Xử lý một công trình sai phạm mà khó thế sao?

Chủ Nhật, 08/03/2020, 11:28
Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa Lê Thị Thu Hiền lại vừa phải ký công văn gửi Sở Văn hóa-Thể thao & Du lịch tỉnh Hà Giang về xử lý công trình Panorama xây dựng trên đèo Mã Pì Lèng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.


Tại văn bản này, lãnh đạo Cục Di sản Văn hóa nhắc lại, ngày 14/10/2019, Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch có Công văn gửi UBND tỉnh Hà Giang về việc đề nghị xử lý công trình Panorama xây dựng trên đèo Mã Pì Lèng, huyện Mèo Vạc.

Một trong những đề nghị đối với UBND tỉnh Hà Giang có việc "… chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý các sai phạm theo đúng quy định của pháp luật; tham vấn ý kiến chuyên gia để có giải pháp khắc phục phù hợp theo hướng: cải tạo, chỉnh trang thành điểm dừng chân ngắm cảnh cho khách du lịch với quy mô, kiến trúc phù hợp, không làm ảnh hưởng đến tầm nhìn toàn cảnh, đảm bảo an toàn, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, không gây tác động tiêu cực đến môi trường, phù hợp với bản sắc văn hóa truyền thống đồng bào các dân tộc ở Hà Giang …".

Cần phải nhắc lại rằng nhà nghỉ Mã Pì Lèng Panorama gồm 7 tầng với kết cấu bê tông cốt thép, được xây trên đèo Mã Pì Lèng từ năm 2018, đưa vào sử dụng đầu 2019. Công trình có 5 ban công lớn nhìn thẳng xuống sông Nho Quế và hẻm Tu Sản. Tuy nhiên, cho tới khi đưa vào khai thác, công trình này vẫn chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép đầu tư và cấp phép xây dựng.

Ngày 14-10-2019, công văn do Thứ trưởng Bộ Văn hoá-Thể thao & Du lịch Trịnh Thị Thủy ký cũng nhận định, mặc dù công trình Panorama được xây dựng ngoài khu vực bảo vệ II của danh lam thắng cảnh Mã Pì Lèng nhưng lại nằm trong công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO ghi danh, thuộc vùng quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt.

Đồ án quy hoạch xây dựng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá quy định "hạn chế xây dựng mới, chỉ xây dựng các công trình an ninh quốc phòng, phục vụ du lịch, công trình thiết yếu. Độ cao của công trình khống chế từ 1-3 tầng".

Công trình này cũng vi phạm Điều 36 Luật Di sản Văn hóa, theo đó công trình nằm ngoài phạm quy quy định tại điều 32, nhưng có khả năng ảnh hưởng tới cảnh quan thiên nhiên và môi trường, sinh thái của di tích cần phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch, cụ thể ở đây là Bộ VH-TT&DL.

Thực tế địa phương không xin ý kiến thẩm định của Bộ. Lãnh đạo Bộ cũng khẳng định công trình này "không thực hiện mục tiêu bảo vệ và phát huy giá trị danh lam thắng cảnh công viên cao nguyên đá Đồng Văn".

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBNB tỉnh Hà Giang đã nêu rõ: Quan điểm và phương hướng giải quyết vấn đề này, UBND tỉnh Hà Giang không bao che sai phạm và kiên quyết xử lý nghiêm khắc các tổ chức, cá nhân có liên quan; đồng thời khắc phục những sai phạm trong xây dựng công trình nhà nghỉ, nhà hàng Panorama tại khu vực Mã Pì Lèng theo đúng các quy định của pháp luật.

Đặc biệt, đối với các vấn đề xác định ảnh hưởng cảnh quan, môi trường, UBND tỉnh Hà Giang báo cáo xin ý kiến của Bộ Văn hóa- Thể thao & Du lịch và mời các chuyên gia đánh giá giúp, làm cơ sở để xử lý các vi phạm theo quy định.

Theo các chuyên gia về kiến trúc và quy hoạch, công trình nhà hàng, nhà nghỉ Mã Pí Lèng Panorama nằm ngoài vùng bảo vệ di sản nhưng rất phản cảm và ảnh hưởng trực tiếp tới không gian vùng di sản. Việc xây dựng công trình này đã xâm phạm di sản ở một vị trí nhạy cảm thì các sở, ngành của tỉnh Hà Giang phải chịu trách nhiệm và có biện pháp xử lý triệt để sai phạm.

Tuy nhiên, đến nay, đã hơn 4 tháng trôi qua, tỉnh Hà Giang vẫn chưa có báo cáo về phương án xử lý vấn đề nêu trên. "Cục Di sản văn hóa đề nghị Sở Văn hóa- Thể thao & Du lịch tỉnh Hà Giang khẩn trương phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh Hà Giang có văn bản gửi Bộ Văn hóa- Thể thao & Du lịch về việc xử lý công trình Panorama xây dựng trên đèo Mã Pì Lèng để danh lam thắng cảnh quốc gia Mã Pì Lèng được bảo vệ và phát huy giá trị theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa và các quy định pháp luật khác có liên quan", văn bản của Cục Di sản văn hoá nêu.

Trả lời báo chí, một lãnh đạo huyện Mèo Vạc nói rằng vẫn đang chờ các sở thống nhất phương án để điều chỉnh. Hiện, chủ đầu tư của công trình vẫn mở cửa phục vụ khách check-in.

Thực tế này khiến dư luận phải đặt câu hỏi, phải chăng vì có chuyện "tế nhị" đằng sau nên việc xử lý một công trình vi phạm lại "khó khăn" đến như vậy?

Tân Lương
.
.
.