Xóm 'nguyên thủy' giữa trung tâm du lịch

Thứ Hai, 12/10/2015, 08:00
Cách trung tâm xã chỉ vài cây số nhưng khu Lâm trường Vĩnh Ninh (xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc) đang sống trong cảnh "cô lập" như thể một ốc đảo. Đã bao năm qua, hết đời con sang đời cháu họ phải sống leo lắt trong cảnh "không điện, đất không sổ đỏ, đất sản xuất lại càng không".
Phn đi xóm "nhiu cái không"

Biết chúng tôi về khu lâm trường Vĩnh Ninh (xóm Trại) người dân ai nấy đều thúc giục vào đó sớm để mà kịp trở ra. Sở dĩ như vậy bởi khi mặt trời khuất ngọn núi là cả làng chìm trong bóng tối, đường lại khó đi, lúc đó chỉ còn nước xin ngủ nhờ.

Chiều đến, đứng trên đỉnh đồi phóng tầm mắt về phía xóm trại thật đẹp! 48 nóc nhà nằm khép nép bên những quả đồi xanh ngút ngàn. Ấy vậy mà chỉ trong chớp mắt thôi bức tranh miền sơn cước tuyệt đẹp ấy lại chìm vào bóng tối đen kịt, ánh sáng có chăng chỉ là những bóng đèn dầu lập lòe phát ra từ những gia đình ăn cơm muộn.

Thấy chúng tôi đến, ông Trương Quang Kha lập cập tiếp chúng tôi với vẻ chán nản: "Các anh lại về đó à? Bao nhiêu đoàn về rồi chúng tôi có khác đâu. Nhưng có các anh về chúng tôi như được an ủi, được nói ra những nỗi khổ của mình. Suốt bao năm nay, đời bố chúng tôi, rồi đến con cháu chúng tôi phải sống trong cảnh leo lắt không có điện thế này. Nhà nào cũng phải ăn cơm sớm rồi đi ngủ, có chăng chỉ bớt lại 1 ngọn đèn dầu cho con học bài thôi. Bây giờ đỡ hơn vì chúng tôi tự chế máy phát điện từ suối. Nhưng cũng chẳng ăn thua".

Chị Lê Thị Khanh kể về nỗi khổ của người dân.

Những người dân xóm Trại trước đều là công nhân của Lâm trường Vĩnh Ninh (nay là Công ty Lâm trường Lập Thạch, thuộc Tổng Công ty Giấy Việt Nam). Vào những năm 60 của thế kỷ trước, đội lâm trường của Công ty Lâm trường Lập Thạch nhận nhiệm vụ khai thác gỗ để phục vụ làm đường tàu hỏa. Khi nhiệm vụ đã hoàn thành, nhiều người xin ở lại khu rừng hẻo lánh này khai hoang, lập nghiệp. Và cho đến tận bây giờ, gần 50 năm trôi qua, cuộc sống của họ chẳng có nhiều thay đổi. Vẫn không điện, không trường, không trạm y tế, không nước sạch…

Ở xóm Trại vỏn vẹn có 48 hộ gia đình thì có tới 18 hộ nghèo. Những hộ không được liệt vào hộ nghèo thì họ cũng chẳng khá khẩm gì hơn. Giải thích cho cái nghèo, ai cũng cho rằng đó là do thiếu điện. Được ông Trưởng thôn (ông Nguyễn Trọng Loan) giới thiệu, chúng tôi được gặp người phụ nữ có biệt danh: người phụ nữ nhiều "cái không" nhất. Bà Nguyễn Thị Đào, không chồng, không con, không người nuôi dưỡng, không lương hưu, và đang chịu những thứ ở xóm nghèo này không có…

Thấy nhà có khách, bà Đào vồn vã kiếm mấy chiếc quạt nan để đón khách. Bà Đào đon đả: "Mùa thu gì mà nóng như rang, cô chú vào nhà chơi. Có mấy ai đến cái xóm ốc đảo này đâu".

