Xin đừng lạm dụng lòng hảo tâm

Thứ Bảy, 29/02/2020, 15:26
Suốt tuần qua, câu chuyện “giải cứu” tôm hùm trở thành đề tài nóng trên nhiều diễn đàn mạng và cả báo chí. Hình ảnh những con tôm hùm được kêu gọi “giải cứu” tràn lan trên mạng xã hội với nhiều mức giá khác nhau, dao động từ 750.000- 900.000 đồng/ kg với loại tôm hùm xanh.


Điều đáng nói là giá được các chủ hàng tăng theo “nhiệt độ” phong trào “giải cứu”. Nếu ngày đầu tiên tôm hùm loại 3-4 con/kg có giá 670.000 đồng/kg thì chỉ sau vài ngày đã tăng lên 780.000 đồng/kg và 850.000 đồng/kg đối với loại 3 con.

Cho tới lúc này, nhiều khách hàng đã bỏ tiền ra “giải cứu” mới giật mình nhận ra mình đã bị mắc lỡm của những người bán hàng ranh mãnh. Bởi theo báo cáo của Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa, địa phương được xem là nơi cung cấp tôm hùm cho thị trường, phần lớn lượng tôm thịt đến thời kỳ xuất bán đã được người dân bán trước Tết Nguyên đán, lượng tôm còn tồn chỉ khoảng 20 - 25%.

Thực tế, tôm hùm bông là loại tôm hùm có giá trị cao và giá không dưới 1,2-1,5 triệu đồng/kg; loại này hiếm và khó nuôi nên thường có trọng lượng lớn (từ 1kg trở lên), thì tôm hùm xanh, giá trị thấp giá thường khoảng 500.000 - 650.000 đồng/kg, loại này thường trọng lượng khoảng 200-500 gram.

Không những thế, loại tôm hùm mà nhiều người hô hào "giải cứu" thời gian qua phần lớn là tôm tươi và là hùm xanh bởi tôm hùm bông khó nuôi, trọng lượng mỗi con lớn, giá trị cao khó bán trong thị trường nội địa. Tôm hùm xuất khẩu chủ yếu là hàng đông lạnh nên tôm hùm tươi chỉ ăn theo “giải cứu” chứ không phải là hàng cần giải cứu vì đóng cửa khẩu.

Vậy là chỉ vì lòng tốt muốn “giải cứu” và không biết về tôm nên không ít người đã nhầm tưởng tôm giải cứu là tôm hùm bông trong khi thực tế phải ăn tôm hùm xanh với giá cắt cổ. Theo chia sẻ của một ngư dân, nếu tôm hùm xanh có giá từ 750.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng/kg thì người bán thu lời lớn.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết sản lượng tôm hùm sản xuất trong nước hiện không quá lớn. Do đó, việc tiêu thụ sản phẩm vẫn theo nhu cầu của thị trường một cách bình thường.

Vậy là đã rõ, giữa lúc thông tin hỗn loạn về thị trường, đã có những kẻ láu cá biết “thừa nước đục thả câu”, kiếm tiền nhờ biết cách đánh vào tinh thần giúp đỡ người khác của dân mình. Lòng tốt nhưng không đúng chỗ đã trở thành “mỏ vàng” để những kẻ lợi dụng trục lợi.

Tuy nhiên, từ câu chuyện này cũng đặt ra vấn đề lớn hơn với các cơ quan quản lý nhà nước về việc hoạch định chính sách trong sản xuất nông sản. Sở dĩ nhiều người sẵn sàng “giải cứu” tôm hùm vì từ nhiều năm nay, họ đã từng “giải cứu” dưa hấu, thanh long, khoai lang. Bởi những năm gần đây, cụm từ “giải cứu” hầu như năm nào cũng được nhắc tới mỗi khi phía Trung Quốc ngừng nhập hàng.

Theo các chuyên gia kinh tế, những chiến dịch “giải cứu nông sản” liên tục tái diễn nhiều năm gần đây là chuyện “không thể chấp nhận” bởi hiện Việt Nam đã tham gia tới 13 Hiệp định thương mại tự do (FTA).

Các FTA mà điển hình EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam) mở ra những cơ hội vô cùng lớn cho các sản phẩm nông sản của Việt Nam như gạo, cà phê, hoa quả… Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này sang châu Âu hiện còn khiêm tốn, chưa phản ánh đúng lợi thế sản xuất của Việt Nam.

PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá (Bộ Tài chính) cho rằng các FTA mà Việt Nam đã ký là cơ hội “vàng” cho xuất khẩu nông, thuỷ sản. Tuy nhiên để vào được các thị trường này, có rất nhiều tiêu chuẩn mà nông sản Việt Nam phải đáp ứng.

Theo ông Long, những chiến dịch “giải cứu” một số hàng nông sản áp dụng trong thời gian qua chỉ là giải pháp tình thế, không giải quyết được tận gốc vấn đề. Thậm chí về lâu dài sẽ lợi bất cập hại, khiến người dân ỷ lại, trong khi chất lượng sản phẩm nông sản không được nâng lên. Các chuyên gia kinh tế cho rằng việc nông sản Việt lệ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc là nguyên nhân chính khiến ngành sản xuất này đối mặt với nhiều rủi ro.

Đã đến lúc các nhà quản lý phải có chiến lược cụ thể, mỗi người dân phải biết chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn của thị trường. Bởi sau vụ mất tiền vì “giải cứu” tôm hùm vừa qua, người tiêu dùng sẽ rất cảnh giác trước những lời kêu gọi “giải cứu” các sản phẩm khác và sẽ khó để họ móc ví “giải cứu”.

Tân Lương
.
.
.