Xăng dầu liên tiếp đòi tăng giá: Lỗ thật hay lỗ ảo?

Thứ Ba, 02/10/2012, 14:38
Một lần nữa, doanh nghiệp xăng dầu lại kêu lỗ và đòi tăng giá. Theo như công bố của một số doanh nghiệp thì bình quân giá cơ sở 30 ngày qua vẫn cao hơn mức bán lẻ hiện hành và lỗ khoảng 600 đồng mỗi lít xăng dầu (sau khi đã trừ lợi nhuận định mức).

Sự thật như thế nào? Giá cơ sở bình quân 30 ngày ra sao?

Theo quy định tại Nghị định 84 của Chính phủ, giá bán lẻ xăng dầu được hình thành từ giá cơ sở trong khoảng thời gian 30 ngày. Giá cơ sở được tính bằng giá mua tại cảng, cộng các khoản thuế và phí, chi phí lưu thông, dự trữ, lợi nhuận định mức.

Đối chiếu quy định này, thời gian qua, các chi phí lưu thông xăng dầu, lãi định mức, quỹ bình ổn không đổi, đặc biệt, tỷ giá đô la không có nhiều biến động (hiện quanh mức 20.700 đồng/đô la). Giá cơ sở được tính bình quân dự trữ lưu thông 30 ngày.

Vậy, giá bình quân 30 ngày qua như thế nào? (Nguồn: Petrolimex)

Thời gian  Giá xăng thành
               phẩm A92 (đô la/thùng)
13/8                    128,4
22/8                    125,35
29/8                    121,13
3/9                      119,79
5/9                      118,7
7/9                      122,39
10/9                    124,03

Theo bảng trên, trong khoảng 30 ngày qua, giá xăng A92 tại Singapore chia ra hai chu kỳ: đợt từ 13/8 đến 5/9 theo chiều hướng giảm sâu, từ 128,4 đô la/thùng, giảm về mức thấp còn 118,7 đô la/thùng. Từ 6/9 tới nay, giá xăng A92 có xu hướng tăng trở lại, song hiện cũng chỉ ở mức 124,03 đô la/thùng.

Từ diễn biến lúc cao bù lúc thấp, giá trung bình tạm tính khoảng 120 đến 122 đô la/thùng. Giả sử mức bình quân là 122 đô la/thùng, mỗi thùng xăng có 159 lít, lấy mức giá này nhân tỉ giá đô la (ngày 11/9 là 20.870 đồng/đô la, trong tháng qua không có biến động đáng kể về tỉ giá), ta có: 122 x 20.870 : 159 = 16.013 đồng/lít.

16.013 đồng/lít là giá gốc, sau khi tới tay người tiêu dùng sẽ cộng 10% thuế tiêu thụ đặc biệt, 10% thuế VAT, 12% thuế nhập khẩu, 600 đồng chi phí lưu kho, vận chuyển, 600 đồng lợi nhuận định mức (có doanh nghiệp chỉ 300 đồng/lít), 1000 đồng phí môi trường, 300 đồng quỹ bình ổn, ta có giá cơ sở:

16.013 + 1601 + 1601 + 1921 + 600 + 600 + 1000 + 300 = 23.636 đồng/lít.

Giá xăng A92 tại thị trường sau đợt tăng ngày 28/8, hiện là 23.650 đồng/lít. Như vậy, so với giá cơ sở 23.636 đồng/lít, cho thấy mức giá này là tương đương, không có chênh lệch đáng kể. Hiện, doanh nghiệp cũng đang được trích quỹ bình ổn 500 đồng, do đó thực chất sau khi đã trừ lợi nhuận định mức 600 đồng/lít, mỗi lít xăng A92, doanh nghiệp vẫn đang lãi 500 đồng từ nguồn quỹ này.

Sự thiếu minh bạch khiến thị trường xăng dầu dù tăng hay giảm giá đều khiến dư luận bức xúc.

Thế nhưng, doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu lại lấy ngày có mức giá cao gần nhất để tính giá cơ sở và trả lời báo chí như sau: "Giá bình quân xăng nhập khẩu tính đến ngày 7-9 ở mức 124,3 USD/thùng (thực chất giá này là ngày 10/9), quy đổi ra 16.430 đồng/lít, cộng các khoản thuế phí thì giá xăng bán ra khoảng 24.266 đồng/lít, xả quỹ bình ổn 500 đồng/lít. Tính chung so với so với giá bán hiện hành 23.650 đồng/lít, chênh lệch chỉ (-116) đồng/lít. Trong khi đó giá dầu đang lỗ khoảng 400-500 đồng/lít tuỳ loại".

