Trở lại chuyện xây dựng, cải tạo các rạp hát, rạp chiếu phim:

Xã hội hóa tiết kiệm tiền ngân sách

Thứ Tư, 23/07/2014, 12:00

Báo CSTC có đăng bài “Đầu tư hơn 10.000 tỷ xây mới, cải tạo nhà hát: Mục tiêu phát triển hay vung tay đốt nhà táng giấy?” đã nhận được nhiều ý kiến đồng thuận của bạn đọc. Sau bài báo trên có một số ý kiến trao đổi lại với BBT. Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin trở lại vấn đề này.

Bộ VHTT&DL cho rằng,  kết quả khảo sát của các địa phương đã cho thấy, việc xây dựng các nhà hát, rạp chiếu phim (gọi là "công trình văn hóa") là cần thiết, khi đến nay, cả nước chưa có một nhà hát nào đạt tiêu chuẩn khu vực, để có thể tổ chức các sự kiện mang tầm quốc tế. Hầu hết đều có quy mô nhỏ, hoặc trung bình, đã xây dựng, cải tạo nhiều năm, cũng chủ yếu ở các thành phố, đô thị lớn. Trong đó, các công trình văn hóa tập trung chủ yếu ở Hà Nội và TP HCM.

Theo Bộ VHTT&DL, trong số 71 nhà hát, dự kiến xây mới và cải tạo, thì số nhà hát được xây dựng, cải tạo trước năm 1990 chiếm 80% và khoảng 60% 39 nhà hát có hệ thống trang thiết bị không đạt tiêu chuẩn. Nhiều tỉnh hiễn vẫn chưa có nhà hát. Quá nửa đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của Bộ VHTT&DL chưa có rạp biểu diễn. Bởi nhiều năm qua, vốn đầu tư chỉ dành cho sửa chữa, cải tạo chứ không đầu tư cho xây mới. Gần đây, Hà Nội mới xây mới một nhà hát có quy mô gần 700 ghế là Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ. Trong khi đó, một số rạp hát khác lại bị chuyển sang làm siêu thị, quán bar vv… Điều này cũng diễn ra ở TP HCM. Tới nay, số nhà hát được xây mới đúng với chức năng, đảm bảo chất lượng kỹ thuật hiện đại rất ít, phần lớn ở  các đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TP HCM, Đà Nẵng...

Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Phan Đình Tân, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn của Bộ VHTT&DL cho biết: Đề án sau đó được Bộ VHTT&DL xây dựng với việc tổ chức lấy ý kiến các địa phương, tổ chức hội thảo về xây dựng đề án, với sự tham dự của các cơ quan chức năng, trước khi trình Chính phủ, để được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 88/QĐ-TTg ngày 9/1/2013.          

Nhà hát Lớn Hà Nội, nơi được coi là nơi biểu diễn tốt nhất hiện nay, đã được xây dựng hơn 100 năm.

Ông Hồ Việt Hà, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch -Tài chính (Bộ VH, TT&DL) - đơn vị trực tiếp xây dựng Đề án, cho biết thêm: Để triển khai đề án, Bộ VHTT&DL đã đề nghị các địa phương rà soát, đánh giá lại tình hình hoạt động, cơ sở vật chất của các công trình văn hóa trên địa bàn, nghiên cứu, dự báo nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân để xây dựng kế hoạch nâng cấp, xây mới các công trình văn hóa giai đoạn 2010-2020. Trước đây, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết 23 "về tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ đổi mới" và giao cho Bộ VHTT&DL chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT, Bộ TT&TT, Ban Tuyên giáo TW, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam và các hội VHNT TW xây dựng đề án, để trình Chính phủ.

Về con số 10.800 tỷ đồng đầu tư cho các công trình văn hóa, theo Bộ VHTT&DL: Trong số tiền này, 60% là tiền ngân sách, còn 40% là huy động nguồn xã hội hóa. Số kinh phí này cũng được thực hiện trong 8 năm, từ 2012 đến 2020, ở cả 63 tỉnh, thành, chia làm 2 giai đoạn. Bộ VHTT&DL cho biết thêm: Mặc dù vậy, việc xây dựng các công trình văn hóa còn tùy thuộc khả năng của nền kinh tế, sự đóng góp của các nguồn vốn cũng như hiệu quả sử dụng các công trình. Về quản lý kinh phí thì theo Luật Ngân sách, các công trình của các địa phương, bộ ngành nào thì đồng thời là chủ quản đầu tư và trực tiếp quản lý, Bộ VHTT&DL không quản lý nguồn kinh phí này. Theo Đề án, sẽ xây mới 11 nhà hát có quy mô lớn, từ 2.000 - 2.500 ghế, trang thiết bị hiện đại, chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế. Trong đó, công trình nhà hát xây mới ở Hà Nội và TP HCM có quy mô lớn, từ 2.500 - 3.000 ghế và xây mới 40 nhà hát có quy mô lớn từ 1.000 - 2.000 ghế tại các tỉnh. Đi kèm theo các công trình là quỹ đất lớn, ở vị trí thuận lợi.

