Để lại

Thứ Sáu, 13/03/2020, 08:23
Qua các phương tiện thông tin đại chúng, đã có nhiều bài viết về các tỷ phú nổi tiếng trên thế giới, có rất nhiều người quan tâm đến khối tài sản khổng lồ của họ và không biết họ làm gì cho hết khối tài sản đó trước khi chết, họ xử lý khối tài sản đó ra sao.

Theo lẽ thường thì những người làm cha làm mẹ, khi qua đời thường để lại tài sản cho con, nhưng đối với nhiều tỷ phú, sự việc không phải như vậy, có lẽ vì họ quá biết rằng, những đồng tiền có được mà không do sức lao động của mình bỏ ra thì người có nó sẽ không biết coi trọng đồng tiền. 

Tôi rất tâm đắc với câu nói của tỷ phú Hong Kong Yu Pang - Lin vừa qua đời ở tuổi 93, để lại di chúc hiến toàn bộ tài sản trị giá khoảng 2 tỉ USD cho hoạt động từ thiện. “Nếu các con tôi giỏi hơn tôi thì chẳng cần phải để nhiều tiền cho chúng. Nếu chúng kém cỏi thì có nhiều tiền cũng chỉ có hại cho chúng mà thôi”. 

Ảnh minh họa.

Và người giàu nhất thế giới - tỷ phú Bill Gates - thì từng tuyên bố rằng: sẽ chỉ để lại cho con 0,05% tổng tài sản kếch xù của mình. Báo chí hỏi tại sao lại như vậy, ông trả lời đại ý: Con tôi là con người, mà đã là con người thì phải tự kiếm sống, không chỉ kiếm sống để phục vụ chính bản thân mình mà còn phải góp phần thúc đẩy xã hội. Đã là con người thì phải lao động. Tại sao tôi phải cho con tiền?. 

Qua lời nói và việc làm của các tỷ phú, chúng ta thấy một điều rằng, chính họ đã rất tin tưởng vào con mình và điều đặc biệt là họ quý trọng sự lao động, tính tự lập của các con. Chỉ có lao động bằng chính tâm và tài của mình để đem lại của cải vật chất thì cuộc sống mới thực sự có ý nghĩa.

Có câu chuyện vui rằng, có một anh khoe với bạn mình rằng: “Tôi rất giàu có vì tôi đang sở hữu hơn mười căn biệt thự mặt phố và những chiếc xe hơi đắt tiền”. Anh bạn kia nghe xong cười khẩy mà rằng: “Ông làm sao giàu bằng tôi, vì tôi đang nuôi hai đứa con trai bị nghiện mười năm nay rồi”. 

Mặc dù chỉ là câu chuyện vui nhưng bi kịch đó là có thật, những người cha người mẹ một là đã quá lo lắng cho con không đúng cách nên đã vô hình trung không tin tưởng con và đã làm hại con, nuôi nấng, bao bọc biến con mình thành những cậu “em chã” và chính những cậu “em chã” đó sau này thực sự là gánh nặng cho xã hội. 

Đã có một thời gian dài, trong dân chúng thường rộ lên câu hỏi: “Đồng chí ấy là con đồng chí nào?”. Không những cho con nhiều tiền mà còn trải thảm đỏ cho con cái đường quan lộ, may cho con những chiếc áo rộng quá khổ để nó luôn phải gồng mình lên cho vừa chiếc áo bố mẹ sắm cho thì thực là khổ.

Bi kịch của người lớn là luôn nhìn những người ít tuổi hơn mình là còn trẻ con và còn non nớt. Điều đó hình như đã hằn sâu vào trong tiềm thức nên khi tiếp xúc với một người trẻ mà đã giữ một vị trí quan trọng thì thường trực trong đầu câu hỏi: “Đồng chí ấy là con đồng chí nào?”. Khi đã bị định kiến, thiên kiến thì cái nhìn cũng sẽ không được công tâm và chuẩn xác.

Đa số tỷ phú làm ăn chân chính và quan tham giống nhau ở chỗ là họ có rất nhiều tiền, nhưng tỷ phú khác quan tham là họ quý trọng đồng tiền do họ làm ra và mục tiêu kiếm tiền của họ không chỉ để làm giàu cho riêng mình, cho riêng gia đình mình, riêng dòng họ mình, mà sự giàu có của họ đã là sự đóng góp cho xã hội tốt, còn quan tham thì ngược lại. Xuất phát từ cái giống và cái khác đó, suy ra cái mà họ để lại cho hậu thế cũng sẽ khác nhau.

Nguyễn Thế Hùng
.
.
.