WTO trước áp lực cải tổ

Thứ Hai, 23/07/2018, 09:33
Ngày 16-7, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EU) Donald Tusk đã kêu gọi tiến hành cải tổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nhằm thích ứng với tình hình mới.

Tuyên bố của ông Donald Tusk được đưa ra trong bối cảnh ông và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean Claude-Juncker vừa cùng tới Bắc Kinh để tham dự hội thảo thương mại EU - Trung Quốc lần thứ 20, có sự góp mặt của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) cho biết, ông Tusk đồng thời mong muốn các cường quốc Mỹ, Trung Quốc và Nga có nỗ lực chung để tránh xảy ra cuộc chiến thương mại trên toàn cầu. “Đây là trách nhiệm chung của châu Âu, Mỹ, Trung Quốc và Nga trong việc thúc đẩy (thương mại toàn cầu) thay vì hủy hoại nó”, ông Tusk cho biết.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (giữa) trong cuộc họp báo chung với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker (phải) và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk.

Trước đó vào hôm 15-7, Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc phỏng vấn khi công du châu Âu đã gọi cả EU và Trung Quốc là “đối thủ kinh tế” và Nga là đối thủ trong một số lĩnh vực. Mỹ vừa qua đã áp thuế lên gói hàng hoá trị giá 34 tỷ USD của Trung Quốc, quyết định được cho là khơi mào cho một cuộc chiến thương mại giữa đôi bên. 

Theo SCMP, dù cũng bất đồng với ông Trump nhưng EU đã tỏ ra cẩn trọng khi không thể hiện đứng về phía Trung Quốc. Thay vào đó, ông Tusk kêu gọi các bên đối thoại với nhau. Hãng AFP hôm 16-7 dẫn lời ông Tusk nói EU và Mỹ “là bạn bè”, dù không trực tiếp đề cập tới phát biểu của ông Trump.

Theo ông Tusk, thế giới cần cải cách thương mại, không phải đối đầu. "Đây là lý do tại sao tôi kêu gọi nước chủ nhà Trung Quốc và các tổng thống Trump và Putin cùng nhau bắt đầu quá trình này từ một cải cách toàn diện của WTO", ông Tusk nói. 

"Hôm nay chúng ta đang đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan: liệu có nên chơi một trò chơi khó khăn, chẳng hạn như chiến tranh thuế quan và xung đột ở những nơi như Ukraine và Syria, hay tìm kiếm các giải pháp chung dựa trên quy tắc công bằng".

Trong một cuộc họp sau đó với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker nói: "Chủ nghĩa đa phương đang bị tấn công, một cuộc tấn công chưa từng có kể từ cuối Thế chiến II. Chúng tôi không thể chấp nhận rằng thông qua các cuộc tấn công đơn phương hệ thống đa phương sẽ bị hư hại". 

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi vào cuối tháng 5 cho các cuộc đàm phán về việc đại tu WTO trong bối cảnh các công ty châu Âu đang chống lại việc áp thuế nhập khẩu thép và nhôm của Mỹ (đã có hiệu lực vào ngày 1-6).

Cũng trong ngày 16-7, Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố đã nộp đơn kiện Mỹ ra trước WTO liên quan tới việc Mỹ áp thuế bổ sung đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Giới chức Trung Quốc cho rằng Mỹ đã phớt lờ các quy tắc thương mại thế giới đã được thiết lập và Trung Quốc có quyền bảo vệ nền kinh tế của nước này. Động thái mới nhất của Bắc Kinh đã làm dấy lên lo ngại bất đồng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc lại tiếp tục gia tăng nấc thang mới.

Phía Trung Quốc cũng lên án chính sách đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ thương mại. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày 16-7 khẳng định rằng chủ nghĩa bảo hộ không thể bảo vệ các nước chấp nhận cơ chế này và chính sách đơn phương sẽ gây tổn hại cho lợi ích của tất cả các nước trong thế giới ngày nay. 

Bà Oánh đã đưa ra nhận định trên khi bác bỏ tuyên bố của Đại diện Thương mại Mỹ theo Điều 301 của Đạo luật được Mỹ ban hành hôm 10-7 vừa qua, trong đó cáo buộc Trung Quốc giành thêm lợi thế thông qua các hoạt động thương mại không công bằng.

Ngày 16-7, Mỹ cũng đã khởi đơn kiện lên WTO chống lại Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Canada, Mexico và Thổ Nhĩ Kỳ. "Thay vì làm việc với chúng tôi để giải quyết một vấn đề chung, một số đối tác thương mại của chúng tôi đã quyết định trả lời các mức thuế trả đũa được thiết kế để trừng phạt công nhân, nông dân và công ty Mỹ", Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết. 

"Mỹ sẽ thực hiện tất cả các hành động cần thiết để bảo vệ lợi ích của chúng tôi, và chúng tôi kêu gọi các đối tác thương mại làm việc tích cực với chúng tôi về các vấn đề được tạo ra bởi năng lực dư thừa và liên tục trong lĩnh vực thép và nhôm".

Văn phòng của ông Lighthizer cho rằng thuế quan trả đũa của các nước khác có vẻ vi phạm các cam kết của các thành viên WTO và nói các mức thuế áp đặt bởi Mỹ “được chứng minh theo các điều ước quốc tế mà Mỹ và các đối tác thương mại đã phê duyệt”.

Anh Kiệt
.
.
.