"Xay, xúm" Mường Thanh sang Mỹ

Thứ Sáu, 20/09/2013, 09:26

Ông là Cà Văn Cu, 65 tuổi, ở bản Phiêng Quái (xã Noong Luống, huyện Điện Biên) kể: "Đan xay (lờ) ở Mỹ nhiều người thích lắm. Họ quây vào xem, lúc đầu mình cũng hồi hộp… gài, bắt mấy nan đầu tiên xong thì bình thường như ở nhà. Người ta nhìn như ăn tay mình. Đan xong họ nhao nhao, có người đưa cả trăm đô đòi mua. Nhưng ban tổ chức không cho bán, tất cả đồ nghệ nhân làm ra phải đem về bảo tàng lưu giữ".

Những ngày ở Mỹ

Ông là Cà Văn Cu, 65 tuổi, ở bản Phiêng Quái (xã Noong Luống, huyện Điện Biên). Gặp ông, sau gần tiếng xuôi con đường bên dòng Nậm Rốm, qua những thửa ruộng, tràn ao, cánh rừng xanh mát, trong ngôi nhà sàn, mái lợp broxi măng còn mới, ông kể: "Đan xay (lờ) ở Mỹ nhiều người thích lắm. Họ quây vào xem, lúc đầu mình cũng hồi hộp… gài, bắt mấy nan đầu tiên xong thì bình thường như ở nhà. Người ta nhìn như ăn tay mình. Đan xong họ nhao nhao, có người đưa cả trăm đô đòi mua. Nhưng ban tổ chức không cho bán, tất cả đồ nghệ nhân làm ra phải đem về bảo tàng lưu giữ".

Ông Cu là một trong 40 nghệ nhân Việt Nam sang Mỹ tham gia chương trình "Mê Kông dòng sông kết nối các nền văn hóa", tại Lễ hội đời sống dân gian Smithsonian, tại Washington - Hoa Kỳ từ 27/6 đến 8/7/2007. Đối tượng được mời hẳn nhiên là cư dân sông Mê Kông (Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Myanmar, Campuchia, Việt Nam…). Ngoài văn nghệ dân gian phụ trợ thì nội dung chính của lễ hội là các nghệ nhân ở mọi miền sông Mê Kông trình diễn cách làm dụng cụ đánh bắt thủy sản. Cùng uống chung dòng nước Mê Kông; cùng là bắt cá, bắt lươn, ba ba… mà mỗi nước, thậm chí ngay cả các nơi trong nước mình cũng khác nhau.

Người Thái Lan, Campuchia, người Nam Bộ mình đan cái chài to, cái lờ cũng gấp bốn, năm lần so với Điện Biên, phần hom, kiểu đan cũng khác... "Mình băn khoăn hỏi họ, họ bảo, sông rộng như biển thì cái bắt cá phải to thôi". Ông Cu nói và lại gác bếp lấy cái lờ xuống, rỗ rỗ bồ hóng, như để so sánh. Đó là chiếc lờ hai hom, kiểu nan bắt chéo, toàn bộ sản phẩm không thấy một vết nối, dù nhìn, sờ rất kĩ. Nếu đan phần thân riêng, hom riêng, rồi lắp vào như họ thì dễ nhưng như thế độ chắc chắn, cả đẹp nữa sẽ kém. Mấy ông Nam Bộ rất thích kiểu đan Điện Biên, họ bảo muốn học kiểu khó này, cá xuôi cá ngược đều bắt được. Thời gian ngắn quá, tôi dạy một lúc, chắc họ về nhà cũng chưa làm được.

Trình diễn tại lễ hội ba ngày, ông Cu cùng các nghệ nhân được đi thăm một số nơi trên nước Mỹ. Thấy nhiều nhà chọc trời, nhiều cảnh đẹp, nhiều rừng nhưng ông chỉ để ý đến con cá, con thú… xem người ta đối xử với chúng như thế nào? Ông hỏi chuyện người dân (qua phiên dịch) thì thấy họ rất quan tâm, tự giác giữ gìn môi trường, chỉ đánh bắt (mà cũng rất hạn chế) bằng dụng cụ thủ công. Súng, mìn, sung điện… tóm lại những loại giết con vật, ai sử dụng sẽ bị pháp luật xử rất nặng.

Ông Cu sang Mỹ là đại diện cho khu vực đầu nguồn Mê Kông (sông Nậm Rốm vào dòng Mê Kông ở Pắc U - Lào). Theo thước đo thành tích, xuất chúng như các cuộc hội thảo quốc tế… thì ông không có gì. Ông chỉ biết ruộng sông ở trong mường bản. Vì cuộc sống gắn bó nên trọn đời tri kỷ với dòng sông đất Điện Biên.

