Xôn xao câu chuyện cô giáo bị tố yêu nam sinh lớp 8

Thứ Tư, 20/07/2016, 14:20
Mấy ngày nay dư luận xôn xao bàn tán về câu chuyện một cô giáo dạy toán bị tố có tình cảm yêu đương với một nam học sinh lớp 8. Dù đúng dù sai nhưng xung quanh vụ việc này có khá nhiều điều đáng suy ngẫm về tình cảm cô - trò và cả cách xử trí những vấn đề liên quan


Cô - trò yêu nhau hay chỉ là tình cảm đơn phương của học sinh?

Theo ông Lưu Hồng Uyên, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo (GD&ĐT) quận 6 thì vụ việc này bắt nguồn từ một lá đơn tố cáo của "một số phụ huynh" không có tên tuổi cụ thể (hay nói cách khác là chỉ ghi chung chung không ai đứng tên) gửi đến một tờ báo trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Theo đó, nội dung đơn cho rằng giữa cô giáo N. là giáo viên dạy toán của một trường THCS đóng trên địa bàn quận 6 và nam sinh tên A. (14 tuổi, học sinh lớp 8) đã có tình cảm yêu đương nam nữ vượt quá giới hạn của mối quan hệ cô - trò.

Một đoạn nội dung trong đơn tố cáo phản ánh vụ việc: "Thời gian gần đây, chúng tôi được biết sự việc giữa cô N. và em A. có tình cảm yêu đương với nhau. Tình cảm cô-trò giờ rất thắm thiết. Chúng tôi nghĩ đó là tin đồn, vì không bao giờ dám nghĩ cô N. lại đi yêu một học sinh lớp 8.

Đúng ra ban đầu chỉ nghĩ là tình cảm đơn phương của em A., vì chuyện học sinh quý mến, ngưỡng mộ thầy cô và lầm tưởng đó là tình yêu bình thường. Nhưng nếu một giáo viên hiểu biết pháp luật và đạo đức sẽ từ chối tình cảm này và định hướng cho học sinh đi theo con đường đúng. Nhưng cô N. đã không làm vậy. Cô đã dang rộng vòng tay đón em A. như người yêu của mình và họ trở thành tình nhân của nhau.

Một số tin nhắn "tình cảm" được xem là giữa cô giáo và nam sinh.

Cô giáo N. và em A. còn hẹn hò đi chơi, xem phim, đi ăn. Cô N. chở em A., hai người ôm nhau tình tứ để phụ huynh lớp khác bắt gặp... Sự việc như vậy đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh người thầy và hơn hết chúng tôi muốn bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp cho em A. Không muốn em A. bị cô N. lôi kéo vào cuộc tình trái pháp luật và đạo đức, ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý sau này".

Ngoài đơn thư tố cáo, các phụ huynh còn cung cấp nhiều đoạn tin nhắn qua lại giữa cô N. gửi cho em A., như "Em ước gì tối nay mình bên nhau, sợ sau này thương A. quá không bỏ được mà không thể đến được… Chỉ có việc đi chơi thôi A. còn chưa để tui an tâm nói chi đến việc bảo vệ, ngủ ngon nhé my love, hôn anh...". Về phía A. cũng có những tin nhắn trả lời cô giáo: "Yêu mà cũng sợ, đã yêu thì mình bất chấp, tuổi tác mình bước qua được mà, đừng sợ, A. luôn bên cô. Người ta nói gì A. sẽ bảo vệ cô…".

Theo ý kiến của "một số phụ huynh" này, có thể ban đầu tình cảm chỉ xuất phát "một chiều" từ cậu học trò A. dành cho cô giáo N. thì sẽ không có gì để nói. Nhưng sau đó dường như cô N. đã đón nhận tình cảm này và đáp lại rất nhiệt tình. Thông qua nội dung tin nhắn thì nhiều người cho rằng cả hai đã thể hiện tình cảm như một cặp đôi yêu nhau thật sự cũng như cả hai đã nhiều lần hẹn hò, gặp gỡ.

Sau khi những thông tin trên được đăng tải, dù chưa biết chính xác thực hư câu chuyện nhưng dư luận đã xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều. Trong đó, đa phần phụ huynh học sinh đều tỏ rõ sự phản đối, dư luận không đồng tình và quay ra chỉ trích cô giáo không biết định hướng học sinh, đồng thời đặt nghi vấn về đạo đức cô giáo.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, vụ việc này xảy ra tại một Trường THCS ở quận 6. Cô giáo được nói tới trong câu chuyện là cô N.T.N. (27 tuổi), hiện đang là giáo viên dạy môn toán tại ngôi trường này. Còn nam sinh trong đơn tố cáo là em A - học sinh lớp 8 do cô N. phụ trách giảng dạy.

