Xuất khẩu lao động “chui”: Miếng mồi béo bở cho những kẻ buôn người

Chủ Nhật, 01/12/2019, 11:44
Thời gian qua, nhiều làng quê ở miền Trung trở nên giàu có nhờ vào xuất khẩu lao động. Song đó là những người đi lao động theo các chương trình hợp tác, đúng pháp luật quy định. Còn rất nhiều lao động, nhiều gia đình rơi vào bi kịch, nhiều người phải bỏ mạng ở xứ người do bị “cò” lao động lừa đảo.


Cái chết thương tâm của 39 người trong container ở Anh chủ yếu là lao động ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình phần nào nói lên thực trạng: các đối tượng buôn người đội lốt “cò” lao động đang hàng ngày len lỏi tìm người khắp các vùng quê ở miền Trung.

Buôn nước bọt thu tiền tỷ

Người lao động khi quyết định ra nước ngoài làm việc luôn cần tìm hiểu kỹ thông tin tránh bị các cò lao động chui lừa gạt.

Vẽ ra những viễn cảnh cuộc sống xa hoa, lao động việc nhẹ thu nhập rất cao là lá bài mà các đối tượng buôn người (cò lao động chui) luôn chuẩn bị sẵn khi tiếp cận người lao động. Luôn tỏ ra trong vai những kẻ thành đạt, giàu có…các cò lao động chui tác động tâm lý tới những người muốn đi lao động nước ngoài với chiêu bài: đi nhanh, giá rẻ, đảm bảo việc làm, thu nhập cao. 

Để lấy lòng tin người lao động, nhiều đường dây lao động trái phép chỉ nhận tiền từ thân nhân người lao động khi lao động đã đặt chân đến nước sở tại. Mặc dù vậy, sau khi nhận được tiền thì các cò lao động chui biệt tăm kiểu “bóng chim tăm cá”, mặc cho người lao động có việc làm hay không, sống hay chết họ không quan tâm.

Bên ly cà phê đặc quánh, với nét mặt trầm buồn anh Đinh Thin ở TP Đồng Hới, Quảng Bình kể lại những tháng ngày “trôi nổi” hết vào xe container rồi xe tải, đi bộ hàng ngày trời giữa giá rét ở khu vực biên giới Pháp-Anh khi bị các đối tượng buôn người lừa đảo. 

Sau khi cầm cố sổ đỏ, vay mượn khắp nơi được 800 triệu đồng anh Thin chuyển cho cò lao động chui để tìm cách vượt biên sang Anh nuôi hy vọng đổi đời. Bữa cơm chia tay người thân, bạn bè đầy rượu bia ở quê Thin và mọi người đều nghĩ “giàu gần đến nơi rồi bởi anh sẽ sang Anh”. 

Lên máy bay ra khỏi Việt Nam đặt chân đến Cộng hòa Séc, rồi được cò lao động đưa “trốn chui, trốn lủi” vào Đức, rồi Pháp gần một năm trời, Thin biết lựa chọn của bản thân đã hoàn toàn sai lầm. Với hàng chục lần “nhảy dù” đu theo xe tải, xe container trong những đêm buốt giá để vào Anh nhưng bị phát hiện, Thin và nhiều người đi cùng lại bị đuổi trở lại bên biên giới Pháp. 

“Khi đến đây thì không còn con đường trở về nữa, vì về thì mất trắng tiền đã đưa cho cò, còn phía trước chưa biết thế nào nhưng người lao động đều phải đu bám theo”, Thin nói vậy.

Ở nhiều làng quê các tỉnh miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình…những năm gần đây, cò lao động chui về tận các làng, xóm để tuyển người đưa đi lao động trái phép. Các đối tượng cò lao động thiết lập các đường dây tự phân chia “ngôi thứ” để tìm kiếm lao động. 