Tại sao doanh nghiệp xăng dầu lại lấy đỉnh cao nhất những ngày qua là 124,3 đô la/thùng? Nếu vậy, ngày 5/9, khi giá xăng A92 chỉ 118,7 đô la/thùng, họ đã lãi nhiều nghìn đồng mỗi lít!

Rõ ràng, cách tính của doanh nghiệp là không chính xác, lấy giá ở thời điểm cao để tính chung cho mức bình quân 30 ngày, từ đó kêu lỗ. Vấn đề này không chỉ tới nay mới được nói ra mà đã lặp đi lặp lại rất nhiều lần.

Thứ hai, về hoa hồng đại lý, phần rất quan trọng trong chi phí doanh nghiệp, được biết, Petrolimex và nhiều doanh nghiệp đã trả hoa hồng khá cao, trong khi chi phí này lại tính toán vào khoản lỗ, buộc người tiêu dùng hoặc ngân sách nhà nước phải chịu. Chẳng hạn, năm 2011, Bộ Tài chính cho biết: Trong quá trình thực hiện bán hàng 6 tháng đầu năm 2011, mức chi phí kinh doanh xăng dầu thực tế phát sinh của Petrolimex vượt so với chi phí kinh doanh định mức quy định tại Thông tư 234/2009/TT-BTC, tổng số tiền là: 516.168.061.612 đồng. "Việc này là do Tổng Công ty đã chi phí thù lao đại lý cho tổng đại lý, đại lý có thời điểm cao, thậm chí có thời điểm cao hơn mức chi phí kinh doanh xăng dầu định mức (600 đồng/lít với xăng, diezen, dầu hỏa; 400 đồng/kg với mazut)". Đáng nói là khoản chi hoa hồng hơn 516 tỷ đồng nói trên lại được Petrolimex đánh lận sang khoản lỗ!

Thứ ba, lợi nhuận sau thuế sẽ được trích lập quỹ, trong đó có quỹ lương, thưởng. Nhiều ý kiến cho rằng, lương thưởng của ngành xăng dầu khá cao so mặt bằng chung của xã hội. Petrolimex và các doanh nghiệp khác có thống kê, công khai cho dư luận được biết mức cụ thể ra sao, lương thưởng tổng giám đốc, chủ tịch HĐQT, các phòng, ban và nhân viên ra sao, giống như EVN từng công bố?

Với thực tế nêu trên, chúng tôi cho rằng, hiện tại doanh nghiệp chưa đến mức lỗ lớn để tăng giá như đề nghị. Trong trường hợp những ngày tới, giá cơ sở tăng thì cần tính toán để giảm thuế nhập khẩu (hiện ở mức 12%, có thể giảm còn 5%, tương đương khoảng 1000 đồng/lít).

Điểm nữa, hiện doanh nghiệp vừa được hưởng lợi từ 500 đồng/lít từ quỹ bình ổn nhưng đồng thời vẫn thu 300 đồng để trích quỹ. Giá xăng dầu đang ở mức cao nhất lịch sử, đây không phải là thời điểm để thu quỹ mà phải là xả quỹ. Do đó, việc thu 300 quỹ cần được tạm dừng tại thời điểm này.

Nhiều vấn đề mập mờ

Diễn biến giá xăng A92 qua các đợt tăng giảm năm 2012.

Như thống kê trên cho thấy, trong 30 ngày gần nhất, giá xăng biến động tăng giảm khác nhau và giá đô la mỗi ngày cũng có sự chênh lệch. Trong khi đó, việc nhận hàng của mỗi doanh nghiệp, số lượng tại các thời điểm cũng không đồng nhất. Có thể, tại thời điểm xăng dầu đứng mức thấp, doanh nghiệp nhận hàng về nhiều, nhưng khi lên cao lại nhập ít hoặc ngược lại. Dư luận không thể biết, khi giá ở mức thấp (như trong đợt vừa qua, ngày 5/9, giá xăng A92 chỉ có 118,7 đô la/thùng), thì trong ngày đó, doanh nghiệp nhập bao nhiêu xăng dầu? Ngược lại, ngày cao như 13/8 (128,4 đô la/thùng), doanh nghiệp nhập bao nhiêu?

