Con đưa cha mẹ vào Viện dưỡng lão:

Xu hướng của xã hội hiện đại hay rũ bỏ trách nhiệm?

Thứ Ba, 11/03/2014, 11:00

"Trẻ cậy cha, già cậy con", từ ngàn đời nay người Việt ta vẫn thấm nhuần điều đó. Thế nhưng cuộc sống công nghiệp biết bao lo toan, không ít người gửi bố mẹ sống tại các viện dưỡng lão, trung tâm chắc sóc người cao tuổi. Cách hành xử này đã gặp không ít những ý kiến trái chiều. Liệu có phải đây là xu hướng tất yếu hay sự bất hiếu đang báo động?

Viện dưỡng lão đủ vật chất thiếu tình cảm?

Chúng ta luôn tự hào về một nền văn minh nông nghiệp với biết bao truyền thống tốt đẹp mà ít quốc gia nào có được. Sự gắn kết chặt chẽ giữa các thế hệ trong gia đình không chỉ là sức mạnh trong lao động sản xuất mà còn là một giá trị tốt đẹp. Khi cuộc sống hiện đại xuất hiện, phân công lao động càng rõ ràng hơn thì dường như cái gia đình "tam đại đồng đường" hay "tứ đại đồng đường" kia chỉ còn "vang bóng một thời". Thế nhưng truyền thống "uống nước nhớ nguồn", phận làm con cái phải biết chăm sóc thương yêu cha mẹ, đặc biệt là khi về già. Đạo lý ấy đã trở thành nếp nghĩ cố định trong tư tưởng người Việt Nam.

Đã có rất nhiều ý kiến cho rằng đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão là việc làm đi ngược với truyền thống và thay đổi hoàn  toàn quan niệm về giá trị gia đình mà hàng nghìn năm nay chúng ta xây dựng. Với những trường hợp gửi cha mẹ vào viện dưỡng lão rồi quẳng 1 đống tiền, bỏ bẵng thì quả là đáng lên án.

Thời gian gần đây báo chí đã từng rầm rộ đưa tin về những hoàn cảnh đáng thương của những cụ già bị con cái bỏ rơi, phải sống lang thang gầm cầu, xó chợ. Và cả trường hợp những người con vì quá bận buộc phải phó thác việc chăm sóc bố mẹ già cho người giúp việc, thậm chí "giam" bố mẹ già trong những căn biệt thự với 4 bức tường. Phải chăng việc gửi bố mẹ vào viện dưỡng lão và thường xuyên đến thăm nom đang là một xu thế tất yếu của một xã hội hiện đại?

Dù thế nào đi nữa chúng tôi vẫn mang trong mình thành kiến về những người con gửi cha mẹ vào viện dưỡng lão. Thế nhưng khi đặt chân vào những viện dưỡng lão phần nào thành kiến đó đang dần được xóa bỏ. May mắn chúng tôi đến Viện Dưỡng lão Thiên Đức (Đông Ngạc, Từ Liêm) vào đúng buổi ở đây tổ chức kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2).

Xu hướng tất yếu hay sự rũ bỏ trách nhiệm của con cái?

Theo những cán bộ tại đây cứ đến ngày kỷ niệm như ngày nhà giáo, ngày thầy thuốc, ngày nhà báo… đều tổ chức kỷ niệm để cho các cụ trước đây công tác trong ngành được vui vẻ.

Ông Nguyễn Tuấn Ngọc Giám đốc Viện Dưỡng lão Thiên Đức chia sẻ: "Những ngày này chúng tôi sẽ tổ chức để các cụ vui, có đầy đủ các tiết mục, con cái sẽ đến tặng hoa, quà động viên bố mẹ. Tôi nghĩ đây là việc làm cần thiết để các cụ thấy mình vẫn còn rất quan trọng và không cảm thấy cô đơn!".

Cụ Trần Quang Anh, 98 tuổi, nguyên là bác sĩ Bệnh viện 108 nở nụ cười hiền hậu: "Sống ở đây khá thoải ái, tôi cảm thấy mình vẫn còn được con cái và xã hội quan tâm".

