Xử lý đạo nhạc: Vẫn chỉ dựa vào sự tự trọng cá nhân?

Thứ Hai, 15/08/2016, 15:34
Đạo nhạc vẫn là một trong những nỗi nhức nhối ít lâu lại được xới lên trong đời sống nhạc Việt. Trong khi chúng ta vẫn còn đang lúng túng trong việc khẳng định và xử lý.


Nghi án đạo nhạc ngày càng tinh vi

Chưa đầy một ngày sau khi Sơn Tùng MTP ra mắt MV mới nhất với chiến dịch truyền thông quảng bá sản phẩm một cách hết sức rầm rộ, anh chàng ca sĩ trẻ đình đám này cùng ê-kip thực hiện đã vướng ngay vào nghi án đạo nhạc.

Lần này không phải giới chuyên môn mà chính các khán giả, những người yêu nhạc trẻ Việt Nam và nhạc quốc tế đã tố. Chẳng phải lần đầu tiên Sơn Tùng MTP bị tố có dính líu đến đạo nhạc.

Những chương trình nghệ thuật nghiêm túc luôn được công chúng đón nhận một cách trân trọng - hình ảnh Đức Tuấn trong dự án DVD Bài ca không quên.

Trước đó chưa lâu, chính Sơn Tùng MTP cũng đã bị dính nghi án đạo nhạc. Nghi án “đạo” lần ấy được cho là khá tinh vi vì nó không còn theo lối truyền thống là “chôm” một chút ca từ hay giai điệu của một tác phẩm đã ra đời trước đó vào trong ca khúc, mà cách đạo này không phải ai cũng có thể nhận ra.

Bản thân Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cũng hết sức tích cực trong việc lên tiếng cảnh báo việc đạo này, thậm chí để tăng thêm sức thuyết phục, Trung tâm đã tổ chức hẳn một hội đồng các nhạc sĩ có kinh nghiệm để bóc tẩy hành vi “đạo”. Khi ấy, nội dung mà Trung tâm “tố” ấy chính là đạo vòng hòa âm trong một ca khúc của Kpop.

Nhưng lần này, nội dung tố không phải của những nhạc sĩ, những nghệ sĩ âm nhạc chuyên nghiệp nữa mà là những khán giả trẻ, những người hiểu biết về nhạc trẻ thế giới. Theo những gì họ tố thì đây có thể coi là một “tổ hợp các loại đạo” khi thấy bóng dáng của vòng hòa âm một chút của bài này, thấy một chút câu mở đầu của bài khác.

Không chỉ dừng lại ở âm nhạc, ngay cả phần hình ảnh trong MV cũng thấy có mối liên quan tới nhiều MV đình đám làng nhạc quốc tế cũng như châu Á, nhưng điều khiến người ta chú ý là sự tương quan ấy không nhiều nếu chỉ đem so với một MV ra đời trước đó, mà lại thấy ở mỗi bài một chút.

Trong khi, số lượng những bài quốc tế đã được liệt kê là có mối tương đồng với một phần nào đó trong hình ảnh của MV thì phải kể tới cả một danh sách. 

Có vẻ như lần này giới nhạc chuyên nghiệp đã không còn nhiệt huyết như lần trước, chẳng mấy ai lên tiếng, sự “tố” này phó mặc cho chính những khán giả thuộc thế hệ trẻ.

Có thể một phần nguyên nhân của sự im tiếng - như thầy giáo trẻ Trần Quốc Anh ở Hà Nội đặt ra nghi vấn trong một bài viết trên trang cá nhân của mình đại ý đây chính là “bài” truyền thông để tạo “bão” đẩy ca khúc lên hit mới, phá vỡ mọi kỷ lục của nhạc trẻ đã có trước đó. Không biết đúng sai thế nào nhưng rõ ràng, MV mới đang là tâm điểm của nghi án “đạo” cả nhạc và ý tưởng, hình ảnh này đã lên tới con số trên 4 triệu lượt xem chỉ trong có vài ngày đầu ra mắt.

Có thể một phần nữa, trong khi, những người lên tiếng có thể sẽ còn là tâm bão cho những fan cuồng của ca sĩ bị lên án đưa ra làm cái bia đỡ đạn để rồi thay nhau xối xả trút giận thay cho thần tượng của mình bằng những lời lẽ đầy cảm tính, đương nhiên thiếu cơ sở chuyên môn và thậm chí hết sức thiếu văn hóa.

Không phải giới hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp sợ những đợt “bão” thiếu căn cứ đó mà có thể do chính bởi họ đã chán với sự lên tiếng khi sau đó đâu vẫn vào đấy, không ai phải chịu trách nhiệm, tất cả lại “hòa cả làng”.

Loay hoay không có cách xử lý

Tại sao lại có chuyện bị tố đạo nhạc, nhưng tất cả chỉ dừng lại ở cụm từ đúng mực nhất là “nghi án” và các đối tượng tình nghi thì vẫn bình an vô sự, thậm chí tên tuổi còn trở nên hot hơn nhờ cú đòn bẩy nghi án đạo nhạc? Vấn đề ở đây là chúng ta chưa có văn bản pháp lý nào quy định rõ ràng liên quan trực tiếp đến vấn đề đạo nhạc.

Còn nhớ nhiều năm trước đây, khi đạo nhạc mới chỉ dừng ở mức đạo giai điệu, lời ca, tức là mức hết sức đơn giản, dễ phát hiện và bằng chứng có thể sẽ hiện ra rành rành trước mắt nhưng hầu như những vụ phanh phui chỉ khi tác giả đã copy gần hết hoặc toàn bộ phần giai điệu của một bài hát nước ngoài đặt lời Việt và khi đưa ra công chúng thì quên hoàn toàn tên tác giả giai điệu để chỉ một mình mình đứng tên ở phần tác giả.