Bà Đào quê gốc mãi tận xã Thái Hòa, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc. Thời xuân sắc bà lăn lộn khắp các lâm trường như Sông Lô, Lập Thạch… sau này bà lên Nông trường Vĩnh Ninh. Khi đó bà mới 30 tuổi, vào lúc đó cái tuổi ấy là đã được liệt vào hàng quá lứa lỡ thì. Bà quyết định ở vậy cho đến bây giờ. Khi đến tuổi về hưu, bà lĩnh một cục, số tiền ít ỏi ấy chỉ đủ cho bà sang sửa lại ngôi nhà cũ nát.

Ông Kha là người hiếm hoi sở hữu đoạn suối thuận lợi cho việc lắp đặt máy phát điện tự chế.

Gọi là nhà cho sang chứ ở trong nhà chẳng khác nào ngoài sân, ngôi nhà đã xuống cấp, vật dụng bên trong ngoài chiếc giường mục chẳng còn gì đáng giá. Bà Đào nói: "Ở cái tuổi ngoài 60 như thế này thì còn làm được gì hả cô chú? Cơm cháo một mình cũng chán, hằng ngày đi trông con thuê cho người ta, tôi thì chẳng cấy hái được gì. Lương lậu thì không có, bữa no bữa đói".

Chia tay bà Đào, ông Loan than thở: "Mỗi gia đình, mỗi con người ở đây đều là một thân phận thiệt thòi. Tất cả chỉ vì không có điện, không có ánh sáng văn minh". Phía góc đồi, xa xa là ngôi nhà xiêu vẹo của gia đình ông Phan Văn Hiến, người gốc Hà Tĩnh.

Đã hơn 30 năm nay ông Hiến gắn bó với vạt rừng này. Ông được người ta gọi là người "giàu" nhất xóm. Chưa biết giàu nghèo thế nào nhưng xung quanh bốn bức tường nhà được làm bằng đất, nứt lở khắp nơi, phần mái được che chắn cơ man nào là nilon, bao tải, lá cọ. Ông Hiến tiếp chúng tôi bằng giọng đặc miền Trung: "Cả nhà tôi trông vào mấy trăm mét vuông vườn, trồng rau, hai cặp gà mái đẻ, vài ba con thỏ, thu nhập mỗi tháng chừng 300.000 đồng.

Ở đây ai cũng vậy, có hơn thì cũng chỉ hơn một chút thôi". Ông Loan đưa ánh mắt nhìn ái ngại về phía ông Hiến rồi nói: "Dân ở đây mộc lắm, họ nghèo nên ước mơ cũng nghèo. Người thì mơ được lên Hà Nội thăm Lăng Bác Hồ, người thì mơ được một lần đi xe hơi, trẻ con thì mơ ăn một bữa kẹo thật đẫy…".

 Tương lai m mt

Mấy chục năm nay người dân xóm trại sống chủ yếu dựa vào con suối chảy quanh chân núi Tam Đảo. Nó là nơi cung cấp nước sạch sinh hoạt cho các hộ dân. Không những vậy, khi cuộc sống phát triển hơn họ đã sử dụng độ chênh lệch của dòng suối, sau đó đặt tua bin tự chế để tạo ra dòng điện. Tuy nhiên theo phản ánh, điện và nước ở đây đều phụ thuộc cả vào ông trời.

Những ngày nắng hạn, nước suối cạn, người dân phải đi cả cây số để gánh nước về dùng, và mặc nhiên những tua bin kia không thể hoạt động. Ngược lại, đến mùa lũ, nước dâng cao, nước ở suối đục hơn, người dân phải gánh từng thùng về lọc qua. Khu vực đặt tua bin sẽ bị hư hỏng, thậm chí còn bị nước cuốn trôi.

Ông Kha nói: "Con suối này không chỉ là nguồn nước dùng cho xóm Trại mà còn của cả thôn Vĩnh Ninh. Dân chúng tôi đóng góp lắp đặt ống bắt trực tiếp từ suối. Không hiểu sao mấy năm nay nguồn nước có vẻ không ổn định, khi thì cạn khô, lúc này hừng hực đổ từ núi xuống. Ít năm nữa dân số ở đây tăng lên thì không biết sẽ phải dựa vào đâu mà sống?".

