Xã nói "không" với nuôi chó

Thứ Sáu, 12/12/2014, 08:00
Trong quan niệm lâu đời của văn hoá Việt, con chó trở thành biểu tượng của lòng trung thành, thông minh và gắn bó với con người. Không phải tự nhiên tục ngữ có câu "Chó giữ nhà, gà gáy trống canh", "Mèo đến nhà thì dữ, chó đến nhà thì sang". Thậm chí, có một số người lúc chết, người nhà cho chôn theo cả tượng chó như muốn để chúng cùng người chết về thế giới bên kia. Ấy vậy mà đa số người dân tại xã Diễn Nguyên, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An lại khước từ bóng hình của loài vật đặc biệt này trong ngôi nhà của mình với một "hương ước" bất di bất dịch tồn tại suốt 60 năm qua. Và có lẽ cũng là lần đầu tiên trên thế giới, loài vật này trở thành đề tài "hot" trên bàn… hội nghị!
Những người nuôi chó là… liều!

Mới nghe tưởng đùa! Là bởi trên đất nước này, đặc biệt là các làng quê, nơi nào mà không nuôi chó? Thế nhưng, tại Diễn Nguyên - một địa phương của tỉnh Nghệ An, việc không nuôi chó trở thành hương ước duy trì suốt 60 năm nay. Nếu như ngày xưa, đây là một quy định bắt buộc nhà nào cũng phải tuân theo, không theo thì sẽ bị kỷ luật nặng thì ngày nay, dù chính quyền xã không cấm nhưng hương ước vẫn được bảo toàn một cách trọn vẹn. Đi từ đầu xã tới cuối xã, khi tìm hiểu về "hiện tượng" này, nhiều người dân nhiệt tình kể chuyện, thậm chí họ còn lấy đó làm niềm tự hào vì chẳng ở đâu giống quê mình.

Mà đúng là không thấy thật. Có thể thấy gà, vịt, trâu, lợn, bò nhưng tuyệt nhiên một bóng chó ngoài ngõ cũng chẳng thấy. Nếu chẳng may có con chó nào từ xã khác lảng vảng quanh đây sẽ bị người dân xua đuổi như xua đuổi một thứ tà ma. Thậm chí, không may mắn, con chó đó sẽ bị đánh chết.

Lý giải cho hành động "ngược đời" này của dân xã mình, ông Địch (87 tuổi, xóm 5) cho biết, hương ước này có từ lâu rồi. Hồi đó, trong làng có mấy vụ người nhà chết liên tiếp vì bị chó dại cắn. Ví dụ như cụ Phiên, người xóm 7 bị một con chó con liếm, cắn một tí vào bàn tay nhưng một thời gian sau cụ trộ (PV - trộ: ý ở đây là phát bệnh dại) rồi qua đời. Từ đó, dân làng ai cũng tránh xa loài vật này. Hương ước này lập ra đầu tiên ở xóm 7 rồi lan ra cả xã. Lâu dần thành quen, tính đến nay đã tròn 60 năm. Bản thân gia đình ông Địch cũng không nuôi chó.

Gà, vịt, mèo, bò có nhưng bóng dáng chó thì không.

Bên cạnh ám ảnh về những cái chết liên quan tới chó dại, dân Diễn Nguyên kiên quyết bảo tồn cái lệ xã của mình còn bởi lí do: Không nuôi chó là văn minh, lịch sự. "Đất Diễn Nguyên là đất sét, vấn đề tiêu úng gặp nhiều khó khăn, hễ mưa là ngập. Chó chạy loăng quăng hai bên đường rồi bạ chỗ mô bậy đó thì bẩn, mất vệ sinh lắm. Hơn nữa, từ khi thực hiện chính sách kế hoạch hóa gia đình, mỗi nhà chỉ có 1 - 2 đứa con, nếu chẳng may một trong hai đứa, lại là con trai bị chó dại cắn thì gia đình nuôi chó và gia đình có con không may đều lo lắng. Lúc bị, người ta mong 3 tháng 10 ngày trôi qua nhanh nhanh để xác nhận tình hình bệnh. Suốt thời gian đó, thực tế, trong làng đã có việc nhà ni đến nhà nớ kêu ca, trách móc. Làng xóm với nhau cả, không hay. Bản thân tôi nhận thấy phần lợi từ việc nuôi chó cũng có nhưng phần hại nhiều hơn, lại không lường trước được. Chưa xảy ra nhưng cứ phòng ngừa bằng việc không nuôi cho chắc. Bây giờ, sống chết biết mô mà lần", ông Hoàn (75 tuổi, xóm 5) chia sẻ. 