Các sân khấu lạc hậu ảnh hưởng rất nhiều đến các vở diễn cũng như nhu cầu hưởng thụ của người dân.

Điều quan trọng là, với việc xây mới và cải tạo các nhà hát, rạp chiếu phim có trang thiết bị hiện đại, người dân mới được tiếp cận và hưởng thụ nghệ thuật có chất lượng cao, là mục tiêu mà Đảng và Nhà nước ta đặt ra. Bởi đầu tư cho văn hóa, chính là đầu tư cho tương lai, vì văn hóa là cốt lõi của sự phát triển. Vấn đề là, quản lý tốt nguồn vốn cũng như hiệu quả sử dụng các công trình văn hóa ra sao mà thôi.

Ông Trương Nhuận, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ:

Hiện nay, Việt Nam chưa có một rạp hát nào đạt chuẩn Quốc gia, còn so với thế giới thì lạc hậu tới 15 năm. Các nước đã có hệ thống kỹ thuật số âm thanh và ánh sáng từ cách đây 15 năm có, còn ta chưa có nhà hát nào có, kể cả hệ thống đèn laze. Hệ thống cơ khí sân khấu cũng quá lạc hậu. Ở nước ngoài, việc thay, chuyển cảnh chỉ mất 5 giây, thì ở Việt Nam, phải mấy 1-3 phút, do vẫn sử dụng hệ thống cơ, cáp. Trong khi chỉ một đơn vị tư nhân như nghệ sĩ Fan Yang đã có cả hệ thống đèn laze trị giá 200.000 USD. Sau 14 năm, đến 2013, Nhà hát Tuổi trẻ mới được đầu tư cải tạo hệ thống ánh sáng, màn hình led và lập tức phát huy hiệu quả. Vì thế, cần cải tạo các nhà hát đã có đạt chuẩn Quốc gia, để các đoàn nghệ thuật quốc tế có thể biểu diễn được ở Việt Nam.Đây chính là đầu tư cho tương lai, khi nâng tầm mức hưởng thụ nghệ thuật cho người dân. Nếu giờ chúng ta không làm, thì sau 5 năm nữa, sẽ còn lạc hậu hơn nhiều so với thế giới. Chúng tôi sang Nhật và thấy rằng, xây dựng một nhà hát đạt chuẩn, mất 150 triệu USD, tức là gần bằng nửa số kinh phí dự kiến xây dựng và cải tạo nhà hát trên toàn quốc của Việt Nam trong Đề án đưa ra.

Ông Bùi Xuân Tiến, Giám đốc Nhà hát Cải lương Trung ương:

Ra đời từ 1951, nhưng đến nay, Nhà hát Cải lương Trung ương vẫn chưa có một rạp biểu diễn riêng. Vì thế, hàng năm, Nhà hát phải chi một khoản không nhỏ cho việc thuê rạp tập luyện và biểu diễn các vở. Mỗi năm, chúng tôi có trên 200 buổi biểu diễn. Mà, thuê địa điểm biểu diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội, dù có giá hữu nghị đã là 20 triệu đồng/đêm, 10 buổi tập ở rạp Hồng Hà cũng mất gần 60 triệu, chưa kể xăng dầu, vận chuyển đồ, diễn viên vv… Nhà hát Cải lương có đặc thù riêng, nên cần hệ thống âm thanh, ánh sáng khác với nhạc trẻ, càng không thể sử dụng băng đĩa, nên cần có rạp riêng. Hơn nữa, rất cần có rạp để chủ động kế hoạch tập luyện, đào tạo, biểu diễn, để tạo được điểm diễn quen thuộc, thì mới có thể hút khách, giữ được truyền thống của môn nghệ thuật cải lương.

Nhóm PV
.
.
.