Xuân về trên Hòn Nồm

Thứ Hai, 03/02/2020, 14:54
Với gia đình "chúa đảo" Vương Ngọc Ánh (Sáu Ánh) thì Tết về trên đảo là khi chiếc tàu nhỏ neo bên ghềnh đá nghỉ ngơi sau một năm mệt nhoài trên cánh sóng, là những bữa cơm quây quần bên bếp lửa nướng các loại đặc sản của biển và ăn trái cây vườn nhà...


Tết bình yên trên đảo

Hòn Nồm (xã An Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang) những ngày đầu Xuân, gió dịu dàng len vào mạn thuyền, đưa vị mặn mòi của biển cả về đảo đón Tết. Cư dân Hòn Nồm chỉ có 21 người, đều là con cháu của ông Sáu Ánh sau hơn nửa thế kỷ ở đảo.

Những người con của ông Sáu Ánh đều sinh ra lớn lên ở đảo, vì đảo xa nên con chữ cũng xa vời. Họ chấp nhận và gắn cả cuộc đời trên đảo cùng với cha mẹ. Cả trai lẫn gái đều trở thành những "sói biển" cừ khôi của đại dương.  

Ngày xuân ở Hòn Nồm những chiếc tàu đánh cá vẫn ra khơi.

Tết về trên đảo cũng như bao ngày bình yên khác, chỉ có sóng dội vào bờ đá. "Sói biển" Vương Hồng Thắm đón chúng tôi bằng một nụ cười cởi mở. Những ngày Xuân, là mùa cao điểm đánh bắt cá xương xanh nên Hồng Thắm vẫn đi biển, thậm chí vất vả hơn ngày bình thường. Đây chính là nghề chính và nguồn thu nhập chủ yếu của gia tộc Sáu Ánh ở Hòn Nồm.  

Khu vực xung quanh Hòn Nồm là ngư trường của loài cá xương xanh, một loài đặc sản nổi tiếng chỉ có ở vùng biển Tây Nam. Cá xương xanh còn có tên gọi khác là cá nhái hoặc cá liềng kiềng biển. Cá xương xanh có quanh năm nhưng dồi dào nhất là qua mùa xuân, từ tháng 2 đến tháng 5 vào thời điểm biển lặng. Chúng sống theo bầy đàn, len lỏi trong các ghềnh đá, ở độ sâu hơn một mét. Đánh cá xương xanh thì phải đánh theo con nước, thường là con nước lớn mới trúng đậm.

Nghề này không đòi hỏi nhiều vốn và ngư cụ hiện đại mà chỉ cần sự bền bỉ cùng kinh nghiệm con nước. Thu nhập của nghề cá xương xanh không hề thua kém việc đi đánh bắt cá xa bờ với các tàu công suất lớn nên các kình ngư nhà ông Sáu Ánh đã chuyển hẳn sang việc đánh loài cá này.

Kình ngư Hồng Thắm sở hữu nước da nâu sòng, khỏe khoắn, nhanh nhạy, nhiều kinh nghiệm nên mỗi ngày bà có thể đánh chục mẻ lưới, thu về cả tạ cá xương xanh. Loài cá này là đặc sản của biển Tây Nam, bất cứ ai đã ra đảo mà không ăn thử món cá xương xanh thì xem như chưa từng đến đây.

Nếu đặt chân tới Hòn Nồm thì phải ăn cá xương xanh ngay trên bếp lửa ngoài bờ biển hoặc dưới rặng dừa nhà "chúa đảo" Sáu Ánh. Đó là những lời truyền tụng mà dân vạn chài kháo nhau.

"Sống ở đảo mọi người chỉ cầu mong cho mình có sức khỏe, còn tiền bạc chỉ là phù du, cát bụi mà thôi. Chúng tôi quý cái tình người và thèm tiếng người, lúc nào cũng mong có bạn về đảo trò chuyện. Tôi và các anh chị em, bây giờ giờ có cả đời cháu chắt nữa đều có suy nghĩ như vậy. Tâm hồn chúng tôi đơn sơ như con tôm con cá và dại khờ như hàng dừa trước đảo", bà Thắm bộc bạch.  

