Xung quanh những sai phạm rất nghiêm trọng của ông Tất Thành Cang

Thứ Bảy, 24/11/2018, 09:44
Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM đã có những vi phạm rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội, làm ảnh hưởng đến uy tín của Thành ủy, đến mức phải thi hành kỷ luật. 

Trong đó, ông Cang liên quan trực tiếp đến hai vấn đề sai phạm lớn ở khu đô thị mới Thủ Thiêm và việc bán đất công sản tại khu dân cư Phước Kiển, huyện Nhà Bè…

Bản hợp đồng ký tắt không đúng thẩm quyền

Kết luận những sai phạm của ông Tất Thành Cang từ Ủy ban Kiểm tra Trung ương đưa ra khiến dư luận quan tâm, bởi trước đó những vấn đề này đã có không ít báo chí và dư luận phản ánh. Với dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2), theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trong thời gian giữ cương vị Thành ủy viên, Ủy viên UBND thành phố, Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh, ông Tất Thành Cang đã vi phạm quy định pháp luật về đất đai và quản lý đầu tư xây dựng trong việc ký quyết định phê duyệt dự án và ký tắt hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) dự án với Công ty CP Đầu tư xây dựng Đại Quang Minh (Công ty Đại Quang Minh), đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong khu đô thị mới này.

Ông Tất Thành Cang.

Theo hồ sơ, ngày 1-12-2014, Giám đốc Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh ký kết hợp đồng BT xây 4 tuyến đường này. Tuy nhiên, một năm trước đó, vào tháng 10-2013, UBND TP Hồ Chí Minh đã ký Quyết định về phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm theo hình thức hợp đồng BT (do ông Tất Thành Cang, với chức danh Ủy viên Ủy ban, thừa ủy quyền Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, ký ngày 28-10-2013) và dự án đã được khởi công từ đầu năm 2014 để kịp tiến độ dự kiến hoàn thành vào năm 2017 (nhưng đến nay các tuyến đường vẫn chưa hoàn thành).

Hợp đồng này thể hiện, dự án 4 tuyến đường “xương sườn” của Khu đô thị mới Thủ Thiêm gồm: Đại lộ vòng cung (tuyến R1 dài 3,4km); Đường ven hồ trung tâm (tuyến R2 dài 3km); Đường ven sông Sài Gòn (tuyến R3 dài 3km); Đường vùng châu thổ, đường châu thổ, đường ven sông - khu dân cư (tuyến R4 dài 2,5 km). Ngoài ra, còn có 10 cây cầu, trong đó có 2 cầu cạn.

Bốn tuyến đường này có tổng chiều dài gần 12km, chiều rộng từ 11,6m đến 55m với tổng mức đầu tư là hơn 8.265 tỷ đồng. Nếu tính cả chi phí dự phòng do trượt giá và lãi vay (3.917 tỷ đồng), tổng số vốn lên đến gần 12.200 tỷ đồng.

Dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Số liệu trên cho thấy, trung bình mỗi km đường trong khu đô thị mới Thủ Thiêm có giá gần 700 tỷ đồng. Nếu so sánh, suất đầu tư 4 tuyến đường trên đắt gấp nhiều lần so với đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, TP Hồ Chí Minh - Trung Lương... Đáng nói hơn, nhà đầu tư không phải bỏ chi phí giải phóng mặt bằng. Số tiền đầu tư này, theo nhiều chuyên gia giao thông đánh giá, là quá đắt đỏ, đến mức “khủng khiếp”, “đắt nhất hành tinh”.

Cụ thể, với tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây dài 55km, chi phí đầu tư vào khoảng hơn 370 tỷ đồng/km. Trong khi đó, tuyến cao tốc đầu tiên của phía Nam là TP Hồ Chí Minh - Trung Lương dài 62km, gồm 6 làn xe, với tổng mức đầu tư là hơn 9.800 tỷ đồng, chi phí đầu tư chỉ khoảng 160 tỷ đồng/km. Trên quy mô cả nước thì suất đầu tư 4 tuyến đường trên gấp 4 lần suất đầu tư tuyến cao tốc Bắc - Nam đã được Quốc hội thông qua (chỉ gần 182 tỷ đồng/km)…

Để thanh toán cho hợp đồng gần 12.200 tỷ, TP Hồ Chí Minh trả cho Công ty Đại Quang Minh gần 79ha đất tại trung tâm Thủ Thiêm (phường Thủ Thiêm và An Lợi Đông) để xây dựng khu đô thị và khu dân cư. Trong đó, nhà đầu tư được xây dựng khu dân cư phía Nam đường Mai Chí Thọ, diện tích khai thác hơn 46ha đất khai thác thương mại, bao gồm cả diện tích của toàn bộ bến du thuyền, hai nhà văn hóa, hai trường học.

Đáng chú ý, vị trí đất được giao cho chủ đầu tư nằm lọt ngay chính giữa 4 con đường được xây dựng theo hợp đồng. Như vậy, có thể nói, những con đường này phục vụ cho chính dự án của chủ đầu tư. Ngoài ra, việc thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư được thực hiện cùng thời điểm chứ không phải chờ đến khi hoàn thành 4 tuyến đường trong khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Với dự án này, việc ông Tất Thành Cang đại diện cho TP Hồ Chí Minh ký kết với Công ty Đại Quang Minh làm dự án bị cho là không đúng thẩm quyền. Theo Nghị định 108/2009 quy định về đầu tư theo hình thức BT, thành phố chỉ được phê duyệt các dự án có tổng mức đầu tư dưới 1.500 tỷ đồng.

