Tiến tới kỷ niệm 60 năm thành lập Phòng Bảo vệ 180 - Bộ Tư lệnh Cảnh vệ (18-10-1956 - 18-10-2016)

Xứng danh đơn vị anh hùng

Thứ Sáu, 14/10/2016, 12:08
Được rèn luyện trong kháng chiến, trưởng thành trong thời kỳ đất nước đổi mới và hội nhập kinh tế thế giới, mặc dù đã trải qua biết bao gian khó  Phòng Bảo vệ 180 - Bộ Tư lệnh Cảnh vệ - Bộ Công an đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.


Đặc biệt, bảo vệ an toàn cho các đồng chí lãnh đạo Xứ ủy, bảo vệ căn cứ và các cơ quan trực thuộc Xứ ủy Nam bộ trong chiến tranh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên thủ quốc gia các nước trên thế giới, các đoàn khách quốc tế đến thăm, làm việc tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trong thời kỳ đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo lời kể của Thượng tá Đỗ Xuân Mai, Trưởng phòng Bảo vệ 180 - Bộ Tư lệnh Cảnh vệ - Bộ Công an, Phòng Bảo vệ 180 tiền thân là Đại đội 80 (C80) An ninh vũ trang miền Nam do Xứ ủy Nam bộ trực tiếp chỉ đạo được thành lập vào ngày 18-10-1956 tại ấp Xóm Mới, xã Thạnh Bình, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh.Với quân số ban đầu khoảng 120 cán bộ chiến sỹ.

Thượng tá Đỗ Xuân Mai - Trưởng Phòng Bảo vệ 180.

Dưới sự chỉ huy của các đồng chí Ba Thu, Lê Thanh (Tám Lê Thanh) và Lâm Quốc Đăng, đơn vị có nhiệm vụ bảo vệ các đồng chí lãnh đạo Xứ ủy, bảo vệ căn cứ và các cơ quan trực thuộc Xứ ủy Nam bộ (năm 1961 Xứ ủy Nam bộ đổi thành Trung ương Cục miền Nam).

Được thành lập chưa đầy một tháng, tháng 11-1956, đơn vị đã tổ chức đánh trận đầu tiên tại đồn Vĩnh Bửu, khu vực Bến Củi, tiêu diệt một trung đội địch, phối hợp với các đơn vị vũ trang của Xứ ủy tổ chức đánh địch tại căn cứ Tua II (Tây Ninh), tiêu diệt hơn 500 tên địch, thu 1.500 súng các loại.

Từ chiến thắng này, ta đã mở rộng và phát triển khu căn cứ của Xứ ủy, giải phóng 2/3 số xã ở vùng bắc Tây Ninh, tạo sức mạnh mới cho phong trào Đồng khởi.

Năm 1967, đế quốc Mỹ tung 45 ngàn quân cùng hàng trăm máy bay, xe tăng, xe bọc thép, xe quân sự hòng phá hủy căn cứ kháng chiến, tìm diệt cơ quan đầu não Trung ương Cục miền Nam.

Trước âm mưu thâm độc của địch, Đoàn đã xây dựng kế hoạch bảo vệ tuyệt đối an toàn cho các đồng chí lãnh đạo, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị địa phương xây dựng phòng tuyến chiến đấu, phát động phong trào "du kích vành đai", tổ chức đánh địch từ xa tại các căn cứ Cao Xá, Găng Bòn Bon, Long Hoa, Trà Phí (tỉnh Tây Ninh).

Trong trận chiến này, đồng chí Ba Cứu - Đại đội trưởng Đại đội 1 bị địch bắn đứt mất một chân nhưng vẫn anh dũng chiến đấu trong đội hình mà không chịu về tuyến sau để băng bó.

Năm 1969, đế quốc Mỹ thực hiện chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh", mở rộng chiến tranh đến toàn cõi Đông Dương. Với mục đính là tiêu diệt toàn bộ cơ quan Đảng và chính quyền cách mạng của ta, địch đã cho nhiều đợt máy bay B52 xuất kích ném bom đánh phá căn cứ Trung ương Cục.

Trước tình hình này, Đoàn 180 đã quyết định mở đường máu bằng cách tấn công cứ điểm Rum - Chéc của địch để đưa các đồng chí lãnh đạo Trung ương Cục vượt sông Mê Kông đến điểm an toàn cách xa căn cứ 90km.

