Xoay trục sang Trung Ðông?

Chủ Nhật, 11/06/2017, 17:24
Các tổng thống Mỹ trước nay thường dành chuyến công du nước ngoài đầu tiên của mình đến Vương quốc Anh, đồng minh thân cận nhất của họ. Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump lại quyết định dành vinh dự này cho Saudi Arabia và các đồng minh ở Trung Ðông. Có phải Nhà Trắng đã xem trọng Trung Ðông hơn châu Âu?


Với những chuyến thăm chớp nhoáng tới Riyadh, Jerusalem và Bethlehem, Tổng thống Mỹ Trump tái xác nhận vai trò lãnh đạo của Mỹ ở Trung Đông và vạch ra một chương trình nghị sự đầy tham vọng để mang lại hòa bình và ổn định cho khu vực.

Tổng thống Trump đã dùng những bài diễn thuyết ở Hội nghị thượng đỉnh Ảrập Hồi giáo - Mỹ tại Riyadh ngày 21-5, và một bài diễn thuyết trước các nhân vật nhiều ảnh hưởng người Israel ở Bảo tàng Israel tại Jerusalem ngày 23-5 để tái thiết lập quan hệ với 2 đồng minh thân cận nhất tại khu vực.

Chính sách mới

Vua Salman của Saudi Arabia ngợi ca chuyến thăm của ông Trump như một “bước ngoặt” trong quan hệ với Mỹ. Một bước ngoặt là điều cần thiết, bởi vào cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama, quan hệ với Riyadh đã chuyển thành băng giá. Vua Salman thậm chí không ra đón ông Obama ở sân bay khi ông thăm Saudi Arabia năm 2016.

Tại Hội nghị thượng đỉnh hôm 21-5, ông Trump đã tìm cách lấy lòng 50 lãnh đạo các nước Hồi giáo. Ông muốn truyền đạt cho họ chính sách chống khủng bố mới của Mỹ và lập trường của Nhà Trắng đối với Iran.


Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và lãnh đạo Kuwait Emir Sheikh Sabah al-Ahmad al-Jaber al-Sabah.

Trong khi Tổng thống Obama ít khi nói tới khủng bố, ông Trump lại nhắc tới từ này 31 lần trong bài diễn thuyết của mình. Quan trọng hơn, ông kêu gọi các quốc gia Hồi giáo “đi đầu trong việc chống cực đoan”. Donald Trump cho rằng khủng bố là một hệ tư tưởng, và tách bạch nó với Hồi giáo. "Những kẻ khủng bố không thờ phượng Thiên Chúa. Họ tôn thờ cái chết" - ông nói.

Chính sách Trung Đông của ông Obama được xây dựng quanh việc liên minh với Iran, bao gồm một thỏa thuận mà các nhà chỉ trích nói sẽ đảm bảo cho Iran phát triển vũ khí hạt nhân. Ngược lại, ông Trump gọi Iran là nước tài trợ khủng bố: “Đó là chế độ chịu trách nhiệm cho quá nhiều bất ổn trong khu vực”. Ông kêu gọi tất cả “các quốc gia có lương tâm” cô lập Iran để phản đối việc nước này tài trợ cho khủng bố, và "cầu nguyện cho ngày người Iran có chính phủ công bằng và chính đáng mà họ xứng đáng".

Một “NATO Ảrập”?

Hội nghị thượng đỉnh rõ ràng nhằm giúp tổ chức chống lại Iran và khủng bố. Mở đầu bài phát biểu, ông Trump nói: "Mục tiêu của chúng ta là liên minh các quốc gia cùng chia sẻ mục tiêu bài trừ chủ nghĩa cực đoan và cung cấp cho con cái của chúng ta một tương lai đầy hy vọng để tôn vinh Thiên Chúa".

Trong những tuần trước chuyến thăm đến Saudi Arabia, Chính phủ của Tổng thống Trump thả nổi ý tưởng về một NATO Ảrập - một liên minh các nước Ảrập giống như NATO, với một hiệp ước bảo vệ lẫn nhau.

Theo báo al-Monitor, đã có những thảo luận về liên minh khu vực bao gồm Saudi Arabia, Ai Cập, Jordan, Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất, Israel và Kuwait để cùng nhau đối đầu với Iran. Mỹ không phải là một phần của liên minh nhưng sẽ cung cấp sự bảo trợ và hỗ trợ.

Trong bài phát biểu, ông Trump đã công bố hợp đồng vũ khí lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ, bán vũ khí công nghệ cao trị giá 110 tỷ USD cho Saudi. Trong khi đó, Ngoại trưởng Saudi Adel al-Jubeir cho biết tổng giá trị các thỏa thuận được ký kết lên tới 380 tỷ USD.

Ông Trump công bố 2 tổ chức mới nhằm chống khủng bố, bao gồm một trung tâm chống lại hệ tư tưởng cực đoan, sẽ được mở tại Saudi.

"Một thỏa thuận ngăn chặn việc tài trợ khủng bố, được gọi là Trung tâm Chống tài chính khủng bố (TFTC) do Mỹ và Saudi Arabia đồng Chủ tịch, cùng với sự tham gia của tất cả các thành viên Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh đã được ký kết tại Hội nghị thượng đỉnh”.

