Xót xa thầy trò lội sông tới trường

Thứ Tư, 20/09/2017, 20:41
Để đến được trường, các em học sinh của trường Tiểu học Yên Thắng (Lang Chánh, Thanh Hóa) phải băng qua hàng chục con dốc, tự bơi lội qua sông Âm hung dữ. Có đến đây mới thấu hiểu được nỗi vất vả của thầy cô, sự cơ cực của các em học sinh. Thế nhưng vượt lên tất cả, thầy và trò vùng núi cao này vẫn khát khao được dạy, được học, những mong một tương lai tươi sáng hơn.


Bắc cầu rồi lũ cũng cuốn trôi

Bấy lâu nay, bản Vịn được ví như ốc đảo của xã Yên Thắng, bởi ngôi bản nhỏ này nằm sâu trong những cánh rừng già hàng trăm tuổi, quanh năm mây phủ. Vào bản Vịn không chỉ khó khăn bởi những con dốc thẳng đứng mà còn vì những trận mưa rừng bất chợt. Cứ mỗi khi mùa mưa tới, đất đá tràn chảy xuống mặt đường nhão nhoét, trơn trượt. 

Khổ nhất vẫn là những người dân, muốn ra khỏi bản họ đều phải lội qua một con suối khá sâu, đối mặt với dòng nướccủa sông Âm dâng lên, ừng ực một màu đỏ, trực cuốn phăng đi tất cả. Với các thầy cô giáo, những người gieo chữ ở miền đất này không vì yêu nghề, thương các em nhỏ chắc chắn không ai muốn bám trụ. 

Nhìn về con suối nước ngầu đục chảy cuồn cuộn, ông Lương Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Yên Thắng rưng rưng: “Bản Vịn bị chia làm đôi bởi con suối này, đây là suối Vịn nằm ở thượng nguồn của dòng sông Âm. Cả bản có hơn 100 hộ, với 400 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái. Mỗi khi mùa mưa đến, khổ nhất là những em học sinh. Để đến được với điểm trường lẻ của trường tiểu học Yên Thắng 1, hằng ngày các cháu (khoảng 50 cháu, cả tiểu học và mầm non) phải di chuyển qua suối Vịn. Đây là dòng suối nổi tiếng nước sâu và khá rộng”.

Nhìn cảnh các em học sinh phải vượt suối nhiều người không khỏi xót xa.

Tháng 9 đã tới, thầy và trò nơi đây bắt đầu bước vào năm học mới, cũng là lúc nỗi lo, sự sợ hãi bủa vây lấy họ. Thầy Hà Văn Cúc, giáo viên Trường THCS Yên Thắng ngậm ngùi: “Để vào được các điểm trường lẻ những ngày này là rất khó khăn. Chúng tôi phải vượt qua rất nhiều con dốc cao trơn trượt, không những thế còn phải vượt qua con suối rất hung dữ. Tốt nhất là không nên mang theo thứ gì, cứ đi chân đất, mặc áo lót, quần cộc. Càng như vậy chúng tôi lại càng thấy thương các em học sinh. Các em không chỉ thiếu thốn về vật chất mà con đường đến trường cũng rất gập ghềnh”.

Tại điểm trường của bản Vịn có bốn giáo viên cắm bản, họ đều là những người nhiệt huyết và yêu nghề. Số học sinh là 48 em tiểu học, 28 em mầm non. Vì điều kiện khó khăn nên nhà trường đã quyết định ghép cả bậc tiểu học và mầm non vào làm một. Trong số học sinh đó thì có tới phân nửa các em phải lội qua sông Âm mỗi ngày. Mỗi lần nước lũ đổ về, bản Vịn

 lại bị sạt lở, nước dâng lên cô lập toàn bộ, học sinh đến trường thường phải được bố mẹ đưa đi. Thậm chí mưa lũ quá lớn các em đều phải nghỉ học ở nhà để đảm bảo an toàn. “Cứ mỗi lần mưa lũ qua đi, các thầy cô lại phải đến từng gia đình vận động các em tới trường. Đó là điều khó khăn nhất với chúng tôi, nếu để các gia đình tự giác cho con em đi học chắc không cháu nào tới trường cả” – thầy Cúc tâm sự.

Các em ước mơ có một cây cầu nhỏ để đến trường.

Do địa hình của bản Vịn bị chia cắt bởi dòng sông Âm nên ở đây được phân làm khu trên và khu dưới, người dân đã nhiều lần đóng góp sức người và sức của để làm cầu những mong con em thuận lợi khi đến trường. Thế nhưng những chiếc cầu tạm ấy chỉ có thể sử dụng vào mùa khô, cứ đến mùa mưa lại bị nước cuốn trôi. 

