Xưởng làm “cúp vàng” World Cup ở Bát Tràng

Thứ Năm, 21/06/2018, 15:06
Trong lúc người hâm mộ trên thế giới đang tập trung theo dõi các trận bóng nảy lửa diễn ra tại giải bóng đá lớn nhất hành tinh, tại một xóm nhỏ của xã Bát Tràng có hàng ngàn chiếc cup vàng của giải đấu này được ra lò và xuất đi nhiều nơi trong nước và ra cả quốc tế.

Với thâm niên gần chục năm, người thợ làm cúp này đã chế tác ra được những chiếc cúp bằng thạch cao vô cùng tinh xảo, giống đến 90% so với một chiếc cúp thật sẽ được trao cho nhà vô địch tại World Cup 2018 sắp tới tới...

Vì niềm đam mê

Xưởng sản xuất “cúp vàng” nói trên là của gia đình ông Vương Hồng Nhật (57 tuổi, trú tại xóm 1, thôn Bát Tràng, xã Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội). 

Cũng giống như bao gia đình khác sinh sống ở xã Bát Tràng, gia đình ông Nhật có thâm niên làm đồ gốm sứ cha truyền con nối nhiều đời nay. Nhưng sau này, do nhu cầu, thị hiếu của người dân đã có nhiều thay đổi nên ông Nhật làm thêm cả tượng thạch cao để cung cấp cho thị trường.

Ông Nhật cho biết: “Làm thạch cao và làm gốm cũng tương tự nhau nhưng làm gốm có nhiều công đoạn hơn, cần phải học nghề nhiều hơn, lâu hơn mới có thể trở thành một người thợ gốm. 

Còn làm thạch cao thì đơn giản, những người làm thuê ở nhà tôi không cần phải có thâm niên hay nghề cha truyền con nối, chỉ cần đến học nghề vài tháng là làm được ngon lành”.

Khi nhắc đến nghề làm “cúp vàng” FIFA World Cup của gia đình mình, ông Nhật cười, cho biết, tất cả đều xuất phát từ niềm đam mê bóng đá của ông. 

Ban đầu, ông Nhật cũng chỉ làm cho vui để tặng bạn bè cho người thân. Vậy mà sản phẩm này phát triển cho đến nay đã trên dưới 10 năm và được nhiều người đón nhận.

Ông Vương Hồng Nhật tự tay phủ nhũ vàng từng chiếc cúp.

“Tôi thích bóng đá lắm, có thể thức đêm thức hôm để mà xem bóng đá. Nên cũng từ niềm đam mê đó mà vào một ngày, tôi chợt nghĩ ra sao mình không làm một chiếc cúp vàng World Cup giống như thật để tặng cho bạn bè và làm kỉ niệm. Lúc đó tôi cũng không nghĩ sẽ bán sản phẩm ra ngoài thị trường vì lúc đó nó vẫn còn mới, chưa có ai làm nên cũng không biết có tiêu thụ được không”, ông Nhật kể.

Nghĩ là làm, sau hàng tháng trời bỏ công sức nghiên cứu các tài liệu trên internet, sách báo in ảnh chiếc cúp vàng, ông Nhật đã bắt đầu tiến hành dựng khuôn của chiếc cúp. 

Những chiếc cúp đầu tiên bằng thạch cao ra lò, mặc dù ngoại hình không giống cúp thật cho lắm nhưng đó là tất cả tâm huyết và niềm đam mê của người thợ Vương Hồng Nhật. 

Theo thời gian, sau mỗi sản phẩm ông Nhật lại chỉnh sửa, gọt giũa để chiếc khuôn thạch cao ngày càng hoàn chỉnh, mỗi sản phẩm ra lò ngày càng mượt mà, giống như “hàng thật”. 

