Xóm Việt kiều ở lòng hồ Dầu Tiếng

Chủ Nhật, 12/04/2020, 17:59
Họ trở về Việt Nam theo những cách khác nhau, nhưng có chung một hy vọng, đó là vun đắp tương lai cho con cháu đời sau. Ở đây, nếu như không có tiếng cười của trẻ con thì buồn hun hút như rừng sâu núi thẳm...


Những phận đời "trôi"

Những ngày này, xóm Việt kiều bên lòng hồ Dầu Tiếng (xã Tân Thành, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh) trở nên nhộn nhịp hẳn lên, vì tất cả đều thất nghiệp do dịch bệnh. Những chiếc lều tạm bợ, xiêu vẹo, cót két qua từng cơn gió thổi chứa những phận đời "bèo dạt mây trôi" từ Biển Hồ của Campuchia. Họ là những con người "dán mác" Việt kiều với 3 con số không: "Không giấy tờ tùy thân, không nhà cửa, không tấc đất cắm dùi".

Những túp lều xiêu vẹo bên lòng hồ.

Ông Nguyễn Văn Thành (65 tuổi) sinh ra ở Campuchia nhưng cuối đời, ông lại muốn trở về Việt Nam. Hơn nửa thế kỷ, gia đình ông sinh sống, làm ăn trên ngôi làng gần khu vực Biển Hồ của Campuchia. Năm tháng trôi qua, đời sống đói no theo con tôm, con cá của Biển Hồ. Hai người con của ông sinh ra trên ghe xuồng, tuổi thơ vẫy vùng cùng con nước. Chúng lớn lên, như củ sắn củ khoai, bơi rất giỏi nhưng học chữ lại rất dở.

Chúng đành nối nghiệp cha mẹ, gắn cuộc đời với tay chài tay lưới. Cá tôm Biển Hồ ngày một khan hiếm, nước hồ mỗi năm lại vơi dần đi, mùa khô về là hồ cạn trơ đáy uy hiếp nồi cơm của các cư dân. Cảm thấy tương lai quá mong manh, năm 2010, ông Thành cùng 5 hộ gia đình khác tháo chạy khỏi cái đói đang chực chờ. Họ di chuyển bằng ghe suốt 3- 4 ngày trời. Mệt thì neo đò lại, nằm ngủ giữa đồng không mông quạnh.

Từ Biển Hồ về hồ Dầu Tiếng chỉ mất một ngày đường bộ nhưng nhiều người lại chọn đi đường sông vì họ tiếc những chiếc ghe cũ nên cuộc di cư kéo dài cả tuần. Đoàn người dạt về lòng hồ Dầu Tiếng. Nơi này, là bến đỗ của những Việt kiều hồi hương "hai bàn tay trắng".

Họ dựng tạm căn lều nhỏ, neo bên mạn hồ sống nương nhờ vào nhau, bữa đói bữa no. "Ở đây không khá hơn ở Biển Hồ nhưng trong lòng thấy bình yên, thoải mái. Mình người Việt Nam được sống và chết trên đất nước mình là mong mỏi của rất nhiều người", ông Thành tâm sự. 

Ngày mới về, ông Thành sắm được con ghe nhỏ đi chài cá. Cuộc sống tương đối no đủ. Sau này, nhiều người tràn về nên khó kiếm sống bằng nghề thương hồ. Con trai ông Thành đi vào trung tâm xã làm thuê làm mướn, con gái của ông cũng gửi con ở nhà rồi ra Tây Ninh kiếm việc làm. Nhà chỉ còn hai ông bà già còm cõi nương nhau, lại phải chăm sóc, nuôi nấng một đàn cháu nên cái đói đeo bám quanh năm.

Được trở về Việt Nam, ông Thành cảm thấy bình yên và thanh thản.