Để biết rõ thực hư sự việc, ngày 13-7, chúng tôi đã tìm gặp cô N. Tỏ ra khá bình tĩnh, cô N. kể lại: "Khoảng vào tháng 11-2015, em A. có nhắn tin điện thoại với tôi. Lúc đó, em chia sẻ có buồn chuyện gia đình, ba mẹ ly hôn nên muốn tìm một người để tâm sự. Lúc đó, tôi nghĩ em ấy đang cần người chia sẻ nên với tư cách là một giáo viên chủ nhiệm năm lớp 6, cô giáo bộ môn, tôi cũng nhắn tin qua lại hỏi chuyện và an ủi em A.

Đến khoảng tháng 2-2016, qua một vài tin nhắn mùi mẫn em A. nhắn cho tôi, tôi mới phát hiện em ấy có tình cảm đặc biệt với mình. Lúc đó, tôi cũng khuyên bảo em và muốn em ấy dừng lại nhưng em ấy một mực nói tình cảm dành cho tôi rất nhiều, không thể dừng lại được. Biết không khuyên bảo được gì nên tôi đã chủ động cắt đứt mọi liên lạc, chặn mọi tin nhắn từ facebook và điện thoại của em ấy".

Theo cô N. khi thấy cô giáo cắt đứt mọi liên lạc, em A. đã bị sốc nặng. "Trước hành động cắt đứt liên lạc của tôi, em A. bị sốc và suốt ngày nằm khóc, nhắn tin cho tôi… Thấy con có chuyện bất thường nên mẹ của A. có hỏi lý do và A. đã kể mọi chuyện cho mẹ nghe. Sau đó, A. còn bắt mẹ chở đến nhà tôi để hỏi nguyên do “Vì sao đang nói chuyện vui vẻ với em như vậy mà cô lại cắt đứt liên lạc?".

Vì đã khuya, tôi đã ngủ nên mẹ A. khuyên A. để đến ngày mai rồi nói chuyện. Sáng hôm sau, A. tiếp tục gọi điện, nhắn tin xin gặp tôi nhưng tôi không gặp vì tôi đã hẹn với mẹ A. tối đó sẽ đến nói chuyện. Khi gặp mẹ A., tôi cũng đã nói rõ hết sự việc cho cô ấy biết. Nhưng lúc đó, mẹ A. nói với tôi rằng "Mong cô đừng bỏ nó, đừng cắt đứt liên lạc với nó mà hãy tiếp tục nói chuyện rồi uốn nắn lại cho nó''.

Lúc đó, tôi nghĩ cái sai của mình là cắt đứt quá dứt khoát khiến em ấy hụt hẫng. Vì thế, tôi quyết định tiếp tục nói chuyện với A. rồi khuyên bảo lại từ từ. Tuy nhiên, sau đó sự việc không như tôi mong muốn. Em ấy thấy tôi có nhắn tin nhưng thưa thớt dần nên nghĩ rằng gia đình đã ngăn cấm, do đó đã quay ra trách cứ gia đình.

Sự việc này khiến mẹ A. đành phải chụp tin nhắn trên facebook lại và gửi cho nhà trường nhờ giải quyết. Nhưng ngay sau đó, khoảng tháng 5-2016, học sinh cũng bắt đầu bước vào giai đoạn thi cử nên gia đình A. xin dừng lại để cho con tập trung vào thi cử. Tuy nhiên, tôi không hiểu sao bỗng dưng những tin nhắn đó tiếp tục bị lộ ra và gửi cho các cơ quan báo đài.

Ngôi trường nơi xảy ra vụ việc khá nhạy cảm.

Tôi hỏi mẹ của A., cô ấy cũng nói chưa đưa và gửi cho ai xem. Không những thế, nội dung của tin nhắn đã bị xuyên tạc và không đúng sự thật, kiểu như có người muốn hãm hại tôi. Thực sự, từ trước đến nay, những tin nhắn tôi gửi cho em A. hoàn toàn là tình cảm thầy trò", cô N. khẳng định.

Tránh làm tổn thương đến học sinh cũng như cô giáo

Trao đổi xung quanh câu chuyện này, cô N.B.L, Phó Hiệu trưởng Trường THCS nọ cho biết: "Khi xảy ra sự việc, cô N. và phụ huynh em A. đã báo cáo lên Ban giám hiệu nhà trường nên sự việc giữa em A. và cô N. phía nhà trường cũng biết. Cách đây khoảng 2 tháng, phụ huynh em A. có gửi đơn lên nhà trường mong giải quyết. Tuy nhiên, sau đó, phụ huynh lại xin rút đơn và mong nhà trường dừng sự việc để học sinh tập trung vào việc thi cử nên chúng tôi đã dừng lại. Bây giờ, sự việc tiếp tục nổi lên một lần nữa. Vì thế, chúng tôi đã làm hồ sơ, báo cáo sự việc lên Phòng GD&ĐT quận 6 để xin chỉ đạo".

