Yêu nước thế nào cho đúng

Chủ Nhật, 24/06/2018, 09:18
Nói yêu nước suông thì dễ, nhưng chứng minh lòng yêu nước bằng những hành động cụ thể thì xem chừng không hề dễ. Điều này có thể nhìn rõ từ câu chuyện buồn vừa xảy ra ở Bình Thuận, trong những ngày tháng 6 vừa qua.


Thể hiện lòng yêu nước luôn là nhu cầu của mọi công dân chân chính. Nhưng thể hiện lòng yêu nước theo cách như thế nào cho hợp lý, cho đúng, mà trước hết là đúng pháp luật, cho văn minh lại là một câu chuyện khác. Nếu nhân danh lòng yêu nước mà phá hoại tài sản của Nhà nước, chống lại người thi hành công vụ, gây thương tích cho chính đồng bào mình, thì đó là vi phạm pháp luật, đi ngược lại với mong muốn thiện lương của nhân dân. 

Nói yêu nước suông thì dễ, nhưng chứng minh lòng yêu nước bằng những hành động cụ thể thì xem chừng không hề dễ. Điều này có thể nhìn rõ từ câu chuyện buồn vừa xảy ra ở Bình Thuận, trong những ngày tháng 6 vừa qua.

Công an đang khám nghiệm hiện trường.

Bình Thuận chưa bao giờ là địa danh được nhắc nhiều đến thế trên truyền thông, như những ngày vừa rồi. Khởi điểm là ngày 10-6, khi Quốc lộ 1 đoạn qua thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong bị ách tắc nhiều giờ liền. Hàng chục xe công vụ của tỉnh, xe chữa cháy, xe chuyên dụng ở trụ sở Cảnh sát PCCC gần cầu Nam bị những người quá khích thiêu rụi. 

Dòng người quá khích đó đã tràn vào trụ sở Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh, UBND tỉnh và không ngừng đập phá. Hàng chục Công an, Cảnh sát cơ động bị thương tích phải đưa tới bệnh viện cấp cứu. Hơn 100 con người có hành động phá hoại tài sản của Nhà nước bị bắt giữ. 

Sự việc nóng đến mức, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phải lên tiếng kêu gọi nhân dân ở Bình Thuận và một số địa phương khác hãy thể hiện lòng yêu nước một cách bình tĩnh, không cực đoan, thái quá.

Trên mạng xã hội lan truyền một đoạn clip ghi lại cảnh những người dân quá khích không ngừng ném gạch đá, cành cây, hay bất cứ thứ gì có thể về phía lực lượng Cảnh sát cơ động. Họ hò hét, la ó, chửi rủa. 

Trong khi lực lượng  bảo vệ lựa chọn giải pháp nhẫn nại chịu đựng, không tấn công hay dùng vũ lực với nhân dân, đồng bào mình. Hành động che chắn nhu mì, hứng chịu sự cuồng nộ của đám người quá khích mà không tấn công lại, cho dù có đủ phương tiện vũ khí của lực lượng bảo vệ đã tạo ra một cảm xúc mạnh mẽ trong cộng đồng. 

Điều này gửi đi một thông điệp, Nhà nước, chính quyền và các lực lượng chức năng không lựa chọn cách đối đầu với nhân dân, cho dù cách hành xử của một số người dân đang sai, đang vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Lựa chọn đó của lực lượng bảo vệ cũng là một biểu hiện ôn hòa của lòng yêu nước. Rằng nhân dân sẽ được lắng nghe nhiều hơn, cho dù họ đang bức xúc vì bất cứ lý do gì. 

Không dùng bạo lực với nhân dân, không bắn vào nơi mình đã được sinh ra, là một gửi gắm vô cùng đáng khen ngợi. Chính quyền Bình Thuận đã xử lý mềm dẻo, hợp lý, nhờ vậy mới có thể hạ hỏa được những cái đầu nóng quá mức lại đang bị lôi kéo bởi các thế lực thù địch, giúp cho tình hình lắng dịu dần. 

Mạng xã hội cũng truyền đi một hình ảnh người lính Cảnh sát cơ động trẻ, cười hiền lành dễ thương trong bộ cảnh phục đẫm mồ hôi, khí giới đặt dưới chân, giống như biểu tượng của tinh thần bất bạo động chống lại bạo động. Rằng lắng nghe dân, gần với dân là giải pháp được lựa chọn đầu tiên, chứ không phải đối đầu.

Quay trở lại vấn đề đặt ra là lòng yêu nước. Mọi người dân đều có quyền bộc lộ chính kiến, quan điểm, hay thể hiện tinh thần yêu nước của mình trước một vấn đề trọng sự của đất nước. 

Khi làn sóng phản đối Dự luật Đặc khu dâng cao, Chính phủ và Quốc hội đã lắng nghe nguyện vọng của nhân dân, lùi thời điểm thông qua dự luật để xem xét thêm. Động thái đó thể hiện tinh thần cầu thị, tôn trọng nguyện vọng, ý kiến của dân từ phía Đảng, Nhà nước, Chính phủ. 