Hồng Thắm trở thành "rái biển" từ năm lên 7 tuổi. Bà theo cha lênh đênh khắp các vùng biển Tây Nam, quăng chài bắt cá, đoán thời tiết chuyển mùa, nhận diện từng đợt gió mùa. Tuổi trẻ và thanh xuân của đời con gái gắn liền với con sóng và những luồng cá của đại dương. Nghề biển đã trở thành ký ức mặn mòi và lẽ sống duy nhất của "sói biển" Hồng Thắm. Cả đời gắn với biển, bà Hồng Thắm rắn rỏi như cánh đàn ông lực điền.

Bữa cơm quây quần trên đảo nhỏ.

Đời sống ở Hòn Nồm cùng kinh nghiệm đi biển trên 4 thập kỷ đã dạy cho bà biết nhìn mây, nhìn gió, nhìn trăng, nhìn sao, nhìn nước để đoán thời tiết. Khi nào mây đen đóng cục là trời sắp mưa, mây thổi xé gió biết gió từ cấp 5 trở lên, mây nằm gió thổi mạnh là có dông lốc. Sao Bắc đẩu ở phía Bắc, sao Chữ thập ở phía Nam, nhìn sao là đoán được hướng về đảo, dù thuyền đang bồng bềnh vô định trên biển.

Đi biển bằng giác quan và sự nhạy cảm của tâm hồn, bà Hồng Thắm chưa bao giờ cần đến phương tiện hiện đại như bộ đàm hoặc định vị. Bao nhiêu chuyến vươn khơi, dù có đôi lần dông bão đánh lạc hướng con tàu, sóng biển "vồ" sập mạn thuyền nhưng Hồng Thắm vẫn tỉnh táo lèo lái phương tiện đánh cá về đúng hướng đảo, cập bờ an toàn.

"Dường như đàn bà đi biển luôn được thần linh phù trợ, chở che bao bọc nên rất ít khi gặp bất trắc. Có lần thuyền bị sóng đánh cho vỡ mạn, nước tràn vô khoang nhưng tôi vẫn bẻ lái về tới đảo mới bị chìm. Về tới nhà mới thấy điều kỳ diệu", bà Thắm kể.

Tạ nghĩa với đại dương

Với gia đình "chúa đảo" Vương Ngọc Ánh thì Tết về trên đảo là khi chiếc tàu nhỏ neo bên ghềnh đá nghỉ ngơi sau một năm mệt nhoài trên cánh sóng, là những bữa cơm quây quần bên bếp lửa nướng các loại đặc sản của biển và ăn trái cây vườn nhà. Sau ngày mồng Một Tết, "rái biển" Hồng Thắm lại một mình ra biển tìm kiếm con cua con ghẹ nhưng mục đích chính là để thỏa thê với biển, cho vơi bớt nỗi nhớ.

Bà Hồng Thắm cho biết, nếu một ngày không còn nghe tiếng sóng vỗ bên bờ đá và tiếng gió biển hắt vào gian bếp nhỏ của căn nhà giữa đảo là ngày đó bà cảm thấy như thiếu vắng đi một điều quan trọng nhất. Chính vì thế mà bà rất hiếm khi vào đất liền, nếu có thì cũng chỉ một ngày là phải về đảo. Nỗi nhớ đảo nó chòng chành, lao xao như người say sóng, lòng cứ dội lên khó tả lắm.      

Ở đất liền người người đi du xuân ngắm cảnh khắp nơi, số khác thì đi chùa chiền, miếu mạo cầu bình an, hạnh phúc còn ở Hòn Nồm này, Tết vẫn chỉ có sóng, gió và nước. Con người gặp nhau là điều xa xỉ. 

