Xử nghiêm các đối tượng lập hồ sơ giả mạo để hưởng chính sách người có công

Thứ Tư, 31/05/2017, 19:00
Tình trạng khai man hồ sơ hòng hưởng sai chính sách đã trở thành vấn nạn từ nhiều năm qua, khiến dư luận bất bình. Với nỗ lực của người dân và các cơ quan chức năng, nhiều đối tượng hưởng sai đã bị cắt trợ cấp, thu hồi hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên công tác này vẫn đòi hỏi cơ quan có trách nhiệm phải xử lý dứt điểm, trả lại giá trị cho một chính sách nhân văn.


1. Chỉ cần nhìn vào con số mà Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB và XH) thống kê còn tới hơn 4.400 hồ sơ tồn đọng chờ giải quyết chính sách, và nghịch lý lại xảy ra hàng nghìn đối tượng hưởng sai chính sách, với hàng trăm tỷ đồng, gây thâm hụt ngân sách Nhà nước, chúng ta sẽ nhận thấy những bất công khi không ít kẻ đã “ăn” vào cả quỹ đền ơn đáp nghĩa. Họ không là thương binh nhưng khai man hồ sơ để hưởng lợi.

Họ “chạy” để được là thương binh, là thanh niên xung phong rồi tiếp tục “chạy” cho nhiều người khác. Họ không phải là con của người nhiễm chất độc da cam chiến đấu trong vùng nhiễm độc, nhưng tìm mọi cách để được hưởng chế độ. Vì sao có hiện tượng này? Xin thưa, đó là lòng tham, là sự thiếu hụt nghiêm trọng lòng tự trọng. Là một sự giả dối, lừa đảo, lợi dụng lòng tốt và tính nhân văn của dân tộc.

Lãnh đạo Hội cựu TNXP huyện Tân Yên (Bắc Giang) bàn bạc phương hướng khắc phục hậu quả trong công tác hội.

Ông Tạ Vân Thiều, nguyên Phó Cục trưởng Cục Người có công (Bộ LĐ,TB và XH) thật có lý khi cho rằng, vấn đề người có công là di sản văn hóa tinh thần của Đảng và dân tộc ta. Tôn vinh người có công chính là vinh danh những thành tựu của dân tộc, mồ hôi, công sức và cả máu xương của cha ông đã đổ xuống để có nền độc lập như hôm nay.

Người có công lao thật sự, sẽ không thể bị lãng quên. Cương lĩnh xây dựng đất nước năm 1991 chỉ rõ: Không chờ kinh tế phát triển cao mới giải quyết các vấn đề xã hội mà ngay suốt quá trình phát triển, tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội.

Từ năm 2005, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công, trong đó quy định về đối tượng, điều kiện, tiêu chuẩn và chế độ ưu đãi được bổ sung phù hợp với thời kỳ mới.

Năm 2007, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều về ưu đãi người có công với cách mạng. Theo đó người có công với cách mạng đã mất mà chưa được hưởng chế độ thì thân nhân sẽ được hưởng ưu đãi một lần.

Đến nay rất nhiều văn bản về chính sách người có công cũng được điều chỉnh, ban hành nhằm hỗ trợ tốt nhất, kịp thời nhất. Tuy nhiên công tác đền ơn đáp nghĩa vẫn chưa làm tốt và đầy đủ để người có công được hưởng sự tri ân, mà ngược lại đã tạo kẽ hở cho những kẻ lợi dụng trục lợi.

2. Từ năm 2008 đến 2013, qua công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát trong phạm vi toàn quốc, tổng số đối tượng bị đình chỉ trợ cấp là 7.085 người. Những địa phương có nhiều người bị đình chỉ trợ cấp là Bắc Ninh 1.037 người, Bắc Giang 842 người, Thái Nguyên 785 người, Ninh Bình 342 người…

Năm 2015, tổng số hồ sơ thương binh được kiểm tra tại bốn tỉnh và hai quân khu là 11.757, qua kiểm tra phát hiện 1.947 hồ sơ sai sót hoặc nghi vấn sai sót (chiếm tỷ lệ 16,6%).

Hồ sơ thương binh được làm giả hết sức tinh vi.

Năm 2016, thanh tra lĩnh vực xác lập, xét duyệt hồ sơ thương binh do Quân đội thực hiện tại Thái Nguyên và Kon Tum, qua kiểm tra 55.628 hồ sơ, phát hiện 11.891 hồ sơ sai sót hoặc cần xác minh bổ sung, trong đó đề nghị đình chỉ trợ cấp đối với 760 đối tượng.

Đối với hồ sơ thương binh, tổng số hồ sơ được kiểm tra tại một tỉnh và hai quân khu là 43.841, qua kiểm tra phát hiện 6.971 hồ sơ sai sót hoặc nghi vấn sai sót (chiếm tỷ lệ 15,9%), trong đó, đã xác định 229 hồ sơ bị đình chỉ trợ cấp (chưa tính những trường hợp hồ sơ có nghi vấn giả mạo đang trưng cầu giám định kỹ thuật hình sự và những trường hợp gửi xác minh tại đơn vị cấp sao danh sách quân nhân bị thương), kiến nghị thu hồi ngân sách Nhà nước số tiền trên 18,7 tỷ đồng.

Tổng hợp kết quả giám định và kết quả xác minh, kiến nghị biện pháp xử lý tiếp theo tại Quân khu 5 (đã thanh tra năm 2015), phát hiện 531 hồ sơ sai sót bị đình chỉ trợ cấp. Thanh tra Bộ đang trình lãnh đạo Bộ ban hành văn bản xử lý sau thanh tra, kiến nghị thu hồi ngân sách Nhà nước tổng số tiền là 50 tỷ đồng.