Trong giai đoạn chống địch vi phạm Hiệp định Paris (Giai đoạn 1972-1975), đặc biệt vào ngày 23-3-1975, Đoàn 180 đã phối hợp với các lực lượng địa phương tổ chức tấn công tiêu diệt chi khu quân sự Mỏ Cong (Tây Ninh), giải phóng khu vực dài 10km trên trục lộ 22.

Trong gần 20 năm kháng chiến, Đoàn 180 đã chiến đấu tổng cộng 413 trận lớn nhỏ để bảo vệ cấp ủy, bảo vệ căn cứ cách mạng, tiêu diệt và làm bị thương trên 4.720 tên địch, bắn rơi 30 máy bay, phá hủy 76 xe tăng, xe bọc thép và nhiều xe quân sự tối tân khác của địch.

Thời gian này, Đoàn đã tổ chức bảo vệ an toàn tuyệt đối cho 33 lần Cấp ủy di chuyển căn cứ, 1.277 chuyến đi công tác đường xa của các đồng chí lãnh đạo, hơn 590 lần đưa đón các đồng chí lãnh đạo Trung ương Cục và khách đến làm việc tại cơ quan "R" cùng hàng trăm cuộc hội nghị khác tại khu căn cứ.

Ngoài ra, Đoàn 180 còn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế mà cụ thể là tháng 3-1973, chính quyền Xi-Ha-Núc bị lật đổ, bọn Lonnol lên nắm chính quyền.

Theo yêu cầu của bạn, đồng thời được sự đồng ý của Trung ương Cục, Đoàn đã tổ chức chặn đánh đoàn tàu ngụy trên sông Hô Lương, tiêu diệt 459 tên, bắt sống 341 tên khác, thu nhiều súng đạn và nhiều loại máy móc thiết bị, hỗ trợ đồng bào Khơ me và Việt kiều nổi dậy chiến đấu, giải phóng một vùng đất đai rộng lớn giúp trên 20 ngàn dân thoát khỏi sự kìm kẹp của chính quyền Lonnol.    

Với nhiệm vụ "Bảo vệ Đảng, bảo vệ Lãnh tụ”, trong kháng chiến đã có trên 500 cán bộ chiến sỹ Đoàn 180  anh dũng hy sinh để bảo vệ an toàn cho cơ quan đầu não của Cách mạng miền Nam, trong số đó phải kể đến tổ công tác do đồng chí Tư Lùn chỉ huy bảo vệ đồng chí Nguyễn Văn Linh - Bí thư Trung ương Cục đi công tác đã lấy thân mình che chắn dưới làn bom đạn, bảo vệ an toàn cho thủ trưởng khi bị máy bay địch tập kích vào năm 1962.

Anh hùng, liệt sỹ Phạm Thành Lượng mặc dù đã 4 lần trúng đạn của địch nhưng vẫn anh dũng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng tại chiến trường Mỏ Cong (Tây Ninh) vào tháng 3-1975.

Cán bộ chiến sỹ Phòng Bảo vệ 180 luyện tập nâng cao thể lực, nghiệp vụ, sẵn sàng chiến đấu.

Sau ngày miền Nam giải phóng và nhất là trong giai đoạn đất nước ta bước vào thời kỳ đổi mới, hội nhập kinh tế toàn cầu, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới, ngoài việc tập trung làm tốt công tác xây dựng lực lượng, giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị, xây dựng nếp sống văn hóa, Đảng ủy - chỉ huy Phòng 180 còn thường xuyên tổ chức những khóa học, luyện tập võ thuật, bắn súng, bơi nghiệp vụ... nhằm nâng cao trình độ nghiệp vụ, thể chất, sức chiến đấu cho cán bộ chiến sỹ để phục vụ tốt cho các chuyến bảo vệ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi công tác, các hội nghị, các cuộc mít tinh trọng thể do Nhà nước tổ chức tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam.

Trong giai đoạn này, các đoàn khách quốc tế, nguyên thủ quốc gia các nước như Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Hàn Quốc, Lào ,Campuchia và rất nhiều nước khác trên thế giới cũng thường xuyên đến thăm hữu nghị nước ta và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh.

