Xin thầy cô đừng “thương cho roi cho vọt”!

Thứ Ba, 29/08/2017, 18:06
Mới bước vào năm học mới được một tuần, truyền thông đã xôn xao chuyện cô giáo một trường tiểu học ở Hà Nội đánh bầm tím chân nhiều học sinh cùng lúc. Câu chuyện giáo dục học trò bằng đòn roi nên hay không nên lần nữa lại được đặt ra.


Trên khắp các diễn đàn, ý kiến thông cảm với sự thiếu kiềm chế của thầy cô cũng có, nhưng nhiều hơn cả là ý kiến nói không với bạo lực học đường. Rằng, bất luận thế nào, giáo dục con trẻ bằng đòn roi là một cách giáo dục bất lực và không có ảnh hưởng tốt đến việc hình thành nhân cách con trẻ. 

Rằng, có thể trong quá khứ, cha mẹ, thầy cô đã từng sử dụng cách giáo dục như vậy với trẻ con, nhưng trong giáo dục hiện đại, ta đừng luyến tiếc cách giáo dục đòn roi như vậy nữa. Thay vào đó, hãy tìm phương pháp giáo dục con trẻ sao cho phù hợp, văn minh, tôn trọng quyền của trẻ nhỏ.

Khi giáo viên không thể kiềm chế bản thân

Câu chuyện cô giáo V Trường tiểu học Nguyễn Tri Phương, quận Ba Đình (Hà Nội) không kiềm chế nóng giận đã đánh học sinh M.Đ và nhiều học sinh lớp 2A cô phụ trách, do các em hết giờ ra chơi không kịp vào lớp chỉ là một trong nhiều ví dụ về việc nhiều thầy cô giáo dùng vũ lực dạy học trò trong những năm gần đây. 

Theo thông tin, cô giáo V đã bị nhà trường tạm đình chỉ công tác. Các phụ huynh có con bị đánh cũng đã chấp nhận lời xin lỗi từ phía cô giáo V và Ban giám hiệu nhà trường. Phòng Giáo dục - Đào tạo quận Ba Đình cũng đã có cuộc họp khẩn với Hiệu trưởng 49 trường mầm non, tiểu học, THCS công lập trên địa bàn, nghiêm túc rút kinh nghiệm từ việc việc xảy ra ở Trường tiểu học Nguyễn Tri Phương. 

Lãnh đạo UBND quận Ba Đình cũng quán triệt tới tất cả các hiệu trưởng tăng cường phổ biến, nhắc nhở đội ngũ giáo viên chấp hành nghiêm túc nội quy, quy định chung của ngành, tuyệt đối không vi phạm các nguyên tắc, đạo đức nghề nghiệp. 

Sứ mệnh của người thầy là tìm ra phương pháp giáo dục nhằm định hướng đúng cho học trò, tôn trọng cá tính cũng như sự khác biệt của học trò (Ảnh minh họa)

Như vậy có thể nói, từ một khoảnh khắc thiếu kiềm chế của giáo viên mà hệ lụy đến môi trường giáo dục, đến ngành giáo dục rất lớn. Trước những học trò mắc lỗi, một giáo viên có thể có rất nhiều cách ứng xử để lựa chọn, nhằm giáo dục các em. Nhưng có lẽ, lựa chọn vũ lực là dễ nhất, và cũng là cách ngắn nhất để gây ra hậu quả phản giáo dục nhất. 

Một cô giáo đánh bầm tím chân học trò, gãy thước kẻ này lại lấy thước kẻ khác để đánh tiếp, làm tổn thương tâm hồn non nớt của học trò đã đành, nhưng đối với các bậc phụ huynh, đó cũng là những cái quất mạnh vào lòng tin của họ dành cho nhà trường, cho các thầy cô giáo.

Đồng ý chúng ta không nên đưa một câu chuyện cụ thể ra để thổi phồng hay tạo hiệu ứng kích động dư luận qua mạng xã hội. Việc phạt một đứa trẻ bằng những cái quất vào mông, vào tay cũng chẳng phải xa lạ với phần lớn các ông bố bà mẹ, và cả với các thầy cô. 

Dường như ai trong chúng ta lớn lên mà không từng bị một vài trận đòn của cha mẹ, thầy cô. Nhưng không vì thế mà chúng ta ủng hộ cách giáo dục đòn roi, nhất là ở mức độ gây tổn thương sâu sắc đến cơ thể các em. Chắc chắn rằng, niềm vui của mỗi ngày đến trường sẽ vơi đi rất nhiều khi các em phải nhận những trận đòn bầm tím chân tay từ phía thầy cô giáo.

Kiềm chế cảm xúc, kiềm chế nỗi tức giận, là một phẩm chất quan trọng của người làm công tác giáo dục. Trẻ em đến trường là để được hưởng sự dạy dỗ, ảnh hưởng theo cách khác. Có thể hơi quá nhưng không phải không có lý khi Nhà giáo, TS Nguyễn Tùng Lâm nói rằng: “Thầy cô giáo không phải “tay anh chị” mà dùng nắm đấm để giải quyết công việc”. 

Trẻ em được gửi đến trường học là để thầy cô và nhà trường giúp các em biết nhận thức cái đúng cái sai, lĩnh hội tri thức để khám phá bản thân và khám phá thế giới. Trên con đường ấy, việc các em sai là bình thường, là không tránh khỏi. Nhiệm vụ của người làm giáo dục là làm sao để cho các em nhận ra cái đúng. Và cái đúng không thể đến bằng những hình phạt, những trận đòn roi. 

