"Xóm chạy thận" những ngày đại dịch

Thứ Sáu, 03/04/2020, 17:46
Từ khi có lệnh cách ly, cuộc sống tại "Xóm chạy thận" trên đường Lê Thanh Nghị lại càng trở nên khó khăn hơn vì nhiều người phải dừng việc làm thêm để "bảo toàn tính mạng".

Từ khi nghe thông tin của Bộ Y tế công bố có nhiều ca nhiễm COVID-19 liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân trong "Xóm chạy thận" trên đường Lê Thanh Nghị (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) luôn trong tâm thế lo lắng.

Bởi hằng ngày họ phải bám trụ tại nơi được coi là "ổ dịch" để chạy thận nhân tạo, duy trì sự sống. Từ khi có lệnh cách ly, cuộc sống lại càng trở nên khó khăn hơn vì nhiều người phải dừng việc làm thêm để "bảo toàn tính mạng".

Cách ly nhưng không cô độc

Lối vào ngõ 121 Lê Thanh Nghị mà người ta quen gọi là "xóm chạy thận" cũng đã được phong toả "nội bất xuất, ngoại bất nhập" để phòng dịch. 

Đầu ngõ được căng barie cách ly với tấm biển "Khu vực hạn chế phòng chống dịch bệnh COVID-19 đối với khu vực xóm chạy thận". Chính quyền địa phương đã tiến hành phun thuốc khử trùng. 

Nhân viên y tế đã đến từng căn nhà trọ hướng dẫn mọi người cách thức sinh hoạt phòng dịch bệnh và nhắc nhở mọi người khi ra khỏi nơi cư trú để chạy thận phải tiến hành khai báo. Không ra chợ mua đồ ăn sinh hoạt, mà hằng ngày có nhu cầu gì sẽ có người của siêu thị mang đồ ăn đến tận nhà.

Bệnh viện Bạch Mai cũng đã thống nhất với các phường, nơi có bệnh nhân chạy thận nhân tạo sinh sống tiến hành giám sát bệnh nhân chạy thận. 

Cụ thể, khi chạy thận xong bệnh nhân phải về nhà ngay, tuyệt đối không đi lại trong bệnh viện… Đồng thời cơ quan chức năng và Bệnh viện Bạch Mai cũng đã phối hợp mở lối đi riêng cho các bệnh nhân chạy thận tiếp tục điều trị.

Để đảm bảo an toàn cho những người đến chạy thận, lãnh đạo quận Đống Đa yêu cầu lực lượng chức năng chốt trực và thực hiện điều tiết toàn bộ bệnh nhân chạy thận đi theo cổng số 2. 

Khi cho bệnh nhân vào bên trong cổng phải đảm bảo trật tự, tổ chức phân loại bên trong và yêu cầu Khoa Thận cho người ra đón bệnh nhân vào. Tất cả các trường hợp sau khi chạy thận xong đi ra phải khử khuẩn và phải đảm bảo đã được bệnh viện lấy mẫu xét nghiệm COVID-19.

Khu vực hạn chế đi lại của "xóm chạy thận".

Ngày 30/3, UBND phường Đồng Tâm (quận Hai Bà Trưng) đã tổ chức trao quà của thành phố, của quận Hai Bà Trưng và của phường Đồng Tâm cho các bệnh nhân nghèo đang ở trọ tại "xóm chạy thận". 

Trong đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội hỗ trợ 1 tấn gạo; quận Hai Bà Trưng hỗ trợ mỗi bệnh nhân 1 triệu đồng; phường Đồng Tâm hỗ trợ mỗi bệnh nhân 200 nghìn đồng. 

Ngoài ra, để bảo đảm điều kiện sinh hoạt cho các bệnh nhân trong 14 ngày cách ly, UBND phường Đồng Tâm đã phối hợp với Siêu thị Vinmart phố Lê Thanh Nghị cung cấp lương thực, thực phẩm. Đặc biệt, UBND phường đã chủ động hợp đồng với các đơn vị vận chuyển, thuê xe ôtô đưa bệnh nhân đến Bệnh viện Bạch Mai chạy thận rồi lại đưa về xóm trọ.

Từ khi nghe tin Bệnh viện Bạch Mai là ổ dịch COVID-19 lớn nhất của cả nước, bà Lê Thị Ninh (46 tuổi, ở huyện Thạch Thất, Hà Nội) cùng nhiều người trong ''xóm chạy thận'' luôn trong tâm thế "ăn không ngon, ngủ không yên". Bởi ai cũng hiểu rằng, trong người mình vốn có bệnh nền nên nếu chẳng may bị nhiễm, khả năng sống là rất thấp. 