Căn chòi lá bên cạnh nhà ông Thành là của bà Lê Thị An (58 tuổi). Bà An quê ở Đồng Tháp, lấy chồng người Campuchia. Gia đình chồng làm thương lái ở Biển Hồ, một thời có của ăn của để. Năm 1997, chồng bà qua đời sau cơn đột quỵ, để lại bà cùng cô con gái mới 15 tuổi. Xe cộ, tàu lớn tàu bé bị nhà chồng tịch thu hết, chỉ để lại cho hai mẹ con bà chiếc nhà bè tròng trành giữa Biển Hồ. Bà An bán hết số vàng đã tích cóp nhiều năm, cả của hồi môn ngày cưới để hai mẹ con sinh sống.

Năm 2008, vợ chồng người hàng xóm khăn gói trở về Việt Nam, bà cũng xin theo họ. Bà bán chiếc nhà nổi được ít tiền, hai mẹ con về dựng lều, mua sắm được ít đồ dùng là hết veo. Không có cái ăn, con gái vào thành phố làm công nhân, bà ở nhà đi lượm ve chai.

Năm 2015, con gái lấy chồng, để lại một mình bà trong căn chòi rách như xơ mướp. Những tưởng đời bà lây lất sống đơn độc cho đến lúc chết, ai ngờ vào cái ngưỡng tuổi xế chiều, bà An vẫn tìm được ý trung nhân. 

Năm ngoái, xóm của bà đón thêm một thành viên mới từ hồ Trị An tới. Ông là Nguyễn Văn Lành (55 tuổi). Con người ông giống như tên gọi, chất phác, thật thà nhưng bất hạnh lại liên tiếp đổ lên đầu. Ông Lành từng có một gia đình êm ấm ở xóm Việt kiều hồ Trị An. Vợ ông trẻ đẹp, kém ông 18 tuổi. Hai người nên duyên vợ chồng từ những ngày ông đi buôn cá, gặp bà buôn dừa.

Họ đồng cảm với nhau, thấu hiểu nhau mà về chung một nhà. Sẽ là hạnh phúc vẹn tròn, viên mãn nếu như có những đứa con ra đời. Sống với nhau hơn 10 năm, vẫn không có gì ngoài sự già nua của tuổi tác và tàn phai của nhan sắc. Ông dẫn vợ đi khám, kết quả lỗi do người chồng. Ông đấu tranh tâm lý rất nhiều đêm. Sau cùng, người ngỏ ý trước lại là vợ. Cô ấy muốn thay đổi số phận, muốn được làm mẹ. Ông là người ra đi, tài sản chia cho vợ một nửa.

Ông cập con thuyền của mình tại lòng hồ Dầu Tiếng, để quên đi quá khứ, sống cuộc đời mới nghĩ rằng sẽ tươi sáng hơn. Ông gặp bà An trong những ngày buồn chán và cô đơn nhất. Hai con người đều trải qua những cay đắng của cuộc đời, đã nếm trải đủ vị mặn của nước mắt, họ đến với nhau như một lẽ tự nhiên. Ông thương bà An nghèo khổ, lại yêu bà ở tính thẳng thắn nhưng có tâm hồn ấm áp. Hai túp lều nằm cạnh nhau, nhưng nồi cơm thì đã góp thành một.

Từ ngày gá nghĩa với ông Lành, bà An yêu đời hẳn ra, bà không phải đi lượm ve chai nữa, việc kiếm tiền đã có ông lo. Bao nhiêu năm sống trên mặt nước, ông Lành biết tận dụng lợi thế giao thương để làm ăn. Ông đi thu mua cá ở làng chài quanh hồ rồi mang ra Tây Ninh đổ mối cho các cửa hàng, một chuyến đi buôn ông kiếm được triệu bạc, đủ cho hai người sống khỏe. Đầu năm nay, việc buôn bán của ông gặp khó khăn vì dịch bệnh COVID-19.  Ông nằm dài ở nhà, chờ thời.

Mong mỏi tìm chữ cho con

Mỗi năm, xóm Việt kiều đông đúc hơn. Ông Mười Tha, Trưởng ấp Tà Dơ cho biết, xóm Việt kiều ban đầu chỉ lác đác vài ba căn nhà tạm. Khoảng cuối năm 2015 và đầu năm 2016, người gốc Việt ở Campuchia lũ lượt kéo về. "Dân di cư về đây đều là người Việt sống trên ghe, bè tại Biển Hồ. Họ bảo nước Biển Hồ giờ cạn kiệt, khô khốc, tìm con cá muốn đỏ mắt", ông Mười Tha nói.