Cả đời quăng chài đánh cá, ước mong duy nhất của "sói biển" Hòn Nồm chỉ mong cho mẹ biển bao dung, chở che và bao bọc cho những phận đời đã chấp nhận nương nhờ nơi đảo nhỏ này. Mọi buồn vui cuộc đời đều gắn liền với những lành dữ của biển khơi.

"Sói biển" Hồng Thắm cả đời gắn bó với biển cả.

Vương Hồng Thắm và Vương Hồng Loan, những người đàn bà đã nguyện ký thác cuộc đời với sóng biển, với tiếng ve rừng, tiếng gọi gà xa vắng... 50 mùa xuân trên đảo nhỏ, khi những người anh chị em lần lượt có gia đình, sinh con đẻ cái thì "sói biển" Hồng Thắm vẫn lẻ bóng. Niềm vui của bà là mỗi ngày được đứng trên mũi tàu bẻ lái vươn khơi.

Cũng như bao ngư dân khác, gia đình "sói biển" Hồng Thắm xem mũi tàu thuyền là bộ phận quan trọng nhất, tâm linh nhất, thường có vị thần ngự trị nên phải kiêng kỵ rất nhiều thứ, đặc biệt là sự dơ bẩn và xú uế. Chuyến ra biển đầu năm, bao giờ cũng mang đầy ý nghĩa và phải thực hiện nghi lễ cúng biển cúng thuyền thật chu đáo, thành tâm. 

Những người ở đất liền đi biển bằng tàu công suất lớn, họ ra khơi vào cuối năm âm lịch, đánh bắt trong 3 ngày Tết, cập bờ vào giữa tháng Giêng năm mới thì sẽ đón giao thừa và cúng tàu ngay trên biển. Nhưng với gia đình bà, xung quanh đảo là biển, tàu thuyền quanh năm ở biển nên ngày mồng Một Tết mới bắt đầu cho nghi thức cúng biển cúng thuyền.

Hòn Nồm hiện vẫn chỉ có một gia đình "chúa đảo" Sáu Ánh sinh sống.

Bà Thắm dậy thật sớm, sửa soạn một bình hoa thật đẹp, đó là hình ảnh đại diện cho cái nghề gắn bó bao năm cùng dòng tộc, dẫu cũng lắm thăng trầm giông bão. Thời điểm cúng biển đẹp nhất là vào 7 giờ sáng, khi ánh mắt trời vừa ló rạng phía chân biển và thủy triều đã tạm lắng.

"Chúa đảo" Sáu Ánh cùng các con cháu ăn bận chỉnh tề ra trước mũi sóng làm lễ tạ ơn "thần thuyền", cầu cho mưa thuận gió hòa, những chuyến biển đầy ắp cá tôm. Mâm cơm cúng thuyền là những sản vật của biển và cây trái trồng trên đảo. Họ tin rằng, bằng tấm lòng thành kính hướng vọng về biển, các vị thần linh vô hình sẽ phù hộ cho gia tộc một năm may mắn, thuyền ra khơi thượng lộ bình an.

Sau bữa cơm tân niên cùng "thần thuyền, thần biển", Hồng Thắm, Hồng Loan và các kình ngư trên đảo sẽ có một chuyến "mở biển" đầu năm. Chuyến biển này cập bờ, cá đầy khoang, ấy sẽ là điềm báo cả năm thuận buồm xuôi gió, tàu cá của mình sẽ ăn nên làm ra.  

Trên mũi thuyền rẽ sóng hướng về nơi có đàn cá xương xanh, "rái biển" Hồng Thắm nở một nụ cười giòn tan hòa vào nắng sớm. Đi biển mùa Tết là đi trong lời ca tiếng hát, trong niềm vui tôm cá đầy khoang giữa cái mùi biển nồng nàn, quyện trong không gian se lạnh của những ngày Xuân.

Ngọc Hoa - Cát Tường
.
.
.