Để bảo vệ tuyệt đối an toàn cho các nguyên thủ và các đoàn khách quốc tế này, trước mỗi cuộc bảo vệ, cán bộ chiến sỹ trong đơn vị được phổ biến, quán triệt phương án bảo vệ  tìm hiểu về văn hóa, phong tục tập quán của đất nước mà nguyên thủ của họ sắp đến thăm Việt Nam, đặc biệt là trao đổi những yêu cầu tổng thể về biện pháp bảo vệ nhằm tạo sự phối hợp nhịp nhàng, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Cũng theo lời kể của Thượng tá Đỗ Xuân Mai, trong nhiều năm công tác, đã từng bảo vệ tuyệt đối an toàn cho nhiều nguyên thủ quốc gia và các đoàn khách quốc tế của nhiều nước trên thế giới đến thăm Việt Nam, nhưng có lẽ việc bảo vệ những lần Tổng thống Hoa Kỳ là vất vả nhất.

Gần nhất là lần bảo vệ Tổng thống Obama đến  TP. Hồ Chí Minh. Hai tháng trước khi Tổng thống Obama đáp máy bay xuống sân bay Tân Sơn Nhất, An ninh Hoa Kỳ, Tổng lãnh sự quán Mỹ, Lãnh đạo Bộ Tư lệnh Cảnh vệ và chỉ huy  Phòng 180 cùng các cơ quan ban ngành có liên quan đã có các cuộc họp với nhau để thống nhất công tác bảo vệ.

Những lần đầu khi mới làm việc với nhau, phía An ninh Hoa Kỳ đã đưa ra rất nhiều yêu cầu như đòi kiểm tra kiểm soát các địa điểm hoạt động của tổng thống, không cho tiếp cận tổng thống...

Trước những yêu cầu này, lãnh đạo Bộ Tư lệnh Cảnh vệ và chỉ huy Phòng 180 đã sử dụng biện pháp kiên quyết nhưng mềm mỏng để vừa giải thích, vừa buộc phía An ninh Hoa Kỳ phải đồng ý các biện pháp bảo vệ của ta, bởi theo các anh, mình đã được học tập, rèn luyện để có đủ khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ, hơn nữa mình là chủ nhà thì phải có trách nhiệm bảo vệ an toàn cho khách.

Công tác bảo vệ tưởng chừng đã được thống nhất, nhưng trong quá trình thực hiện thì đột nhiên phía An ninh Hoa Kỳ lại có thêm những yêu cầu khác.

Trước những yêu cầu này, một lần nữa lãnh đạo Bộ Tư lệnh Cảnh vệ và chỉ huy Phòng 180 lại phải sử dụng các biện pháp để đàm phán cho thật êm thấm.

Theo đề nghị của ta, việc bảo vệ vùng trời không những tại TP Hồ Chí Minh mà trên toàn lãnh thổ Việt Nam lúc nào cũng được các Quân chủng Phòng không - Không quân của Quân đội nhân dân Việt Nam bảo vệ nghiêm ngặt và tuyệt đối an toàn.

Công tác bảo vệ đoàn trên đường đi thì ngoài lực lượng Cảnh vệ còn có Công an TP Hồ Chí Minh, Công an các quận huyện có lộ trình mà tổng thống đi qua, lực lượng dân quân, dân phòng và đặc biệt là hàng triệu người dân TP Hồ Chí Minh luôn mến khách và sẵn sàng bảo vệ an toàn cho khách.

Trước sự chủ động và cương quyết của lực lượng Cảnh vệ, phía An ninh Hoa Kỳ buộc phải đồng ý, nhưng họ vẫn có chút gì đó chưa an tâm và chỉ khi đoàn xe chở Tổng thống Obama được hàng vạn người đứng chật hai bên đường từ sân bay Tân Sơn Nhất về nơi đón đoàn tươi cười vẫy tay chào đón thì phía An ninh Hoa Kỳ mới hoàn toàn tin tưởng. Kể từ đấy, mỗi bước chân của Tổng thống Obama đi đến đâu thì An ninh Hoa Kỳ đều muốn có sự hiện diện của lực lượng Cảnh vệ Việt Nam.

Kết thúc chuyến thăm tại thành phố Hồ Chí Minh, Lãnh sự quán Hoa Kỳ đã gửi thư cám ơn lãnh đạo Bộ Tư lệnh Cảnh vệ Việt Nam trong công tác phối hợp bảo vệ an toàn cho chuyến thăm của Tổng thống Obama.

Đức Cương
.
.
.