Ông cũng nói thêm đa số dân quê ông đều nói không với nuôi chó, mọi người đều tuân thủ hương ước mà ông bà tổ tiên để lại một cách rất  sát sao nhưng "cũng có một số hộ, được cho là cá biệt coi thường hương ước". Chính quyền địa phương cũng năm lần bảy lượt xuống vận động họ đừng nuôi, họ cũng có nghe theo nhưng một thời gian sau lại tiếp tục nuôi. Ông bảo một số hộ này là… "liều". 

Chú chó hiếm hoi của xã.

Vì con chó mà "nóng" từ ủy ban nóng về

Khi PV đem sự việc được xem là hi hữu và có phần đi ngược với tâm lý thông thường của người Việt này trao đổi với ông Cao Xuân Mai, Chủ tịch UBND xã Diễn Nguyên thì ông Mai xác nhận hương ước không nuôi chó tại địa phương ông hoàn toàn là sự thật.

Ông Mai cho biết: "Cách đây 60 năm, vì có nhiều trường hợp chó dại cắn chết nhiều người nên dân làng mới thỏa thuận với nhau không nhà nào được nuôi chó. Những người lập ra hương ước đó đến nay không ai còn sống. Cũng không còn giấy tờ nào lưu lại, tất cả chỉ là truyền miệng từ đời này qua đời khác mà thôi. Một số xã lân cận ngày xưa hưởng ứng hương ước này thì đến nay họ bắt đầu cho nuôi lại. Vì không biết nguyện vọng của nhân dân như thế nào nên năm 2011, UBND xã đã giao cho Ủy ban mặt trận Tổ quốc xã lấy ý kiến toàn dân về việc có nuôi chó trở lại hay không. Kết quả là trên tổng 1.460 hộ dân được lấy ý kiến khi đó, có tới 1.114 hộ (76%) ủng hộ việc không nuôi chó".

Ông Hoàn bảo những hộ nuôi chó là... liều.

Thường thì cày cấy, phân tro, thuế má, đất đai… mới là câu chuyện của "nghị trường xã". Thế mà ở đây một trong những "lục súc" lại trở thành câu chuyện "hot" trên bàn hội nghị. Cả làng, cả xã nói không với nuôi chó đã là một việc kỳ lạ. Lên cuộc họp, có tên trong văn bản, trong phiếu thăm dò ý kiến toàn dân lại càng kỳ lạ hơn. Nói ra để thấy rằng với người dân Diễn Nguyên, đây là một việc cũng "đại sự" không kém những "đại sự" khác. Và không chỉ ở ủy ban, một người dân cho biết vấn đề này còn nóng về từng gia đình. Ai ai cũng bàn về việc này.

Được biết, trong tổng số 1.900 hộ dân của xã hiện nay, chỉ có 20 - 30 hộ nuôi chó. Có những xóm "sạch" bóng chó hoàn toàn là xóm 2, 3, 7. Còn các xóm khác, lác đác vài hộ nuôi. Theo ông Mai, "cả xã không nuôi mà một vài hộ nuôi thì bẩn lắm. Mặc dù không cấm nhưng xã cũng vận động và khuyến khích những trường hợp cá biệt này không nuôi theo phong trào chung". Ông Mai cũng nhấn mạnh: "Để duy trì hương ước ấy, thì phía ủy ban phải chú trọng công tác an ninh, trật tự, làm sao không có chó mà dân vẫn an tâm".

