Xót xa khi "bờ xôi ruộng mật" biến thành khu đô thị hoang

Thứ Sáu, 19/04/2019, 16:48
Giữa tuần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lại có yêu cầu UBND TP Hà Nội kiểm tra và xử lý vụ việc 2.000ha đất dự án đô thị bị bỏ hoang tại huyện Mê Linh.


Trước đó, ngày 14-3, Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu cầu UBND thành phố Hà Nội kiểm tra và xử lý thông tin báo chí phản ánh liên quan đến việc gần 2.000ha đất dự án đô thị bị bỏ hoang gây lãng phí nghiêm trọng tại huyện Mê Linh. Đáng chú ý, theo phản ánh của báo chí, phần lớn các dự án đã huy động vốn từ khi chưa giải phóng mặt bằng; có dự án đã bán, thu tiền 100% giá trị lô đất.

10 năm trước, trước khi chuyển giao huyện Mê Linh về Hà Nội, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt hàng loạt dự án khu đô thị trên địa bàn huyện này. Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện Mê Linh đang có khoảng 50 dự án bất động sản với tổng diện tích khoảng 2.000ha, tập trung tại các xã ven Đại lộ Võ Văn Kiệt;

trong đó, có khoảng 20 dự án lớn, quy mô từ vài chục đến vài trăm hécta, tập trung nhiều nhất tại xã Tiền Phong, là nơi tập trung nhiều dự án nhất với gần 20 dự án, như: khu nhà nghỉ và biệt thự Nam Sơn của Công ty CP Vinh Sơn trên 60ha; khu biệt thự sinh thái Phúc Việt của Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Phúc Việt 24,3ha;

khu chung cư cao tầng và nhà ở cho công nhân KCN của Công ty CP Đầu tư Xây dựng số 18 quy mô gần 16ha; KĐT Minh Giang Đầm Và (2 giai đoạn) của Công ty TNHH Minh Giang gần 22ha; dự án Làng hoa Tiền Phong của Công ty TNHH Tiền Phong trên 40ha; làng Quốc tế Tiền Phong gần 30ha...

Lý do được các chủ đầu tư đưa ra là do phải điều chỉnh lại quy hoạch 1/500 do thay đổi dự án chuyển từ Vĩnh Phúc về Hà Nội và những khó khăn trong giải phóng mặt bằng. Với lý do này, có những dự án chỉ còn vướng vài trăm mét vuông đất chưa giải phóng mặt bằng, cũng lấy cớ và không triển khai. Tuy nhiên, nguyên nhân thực sự được cho là do thị trường bất động sản tại đây đóng băng và xuống giá suốt trong một thời gian dài.

Nghịch lý rất lớn là trong khi hàng loạt doanh nghiệp bỏ đất hoang, để dự án treo thì người dân và nhiều doanh nghiệp khác lại đang rất cần đất để phục vụ sản xuất, mở rộng đầu tư. Có tận mắt chứng kiến những khu đất xưa là "bờ xôi ruộng mật" giờ trở thành khu đô thị bỏ hoang nằm xen giữa những cánh đồng, những ngôi nhà xây dang dở sau nhiều năm giờ ngập trong cỏ dại mới thấy sự lãng phí khủng khiếp.

Bởi từ nhiều năm nay, Mê Linh đã trở thành vựa rau, hoa của Hà Nội với năng suất rất cao. Mỗi hécta rau, hoa ở Mê Linh hiện nay có thể cho doanh thu  500 triệu đồng tới 1 tỷ đồng/ha/năm. Trong khi người nông dân muốn mở rộng sản xuất nhưng không có quỹ đất thì những khu đô thị với diện tích lên tới hàng nghìn hécta bỏ hoang suốt 10 năm qua là sự lãng phí khổng lồ.

Nhưng không chỉ riêng Mê Linh, theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội, toàn thành phố có tới 161 dự án có dấu hiệu vi phạm Luật Đất đai. Các địa phương có nhiều dự án chậm triển khai gồm huyện Hoài Đức (51 dự án), quận Nam Từ Liêm (48 dự án), quận Hoàng Mai (25 dự án), Bắc Từ Liêm (23 dự án)… Trong đó, có tới 76 dự án chậm triển khai từ 5 năm đến hơn 10 năm.

Tại huyện Hoài Đức, nơi lâu nay được giới đầu tư nhận định sẽ có tốc độ phát triển vượt bậc trong 19 huyện của Hà Nội, bởi được quy hoạch nằm trong phần lõi trung tâm mới phía Tây, nhưng hàng loạt khu đô thị mới như Lideco Bắc 32, Kim Chung- Di Trạch, Nam 32 hiện đều trong tình trạng dang dở.

Trong đó khu đô thị Lideco Bắc 32 của Công ty Cổ phần phát triển đô thị Từ Liêm làm chủ đầu tư, nằm tại trung tâm thị trấn Trạm Trôi trên 38ha, được xem là KĐT hoàn chỉnh nhất khu vực này với hàng trăm biệt thự kiểu châu Âu nhưng sau nhiều năm đưa vào sử dụng vẫn có rất ít hộ sinh sống.

Không chỉ ở Hà Nội, tại nhiều địa phương khác cũng đang tồn tại những khu đô thị, khu công nghiệp bị bỏ hoang, trong khi người dân không có đất sản xuất.

Thực tế những năm qua, nông nghiệp đã tạo trụ đỡ vững chắc cho nền kinh tế. Vì thế đã đến lúc không thể lãng phí đất sản xuất nông nghiệp cho các khu đô thị, khu công nghiệp bỏ hoang.

Tân Lương
.
.
.