Cụ Quang Anh vào viện dưỡng lão được hơn 2 năm, cũng vì hoàn cảnh gia đình khá đặc biệt. Con cái cụ đều là người nhà nước, với những công việc rất đặc thù. Họ thường xuyên phải đi công tác, thậm chí nhiều hôm đến nửa đêm mới về tới nhà. Không đành để cụ ở nhà một mình, lại càng không yên tâm bỏ cho người giúp việc. Sau nhiều thời gian suy nghĩ, hỏi ý kiến anh em họ hàng, con cái quyết định gửi cụ vào viện dưỡng lão. Những mong cụ được chăm sóc chu đáo hơn, quan tâm hơn đặc biệt khi tuổi của cụ ngày một cao.

Chị Nhung nhân viên của Viện dưỡng lão Thiên Đức chia sẻ: "Con cái cụ đẹp lắm, ai nấy cũng tốt. Mới ngày đầu cụ vào, sợ không quen ngày nào con cái cũng vào thăm, động viên. Bây giờ thì cụ đã quen nếp sống, sinh hoạt ở đây rồi. Có nhiều cụ khác để tâm sự, trò chuyện. Con cái vào thăm có khi cụ còn giục về. Về sức khỏe thì gia đình luôn yên tâm vì có y tá trực 24/24h".

Với những bước đi khó khăn, cùng với sự chỉ dẫn bằng những "mật khẩu" của những nhân viên tại đây, cụ bà Hoàng Thu Thủy (70 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) mới chịu bước lên cân để kiểm tra định kỳ. Hoàn cảnh của cụ Thủy cũng khá đặc biệt. Con cháu thường xuyên đi sớm về muộn, cụ phải ở nhà một mình, hơn nữa tinh thần cụ không còn được minh mẫn. Lo lắng nếu cứ để mẹ ở nhà trong tình trạng đó sẽ rất nguy hiểm, đi làm cũng không  thể tập trung vào chuyên môn. Hai người con trai buộc lòng phải đưa cụ vào trung tâm Dưỡng lão Thiên Đức.

Các cụ ở Viện Dưỡng lão được chăm sóc khá chu đáo.

Với họ đó là điều cực chẳng đã nhưng vẫn phải làm. Gần 1 tháng đầu, hai người con trai của cụ ngày nào cũng vậy, cứ hết giờ làm việc lại chở nhau đến thăm mẹ phần vì lo lắng, phần vì nhớ. Nhưng họ cũng chỉ dám đứng ngoài quan sát, họ sợ mẹ nhìn thấy lại đòi về.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hằng (69 tuổi) ở Gia Lâm (Hà Nội) lại có hoàn cảnh khác. Khi còn trẻ, bà không lập gia đình, lương hưu cũng chẳng có nên các anh chị em của bà quyết định gom tiền hàng tháng để gửi bà đến Trung tâm chăm sóc người cao tuổi Thiên Đức. Tỏ ra khá mãn nguyện với cuộc sống hiện tại, bà Hằng tâm sự: "Từ cuộc sống của bản thân tôi, tôi thấy có các trung tâm chăm sóc người già là cần thiết. Không có con cái, ít ra nếu cháu chắt trong gia đình thương, những người neo đơn như chúng tôi cũng có chỗ để ở, có người chăm sóc lúc về già".

Mỗi người một hoàn cảnh nhưng chúng tôi cảm nhận được sự hài lòng, niềm vui của các cụ tại các trung tâm chăm sóc người cao tuổi. Có lẽ chính sự chăm sóc nhiệt tình, chu đáo như người thân của cán bộ, nhân viên y tế ở các trung tâm đã khiến nhiều người con yên tâm gửi gắm cha mẹ mình.

Viện dưỡng lão có xu hướng phát triển mạnh

Có lẽ câu chuyện nên hay không nên đưa bố mẹ vào viện dưỡng lão vẫn đang là chủ đề được bàn luận chưa có hồi kết. Đây thực sự là vấn đề nhạy cảm, đúng sai phải dựa trên những hoàn cảnh cụ thể. Có thể nhiều bậc cha mẹ thích tự do, vào viện dưỡng lão sẽ có điều kiện giao lưu, ăn uống, hát hò, xem phim với những bạn bè cùng lứa tuổi. Nếu ở trường hợp này thì đây là việc tích cực. Tuy nhiên cũng không ít những trường hợp gửi bố mẹ vào viện dưỡng lão để "cởi bỏ" trách nhiệm, để nhẹ gánh thì quả không nên. Điều này trực tiếp ảnh hưởng đến tâm lý của các cụ. Xa hơn nó còn tạo ra một tấm gương xấu cho những thế hệ kế tiếp.

