Xung quanh việc khởi tố 5 nhân viên chi nhánh Ngân hàng Eximbank

Chủ Nhật, 01/04/2018, 13:15
Vụ 5 nhân viên Ngân hàng Thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) - chi nhánh TP. Hồ Chí Minh (trụ sở tại đường Đồng Khởi, quận 1) bị khởi tố do liên quan đến vụ mất 245 tỷ đồng của khách hàng đã gây sự chú ý, quan tâm của nhiều người.

Theo đó, các bị can bị khởi tố về tội: "Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp". Hiện 2 bị can bị bắt tạm giam, 3 bị can còn lại được tại ngoại…

Tính đến ngày 27-3, cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với 5 nhân viên Ngân hàng Eximbank - chi nhánh TP. Hồ Chí Minh để điều tra về tội: "Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp" theo Điều 179 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Theo đó, 5 nhân viên bị khởi tố gồm: Hồ Ngọc Thủy (32 tuổi), Nguyễn Thị Thi (40 tuổi), Nguyễn Thị Ngọc Trâm (34 tuổi), Trần Nguyễn Xuân Lan (37 tuổi) và Cao Lan Phương. Trong đó, Thủy và Thi đã bị bắt tạm giam ngày 26-3, các bị can khác được cho tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú để phục vụ công tác điều tra theo quy định pháp luật.

Cơ quan điều tra khám xét chỗ làm việc các bị can, thu giữ nhiều tài liệu liên quan đến vụ án.

Các bị can này được xác định là người có liên quan trực tiếp trong vụ bị can Lê Nguyễn Hưng, nguyên Phó Giám đốc Ngân hàng Eximbank - chi nhánh TP. Hồ Chí Minh (đã bị khởi tố, truy nã quốc tế về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hiện đã trốn ra nước ngoài) chiếm đoạt 245 tỉ đồng tiết kiệm của khách hàng Chu Thị Bình (Phó Chủ tịch HĐQT, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú) là khách VIP gửi tiền tiết kiệm tại Ngân hàng Eximbank - chi nhánh TP. Hồ Chí Minh.

Sau khi tống đạt các quyết định khởi tố bị can, cơ quan điều tra đã tiến hành lệnh khám xét tại nơi làm việc, nơi ở của các bị can và thu giữ nhiều tài liệu liên quan đến vụ án.

Vụ việc bà Chu Thị Bình bị mất 245 tỉ đồng đã xảy ra một năm trước, nhưng mãi đến cuối tháng 2 vừa qua mới được thông tin rộng rãi sau khi có kết luận của cơ quan điều tra. Việc khách hàng VIP Chu Thị Bình "bỗng dưng" mất hàng trăm tỉ đồng đã gây xôn xao dư luận bởi trách nhiệm pháp lý của việc bồi thường cho khách hàng còn nhiều vấn đề chưa thống nhất.

Điều đáng nói là sau khi sự việc được phơi bày, phía Ngân hàng Eximbank muốn đưa vụ việc ra tòa để xử lý theo hợp đồng dân sự và chỉ tạm ứng trước cho bà Bình 14,8 tỉ đồng. Bà Bình không đồng ý như đề xuất của phía Eximbank mà muốn ngân hàng này phải trả lại toàn bộ số tiền.

Kết quả điều tra bước đầu cho thấy, từ năm 2014 đến 2016, sau khi được bà Bình ủy quyền giao dịch tiền gửi tiết kiệm, Lê Nguyễn Hưng (SN 1971, tại Đồng Nai, có hộ khẩu thường trú tại 231B ấp Nội Hóa, xã Bình An, huyện Dĩ An, Bình Dương; nay là 144 Bình Thung, thị xã Dĩ An, Bình Dương.

Hưng bắt đầu làm việc tại Eximbank từ tháng 12-1991) cùng thuộc cấp nhiều lần đến nhà riêng của bà Bình để thực hiện các khoản tất toán theo kỳ hạn. Sau đó, Hưng đã lập chứng từ giả mạo về việc khách hàng rút tiền, chiếm đoạt 245 tỉ đồng (Hưng đã rút tiền ở sổ tiết kiệm của bà Bình từ năm 2014 - 2016, nhiều lần) rồi bỏ trốn.

