt những nước làm sai, cũng không buộc các quốc gia phải thực hiện biện pháp này hay hủy bỏ biện pháp khác, ngay cả khi rõ ràng là biện pháp đó không tốt.

Trong khi chờ đợi, từ phòng họp lớn vắng vẻ, các quan chức của WHO hàng ngày vẫn kiên nhẫn trả lời những câu hỏi ẩn chứa nỗi lo từ khắp các châu lục. Câu trả lời của các đại diện WHO mang tính hướng dẫn chứ không mang lại kết quả, bởi vì các quyết định hiện nay vẫn do chính phủ từng nước đưa ra.

Đức Quý (tổng hợp)
.
.
.