Bà Ninh chia sẻ: "Mấy ngày qua chúng tôi cũng thường xuyên xem tivi, đài báo về tình hình dịch bệnh COVID-19. Ngồi trong nhà cũng thấy những phòng bên cạnh bàn tán xôn xao về dịch, nhất là ở Bệnh viện Bạch Mai. Tôi bị suy thận giai đoạn cuối nên tuần phải chạy 3 lần. Những người chạy thận sức khoẻ rất yếu nếu nhiễm bệnh khó mà qua khỏi. 

Việc này cũng khiến nhiều người đêm trằn trọc không ngủ được". Tính đến nay bà Ninh đã có 14 năm chạy thận tại Bệnh viện Bạch Mai. Chính vì vậy, Bệnh viện Bạch Mai như ngôi nhà thứ 2 của bà. Và những người hàng xóm trong "xóm chạy thận" chẳng khác nào người thân trong gia đình.

Dù sống trong ổ dịch, dù bị hạn chế đi lại nhưng bà Ninh cũng như nhiều bệnh nhân khác của "xóm chạy thận" không thấy mình đơn độc. Bởi những ngày qua các bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai cùng với y tế phường luôn có mặt kịp thời để động viên và quan tâm tới các bệnh nhân chạy thận như bà. 

"Mọi người động viên chúng tôi an tâm, rằng dịch bệnh vẫn đang được kiểm soát tốt và sẽ sớm được đẩy lùi. Khi chúng tôi đến lịch chạy thận, các bác sĩ cũng có mặt để đưa chúng tôi đi. Chúng tôi thực sự rất cảm động" - bà Ninh tâm sự.

Những người ra khỏi xóm chạy thận buộc phải khai báo và thực hiện đầy đủ các hướng dẫn về y tế.

Là hàng xóm của bà Ninh, chị Nguyễn Thị Hương (quê Nghĩa Hưng, Nam Định) dù mới 32 tuổi nhưng cũng đã có "thâm niên" 9 năm chạy thận tại Bệnh viện Bạch Mai. 

Bệnh tật khiến chị Hương quen với cuộc sống sáng ở viện, chiều ở nhà trọ. Nếu như trước đây, chạy thận xong chị Hương có thể nán lại bệnh viện vừa để hồi sức vừa để "buôn chuyện" với người nọ, người kia thì nay do diễn biến dịch bệnh phức tạp nên sau khi truyền xong chị về thẳng nhà trọ. Cả ngày cũng chỉ quanh quẩn trong căn phòng với diện tích khoảng 3 mét vuông. 

Chị Hương cho biết: "Lúc đầu tâm trạng tôi cũng lo lắng lắm vì liên tục tuần 3 lần phải chạy thận trong bệnh viện. Tuy nhiên, được sự động viên của các y bác sĩ, cũng như người thân liên tục gọi điện hỏi thăm nói tôi cứ yên tâm nên chúng tôi yên tâm hơn. Kháng thể của những người bệnh như chúng tôi rất yếu, không như người bình thường. Để phòng tránh dịch bệnh, chúng tôi luôn đeo khẩu trang bảo vệ cho mình".

Ngồi mệt mỏi vì chùn chân sau khi đứng xếp hàng chờ vào Bệnh viện Bạch Mai, bà Nguyễn Thị Sự (69 tuổi, ở huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang) tâm sự, ban đầu khi nghe tin tâm trạng bà cũng lo lắng. 

Bà Sự đã có 11 năm chạy thận tại bệnh viện, suy thận giai đoạn cuối nên sức khoẻ yếu đi nhiều. Các bác sĩ dặn bà cứ yên tâm, phòng tránh bằng cách đeo khẩu trang, găng tay, nước rửa tay đầy đủ. 

"Chúng tôi được sát khuẩn, đo thân nhiệt ở ngoài cổng, tiếp đó vào phòng phun khử trùng và lên khoa chạy thận đo tiếp thân nhiệt, đúng giờ mới được vào. Chạy xong hết ca một mới cho ca hai vào, làm nghiêm ngặt lắm, không được chạm tay vào bất cứ thứ gì" - bà Sự cho biết.

"Thất nghiệp" những ngày dịch bệnh

Trong xóm trọ này, mọi người vẫn thường đùa nhau "toàn người nghèo nhưng lại mắc bệnh của nhà giàu". Để duy trì sự sống cho mình, nhiều bệnh nhân đã phải đi làm thêm để có tiền sinh nhai và chữa bệnh. 

Dịch bệnh COVID-19 đã khiến cuộc sống của nhiều bệnh nhân "xóm chạy thận" trở nên khó khăn hơn.