Máy phát điện tự chế của gia đình ông Kha.

Ở thôn nghèo này, để sở hữu một chiếc tuabin làm điện không phải là chuyện dễ. Thường thì vài ba nhà chung tiền đặt tuabin nước để cung cấp điện nội bộ. Chị Phùng Thị Thắm nói: "Tua bin có giá từ 9 đến 12 triệu nên chúng tôi phải chung nhau. Thôi thì có còn hơn không, dù phụ thuộc vào thời tiết nhưng thỉnh thoảng vẫn có ánh sáng điện. Điện yếu lắm, chủ yếu chỉ dùng một vài cái bóng đèn thắp sáng thôi, còn những vật dụng khác thì chịu.

Dùng điện nhưng phải nghe ngóng thời tiết, hôm nào mưa to là cả xóm phải ăn cơm sớm, nếu không là tối như đêm ba mươi. Nước trên núi đổ xuống làm hỏng tua bin, nước cuốn cả đi ấy chứ! Còn vào mua khô thì tuyệt nhiên không ai nhìn thấy ánh điện, nước yếu nên tua bin không quay được. Tội nhất là bọn trẻ thôi, tối đến đứa nào cũng phải học bằng đèn dầu".

Khổ là vậy, khó là vậy nhưng đa số người dân đều cho rằng họ đã quá quen với cuộc sống hiện tại. Chị Lê Thị Khanh nói mà như dỗi: "Nói thật nhé, bọn chị quen sống ở đây rồi. Nhiều khi xuống thị trấn ở nhà bà cô lại thấy ồn ào, không ngủ được". Nói là vậy nhưng đằng sau ánh mắt ấy chúng tôi hiểu, không chỉ chị Khanh mà tất cả bà con ở đây đang lo lắng. Họ lo lắng cho tương lai, lo cho những đứa trẻ đang chịu thiệt thòi. Chúng có quyền được hưởng những gì cuộc sống hiện đại đang diễn ra.

Hiện nay, khu Lâm trường Vĩnh Ninh có 48 hộ dân tương đương với gần 200. Những hộ này được UBND xã Đạo Trù cấp hộ khẩu thường trú và quản lý hành chính nhưng phần đất ở thì lại do Lâm trường Lập Thạch quản lý. Điều vô lý này đã xảy ra hàng vài chục năm nay.

Lý do là bởi trước kia, vào những năm 60 của thế kỷ trước, Lâm trường Vĩnh Ninh thuộc huyện Lập Thạch được giao nhiệm vụ khai thác gỗ để phục vụ làm đường tàu hỏa. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ nhiều công nhân đã ở lại lâm trường và sinh cơ lập nghiệp tại đây. Thậm chí sau này khi lâm trường đã giải thể thì số công nhân trước đó vẫn bám trụ lại nơi này.

Ông Trần Thái Sơn  Chánh Văn phòng UBND huyện Tam Đảo - cho biết thêm, khu dân cư Lâm trường Vĩnh Ninh là một vấn đề nhức nhối, làm đau đầu các nhà quản lý nhiều năm nay. Do phần đất đai của khu dân cư hiện vẫn do Lâm trường Lập Thạch quản lý, nên chính quyền khó có thể triển khai các chính sách hỗ trợ người dân như đất sản xuất, cấp sổ đỏ, xây dựng các công trình phúc lợi xã hội…

Đặc biệt, nguồn điện là vấn đề bức thiết nhất. Huyện đã nhiều lần tới khảo sát nhưng do muốn xây dựng đầu tư hạ tầng vào đây phải được sự cho phép của lâm trường, trong khi sau nhiều lần làm việc, phía lâm trường chưa đồng ý cho chính quyền sử dụng phần diện tích đất này. Phương án "hạ sơn" cho người dân cũng đã được nghĩ tới, nhưng do quỹ đất của địa phương không còn nên khó thực hiện.

Phong Anh
.
.
.