Đối với hồ sơ hưởng trợ cấp người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học, kiểm tra 11.787 hồ sơ tại Thái Nguyên và Kon Tum, trong đó phát hiện 4.920 hồ sơ sai sót phải đình chỉ trợ cấp hoặc cần tiến hành xác minh bổ sung (chiếm tỷ lệ 41,7%).

Một số sai phạm chủ yếu: Không có bệnh án điều trị hoặc không có quá trình điều trị bệnh tật liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học tại bệnh viện; hồ sơ tẩy xóa, không có chữ ký của đối tượng, năm tháng không khớp nhau giữa các giấy tờ trong hồ sơ; giấy tờ thiếu số, ngày tháng; mâu thuẫn về trình tự xác lập hồ sơ; bệnh án (bản sao) lưu trong hồ sơ hưởng chế độ là bệnh án giả, không phải do bệnh viện cấp; không sinh con bị dị dạng, dị tật vẫn xác nhận có con dị dạng, dị tật hoặc xác nhận dị dạng, dị tật bẩm sinh do nhiễm chất độc hóa học khi chưa có danh mục quy định của Bộ Y tế; không có giấy tờ gốc chứng minh có tham gia tại vùng mà quân đội Mỹ đã sử dụng chất độc hoá học trong chiến tranh Việt Nam; quyết định mức hưởng trợ cấp không đúng quy định.

Theo Thanh tra Bộ LĐ, TB và XH, hồ sơ sai phạm, làm giả giấy tờ tập trung ở nhiều dạng: Người làm chứng không đủ điều kiện làm chứng, hoặc giả mạo người làm chứng; tẩy sửa, ghi thêm nội dung vào giấy tờ gốc; tự chế ra con dấu giả đóng vào hồ sơ; giấy tờ gốc làm căn cứ xác lập hồ sơ nhưng không bảo đảm tính pháp lý…

Chưa hết, khi các cơ quan chức năng làm chặt chẽ hơn, đối tượng giả mạo hồ sơ nghĩ ra cách di chuyển hồ sơ từ phía Bắc vào phía Nam, rồi hợp thức hóa hồ sơ tại nơi chuyển đến. Nhận thấy mức độ phức tạp của sự việc, Thanh tra Bộ LĐ,TB và XH đã tiến hành rà soát các hồ sơ đi - đến giữa các tỉnh, thành trên phạm vi toàn quốc và đã phát hiện 331 hồ sơ giả mạo. Qua khảo sát, mỗi bộ hồ sơ giả, đối tượng được hưởng chế độ phải nộp chi phí cho người làm giả số tiền từ 30 đến 60 triệu đồng.

3. Ngay từ năm 2010, làm việc với các đơn vị chức năng của Bộ LĐ,TB và XH, chúng tôi đã chỉ ra từ Pháp lệnh ưu đãi đối với người có công đã có nhiều điểm chưa hợp lý và đã nhiều lần được sửa đổi, bổ sung.

Thế nhưng đến nay, Cục Người có công, Thanh tra Bộ vẫn cho biết hệ thống văn bản chồng chéo, có một số điểm mâu thuẫn nhau; một số quy định chưa sát thực tiễn khiến việc triển khai gặp khó khăn như chế độ đối với người hoạt động kháng chiến, hỗ trợ nhà ở, thủ tục, hồ sơ hưởng trợ cấp.

Chính sách hỗ trợ cần được đến đúng tay người có công.

 Không ít chuyên gia cho rằng, thực tế đang đặt lên vai những người làm chính sách trách nhiệm nặng nề, bởi ưu đãi người có công với cách mạng không chỉ mang tính tư tưởng, tình cảm và xã hội sâu sắc, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” đối với những người đã cống hiến, hy sinh cho Tổ quốc, mà còn là nhiệm vụ chính trị quan trọng.

Bởi vậy ông Nguyễn Kim Triều - Phó Giám đốc Sở LĐ, TB và XH Bắc Ninh cho biết: “Chúng ta phải xốc lại quản lý, bảo đảm chặt chẽ hơn quy trình xét hồ sơ. Ngay từ các xã, việc kết nạp hội viên hết sức lỏng lẻo, chỉ cần hai người giới thiệu và làm chứng nhận là được.

Trong thiết lập hồ sơ, UBND xã tin tưởng với đề xuất của các ban liên lạc và hội đồng chính sách xã, hồ sơ được ký rất dễ. Hồ sơ tiếp tục được gửi lên cấp cao hơn. Con đường đó khiến các đối tượng “lách luật” nhằm hưởng chính sách ưu đãi rất dễ dàng...”

Một lần nữa, Bộ trưởng LĐ, TB và XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: “Chúng ta cần vào cuộc quyết liệt để giải quyết căn bản vấn đề hồ sơ tồn đọng, không để nợ người dân câu trả lời, không để người dân chờ đợi bao năm chỉ vì những vướng mắc về cơ chế xử lý hồ sơ”.

Năm nào cũng có những đối tượng làm giả hồ sơ bị hầu tòa, các đường dây bị bóc gỡ. Để bảo đảm công bằng, người có công thật sự được hưởng ưu đãi, các cơ quan làm chính sách cần có những biện pháp phù hợp nhanh chóng khắc phục hậu quả.

Cùng với các chính sách của cơ quan chức năng, chính quyền các cấp, thì theo ông Nguyễn Tiến Tùng, Chánh Thanh tra Bộ LĐ,TB và XH cho rằng, về những vi phạm phải xử lý nghiêm, như đã xử lý không ít cán bộ làm chính sách vi phạm, không có chuyện xử lý nội bộ. Cùng với đó là tuyên truyền văn hóa tự trọng, để người không có công không nên lợi dụng hưởng lợi.

Nguyễn Văn Học
.
.
.