Nghệ nhân ăn cơm với cà đắng

Tuổi thơ của ông ở bản Kha Chít (xã Thanh Minh, TP Điện Biên Phủ), lớn lên, đi ở rể rồi sinh cơ lập nghiệp tại Phiêng Quái (Noong Luống, huyện Điện Biên) cho đến nay. Như bao đứa trẻ người Thái Mường Thanh khác trong tập quán "Ở theo suối, ăn theo nước", cậu bé Cu theo cha, rồi dần dần cũng tự bắt được con lươn, con cá, từ ruộng, suối gần nhà rồi ra dòng Nậm Rốm. Nậm Rốm thời ấy rộng và sâu lắm, đôi bờ rừng cây um tùm rậm rạp; ban ngày cũng đầy bìm bịp đuổi nhau.

Dòng sông là cả một "kho thức ăn sống". Nào chép, trê, chạch, cá quả; nào lươn, ba ba to tướng, lâu lâu gặp người còn lồi mắt lên chào! Người hồi đó một phần ít, phần nhiều là biết yêu sông yêu cá. Đánh bắt thì cũng xay (lờ), xúm (nơm) nhưng vừa đủ ăn thôi. Con to mới lấy, ăn vừa một hai bữa, con bé thả về sông nuôi cho lớn. Người không tham, không ác, sông hiền lành, cá tôm phởn phơ; cả hai thành "bạn bè", "yêu nhau" như vợ chồng con cái.

Ông Cu với dụng cụ bắt cá đầy bồ hóng.

Nhìn cha làm, rồi cha dạy, năm 15 tuổi, anh Cu đã làm thành thạo các  dụng cụ bắt cá. Việc đan cũng lắm công phu, giai đoạn. Đầu tiên lên rừng chọn cây sặt bánh tẻ, đem về chẻ ngay rồi cho lên gác bếp lấy khói chống mọt. Rồi sau đó, những hôm trời mưa, rỗi rãi… lấy ra đan. Đan chả ai tính theo công theo buổi nhưng nếu làm liên tục thì hai ngày xong một cái xay (lờ). Còn đan xay moi (rọ) thì nhanh hơn, bởi dụng cụ này nhỏ, chỉ có một hom, kiểu đan cũng đơn giản.

Đan lát và bắt cá, lươn, ông Cu đều giỏi. Hỏi mấy thanh niên bản Phiêng Quái, chuyện ông Cu bắt lươn, cậu nào cũng lè lưỡi… chịu ông ấy, tay như có thần có ma. Cũng dùng rọ, chập tối cho mồi cua (đập chết, phơi nắng) rồi đặt ven ao, ruộng… mà sáng ra lấy, bao giờ rọ ông Cu cũng nhiều nhất.

Ông Cu bảo, mươi năm trở về trước lươn nhiều, rọ nào cũng được, có rọ ba, bốn con. Người Thái Noong Luống, Sam Mứn, Thanh Yên còn nhớ… dạo ấy các nhà nuôi cá bột chả hiểu làm sao, cá con cứ bị mất dần mất mòn, như có ma bắt. Ông Cu nghe chuyện, cười bảo - Thằng lươn nó xơi đấy, tôi sẽ có cách.  Ông đến, mỗi ao, đặt hai, ba rọ…, có hai đêm, "lươn chúa" 3 - 4 lạng/con cũng phải qui hàng. Không những giỏi bắt bằng rọ, ông Cu còn tay không tóm "vua trơn". Nghe chuyện bắt lươn bằng tay cũng nhiều, được dịp tôi muốn tận mắt. Ông vui vẻ xuống bờ ruộng. Ông dạy cách phân biệt hang lươn, hang cua. Hang cua cứng, hang lươn mềm - nếu thọc tay vào mà có cảm giác mút thì đích thị…  tổ nhà trơn rồi. Gặp lươn, lập tức dùng ngón trỏ kẹp, chỗ cách đầu nó độ mươi phân. Con to thì làm như thế, còn loại nhỏ chả cần cầu kì, chỉ lấy ngón cái bấm bấm là nó phải ngoan ngoãn theo tay mình vào giỏ.

Ông Cu trong quảng cáo tại Mỹ.