Sáng 13-7, Phòng GD-ĐT quận 6 cũng đã làm việc với nhà trường, cô giáo N. và phụ huynh em học sinh A. Ông Lưu Hồng Uyên cho hay, về phía gia đình em A. khẳng định gia đình không có khiếu nại gì cô giáo N. và muốn dừng lại để em A. yên tâm học tập.

"Phòng GD&ĐT quận có nhận được phản ánh từ phía nhà trường, còn phía phụ huynh thì vẫn chưa có ý kiến hay đơn từ nào gửi lên. Trong vụ việc này, Ban giám hiệu nhà trường cũng đã làm việc với cô N. và xem xét giải quyết. Tuy nhiên, tại buổi làm việc, cô N. cho biết tình cảm chỉ là phía đơn phương của em A. Cô N. cũng cho xem những tin nhắn của hai người nhưng không nghiêm trọng như những tin nhắn đăng tải trên mạng. Vì thấy chưa đủ cơ sở để kỷ luật nên Phòng GD&ĐT chỉ yêu cầu cô N. để ý lại hành vi, tác phong, không để học sinh hiểu nhầm, ảnh hưởng đến môi trường sư phạm…", ông Lưu Hồng Uyên cho hay.

Cũng theo ông Lưu Hồng Uyên thì phải khách quan khi thấy rằng tờ đơn tố cáo trên là "nặc danh", chỉ ghi chung chung, không biết của ai cụ thể nên cũng không loại trừ việc có ai đó cố tình "chơi xấu" người được nhắc cụ thể trong đơn. Chưa kể những dòng tin nhắn trong điện thoại cho đến giờ cũng không ai xác định được đó là thật hay ngụy tạo nên gần như không có cơ sở nào để kết luận hay xử lý cô giáo N.

"Hiện tại, có ý kiến nên điều động cô N. chuyển trường khác, nhưng cô N. đã gắn bó với trường khá lâu, có nhiều kỷ niệm nên không muốn chuyển, cô N. cũng cho biết muốn ở lại trường để chứng minh mình trong sáng. Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, để tránh những ảnh hưởng không hay cho học sinh và cả cô giáo, chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với nhà trường và nghe tâm tư, nguyện vọng của cô giáo N. để có cách giải quyết thỏa đáng, tránh làm tổn thương đến cô giáo cũng như học sinh. Nhưng theo ý tôi cô N. nên chuyển trường sẽ tốt hơn, để ổn định tư tưởng và dư luận", ông Lưu Hồng Uyên chia sẻ.

Trong khi đó, về việc chuyển trường, cô N. cũng cho hay: "Đến giờ phút này, việc chuyển trường hay không tôi chưa có quyết định vì tôi còn phải bàn bạc với gia đình. Hơn nữa, việc chuyển trường là do công tác tổ chức của phía Phòng GD&ĐT, đâu phải muốn chuyển là chuyển được ngay, phải xem trường nào thiếu thì mới chuyển được chứ. Mặt khác, việc chuyển trường liên quan đến cuộc sống và công việc của tôi, không liên quan đến những chuyện ở bên ngoài hoặc xung quanh việc lùm xùm liên quan đến học sinh A.".

Xung quanh câu chuyện gây xôn xao này, các chuyên gia tâm lý cho rằng tình cảm giữa cô giáo với học sinh và ngược lại là không vi phạm pháp luật vì chưa có quy định nào cấm. Tuy nhiên, chuyện tình cảm đó khiến dư luận bức xúc bởi nam sinh trong câu chuyện này chỉ mới học lớp 8, độ tuổi chưa thực sự chín chắn trong suy nghĩ, tình cảm của chính mình.

 Vì thế, nếu vụ việc này xử lý không khéo léo, tế nhị, học sinh này chưa đủ nhận thức để thực sự hiểu hết mọi vấn đề, chưa ý thức được những việc làm của mình nên có thể dẫn đến những ảnh hưởng không hay như thất tình, nghiêm trọng hơn có thể khiến có tâm lý chán đời, bỏ học… Trong khi đó, với cô giáo thì việc kiểm điểm hay có hình thức giải quyết cũng phải thấu tình đạt lý, tránh việc làm tổn thương đến cô giáo.

Ánh Xuân
.
.
.