Năm 2017, do nghi ngờ nên bà Bình kiểm tra số dư sổ tiết kiệm thì phát hiện 245 tỉ đồng đã "bốc hơi" nên tố cáo vụ việc đến cơ quan Công an và phía ngân hàng.

Phía Ngân hàng Eximbank ngày 6-3-2017, cũng đã gửi đơn tố giác hành vi có dấu hiệu tội phạm của Hưng đến cơ quan Công an và đề nghị xử lý theo quy định của pháp luật.

Đầu tháng 2-2018, cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã khởi tố vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Ngân hàng Eximbank - chi nhánh TP. Hồ Chí Minh; đồng thời khởi tố bị can Lê Nguyễn Hưng và phát lệnh truy nã quốc tế đối với bị can này.

Quá trình điều tra xác định, Hưng lợi dụng việc bà Bình ký khống các giấy ủy quyền để rút tiền không đúng quy định, chi trả không đúng người nhằm chiếm đoạt tài sản.

Trả lời trên báo chí sau khi hai bị can Thủy và Thi bị bắt tạm giam ngày 26-3, ông Ngô Thanh Tùng, thành viên HĐQT Ngân hàng Eximbank cho biết, các nhân viên này đã có sai sót về mặt kỹ thuật, xác nhận giấy ủy quyền khi không có mặt khách hàng là bà Chu Thị Bình và người ủy quyền là bà Nguyễn Thị Hồng Lê.

Hai bị can Hồ Ngọc Thủy và Nguyễn Thị Thi bị bắt tạm giam.

Cơ quan Cảnh sát điều tra đã xác nhận chữ ký ủy quyền của bà Chu Thị Bình, bên ủy quyền là có thật và chữ ký của bên được ủy quyền là bà Nguyễn Thị Hồng Lê, cô ruột của vợ bị can Lê Nguyễn Hưng là giả, do Hưng ký chứ không phải bà Lê.

Theo ông Ngô Thanh Tùng thì các nhân viên này không cố ý nhưng bị yêu cầu, nhận chứng từ từ Lê Nguyễn Hưng và chỉ thị rút tiền có chữ ký của bà Chu Thị Bình nên đã xác nhận giấy ủy quyền không có sự hiện diện của khách hàng.

Về phía bà Chu Thị Bình, sáng 27-3 trao đổi với chúng tôi, bà cũng cho biết đã bàn luận với các luật sư đại diện của mình để có những động thái tiếp theo. Theo giới thiệu của bà Bình, chúng tôi đã liên hệ với luật sư Phan Trung Hoài, một trong hai người đại diện pháp lý của bà Chu Thị Bình.

Luật sư Phan Trung Hoài cho biết, việc khởi tố 5 bị can (trong đó bắt tạm giam 2 bị can) mà cơ quan điều tra vừa tiến hành là biện pháp tố tụng tiếp nối với quá trình điều tra xử lý vụ án đã khởi tố trước đó về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Lê Nguyễn Hưng.

Theo luật sư Phan Trung Hoài, thông báo kết quả điều tra của cơ quan CSĐT Bộ Công an nêu rõ Ngân hàng Eximbank là bên bị hại, tức là bị Hưng chiếm đoạt 245 tỉ đồng và bà Chu Thị Bình là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Trong thời gian vừa qua, bà Bình và các luật sư đại diện đã nhiều lần làm việc với đại diện Ngân hàng Eximbank để mong muốn tìm kiếm giải pháp trả lại số tiền cho bà Bình vì hiện nay 3 sổ tiết kiệm bản chính bà Bình đang giữ và cơ quan điều tra cũng xác định các giấy ủy quyền là giả mạo, các nhân viên ngân hàng đã vi phạm quy định của pháp luật và quy chế, quy định về ủy quyền do HĐQT của Ngân hàng Eximbank ban hành.