Khi hỏi về cá tôm sông suối Điện Biên bây giờ, ông Cu buồn rầu nói: "Còn ít lắm, có khi sắp hết sạch rồi. Tại dùng thuốc trừ sâu bừa bãi. Tại sung điện giết cả trứng…". Mấy năm nay, ông cũng không đan cái lờ, cái nơm nào vì sông suối đói nước như ngày xưa người đói cơm. Ông chỉ mong những kẻ giết cá bừa bãi,cũng như động vật hoang dã bị phạt thật nặng. Tôi chỉ biết chia sẻ cùng ông, rằng… những đồ đan lát của bác có thể làm quà lưu niệm du lịch, rằng… sẽ có lúc người với sông suối, cá tôm lại trở về tung tăng chung sống như xưa. Ông ngồi thừ, đôi mắt như mơ.

Tạm biệt ông Cu, không hiểu sao tôi cứ bị day dứt ám ảnh. Cái xay, cái xúm bồ hóng kết hoa! Giọng nói mênh mang, ánh mắt đầy nước; những con cá con tôm trong chuyện kể, những cái xay, cái xúm đan quyện vào nhau. Hình như ngôi nhà bên rừng, trông xuống ruộng, mái mới lợp broxi măng được phút thăng hoa cũng sáng lên. Nhưng đấy là sáng cái ngày anh Cu. Còn ngày ông Cu… bây giờ, ông trùm đánh bắt cá cũng chả mấy khi có cá trên mâm. Đĩa rau vườn đồi, món cà đắng nộm với bon khô… mời nghệ nhân uống rượu. Đêm đêm, ông hay ngồi thừ, xòe bàn tay, hỏi mình, hỏi linh tinh trong sự vô duyên người thừa của mình.

Được gọi là nghệ nhân, khi trở về vẫn như muôn người khác, ông thấy cũng ngại. Nhiều người bảo, chẳng phải riêng nghệ nhân Cà Văn Cu, ai cũng thế… chỉ lóe sáng, tôn vinh khi có vụ việc mà nhất thiết không thể cử người khác đi thay được. Người bản vốn chả nghĩ sâu xa, nhưng ngày ngày lại qua, thấy ruộng thấy ao thấy sông suối nhìn đã nông choèn mắt, lòng tự nhiên nhoi nhói.

Ông Cu tại Bảo tàng Dân tộc học trước khi sang Mỹ.

Du lịch Điện Biên mấy năm nay, theo báo cáo là rất phát triển, lượng khách đến, năm sau cao hơn năm trước. Thực tế những dịp nghỉ lễ, khách sạn, nhà nghỉ nào ở thành phố Điện Biên Phủ cũng "cháy" phòng. Bên cạnh tham quan các di tích lịch sử, du khách rất muốn thăm, được trải nghiệm những nét sinh hoạt văn hóa, đời thường, lao động sản xuất của người dân địa phương. Có thể, trong khi đợi sông Nậm Rốm nước mênh mang trong xanh, cá tôm tung tăng, tinh mơ trong sương có người đi thăm xay, xúm… ông Cu sẽ ngồi đan xay, đan xúm, các dụng cụ sinh hoạt của dân tộc Thái… ở bản văn hóa nào đó (như ở Bảo tàng Dân tộc học, như ở Mỹ ông đã làm) cho khách du lịch xem. Và, như thế ông sẽ có thu nhập chính đáng, Điện Biên cũng sẽ hấp dẫn hơn, níu chân du khách thêm.

Cùng kiểu có tiếng nhưng không có miếng như ông Cà Văn Cu, ở Điện Biên còn một số nghệ nhân khác. Ông Lò Văn Ơn (bản Na Ten, xã Hua Thanh, huyện Điện Biên) nhiều lần sang Thái Lan biểu diễn nhạc cụ dân tộc Thái. Ông dù bị bệnh gút phải ngồi trên xe lăn nhưng ngày ngày tỉ mẩn làm sáo, đàn, nhị… để thỏa niềm đam mê và kiếm chút đỉnh đong gạo. Ông Hoàng Thím (phường Thanh Bình, TP Điện Biên Phủ), nghệ nhân dân gian đàn tính, thỉnh thoảng lại thấy lọ mọ xe đạp cà khổ đi làm "thầy giáo" văn nghệ cho các bản.

Quà lưu niệm du lịch Điện Biên đang dày đặc hàng Trung Quốc. Thế mà những nghệ nhân bản Mường này sau khi "được" ngành văn hóa "hớt ngọn" lại về bản âm thầm, cô đơn. Nếu như ngành văn hóa Điện Biên biết tập hợp những "của quí" này lại, chí ít có một gian hàng lưu niệm riêng, đậm chất văn hóa truyền thống địa phương thì kiểu gì ba bên - tỉnh, nghệ nhân, du khách sẽ đều có lợi

Du An
.
.
.