Thực tế, đây là những thông số thuộc lĩnh vực nghiệp vụ trong kinh doanh. Khi doanh nghiệp cho rằng, đó là dữ liệu chuyên môn, nội bộ, thì dư luận cũng không được tiếp cận, mà nó thuộc trách nhiệm của cơ quan kiểm toán nhưng gần đây không thấy công bố? Đó là các lý do khiến giá cơ sở bình quân của xăng dầu vẫn khá mập mờ, không có thông số chính xác.

Tại sao doanh nghiệp không tự tiết giảm chi phí?

Thực tế, mỗi lít xăng dầu đến tay người tiêu dùng phải đội quá nhiều thứ thuế và phí. Ngay cả quy định 600 đồng hay 300 đồng lợi nhuận định mức, 600 đồng phí lưu kho, vận chuyển, bến bãi cũng là con số cứng và sự dao động để sinh lợi nhuận ở đây là khá lớn.

Chẳng hạn, với doanh nghiệp lớn như Petrolimex, đã có hệ thống lưu kho, bến bãi khá đảm bảo do kế thừa được hạ tầng trước đây, thì với số lượng hàng nhập về lớn, chi phí phát sinh trên mỗi lít xăng dầu sẽ thấp hơn nhiều con số 600 đồng. Lượng hàng nhập càng lớn càng tỷ lệ nghịch với chi phí thực tế trên mỗi lít xăng dầu. Ngược lại, với doanh nghiệp non trẻ, hạ tầng còn yếu, lượng hàng nhập về không lớn, tất chi phí trên mỗi lít xăng dầu ở mức cao hơn, nhất là doanh nghiệp chỉ chi phối 1 đến vài phần trăm trên thị trường.

Điểm nữa, bản thân mỗi doanh nghiệp vẫn có cách giảm chi phí khác nhau chứ không phải cố định khoản chi phí này. Doanh nghiệp hoàn toàn có cách tiết giảm nhân công, các phụ phí, chi phí khác để đảm bảo tiết kiệm, đẩy lợi nhuận ở mức cao hơn.

Được biết, hiện thị trường có 13 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu. Tuy nhiên, sau 4 đợt tăng giá vừa qua, các doanh nghiệp tăng cùng số tiền trên mỗi lít xăng dầu, chỉ sớm hay chậm vài chục phút. Một sự tất yếu: Khi doanh nghiệp thống lĩnh Petrolimex tăng, các doanh nghiệp khác cũng tăng. Nếu Petrolimex không có động tĩnh, dám thử doanh nghiệp nào tự tăng? Kinh nghiệm như tại Singapore cho thấy, có doanh nghiệp tự ý tăng giá nhưng chỉ sau một ngày không thấy các ông lớn động tĩnh, họ buộc phải hạ giá về mức ban đầu.

Thời gian qua, dư luận yêu cầu chia nhỏ Petrolimex để đảm bảo sự cạnh tranh. Đó là đòi hỏi khách quan, nhưng trong xu thế hiện nay, việc một tập đoàn lớn lại tự chia nhỏ để làm giảm sức mạnh, hẳn là điều không xảy ra cả trên lý thuyết và thực tiễn.

Tại khoản 3, Điều 27, Nghị định 84/2009/NĐ-CP, quy định việc điều chỉnh tăng giá bán lẻ xăng dầu như sau:

a. Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trong phạm vi bảy phần trăm (< 07%) so với giá bán lẻ hiện hành, thương nhân đầu mối được quyền tăng giá bán lẻ tương ứng;

b. Trường hợp các yếu tố cấu thành làm cho giá cơ sở tăng vượt bảy phần trăm (> 07%) đến mười hai phần trăm (< 12%) so với giá bán lẻ hiện hành, thương nhân đầu mối được quyền tăng giá theo điểm a khoản này cộng (+) thêm sáu mươi phần trăm (60%) của mức giá cơ sở tăng trên bảy phần trăm (> 07%) đến mười hai phần trăm (< 12%); bốn mươi phần trăm (40%) còn lại sử dụng Quỹ Bình ổn giá để bù đắp theo hướng dẫn của Bộ Tài chính;

c. Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trên mười hai phần trăm (> 12%) so với giá bán lẻ hiện hành hoặc việc tăng giá ảnh hưởng đến phát triển kinh tế  - xã hội và đời sống nhân dân, Nhà nước công bố áp dụng các biện pháp bình ổn giá thông qua điều hành thuế, Quỹ Bình ổn giá và theo quy định của pháp luật hiện hành.

Trường Đăng
.
.
.