"Tuy nhiên, đến nay chúng tôi vẫn chưa đạt được kết quả vì quan điểm Eximbank cho rằng cần phải chờ phán quyết của tòa án. Nhưng ở đây có một vấn đề cần được đặt ra, đó là phán quyết của tòa dân sự hay tòa hình sự, trong khi cơ quan điều tra đã xác định người có trách nhiệm của Ngân hàng Eximbank đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền và biển thủ chính số tiền của ngân hàng.

Trước hết trong quan hệ thì ngân hàng phải có trách nhiệm với người gửi tiền và bà Bình đang giữ trong tay 3 sổ tiết kiệm bản chính. Bà Bình không đồng ý với giải pháp gọi là tạm ứng tiền có tính chất nhỏ giọt, không phù hợp như vậy", luật sư Phan Trung Hoài nhấn mạnh.

Cũng theo luật sư Phan Trung Hoài, thông qua vụ việc của bà Bình cùng với một số vụ việc khác cũng đang có nhiều khúc mắc thì người gửi tiền cảm thấy rất lo lắng từ diễn biến của vụ việc này. Cơ quan Công an đã khởi tố vụ án và đang làm rõ mối liên quan đến những người đứng đầu, có trách nhiệm ở các chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng.

"Do đó, tôi nghĩ rằng phía Thống đốc và cơ quan quản lý nhà nước cần kiểm tra, rà soát, từ đó có ý kiến xử lý để tạo cho hệ thống ngân hàng tăng niềm tin gửi tiền cho khách hàng. Đồng thời, cần giải quyết quyền lợi cho khách hàng một cách đúng đắn trên cơ sở quan hệ của người gửi tiền".

Trước đó vào chiều 26-3, trao đổi với báo chí, ông Ngô Thanh Tùng cũng khẳng định: "Ai sai phạm tới đâu thì chịu trách nhiệm tới đó, tránh oan sai. Chúng tôi quyết tâm làm rõ vụ việc, yêu cầu cơ quan chức năng làm rõ trách nhiệm của những người liên quan với phương châm mọi người bình đẳng trước pháp luật".

Về phương án giải quyết với các vụ mất tiền gần đây (ngoài vụ việc xảy ra tại Ngân hàng Eximbank - chi nhánh TP. Hồ Chí Minh kể trên, thì tại Ngân hàng Eximbank - chi nhánh Đô Lương, Nghệ An, cũng xảy ra vụ việc có 6 nạn nhân đã mất tổng cộng 50 tỷ đồng khi gửi tiết kiệm tại đây…), ông Ngô Thanh Tùng trả lời chung rằng nếu khách hàng mất tiền do lỗi của ngân hàng hoặc nhân viên ngân hàng, không có chữ ký và tham gia của khách hàng, Eximbank sẽ chi trả ngay.

Trường hợp có chữ ký của khách hàng, việc tham gia của khách hàng trong vụ việc phải được làm rõ bởi cơ quan pháp luật và có phán quyết cuối cùng về trách nhiệm mỗi bên.

Về phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trao đổi xung quanh vụ việc này với chúng tôi, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN - chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, ngay sau khi vụ việc xảy ra, NHNN đã phối hợp với Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng TP. Hồ Chí Minh yêu cầu Eximbank làm rõ vụ việc và có trách nhiệm với khách hàng gửi tiền.

NHNN cũng đã yêu cầu Eximbank tiếp xúc và làm việc rõ ràng với khách hàng của mình, đặc biệt là những khách hàng mất tiền, để khách hàng yên tâm, đảm bảo quyền lợi chính đáng khách hàng. Hiện NHNN đang theo dõi sát diễn biến huy động vốn của Eximbank, đặc biệt đối với nguồn tiền gửi khách hàng, để có những giải pháp hỗ trợ kịp thời. Huy động vốn Eximbank hiện bình thường, ổn định, không có hiện tượng rút tiền hay mất thanh khoản.

Ngọc Như - Phú Lữ
.
.
.