Đường dây đi các nước Tây Âu chủ yếu Đức, Anh cò lao động buộc người muốn đi nộp 700-1tỷ đồng; đi các nước Đông Âu như Ba Lan, Séc 200-400 triệu đồng; đi Nhật Bản, Hàn Quốc 120-250 triệu đồng; Đài Loan, Trung Quốc 30-80 triệu đồng…

Điều đáng nói, các đường dây môi giới lao động bất hợp pháp đang luôn là “mảnh đất sinh lời” đem lại lợi nhuận rất lớn cho các cò lao động chui, bởi nhiều người tìm đến. Trong khi có một số trung tâm giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động lại vắng tanh. 

Nguyên nhân bên cạnh một số nước chưa ký hợp tác lao động với nước ta nên các cơ quan, tổ chức chưa thể đưa người lao động đi làm việc, vì vậy để đến các nước này người lao động lại tìm đến “nộp mình” cho các đường dây đưa người đi lao động bất hợp pháp. 

Mặt khác, vì không phải trả các khoản chi phí theo quy định nên các cò lao động chui một số nơi lấy chi phí thấp hơn nên thu hút được người lao động cần đi. Bên cạnh đó, nhiều nơi người dân muốn đi lao động nước ngoài có rất ít thông tin, nên khi cần đi chỉ biết nộp tiền cho các cò lao động rồi phó mặc cho may rủi…

Không đầu tư vốn, không phải thuê trụ sở mở địa điểm, không đóng thuế… chỉ “buôn nước bọt” bằng hình thức lừa phỉnh người lao động, nhưng hiện rất nhiều cò lao động chui đang trở thành các đại gia giàu có, nhiều đối tượng trở thành ông “trùm” trong các đường dây đưa người vượt biên trái phép, và nhiều người lao động cũng đang phải vật vã khắp nơi trên thế giới khi đặt chân vào đường dây buôn người của các đối tượng.

Nhiều người tiền mất tật mang

Sau hàng chục lần nhảy xe tải, container vào Anh, cuối cùng anh Đinh Thin và nhóm lao động đi cùng cũng vào được nước Anh. Chấp nhận cuộc sống như địa ngục để trồng cần sa cho các đối tượng phạm pháp gần 2 năm trời. Sau khi cất trữ tiền trả xong được nợ nần vay mượn khi để đi, Thin tìm cách trốn về nước với lời thề “vĩnh viễn không đi nữa, bởi may mắn giữ được tính mạng một lần là tốt lắm rồi”. 

Thin bảo, đã đi bất hợp pháp, làm việc bất hợp pháp thì chắc chắn phải sống cuộc sống trốn chui, trốn lủi, mất tự do sinh hoạt, khó cực trăm bề. Chưa kể bị đánh đập, bị lợi dụng tình dục (chủ yếu đối với nữ), ốm đau… đều phải im lặng, không dám báo cơ quan chức năng, không được đi thăm, khám bệnh. 

Có điều, ít người khi về nước nói ra thực trạng cuộc sống khổ cực nơi đất khách, quê người như Đinh Thin mà hầu hết khi được hỏi họ đều mô tả cuộc sống xa hoa, nói khác đi che giấu những buồn, tủi mình đã trải qua để tự vỗ về bản thân và người thân khỏi buồn.


Lãnh đạo chính quyền địa phương huyện Bố Trạch, Quảng Bình thăm hỏi, động viên thân nhân các nạn nhân chết trong vụ 39 người ở Anh vừa qua.

Sau vụ 39 người chết trong container gây rúng động ở Anh, hiện nay, nhiều đường dây cò lao động chui đang chuyển hướng bằng cách tạm dừng hoạt động đưa người lao động trái phép qua các nước châu Âu mà thị trường các đối tượng ngắm đến là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc và một số nước châu Phi. 

Không ít hộ gia đình đã cầm cố nhà cửa vay mượn để nộp tiền cho con đi theo các đường dây lao động chui, song sau khi nhận được tiền, các cò lao động đã tắt điện thoại, trốn biệt tăm. 

Mới đây, Công an Quảng Bình cùng với Công an một số địa phương liên tục phát hiện, bắt giữ các đường dây xuất khẩu lao động trái phép, điều đáng nói mặc dù biết khi bị bắt pháp luật sẽ xử lý nghiêm, song vì lợi nhuận lớn nên các cò lao động vẫn nhắm mắt làm liều, còn người dân nhiều nơi vẫn rất nhẹ dạ, cả tin.