Vấn đề ở đây là phương pháp giáo dục. Nếu các thầy cô có ý thức trang bị cho mình những phương pháp giáo dục văn minh, hợp lý, các thầy cô sẽ không phải dựa vào đòn roi mà giải quyết vấn đề. Lựa chọn đòn roi để giáo dục học trò thì dù ít dù nhiều đó cũng chính là biểu hiện của sự bất lực của thầy cô. Bất lực vì không tìm ra phương pháp để dạy dỗ các em. Và cũng là cách đơn giản nhất để nói rằng, năng lực sư phạm của người thầy giáo, cô giáo đó còn yếu, còn thấp.

Đừng sợ áp lực

Một số ý kiến của thầy cô trên các diễn đàn cho rằng, mạng xã hội thực sự tạo ra những áp lực đối với họ. Bởi những lùm xùm xung quanh mỗi câu chuyện liên quan đến giáo dục nhà trường được phụ huynh đưa lên mạng nên họ sẽ chọn cách khác để ứng xử với những học sinh hư. Với những em hư, hỗn với giáo viên, họ sẽ “bỏ qua”, coi như không biết, không “đụng tới”, vì không khéo lại bị mang tiếng, thậm chí bị nhà trường kỷ luật. 

Thiết nghĩ, dù là thiểu số ý kiến thôi, nhưng đây cũng là một cách nghĩ tiêu cực, cho thấy có một bộ phận nhỏ giáo viên đang phải chịu áp lực căng thẳng trong việc lựa chọn phương pháp giáo dục học sinh. Nhìn theo cách này có thể thấy, nếu các thầy cô giáo không nhận thức đúng đắn về trách nhiệm, nghĩa vụ, vai trò của mình, thì họ có thể sẽ bị “rơi” từ thái cực này sang thái cực khác, mà ý nghĩa tiêu cực nhiều hơn là tích cực. 

Việc đòn roi hay không đòn roi nếu chỉ là trong ý nghĩa đối phó dư luận, muốn yên thân, thì giáo dục thực chất đã mất đi cội nguồn ý nghĩa cao đẹp. Nếu một đời đi dạy học mà người giáo viên chỉ gặp toàn học trò ngoan ngoãn, nghe lời, thì hạnh phúc quá. Nhưng có lẽ không bao giờ có chuyện đó. 

Và việc giáo dục những học trò hư, chưa ngoan, trở thành những học trò ngoan bằng phương pháp giáo dục đúng đắn mới chính là phần thưởng lớn với những người đã chọn sự nghiệp trồng người để theo đuổi. Sứ mệnh của người thầy là tìm ra phương pháp giáo dục nhằm định hướng đúng cho học trò, tôn trọng cá tính cũng như sự khác biệt của học trò.

Từ góc độ xã hội, phải công bằng nhìn nhận, trong không ít trường hợp, chúng ta có xu hướng đẩy một câu chuyện đi quá xa. Chẳng hạn vụ việc một thầy cô dùng bạo lực với học sinh, dĩ nhiên điều đó là không thể chấp nhận trong giáo dục. Tuy nhiên, tính chất của mỗi vụ việc là khác nhau. Chúng ta cần có cái nhìn khách quan từng câu chuyện sao cho đúng tính chất của nó, không nên thổi phồng, quá khích. 

Nhiều bậc cha mẹ vì xót con, hoặc quá bức xúc cũng đã dùng những lời thóa mạ nặng nề thầy cô trên mạng xã hội. Nhà trường đôi khi vì sức ép dư luận, muốn làm yên lòng dư luận mà xử lý mạnh tay với thầy cô phạm lỗi như cho nghỉ việc, đuổi việc... Những việc đó vô tình làm cho thầy cô bị áp lực, tâm lý nặng nề. 

Thiết nghĩ câu chuyện thầy cô giáo bạo lực với học sinh ở mức độ nhẹ thì nên có một phương án kỷ luật nhẹ nhàng như cảnh cáo, nhắc nhở thầy cô. Gia đình cũng có thể tùy tính chất mà khép lại câu chuyện, chấp nhận lời xin lỗi của thầy cô, tránh tổn thương tâm lý nặng nề cho cả hai phía gia đình và nhà trường và dẫn đến tâm lý đối phó, hoặc mặc kệ, bỏ lơ học sinh của các giáo viên khác khi gặp phải trường hợp học sinh hư, khó bảo chẳng hạn.

Vấn đề chỉ là nhìn từng trường hợp cho đúng bản chất để có những cách giải quyết thỏa đáng, hài hòa, không đánh đồng mọi chuyện như nhau tạo ra những làn sóng chỉ trích ngành giáo dục trong cộng đồng. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là thỏa hiệp. Chúng ta đồng lòng với mục tiêu xóa bỏ bạo lực học đường. Và đồng ý rằng giáo dục trong nhà trường không thể có chỗ cho bạo lực. Việc giáo viên đánh học trò, dù với lý do gì đi nữa cũng là phản giáo dục, khó có thể chấp nhận. 

Và để giải quyết vấn đề này, cũng không nên đổ trách nhiệm hoàn toàn cho cá nhân từng thầy cô giáo. Toàn ngành giáo dục, mỗi ban giám hiệu trường học phải nhận thức sâu sắc hơn nữa trong việc quán triệt, phổ biến tinh thần không bạo lực tới từng giáo viên. Công tác đào tạo kỹ năng cho giáo viên các cấp học cần phải được nâng cao. 

Làm sao đó để mỗi giáo viên khi đứng lớp, thực sự tự tin vào các phương pháp sư phạm của mình, biết kiềm chế tối đa cảm xúc tiêu cực, hành vi tiêu cực, góp phần tạo ra một môi trường giáo dục lành mạnh, chan hòa tình thương yêu giữa thầy và trò.

Vũ Quỳnh Trang
.
.
.