Sau gần 10 năm chỉnh sửa và bán ra thị trường hàng ngàn sản phẩm, chiếc cúp vàng FIFA World Cup mà ông Nhật làm ra đã giống tới 95% với chiếc cúp thật. Nếu nhìn qua ảnh, không tập trung chi tiết, hẳn nhiều người sẽ nghĩ đây là chiếc cúp thật, giống hệt với chiếc cúp được trao cho nhà vô địch trong giải bóng đá World Cup.

Nói về sự phát triển của mặt hàng này, ông Nhật hồ hởi cho biết: “Ban đầu khi đem cúp tặng cho bạn bè, ai cũng rất thích thú bởi lúc đó, không có sản phẩm nào giống cúp thật như của tôi. 

Mọi người sau khi nhận quà lại truyền miệng nhau về sản phẩm này rồi nhiều người tìm tới đặt hàng, có người mua về đặt trong tủ làm lưu niệm, có người thì buôn đi bán lại lấy lãi và có người thì dùng làm quà trao thưởng trong các giải bóng địa phương. Cũng nhờ đó mà sau mỗi năm, lượng sản phẩm bán ra của xưởng sản xuất nhà ông Nhật ngày càng tăng”.

Khi mặt hàng này được nhiều người yêu thích và thu mua số lượng lớn, tại xã Bát Tràng cũng có nhiều hộ gia đình bắt đầu sản xuất loại tượng thạch cao này. Tuy nhiên, một số người mua hàng nhận xét rằng “cúp vàng” của xưởng nhà ông Nhật giống với cúp thật nhất. 

Cũng nhờ sự tỉ mỉ, dày công nghiên cứu của mình mà trong những ngày đầu đưa sản phẩm ra thị trường, mặt hàng này đã tiêu thụ được hàng ngàn chiếc.

Nói về World Cup 2014, mùa bóng đầu tiên mặt hàng cúp vàng bằng thạch cao này được tiêu thụ mạnh, ông Nhật cho biết: “Năm 2014, để đáp ứng được nhu cầu thị trường, tôi phải thuê thêm nhiều thợ để hoàn thành được các đơn đặt hàng. 

Trong năm đó, hơn 1.000 chiếc cúp bằng thạch cao được bán ra với giá 70 ngàn/chiếc. Nơi xa nhất mà sản phẩm của tôi được chuyển đi đó là một đơn đặt hàng trăm cái, chuyển vào miền Nam để bán lại trong mùa World Cup năm đó”.

Một người thợ bắt đầu đổ khuôn.

Ra ngoài thế giới

Với số lượng được sản xuất “khủng” như vậy, danh tiếng về cơ sở sản xuất cúp vàng của ông Nhật được nhiều người biết đến và dĩ nhiên cũng được báo chí để ý. 

Đặc biệt, ngoài các đài truyền hình, các tờ báo lớn nhỏ trong nước viết bài đưa tin thì xưởng nhà ông Nhật còn được nhiều người đam mê bóng đá trên thế giới biết đến, do đã có một số tờ báo nước ngoài đưa tin và quay phóng sự về quy trình sản xuất cúp vàng.

Cũng nhờ đó, từ thị trường trong nước, ông Nhật bắt đầu mở rộng ra thị trường quốc tế. 

“Người nước ngoài họ mua nhiều nhất trong những mùa bóng, không chỉ World Cup. Một số người thì mua về để tặng nhau hoặc làm kỉ niệm. Trong mùa World Cup 2018 này, tôi đã chuyển hàng trăm sản phẩm sang Đức, Séc và hơn 300 chiếc cúp được chuyển sang Nga, nơi tổ chức giải đấu”, ông Nhật nói.

Dự kiến, cho đến hết World Cup 2018, ông Nhật sẽ xuất xưởng không dưới 3.000 chiếc cúp vàng bằng thạch cao. Để kịp hoàn thành các đơn hàng, xưởng đã phải thuê thêm thợ và có những ngày ông Nhật phải thức suốt đêm để hoàn thành các sản phẩm. Năm nay, mỗi sản phẩm có giá 80 ngàn/chiếc, không phải do tăng giá so với nhiều năm trước mà đây là giá đóng hộp để chuyển đi các nơi.