Về bản thân mình, ông Mai ủng hộ "lệ xã" này. Ông bảo từ trước giờ, dù không nuôi chó nhưng dân quê ông cũng có nhiều người làm giàu, làm kinh tế giỏi. Không nuôi chó thì họ sẽ nuôi thêm con gà, con vịt, kiếm thêm thu nhập cho gia đình… Mà nuôi chó, phần hại nhiều hơn phần lợi. Gia đình ông cũng không nuôi.

Những người "liều" cô đơn

Vì không nuôi chó trở thành hương ước, là "mẫu số chung" của toàn xã nên để tìm những hộ cá biệt quả thực không dễ dàng gì. Theo tìm hiểu của PV, xóm 6 của xã là xóm có số hộ gia đình nuôi chó nhiều nhất (tất nhiên nhiều nhất của phần cá biệt ít ỏi). Bỏ qua sự e dè, ngại ngần ban đầu, chị H. (tên được thay đổi theo yêu cầu nhân vật), một người nuôi chó sống tại đây cho biết đôi khi chị cảm thấy cô đơn trên chính mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình. Tất cả cũng chỉ vì gia đình chị muốn nuôi một con chó để nó canh cửa canh nhà.

 Chị H. giãi bày: "Cả làng cả tổng họ bảo nuôi chó bẩn, mất vệ sinh, lại nguy hiểm. Nhưng với gia đình tôi, nó từ lâu là một thành viên thân thiết. Nhà neo người nên từ khi có nó giữ nhà, buổi tối ngủ cũng an giấc. Trước khi chưa nuôi nó, nhà tôi từng xảy ra nhiều vụ mất trộm. Điển hình là có một lần trộm vào sân bê đi 9 bao thóc". Chị H. vừa kể vừa chỉ vào chú chó hiếm hoi của xã Diễn Nguyên và nói: "Cô thấy đó, nó đang nằm thiu thiu ở bậc thềm, cô là người lạ, vô mà nó có sủa mô. Nó hiền lắm, chẳng làm hại ai bao giờ. Rứa mà người ta cứ lên lên xuống xuống không biết bao nhiêu lần chỉ vì nhà tui nuôi nó".

Kết quả của đợt lấy ý kiến toàn dân về việc nuôi chó.

Một người "liều" cô đơn khác, cũng là cư dân xóm 6 cho biết, con chó mà gia đình anh đang nuôi là nuôi chui, nuôi trộm. Gia đình anh toàn xích phía sau nhà, không thả chạy rông ngoài ngõ. Khi hỏi danh tính thì người "liều" này từ chối cung cấp thông tin. Anh bảo: "Phiền phức lắm nhà báo ơi! Mai mốt người ta đọc báo, lại biết đường đến rồi chất vấn. Với lại tui cũng nuôi vài tháng để làm thịt mà thôi". Chẳng biết có đúng là gia đình anh nuôi vài tháng để làm thịt hay chỉ là một cách nói tránh né để tôi không hỏi sâu thêm nhưng rõ ràng những người này đang sống một nhịp khác so với xóm giềng của mình. Tất cả chỉ vì một ước muốn có phần đơn sơ, giản dị và vô cùng dễ dàng ở nơi khác thì ở đây lại trở nên vô cùng khó khăn: Nuôi một con chó cho vui cửa vui nhà.

60 năm đã trôi qua. Cuộc sống phát triển đi lên, kéo theo bao đổi thay, trong đó các dịch vụ y tế được nâng cao, dịch chó dại - câu chuyện ám ảnh người dân xã Diễn Nguyên của mấy mươi năm về trước giờ đây đã là một câu chuyện lỗi thời. Trong chương trình nông thôn mới, cũng không có nội dung nào quy định cấm người dân nuôi chó. Vậy thì cái hương ước bất di bất dịch cùng những suy nghĩ của phần đông người dân ấy, cũng không thể dùng "áp đặt" cho những thành phần "thiểu số" để rồi đánh mất tình hàng xóm, láng giềng.

Đậu Dung
.
.
.