10 năm qua, bà Sáu (quê Lục Ngạn, Bắc Giang) luôn dậy từ 4 giờ để nấu bữa sáng cho chồng trước khi ông Hùng vào Bệnh viện Bạch Mai chạy thận lúc 6 giờ. 

Ăn sáng xong, bà Sáu dìu chồng lần cả trăm bậc cầu thang cầu vượt để vào Bệnh viện Bạch Mai chạy thận. Bao giờ cũng thế, ca lọc máu diễn ra khoảng 3 tiếng, thời gian ấy bà Sáu ngồi ngoài hành lang đợi chồng. Việc này diễn ra đều đặn, tuần 3 buổi.

Những ngày ông Hùng không phải vào viện lọc máu, bà Sáu cũng vẫn dậy giờ đó nhưng là để hãm nước chè mang vào Bệnh viện Bạch Mai bán dạo kiếm thêm thu nhập. Những ngày đầu bị bảo vệ của bệnh viện khiến bà Sáu tủi thân và định bỏ nghề. Nhưng được một số chị em của "xóm chạy thận" động viên, bà Sáu lại cố. 

Bà bảo: "May mắn thì mỗi ngày cũng kiếm được khoảng 50 nghìn đồng. Mỗi cốc nước chè thường được bán với giá 3.000 đồng, thế nhưng ai có 1.000 đồng tôi cũng bán. Thậm chí, nếu có người không có tiền mà họ khát tôi cũng cho không. Bởi mình khổ nhiều rồi nên mình hiểu và thương những người cùng cảnh ngộ với mình lắm. Số tiền kiếm được từ bán nước chè so với nhiều người thì chẳng đáng gì nhưng với vợ chồng tôi thì ý nghĩa lắm".

Cách phòng trọ của vợ chồng bà Sáu 2 phòng là phòng trọ của vợ chồng Nguyễn Thị Oanh (quê Hà Nam). Mới 30 tuổi nhưng chị đã có "thâm niên" 14 năm chạy thận. 

Thương vợ nên chồng chị quyết định lên Thủ đô kiếm kế sinh nhai để được ở bên vợ. Hằng ngày nếu không phải chạy thận, chị Oanh cũng tranh thủ đi bán nước chè dạo trong Bệnh viện Bạch Mai. Nhưng từ khi dịch bệnh bùng phát, chị chỉ dám ở nhà để tránh bị lây nhiễm. 

Không chỉ mình chị Oanh "thất nghiệp", mà ngay cả chồng chị hiện đang làm chỉnh sửa ảnh cho một cửa hàng chụp ảnh cưới cũng mất việc. Bởi dịch bệnh khiến nhiều đám cưới tạm thời phải hoãn lại, chính vì thế nên cửa hàng nơi chồng chị Oanh đang làm cũng phải đóng cửa vì không có khách. Cuộc sống vốn đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn gấp bội.

Cùng chung cảnh ngộ với những người trong "xóm chạy thận", anh Lê Tiến Huy, 41 tuổi (quê Hải Dương) nhiều ngày nay cũng lâm vào cảnh thất nghiệp. Vì mắc bệnh suy thận giai đoạn cuối nên anh Huy đã phải gắn bó với Bệnh viện nhiều năm nay. 

Anh bảo: "Một khi mắc phải căn bệnh này thì tiền có bao nhiêu cũng là ít. Mình mang tiếng là trụ cột trong gia đình mà chẳng những không giúp gì được vợ con, lại còn là gánh nặng cho họ. Điều này khiến tôi áy náy vô cùng". 

Chính vì muốn giảm bớt gánh nặng cho vợ nên nhiều năm qua anh Huy đã tự mình kiếm thêm thu nhập bằng nghề chạy xe ôm. Ngoài những lúc phải vào viện chạy thận, anh Huy thường vác con xe Wave cà tàng của mình ra trước cổng Bệnh viện Bạch Mai để chở khách. 

Ngày đông khách anh cũng kiếm được hơn 100 nghìn đồng, những ngày vắng có khi chỉ vài ba chục. "Có những ngày vẫn còn nhiều khách lắm nhưng sức mình có hạn nên không thể tham được. Tham quá rồi lại lăn ra ốm thì tiền thuốc lại quá tiền thang. 

Từ hồi xảy ra dịch bệnh mình không dám chở khách nữa, vì nếu chẳng may nhiễm loại virus đó thì mình chả có khả năng sống sót đâu. Thôi thì chi tiêu cố gắng tằn tiện để cho qua dịch đã rồi cố sau vậy".

Phong Anh
.
.
.