“Có những lúc không vào mùa, khách đặt số lượng ít hoặc đặt theo khuôn mẫu của họ gửi đến thì giá sẽ khác. Có sản phẩm vài trăm ngàn nhưng cũng có sản phẩm lên tới hàng triệu đồng. Vì mình phải nghiên cứu tỉ mỉ từ đầu để làm lại một chiếc khuôn cho chuẩn xác với yêu cầu của khách”, ông Nhật chia sẻ.

Được biết, để hoàn thành một chiếc cúp bằng thạch cao như vậy, nói thì đơn giản nhưng nó cũng phải qua nhiều công đoạn. Như đã nói ở trên, một người thợ học nghề vài tháng là có thể làm được sản phẩm này, nhưng vẫn đòi hỏi có đôi tay khéo léo để có thể cắt gọt, chỉnh sửa từng chi tiết cho sản phẩm hoàn hảo hơn.

Ông Nhật bên những chiếc cúp vàng.

Công đoạn đầu tiên để làm ra một chiếc cúp vàng là đổ thạch cao vào chiếc khuôn đúc đã được ông Nhật chỉnh sửa qua nhiều năm. Sau công đoạn đổ thạch cao, các công nhân phải lắc để thạch cao bám đều vào thành khuôn từ đó mới cho hình thù chiếc cúp được vẹn nguyên. 

Sau khi đưa thạch cao vào khuôn khoảng 20 phút thì cũng là lúc thạch cao bám chặt vào thành khuôn và tạo nên hình khối chiếc cúp. Lúc này, các công nhân nhẹ nhàng đưa sản phẩm ra ngoài để tiếp tục đúc những chiếc khác.

Những chiếc cúp bán thành phẩm sẽ được phơi qua 3 nắng, nhưng khi vào mùa, cần gấp thì những sản phẩm này sẽ được đem đi sấy khô tại lò. Sau khi những chiếc cúp khô ráo, ông Nhật tiến hành thực hiện các động tác cắt gọt để sơn mạ vàng lên sản phẩm. Cuối cùng, vợ ông Nhật sẽ đảm nhiệm khâu sơn vòng xanh vào chân cúp. “Ở chiếc cúp thật thì vòng xanh này sẽ được đính đá”, ông Nhật cho biết.

Khi sản phẩm hoàn thành sẽ được đóng vào hộp cẩn thận để vận chuyển đi các nơi trên cả nước và ra cả nước ngoài. Ở trong nước, mặt hàng này chủ yếu được bán tại Hải Phòng, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Nghệ An và Thanh Hóa. Cũng trong mỗi mùa bóng đá như vậy, xưởng nhà ông Nhật thu về được hàng trăm triệu đồng.

Nói về việc gìn giữ và phát triển nghề gốm cũng như làm sản phẩm này, sau một phút trầm ngâm, ông Nhật nói: “Nghề gốm nhà tôi cha truyền con nối nhiều đời, nhưng mình cũng phải theo sự phát triển của thị trường và sở thích của các con. Hai đứa con trai của tôi thì lại không thích theo nghề bố. 

Tuy nhiên, nếu sau này hai đứa nó đổi ý thì chắc cũng dễ làm nghề thôi bởi cả hai được chứng kiến bố mẹ làm từ bé cho đến lớn. Nếu so với thợ ngoài thuê về rồi đào tạo thì hai đứa con tôi chắc chắn sẽ làm tốt, làm giỏi hơn. 

Tương lai, nếu phát triển được các sản phẩm này rộng rãi, mở rộng nhà xưởng thì tôi cũng hy vọng các con có đứa sẽ theo nghề này của bố. Một phần để phát triển xưởng sản xuất, một phần cũng là để giữ lấy cái nghề truyền thống của gia đình”. 

Ngọc Trâm
.
.
.