Chúng tôi về xã biển Hải Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình. Người dân ở đồi cát này hầu hết làm nghề biển. Hiện nay, nhiều người dân nơi đây chọn đi xuất khẩu lao động để thay đổi cuộc sống, biết được điều đó nên rất nhiều đối tượng cò lao động đã tìm đến để lừa đảo. Đầu tiên đánh vào tâm lý của người dân đang nóng lòng đi xuất khẩu lao động để kiếm việc làm và có thu nhập cao trang trải cuộc sống gia đình. 

Các đối tượng đã đưa ra giấy tờ quảng cáo là chúng có thể đưa lao động đi thị trường nhiều nước, vẽ ra viễn cảnh thu nhập từ 30 triệu đồng trở lên như lao động ở Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Úc… thủ tục nhanh chóng, đi lại dễ dàng. Thế là nhiều người đã chọn để đi xuất khẩu Hàn Quốc. 

Khi biết người dân đã tin tưởng, lúc đầu chúng chỉ thu mỗi lao động 30 triệu đồng và đưa ra Hà Nội đào tạo tiếng Hàn Quốc trong vòng hơn tháng. Mọi sinh hoạt, chi phí đi lại, tiền học người lao động phải đóng. Sau đó, chúng cho người lao động về quê chuyển bị thêm tiền để chờ viza qua Hàn Quốc làm việc. 

Song sau khi đóng hàng trăm triệu đồng cho các cò lao động, người lao động về quê chờ đợi được gọi để đi xuất khẩu lao động trong mòn mỏi. Và các đối tượng cò lao động sau khi nhận được tiền thường khóa máy điện thoại, chuyển nơi làm việc và trốn tránh.

Thủ đoạn của nhóm đối tượng môi giới lao động chui là chúng dùng lời lẽ ngon ngọt, hứa hẹn với mức lương cao, không phải tốn tiền học hành để sang nước ngoài làm việc. Khi qua đến nơi rồi, các nhân công mới ngã ngửa là mình bị lừa, phải bán mồ hôi, công sức chỉ để trả nợ, trả lãi vay cho bọn môi giới. Nhiều trường hợp gia đình ly tán, vợ chồng ly dị, anh em, láng giềng không thèm nhìn mặt nhau… cũng do “sập bẫy” cò lao động. 

Mỗi đối tượng lừa đảo xuất khẩu lao động chui luôn ngụy trang cho mình những chiêu thức khác nhau, với muôn hình vạn trạng, trong khi người dân lại nhẹ dạ, cả tin vì vậy các cò lao động luôn nắm phần thắng khi lừa đảo. 

Nhà anh Nguyễn Thiện Thân và Nguyễn Văn Thoại ở xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình sát tường nhau bị cò lao động lừa ngậm ngùi cho biết, sau khi thấy có viza, chuyển tiền và nhận lịch ngày bay, hai người dặn dò vợ con ở nhà phải nương tựa giúp đỡ nhau, láng giềng tắt lửa tối đèn có nhau để các anh yên tâm lao động gửi tiền về trả nợ ngân hàng. Tính ra mỗi người mất gần 200 triệu nhưng nay các anh chẳng biết đối tượng lừa đảo mình đang ở đâu…

Ông Phạm Thành Đồng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Quảng Bình cho biết, số lượng đi lao động bất hợp pháp qua các năm tương đối lớn, và không thể thống kê được bao nhiêu trường hợp. 

Hiện nay, không chỉ các đối tượng làm nghề môi giới mà xuất hiện một số công ty giả danh để lừa đảo người lao động. Các công ty này không đăng ký làm việc, không phối hợp với Sở LĐ-TB&XH tỉnh mà đã tự ý đi thông báo tuyển dụng lao động. 

Vừa qua, đơn vị này phối hợp cùng với Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH xử phạt một số công ty vi phạm. Ông Phạm Thành Đồng lưu ý, khi có nhu cầu việc làm, các lao động cần tìm hiểu kỹ thông tin trên mạng, báo chí để tránh cảnh “tiền mất tật mang”.

Sông Lam - Lam Hồng
.
.
.