Cô Lò Thị Tuyền, người đã bám trụ ở vùng đất này hơn 15 năm chia sẻ: “Tôi phụ trách lớp mầm non với 28 cháu. Nhìn các cháu đến trường mà giáo viên chúng tôi rớt nước mắt vì thương. Tuổi các cháu ở những nơi có điều kiện chắc hẳn được nâng niu, được đưa đi học nhưng ở đây các cháu cứ một mình vượt sông mà đến trường. Đã rất nhiều lần nhân dân đóng góp tiền để làm cầu bắc qua bằng ván gỗ, nhưng cũng chẳng được mấy ngày là hỏng. Nhiều khi đến mùa mưa nước còn cuốn phăng cả cầu đi”.

Có lẽ vì cuộc sống quá vất vả, cơ cực mà em Vi Văn Tân cứng hơn nhiều so một học sinh ở độ tuổi lớp 4. Tân vẫn còn giữ ánh mắt sợ hãi khi vừa trải qua cuộc vật lộn để qua suối đến trường, chỉ về phía ngọn núi cao nhất, giọng lí nhí: “Nhà em ở phía sau ngọn núi kia, cách trường khoảng 4 cây số, vì thế mỗi buổi sáng để kịp đi học em phải dậy từ 5 giờ sáng. Ngày nào cũng vậy, em phải leo qua mấy con dốc lớn bằng đường mòn, rồi lội qua sông. Mệt lắm ạ”. 

Đã không ít lần Tân đi học đúng vào ngày nước lũ, nước chảy quá siết em chỉ biết đứng trên bờ mà khóc, rồi lại lủi thủi trở về nhà. Cứ mỗi lần như vậy, Tân lại chán nản và không muốn đi học nữa. Và chính những lần đó, thầy cô lại đến tận nhà động viên, rồi bố mẹ an ủi rằng “đi học để biết cái chữ, sau này đỡ khổ hơn”.

Em Lương Thị Thắm, học sinh lớp 5, một trong những học sinh có hoàn cảnh vô cùng khó khăn, nhà đông anh em nhưng hàng ngày vẫn băng rừng lội suối để đến trường. Em Thắm háo hức: “Dù vất vả nhưng em vẫn rất thích được đi học. Đến trường có các bạn để vui chơi, thầy cô cũng rất thương chúng em, quan tâm đến hoàn cảnh của chúng em. Emsẽ cố gắng học thật giỏi trong năm học mới để không phụ sự tin yêu của thầy cô".

Dù khó khăn vất vả nhưng các em vẫn nở nụ cười hồn nhiên.

"Em không ước mơ gì hơn ngoài có một cây cầu"

Có một cây cầu kiên cố bắc qua sông là ước mơ cháy bỏng bao nhiêu đời nay của người dân bản Vịn. Ông Hà Văn Hạnh, Trưởng bản Vịn than thở với chúng tôi: “Có lẽ bản chúng tôi ở xa quá, dân cư lại thưa thớt nên chẳng bao giờ xây cầu đâu. Có được thế này đã là mừng lắm rồi, trước đây khổ lắm, còn không có trường cho các cháu đi học. Bây giờ có trường có lớp được học hành đầy đủ rồi. Thầy cô giáo ở đây cũng chu đáo, nhiệt tình lắm. Bà con chúng tôi chỉ mơ ước có được con đường “ra đường”, cầu không cần kiên cố, mà chỉ là cây cầu treo thôi cũng được. Có như thế các thầy cô đi lại đỡ vất vả, học sinh và nhân dân đi lại được an toàn hơn”.

Mỗi mùa mưa lũ các thầy cô cũng phải lội suối để sang điểm trường của bản Vịn.

Có trò chuyện với các thầy cô giáo ở đây mới hiểu được tại sao họ lại bám trụ lâu đến thế. Đơn giản vì họ thương học trò, để có được con chữ các em đã phải đánh đổi rất nhiều mồ hôi, nước mắt thậm chí cả sự đe doạđến tính mạng. Cô Lò Thị Tuyền không thể nào quên được những ngày bão lũ, các em đến lớp với bộ quần áo ướt sũng, môi thâm vì lạnh. Những lúc đó các thầy cô chỉ biết nhìn các em mà khóc. 

Những chiếc mảng được người dân làm để qua suối khi nước dang cao.

"Các thầy cô giáo muốn qua sông Âm đều phải dùng đòn để khiêng xe máy. Thế rồi cuộc sống ở đây thiếu thốn, xa gia đình, xa con cái. Nhưng có lẽ so với những gì các em nhỏ ở đây phải chịu thì không thấm vào đâu. Chuyện các em ngã xuống sông ướt sạch cả quần áo, sách bút thì như cơm bữa. Quả thực chúng tôi chỉ biết thương các em chứ cũng bất lực rồi. Chỉ mong Nhà nước xem xét sớm làm cho bà con cây cầu để con đường đến trường của các em bớt nguy hiểm hơn" - cô Tuyền chia sẻ.

Song Anh
.
.
.