Xe ôm Thiên Cấm Sơn

Thứ Năm, 01/11/2018, 15:00
Thiên Cấm Sơn (núi Cấm) từ lâu đã mang trong mình những bí ẩn không thể lý giải. Khách thập phương từ khắp nơi đổ về chiêm bái núi Cấm ngày một đông. Từ đó, dịch vụ xe ôm núi Cấm cũng đi vào hoạt động nhộn nhịp, sôi nổi. Mỗi cuốc xe là một cuộc thử thách đầy mạo hiểm, đánh đu mạng sống trên cung đường đá.


Những "cua rơ đường cong"

Từ năm 2015, cáp treo lên núi Cấm (An Hảo, Tịnh Biên, An Giang) đi vào hoạt động với giá vé 180.000 đồng/người/khứ hồi, đây là khoản tiền khiến khách lên núi Cấm phải cân nhắc. 

Những khách Vip ở xa tới thường sử dụng cáp treo, còn lại đa số khách hành hương ở tỉnh lẻ đều tìm đến xe ôm, vừa rẻ lại nhanh chóng, tiện lợi. Nhu cầu đi lại ngày càng cao khiến đội ngũ xe ôm gia tăng một cách chóng mặt. 

Ngày trước chỉ có cánh đàn ông chạy xe ôm, nay có cả phụ nữ. Tất cả đều sở hữu đôi tay “gấm lụa”, chân thắng, tay ga nhuần nhuyễn trên cung đường quanh co, gấp khúc, một bên là vách đá, một bên là vực thẳm. Chính vì vậy, xe ôm núi Cấm được mệnh danh là “cua rơ đường cong”.

Để trải nghiệm cảm giác “lên tiên cảnh” bằng xe ôm, chúng tôi đã thuê anh Trần Văn Canh (43 tuổi) một cuốc khứ hồi với giá 200 ngàn. Trên đường đi, anh Canh kiêm luôn hướng dẫn viên “tâm linh”. 

Anh gợi ý chúng tôi là đã lên tới núi Cấm thì phải tới Bồ Hong, vồ Thiên Tuế, vồ Đầu, vồ Bà, vồ Ong Bướm, vồ Bạch Tượng, suối Thanh Long và một số công trình kiến trúc nổi tiếng như: chùa Vạn Linh, chùa Phật Lớn, chùa Phật Nhỏ, tượng Phật Di Lặc, khu du lịch Lâm Viên… 

Mà đi được hết những địa danh này chỉ có thần tiên thôi, còn người trần thì phải đi bằng xe ôm. Và thế là anh giới thiệu chính mình với mong muốn phục vụ trọn vẹn “thượng đế”. Anh Canh tính nhẩm, cuối cùng rút lại một câu “bao thầu” luôn là 500 ngàn cho một vòng du lịch núi Cấm bằng xe ôm.

Đội ngũ xe ôm hùng hậu chờ đón khách trên núi Cấm.

Quay trở lại chuyến xe ôm thám hiểm của chúng tôi, quả thật trình độ lái xe hai bánh của anh Canh thuộc hàng “cao thủ cua rơ”. Đường như cái lò xo mà anh điều khiển thuần thục như người lái đò trên mặt hồ phẳng lặng. 

Anh Canh cho biết: “Tôi sinh ra ở vùng Bảy Núi, nhà cha mẹ ở ngay chân núi Cấm nên thuộc lòng con đường này từ ngày bé. Nói không phải khoe chứ bây giờ nhắm mắt tôi cũng lên được núi Cấm. Tôi biết rõ chỗ nào đường cong, chỗ nào có vách đá...”. 

Người lái xe ôm này còn tự hào khoe, nhờ có nghề này mà anh nuôi được hai đứa con học hành đàng hoàng, đứa lớn đã tốt nghiệp đại học hiện đang đi làm cho một công ty xuất khẩu ở TP Hồ Chí Minh. Vợ anh bán bánh xèo trên núi Cấm và cũng là “tay chân” giúp anh bắt khách luôn.  