Trên mục tâm sự của một trang mạng cá nhân, nickname Nguyenminhly đã chia sẻ: "Tôi là con gái út trong gia đình có hai anh em. Anh trai đã lập gia đình, ở riêng và có con. Bố tôi mất mấy năm trước, hiện tại mẹ sống một mình. Bà tuổi đã cao, mắt rất kém lại không được minh mẫn, sức khỏe tuy không có vấn đề gì lớn ngoài những bệnh của tuổi già nhưng tôi vẫn không thấy yên tâm khi để mẹ sống một mình. Mẹ sống cùng anh chị cũng không thể bởi lý do từ cả hai bên. Tôi đã lấy chồng ở xa nên không thể chăm sóc mẹ thường xuyên được. Thuê người giúp việc nói thật lòng không yên tâm bởi nếu ở cùng ai đó còn được, đằng này chỉ có mình mẹ.

Tôi suy nghĩ rất nhiều, nảy ra một ý định nhưng vẫn dùng dằng chưa quyết được, lại không dám hỏi ý kiến ai khác, đó là đưa mẹ vào trung tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, người ta hay gọi là viện dưỡng lão. Tôi âm thầm tìm hiểu, được biết ở Việt Nam chưa có nơi nào thực sự được coi là viện dưỡng lão, chỉ là trung tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi mà thôi. Ở đó người già sẽ được chăm sóc đầy đủ và an toàn hơn ở nhà một mình, bất cứ lúc nào tôi cũng có thể đến thăm hoặc đón mẹ ra ngoài nếu muốn.

Tôi e ngại bởi quan niệm phương Đông từ ngàn đời nay coi việc đưa cha mẹ vào những nơi như thế là bất hiếu. Làm thế nào để thuyết phục mẹ không hiểu sai ý định của tôi? Mong nhận được đóng góp của các bạn về vấn đề này. Chân thành cảm ơn".

Có lẽ đây cũng chính là nỗi niềm của rất nhiều người con, vì nhiều lý do không thể tự mình chăm sóc bố mẹ già nên muốn gửi cho mẹ mình vào viện dưỡng lão để được an tâm nhưng lại sợ chính đấng thân sinh và xã hội đánh giá là bất hiếu.

Thiết nghĩ xu thế phát triển của xã hội cần giải phóng sức lao động, giải phóng tự do cá nhân nhưng không thể để mất đi nền tảng văn hóa, phai nhạt sự liên kết giữa các thành viên trong gia đình. Quá chăm chú vào phát triển kinh tế mà quên đi những tích cực của tình cảm là không thể chấp nhận được. Ngược lại nếu thiên về tình cảm không tạo điều kiện cho tri thức, khoa học thì quả là một quan điểm sai lầm. 

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm điều tra dư luận xã hội cho rằng:

Chúng ta nên cởi mở và có cái nhìn tích cực hơn trong việc con cái gửi cha mẹ vào viện dưỡng lão. Làm như vậy không thể đánh giá là con cái của những người đó bất hiếu, mà điều này thể hiện sự phát triển của một xã hội hiện đại khi chúng ta có quá nhiều việc để làm, quỹ thời gian được vận dụng tối đa. Những người đang trong độ tuổi lao động lại sống ở đô thị hầu hết đều rất bận rộn. Nếu để cha mẹ già ở nhà một mình thì con cái sẽ không thể yên tâm. Thế nên việc gửi cha mẹ mình vào các trung tâm chăm sóc sức khỏe người già là một việc làm phù hợp với xe thế. Tại đây, các cụ sẽ được chăm sóc một cách khoa học và bài bản, cũng đồng thời không phải chịu cảnh thui thủi một mình trong những ngôi nhà "lạnh ngắt". Tất nhiên việc này nên áp dụng với những gia đình không có điều kiện về thời gian để chăm sóc cha mẹ già chứ không nên áp dụng cho tất cả. Nếu có điều kiện thì việc duy trì cuộc sống tam đại, tứ đại đồng đường vẫn là sự lựa chọn số một.

Phong Anh
.
.
.