Mong ước lớn nhất là những đứa trẻ được đến trường.

Những hộ dân Việt kiều vì nhiều lý do đều không có giấy tờ tùy thân. Tại Campuchia họ chỉ sống trên ghe thuyền hoặc ven Biển Hồ, ít tiếp xúc với bên ngoài, không khai báo cũng không ai quản lý. Mất quê hương, gốc gác họ không  biết đi về đâu mà xin xác nhận. Vì thế, ước mơ lớn nhất đời họ, là có được cái chứng nhận công dân và con trẻ được học chữ.

Ở xóm Việt kiều, lo nhất có lẽ chính là tương lai của những đứa trẻ. Cha mẹ chúng là những người không danh phận và chúng cũng vậy. Việc đến trường khó như việc lên bờ. Hai đứa con của chị Nguyễn Thị Tiên (36 tuổi) hơn 10 tuổi mà chưa biết chữ, vẫn ngơ ngác trước trang giấy trắng. Chồng chị Tiên mù chữ, tất cả trông chờ vào văn hóa lớp 3 của chị. Nhờ bươn chải chợ đời nên chị Tiên có khả năng tính toán rất nhanh, đặc biệt là khả năng tính nhẩm và đếm tiền, hầu như không bao giờ sai sót.

Cũng vì có tí chữ mà chị Tiên đang trăn trở, đau đáu với hai đứa con của mình. Ở đây, mấy năm trước từng có lớp học từ thiện dành cho trẻ nhỏ của các bạn tình nguyện viên. Chị Tiên vui mừng đưa hai con đi học, suốt 3 tháng trời miệt mài học chữ, đứa đầu nhà chị Tiên đã biết viết chữ cái, biết ghép vần. Đứa nhỏ thì cũng bập bẹ đôi câu.

Chị mừng lắm, lòng tràn đầy hy vọng về tương lai của các con. Nhưng từ năm ngoái đến nay không thấy người ta về mở lớp, lũ nhỏ mong mãi không được học tiếp nên chữ nghĩa cũng tan dần trong đầu. Giờ thì mù lại hoàn mù, thằng lớn đã theo cha đi đặt lưới bắt cá, không còn suy nghĩ đến việc học chữ nữa.

Năm 2018, gần 200 gia đình di cư tự do từ Campuchia về đã được chính quyền tặng nhà trong khu tái định cư ấp Đồng Kèn II (xã Tân Thành, huyện Tân Châu). Có nhà, đồng nghĩa với việc hàng trăm đứa trẻ được đến trường học văn hóa, được hòa nhập với cuộc sống nhộn nhịp trên đất liền. Kể về ngày đầu tiên đưa con đi học, chị Dương Thị Nhãn vẫn còn rất bồi hồi. 6 năm trước, vợ chồng chị Nhãn rời Campuchia về lòng hồ Dầu Tiếng bấu víu.

Chị không dám nghĩ, một ngày nào đó mình có một mái nhà và một cục đất chọi chim. Các con của chị có danh có phận, học chữ mà nên người. Nhưng đứa con gái lớn phải chịu nhiều thiệt thòi, vì quá tuổi nên bé không thể đến trường. Đứa thứ 2 lên 8 tuổi phải vớt mãi mới vào học lớp 1 được. Chị Nhãn bảo rằng, đời chị đã không biết chữ, đến đời con được như thế này là món quà quý giá nhất rồi, không mong gì hơn.

May mắn mỉm cười với các con nhà chị Nhãn nhưng còn hàng trăm đứa trẻ khác, vẫn đang hồn nhiên cười đùa trên những con đò cũ rách, ở xóm Việt kiều bên lòng hồ Dầu Tiếng.

Ngọc Thiện - Cát Tường
.
.
.