Giọng điệu mới

Người ta có thể thấy một giọng điệu khác hẳn với giọng điệu của ông Trump khi tranh cử, vốn bao gồm một số phát ngôn làm tổn thương người Hồi giáo. Lần này, ông Trump lên tiếng ca ngợi lịch sử, văn hóa, vẻ đẹp và tiềm năng kinh tế của Trung Đông; đồng thời bày tỏ sự tôn trọng đối với Hồi giáo như là một trong những tín ngưỡng vĩ đại của thế giới.

Lộ trình chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Donald Trump.

Tuy nhiên, sau những giọng điệu này, những mô tả ngoại giao của ông Trump đều dựa trên “chủ nghĩa thực dụng”. Ông không đề cập đến từ “dân chủ” trong bài phát biểu, mà nhấn mạnh ông đã hứa trong bài diễn văn nhậm chức rằng "Mỹ sẽ không tìm cách áp đặt lối sống của chúng tôi lên những nước khác"; đồng thời nói tầm nhìn của ông đối với những người tụ tập tại Hội nghị thượng đỉnh là vì hòa bình, an ninh và thịnh vượng.

Theo ông Max Abrahms, giáo sư Khoa học chính trị thuộc Trường đại học Northeastern, việc ông Trump đến thế giới Hồi giáo và tuyên bố mình là một người thực tế sẽ rất được các nguyên thủ tại đó hoan nghênh. Vì sao? Bởi Mỹ đã có một lịch sử cố gắng lật đổ các chế độ không chia sẻ hệ tư tưởng của mình, trong khi chủ nghĩa thực tế không dựa trên chính sách truyền bá một hệ tư tưởng.

Chủ nghĩa Salafist

Theo giáo sư Abrahms, thực tế thì việc ông Trump diễn thuyết về việc chống khủng bố ở Saudi Arabia là quá mỉa mai. “Saudi có một hồ sơ cực xấu về tài trợ khủng bố và truyền bá tư tưởng khủng bố”, ông Abrahms nói.

ISIS đã sử dụng các tài liệu giáo dục của Saudi trong luật lệ của mình. Trong báo cáo của Ủy ban 11-9, 6 quan chức Saudi Arabia đã tài trợ cho Al-Qaeda trước khi tổ chức này tấn công tòa tháp đôi, mặc dù không có bằng chứng nào cho thấy Chính phủ Saudi đã làm như vậy.

Vì vậy, Abrahms tỏ ra nghi ngờ việc Saudi Arabia sẽ chấm dứt việc tài trợ các nhóm Salafist - những người thúc đẩy xây dựng một phiên bản chính thống của Hồi giáo Sunni và thường hay thuyết giảng về thánh chiến.

Lời chỉ trích của ông Trump đối với Iran cũng là một sự mỉa mai, theo Abrahms, vì trong thực tế Iran đã và đang chống lại các tổ chức như Al-Qaeda và các nhóm Salafist khác có tham vọng tấn công Hoa Kỳ. Tehran làm như vậy vì có những khác biệt sâu xa về giáo phái, bởi những nhóm đó là kẻ thù cay đắng của đức tin Shia.

Abrahms tin rằng bài phát biểu của ông Trump đã sử dụng việc chống lại chủ nghĩa khủng bố như một phương tiện để kêu gọi chống lại Iran.

Trong khi đó, Rabbi Abraham Cooper làm việc tại Trung tâm Simon Wiesenthal - một tổ chức nhân quyền toàn cầu, lại bày tỏ hy vọng về các sáng kiến chống khủng bố của ông Trump.

Cooper cho rằng những điều này gây áp lực lên Saudi. Hơn nữa, mối đe dọa từ Iran đối với các quốc gia Vùng Vịnh là "một cơ hội to lớn để đánh giá lại những suy nghĩ cũ và có thể đưa ra một cách tiếp cận mới", Cooper nói.

Nếu chuyến thăm của ông Trump dẫn đến việc ngăn chặn Saudi tài trợ và ủng hộ cho các tư tưởng khủng bố, thì đó sẽ là “một thành tựu lịch sử”.

Israel - Palestine

Ở Jerusalem, ông Trump đã lấy được sự ủng hộ của người Israel, sau khi quan hệ giữa nước này và Mỹ xấu đi dưới thời Obama. Tờ Times của Israel tường thuật bài phát biểu của ông Trump tại Bảo tàng Israel: “Các lãnh đạo Iran thường xuyên kêu gọi hủy diệt Israel. Nhưng có Donald J. Trump điều đó sẽ không diễn ra, hãy tin tôi!”. Cuối bài phát biểu, Tổng thống Trump hứa sẽ không bao giờ để Iran có bom hạt nhân.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

Và ông Trump trở thành vị Tổng thống Mỹ đầu tiên cầu nguyện tại Bức tường Than khóc (Western Wall), một trong những địa điểm thiêng liêng nhất của Do Thái giáo. Ông Trump tỏ ra rất tin tưởng "thỏa thuận lớn" về đàm phán hòa bình giữa người Do Thái và người Palestine có thể đạt được.

Tổng thống Trump đã gặp Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas ở Bethlehem vào ngày 23-5, và đã thuyết phục được ông Abbas tham gia các vòng đàm phán hòa bình với người Israel.

Bảo Ngân
.
.
.