Con đường lên núi Cấm mới được tu bổ, sửa chữa nên rất “mượt”. Xe máy chở hai, ba người cứ vun vút, phần phật trong gió, độ 30 phút là đáp xuống điểm dừng. Nghề xe ôm núi Cấm có thu nhập rất “khủng”, nhiều người sống khỏe và khá giả nhờ nghề. 

Trung bình mỗi ngày, anh Canh có thể chạy 5 cuốc, với liều lượng 2 người/cuốc. Giá nương tay cũng vào khoảng 100/người/lượt. Nếu tính giá khứ hồi thì anh Canh thu về 2 triệu/ngày, chưa kể trong thời gian chờ khách xuống núi, tranh thủ chạy lang thang bắt khách đi mua hàng hoặc muốn khám phá đâu đó quanh núi cũng kiếm được tiền. 

Ngày thường xe vẫn hoạt động nhộn nhịp.

Chính vì công việc chạy xe ôm cho thu nhập cao nên rất nhiều thanh niên trong vùng lớn lên là bám trụ dưới chân núi Cấm, khởi nghiệp từ những cuốc xe. Thạch Cao (26 tuổi) đã có thâm niên 3 năm chạy xe ôm núi Cấm. Cao mới lấy vợ được 5 tháng. 

Cô vợ ngày rộng tháng dài không biết làm gì mới đây cũng vay mượn sắm con xe máy mới toanh để làm xe ôm. Vợ Cao do tay lái còn vụng về nên chỉ chạy tuyến vòng bờ hồ và lên tới chân tượng Phật Di Lặc. Bán kính cung đường chưa đầy 2 cây số, mỗi lượt chạy, vợ Thạch Cao cũng kiếm được 50 ngàn/2 khách. 

Riêng Thạch Cao đã trở thành tay lái chuyên nghiệp nên càng chở nhiều khách càng khoái. Thạch Cao thật thà cho biết: “Chỉ sợ Ban quản lý bắt phạt thôi chứ em có thể chở tối đa đến 5 người. Miễn sao người nhét vừa là chở, em chỉ cần ngồi trên chóp yên là có thể lái khỏe”.

Để “lách” luật của Ban quản lý, cánh xe ôm luôn có rất nhiều chiêu trò. Xe chở 2 khách là bị cấm, nếu phát hiện sẽ bị phạt nặng. Dưới chân núi Cấm có một trạm kiểm soát, xe ôm nắm được “yết hầu” này sẽ chở một người qua trạm đến đoạn khuất thì thả xuống chờ, sau đó quay lại đón người kia. Chuyên nghiệp hơn, một số tài xế thỏa thuận giá với khách ở dưới chân núi Cấm xong, cho khách đi bộ qua trạm gác, rồi điện thoại chờ sẵn để rước.

Theo niêm yết của Ban Quản lý Khu du lịch núi Cấm, giá xe Honda đầu khứ hồi 80.000 đồng/khách, giá lên đỉnh núi 50.000 đồng/khách, giá xuống núi 30.000 đồng/khách. Thế nhưng, sự thỏa thuận giữa xe ôm và khách là vô chừng và không thể quản lý được. 

Khi được hỏi về giá niêm yết, Thạch Cao bộc trực nói thẳng: “Tâm lý của khách đã đi hành hương cúng bái thì tiếc rẻ gì vài chục ngàn, nên họ không kỳ kèo gì đâu. Miễn sao họ thấy chấp nhận được giá và được chúng em phục vụ chu đáo là vui vẻ. Những trường hợp xe ôm “chém giá” khiến khách bức xúc chỉ là cá biệt”.

Thời điểm “bội thu” của xe ôm vào những tháng đầu năm và cuối năm, vào mùa lễ hội và lễ Tết. Khi ấy, nhà nhà chạy xe ôm, người người chạy xe ôm vẫn không đủ phục vụ du khách. Ngay cả khách đi cáp treo, vẫn phải cần xe ôm chở lên các địa danh tận trên đỉnh núi. 

Những tháng giữa năm vắng khách, xe ôm nhận chở hàng cho tiểu thương từ chân núi lên bán hoặc xuống núi làm nghề bốc vác. Thạch Cao có năm phải theo ghe đi giăng lưới tận bên Campuchia mấy tháng, gần Tết mới quay về chạy xe ôm.  