Chuyện này từng xảy ra cách đây hơn mười năm với một nhạc sĩ khi ấy rất nổi tiếng ở TP Hồ Chí Minh, xa hơn nữa là từ vài thập niên trước, người ta chỉ phát hiện một nhạc sĩ đạo một tác phẩm nước ngoài để sáng tác ca khúc ca ngợi một lãnh tụ khi tác phẩm ấy tham dự cuộc thi sáng tác ca khúc quy mô và đoạt giải. Còn trước đó, ca khúc đã rất phổ biến trong quần chúng nhân dân…

Trong khi, những vụ đạo một phần giai điệu, một phần lời ca hay sự ảnh hưởng na ná một bài nào đó trong toàn bộ tác phẩm thì hầu như không mấy khi được xử lý. Lý do không bị xử lý lại hết sức đáng ngạc nhiên là bởi hiện tại chưa có văn bản pháp lý nào quy định về đạo nhạc.

Còn nhớ trước đây cũng đã từng có những nhạc sĩ chia sẻ rằng nếu trong một tác phẩm có từ 8-12 nốt nhạc liên tiếp giống với một tác phẩm ra đời trước đó thì bị coi là đạo nhạc.

Tuy nhiên, vẻ như cơ quan ra quyết định này (nếu có) chưa đủ thẩm quyền để quyết định có thể đi vào đời sống. Trong khi muốn xử lý nhất thiết phải có nó, từ đó người ta sẽ dựa vào cơ sở thế nào là đạo nhạc, giai điệu, hòa âm, tiết tấu, lời ca… khi nào thì bị coi là đạo nhạc.

Đồng thời nếu chiếu theo những điều đã quy định mà ra được kết quả là đạo nhạc thì cách thức xử lý như thế nào, các mức độ đạo nhạc tương ứng với mức xử lý ra làm sao? Mức độ nhẹ nhất là gì và nặng nhất là gì? Tất cả cần phải được quy định rõ ràng, rành mạch và phải được liên tục bổ sung theo thời gian cùng sự phát triển của đời sống ca nhạc.

Phó mặc ý thức cá nhân

Tuy nhiên, cần phải phân định rõ ở đây là thế nào là sự ảnh hưởng và thế nào là đạo nhạc. Bởi lẽ bản chất của nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng là sáng tạo. Mọi sự sáng tạo đều đáng được trân trọng cho dù nó được chấp nhận hay chưa được chấp nhận ngay khi nó ra đời.

Sự sáng tạo luôn chứa trong đó những hạt nhân làm đẹp thêm cho đời sống tâm hồn của con người. Đồng thời, sự sáng tạo phải được kết nối từ truyền thống cho tới hiện tại và có thể cả tương lai.

Vì thế, một sáng tạo đương nhiên không thể của một cá nhân có thể tạo ra mà nó là một phần nối tiếp những gì đã có từ trước. Nói như thế có nghĩa là ở góc độ nào đó, khi sáng tác một tác phẩm âm nhạc, người nhạc sĩ đã không phải là chủ thể sáng tạo duy nhất, vì họ phải sáng tác dựa trên cơ sở của những gì đã có từ trước đó, chẳng hạn ngôn ngữ, nốt nhạc, điệu thức...

Song đó chỉ là những thứ cơ bản, là phương tiện để truyền tải thông điệp và cảm xúc âm nhạc của người nhạc sĩ, đó mới là sáng tạo nghệ thuật thực sự mang dấu ấn cá nhân.

Và khi đó, đương nhiên không thể có chuyện được lặp lại một cách quá đáng với một tác phẩm hoặc một phần tác phẩm đã ra đời trước đó. Sự cóp nhặt, lệ thuộc những dấu ấn cá nhân của người khác để hoàn thiện một tác phẩm âm nhạc của mình là điều luôn bị lên án.

Tuy nhiên, một khi chưa có một văn bản pháp lý có hiệu lực mà tất cả chỉ là nói với nhau bằng miệng thì cũng khó có thể ngăn chặn được hiện tượng đạo nhạc.

Cho nên, một trong những giải pháp nhằm hạn chế hiện tượng đạo nhạc, dù hết sức mong manh, ấy là rất cần sự ý thức của chính những người tham gia hoạt động sáng tác âm nhạc và cả những người nằm trong “guồng máy” của đời sống showbiz hãy tự giác và nói không với đạo nhạc.

Đồng thời, phương pháp hữu hiệu hơn là cần cộng đồng xã hội thẳng thắn lên án, cần sự tham gia tích cực vì một môi trường âm nhạc lành mạnh của những nghệ sĩ có uy tín thông qua tiếng nói nhằm tác động đến công chúng và bản thân những nghệ sĩ có dấu hiệu đạo nhạc. Tin rằng, sự lên án sẽ có tác dụng tốt nhằm đánh vào lòng tự trọng của mỗi nghệ sĩ.

Sự lên án sẽ như một hàng rào bảo vệ quyền tác phẩm đã ra đời trước đó và bảo vệ quyền lợi của chính người nghe. Nói rõ hơn, việc lên án đạo nhạc góp phần tạo sự phát triển lành mạnh cho đời sống âm nhạc, đáp ứng nhu cầu cung cấp những tác phẩm có giá trị của công chúng.

Bởi lẽ, một khi đạo nhạc còn diễn ra và diễn ra ngày một tinh vi hơn thì sẽ chỉ làm cho đời sống của chúng ta thụt lùi về mặt thẩm mỹ nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng mà thôi.

Long Nguyễn
.
.
.