Những cuộc tụ tập đông người, biểu tình biểu thị lòng yêu nước diễn ra ở nhiều địa phương diễn ra trong sự ôn hòa, thiện chí thì không có gì để nói. Nhưng riêng Bình Thuận lại là điểm nóng, vì sao?

Trong 2 ngày 16 và 17-6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Tuy Phong (Bình Thuận) đã thực hiện lệnh bắt tạm giam 8 đối tượng gây rối và chống người thi hành công vụ.

Trong số hơn 200 người bị cảnh sát tạm giữ vì hành vi gây rối, phá hoại tài sản Nhà nước, có một số người bị dụ dỗ, lợi dụng bằng cách cho tiền để tham gia gây rối mất trật tự an ninh địa phương. Những kẻ xấu, những kẻ phản động đã nhân cơ hội này lợi dụng lòng yêu nước, sự cả tin của người dân để kích động, xúi giục, dụ dỗ họ, đẩy họ vào những hành động vi phạm pháp luật và phải hứng chịu hình phạt nghiêm khắc của pháp luật. 

Ngày 15-6, người phát ngôn của Công an Bình Thuận, Đại tá Nguyễn Văn Nhiều cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố vụ án Gây rối trật tự công cộng, hủy hoại tài sản và chống người thi hành công vụ. 

Qua sàng lọc, 17 đối tượng bị tạm giam để điều tra và củng cố hồ sơ truy tố hình sự. Đáng tiếc nhất là có những người còn trẻ nhưng lại dễ dàng bị kẻ xấu lôi kéo mà vi phạm pháp luật. Họ phải trả giá và để lại nỗi đau, nỗi buồn cho gia đình, dòng họ. 

Có người trẻ đã khai, họ đập phá tài sản Nhà nước chỉ vì đã nhận 300 ngàn đồng từ kẻ xấu. Điều này thực đáng buồn. Qua đó cho thấy nhận thức của một bộ phận người dân về lòng yêu nước còn quá sơ đẳng. Họ đã mắc vào các âm mưu của các thế lực thù địch một cách quá dễ dàng. Chỉ vì chút lợi cỏn con, họ đã sử dụng bạo lực để chống lại chính nhân dân mình, lực lượng bảo vệ mình, phá hoại tài sản Nhà nước được mua bằng chính đồng tiền đóng thuế của nhân dân.

Yêu nước rõ ràng không phải chỉ là một lời nói sáo rỗng. Yêu nước là một nhận thức. Biểu hiện của lòng yêu nước sâu sắc còn phụ thuộc vào hiểu biết, tầm nhìn, bản lĩnh, tri thức, văn hóa của mỗi cá nhân. Những yếu tố đó trong mỗi người sẽ dẫn dắt hành động của họ. Tỉnh táo hay mù quáng cũng phụ thuộc vào điều đó. 

Vì sao trong đại đa số những người xuống đường vì lòng yêu nước giữ thái độ ôn hòa, cầu thị, lại có một thiểu số những người quá khích tạo ra tình trạng bất ổn như vậy? Đấy là bởi nhận thức về lòng yêu nước của một bộ phận người vẫn còn quá nông cạn. Tệ hơn, là một số đối tượng xấu đã núp bóng lòng yêu nước để phá hoại Tổ quốc.

Lẽ dĩ nhiên, sẽ còn nhiều băn khoăn về câu chuyện vì sao điểm nóng lại quá phức tạp như vậy. Đó là tình trạng ô nhiễm môi trường từ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân gây bức xúc trong người dân nhiều năm nay. Rồi tình trạng cá chết, ngư dân gặp khó khăn không có công việc mưu sinh. 

Rồi vấn đề khiếu kiện đất đai kéo dài nhiều năm chưa được giải quyết. Kể cả việc phát huy dân chủ tại cơ sở chưa tốt khiến tiếng nói của nguời dân nơi đây nhiều năm chưa được chính quyền lắng nghe thấu đáo, xử lý kịp thời, sâu sắc. 

Những âm ỉ đó và sự kiện vừa rồi tạo thêm một cái cớ để kẻ xấu lợi dụng kích động người dân bộc lộ tâm trạng bức xúc của mình. 

Thiết nghĩ, chính quyền địa phương ở Bình Thuận sau câu chuyện này không thể không lãnh nhận những bài học quan trọng để quan tâm, chăm lo nhiều hơn đến đời sống của nhân dân, hỗ trợ kịp thời và tháo gỡ những bức xúc, giúp dân ổn định đời sống lâu dài.

Câu chuyện buồn ở Bình Thuận những ngày vừa qua để lại trong mỗi công dân Việt chúng ta một suy ngẫm đáng giá về lòng yêu nước. Hãy hành động một cách tỉnh táo, để lòng yêu nước thực sự biến thành sức mạnh nhằm thay đổi, phát triển xã hội theo chiều hướng tích cực, chứ không phải tạo ra những rào cản làm rối loạn xã hội, rối loạn lòng người. Càng không thể nhân danh lòng yêu nước một cách mù quáng mà làm tổn thương đồng bào mình, phá hoại tài sản của đất nước mình.

Vũ Quỳnh Trang
.
.
.