Một góc núi Cấm huyền bí.

Nguy hiểm rình rập

Mùa mưa, nước rỉ ra từ núi, thấm vào đá khiến nguy cơ lở đá rất cao. Cung đường lên núi Cấm trở thành cung đường “tử thần” có thể gây ác mộng cho con người bất cứ lúc nào. 

Ông Nguyễn Văn Thạch, một trong những xe ôm kỳ cựu tâm sự, nỗi ám ảnh về những vụ tai nạn thương tâm trên đường lên núi Cấm vẫn nguyên vẹn trong ông và tất cả người dân sống quanh núi. 

Năm 2012, một vụ tai nạn thảm khốc đã xảy ra. Chiếc xe ôtô chở 6 người xuống núi, khi đến đoạn vồ Cứu Nạn bất ngờ từ trên cao, một tảng đá nặng hàng trăm tấn bị sạt lở, lăn xuống đè bẹp chiếc xe lữ hành. Tiếng đá lăn như tiếng trời gầm làm bừng tỉnh tất cả. 

Khi ấy, ông Thạch đang nằm võng chờ khách ở dưới chân núi đã tức tốc chạy xe máy lên xem. Cảnh tượng trước mắt ông thật không có ngôn từ nào diễn tả nổi. Chiếc xe nát nhừ, người cũng nát. Không gian tang tóc chìm trong tiếng gió hú, ngột ngạt rùng rợn. 

Kể đến đây, chợt ông Thạch rùng mình một cái. Ông bấu chặt lấy tay ga, nói: “Mỗi cuốc xe lên núi là một lần thót tim với đá. Biết là vậy nhưng vì miếng cơm manh áo tôi vẫn phải làm”.

Đứng trên cổng chùa Vạn Linh nhìn xuống, có khi xe ôm nhiều hơn du khách. Một bộ phận xe ôm “chính thống” mặc đồng phục áo xanh nước biển, đeo bảng tên trước ngực, số còn lại là xe ôm “dù” vẫn bắt khách như thường. Tuy nhiên, là xe ôm gì thì đều phải tuân theo “luật núi Cấm”, tuyệt nhiên không có sự tranh giành, cướp khách. 

Tiền kiếm được rủng rỉnh nhưng xe thì lại rất “hao”. Vì liên tục chở quá tải trọng, lại phải tăng tốc hết mức vượt đèo dốc nên hư hỏng rất nhanh. Con xe của Thạch Cao mua 2 năm trước giá 23 triệu nay đã phải thay 5 lần lốp, còn ruột thì không đếm được vì thường xuyên cán trúng đinh. Nếu tuổi đời của xe này chạy đồng bằng được 20 năm, thì ở núi Cấm này chỉ còn 7 đến 10 năm là quá đát. 

Dọc đường lên núi Cấm, hễ cần là có ngay xe ôm bất cứ lúc nào.
Ngoài đường chính lên núi Cấm, còn có một đường tắt nhỏ hẹp do dân tự mở để phục vụ cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa. Đây cũng là con đường “làm ăn” hiệu quả của cánh xe ôm “bụi” vì sẽ giảm được vé người là 20 ngàn đồng/người. Họ sẽ chở khách đi theo đường này và giá sẽ “mềm” hơn đường chính. 

Tuy nhiên, độ rủi ro là rất cao bởi đường nhỏ, đá lởm chởm, dốc cua gấp và rất khó tránh nhau giữa hai xe máy. Nếu một xe ngược chiều đến khúc cua bất cẩn không bóp còi thì sẽ “đụng độ” ngay xe phía trước. 

Nhẹ thì người thương tật, xe hư hỏng, nặng có thể khiến tất cả lăn xuống vực, thương vong không lường hết. Sau tất cả những cuốc xe ôm, dù là chạy đường tắt hay đường thẳng thì vẫn luôn tiềm ẩn hiểm nguy rình rập. Thạch Cao tâm sự: “Cánh xe ôm chúng em sợ nhất là đá lở”. 

Ngọc Hoa
.
.
.