Tự ý quyết định chuyển nhượng đất công sản giá "bèo" cho doanh nghiệp

Ngoài các sai phạm tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng chỉ ra sai phạm của ông Tất Thành Cang trong vụ việc bán đất công sản tại Khu dân cư Phước Kiển, huyện Nhà Bè.

Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Tất Thành Cang đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, vi phạm thẩm quyền, nguyên tắc, quy trình xử lý công việc, vi phạm quy định của Thành ủy TP Hồ Chí Minh về quản lý, sử dụng tài sản tại các doanh nghiệp thuộc sở hữu Đảng bộ thành phố và các quy định pháp luật trong việc quyết định chủ trương hợp tác kinh doanh, chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các doanh nghiệp thuộc Thành ủy.

Tuyến đường R2 (đường ven hồ trung tâm) dài 3km, đã hoàn thiện phần lớn chiều dài.

Cụ thể, thông qua Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận (gọi tắt là Công ty Tân Thuận, doanh nghiệp có 100% vốn trực thuộc Thành ủy TP Hồ Chí Minh), ông Tất Thành Cang, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã không báo cáo Thường trực Thành ủy và Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh, tự ký cho phép chuyển nhượng khu đất hơn 32ha tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai.

Đến cuối tháng 12-2017, Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh xác minh, phát hiện đã chỉ đạo dừng việc chuyển nhượng này để làm rõ. Thành ủy TP Hồ Chí Minh cũng đã sớm họp báo công bố các sai phạm liên quan trong vụ này. Nếu Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh không kịp thời chỉ đạo hủy hợp đồng thì việc chuyển nhượng thành công sẽ dẫn đến thiệt hại rất khó lường trước và đặc biệt nghiêm trọng.

Theo xác định của Thành ủy TP Hồ Chí Minh, khu đất 32ha đất giao cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai hiện đã được đền bù, là tài sản thuộc Văn phòng Thành ủy TP Hồ Chí Minh, do Công ty Tân Thuận quản lý. Việc ký hợp đồng chuyển nhượng cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai đất công sản không đúng thẩm quyền, không đúng quy định, đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định có vai trò, trách nhiệm, lẫn sai phạm của cá nhân ông Tất Thành Cang.

Vi phạm này sẽ được xử lý cụ thể, lần lượt trong thời gian tới. Bước đầu sai phạm tại Phước Kiển được xác định có thể thất thoát hàng ngàn tỷ đồng nếu vụ chuyển nhượng trót lọt. Cụ thể, tổng giá trị chuyển nhượng khu đất vào thời điểm đó là 419 tỷ đồng (1,29 triệu đồng/m2), nhưng giá thị trường được xác định có thể vượt đến hơn 2.000 tỷ đồng.

Toàn bộ quá trình sai phạm liên quan dự án tại Phước Kiển, huyện Nhà Bè của ông Tất Thành Cang diễn ra vào thời điểm TP Hồ Chí Minh đang khuyết chức danh Bí thư Thành ủy (khi đó ông Đinh La Thăng được Trung ương cho thôi giữ Bí thư Thành ủy để làm rõ các sai phạm). Ông Tất Thành Cang đang giữ cương vị Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, tạm thời giữ vai trò điều hành Thành ủy TP Hồ Chí Minh.

Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa công bố đã xác định ông Tất Thành Cang có vai trò, trách nhiệm trong việc tự ý chấp thuận chủ trương cho Công ty Tân Thuận chuyển nhượng khu đất công sản với giá “bèo” cho doanh nghiệp, không đúng quy định, cũng không đúng thẩm quyền. Ông Tất Thành Cang cũng không báo cáo Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh trước khi có quyết định chấp thuận chủ trương trên, dẫn đến sai phạm nghiêm trọng, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, vi phạm thẩm quyền, nguyên tắc, quy trình xử lý công việc, vi phạm quy định của Thành ủy về quản lý, sử dụng tài sản tại các doanh nghiệp thuộc sở hữu Đảng bộ thành phố và các quy định pháp luật.

Việc chuyển nhượng đất công đã được Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh kịp thời ngăn chặn, nên hậu quả gây thất thoát vốn Nhà nước chưa xảy ra. Tuy nhiên, trách nhiệm về sai phạm của ông Tất Thành Cang trong vụ việc này thể hiện khá rõ.

Mới đây, vào chiều 15-11-2018, tại kỳ họp 31 từ ngày 12 đến 14-11-2018, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, kết luận việc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với ông Tất Thành Cang như kể trên. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đánh giá những vi phạm của ông Tất Thành Cang là rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội, làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của Thành ủy, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật.

- Xung quanh vụ việc này, trao đổi với báo chí bên lề phiên họp ngày 16-11, Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An) bày tỏ sự nhất trí với kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về việc kỷ luật các cá nhân vi phạm và có dấu hiệu vi phạm, trong đó có ông Tất Thành Cang… Tuy nhiên, hình thức xử lý ấy mới là xử lý về mặt Đảng, về mặt Nhà nước cũng phải xử lý nghiêm và nếu phạm tội phải xử lý hình sự.

- Trao đổi về vụ việc này, Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho rằng, sai phạm của ông Tất Thành Cang chấp thuận chủ trương chuyển nhượng đất đã đền bù của Công ty Tân Thuận và chấp thuận chuyển nhượng cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai là không đúng thẩm quyền và chưa đúng quy định của pháp luật… dẫn đến có nguy cơ gây thất thoát lớn tài sản của Đảng bộ thành phố…

Với những hành vi của ông Tất Thành Cang, nếu cơ quan điều tra xác định rằng có đầy đủ các dấu hiệu: cố ý làm trái, gây hậu quả nghiêm trọng, có dấu hiệu cấu thành tội phạm thì có thể cấu thành tội “Vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây ra hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 220 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2018”.

Phú Lữ
.
.
.