"Hà Bá" Sông Đà nuốt chửng nhiều nhà cao tầng

Thứ Hai, 06/08/2018, 14:59
Sau nhiều ngày mưa lớn, tại tổ dân phố 25 và 26 phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình), hàng chục ngôi nhà bỗng dưng bị sụt, đổ xuống sông Đà, rất nhiều ngôi nhà bị nứt toác và ở trong tình trạng đặc biệt nguy hiểm. Chỉ qua một đêm, hàng trăm người đã rơi vào cảnh màn trời chiếu đất, mất trắng tài sản.


Để đảm bảo tính mạng, tài sản, có lẽ người dân phải nghiêm túc di dời đến khu vực tái định cư theo chủ trương của chính quyền địa phương trước đó.

Phút kinh hoàng

Chưa khi nào người dân phường Đồng Tiến lại chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng đến thế. Cả khu phố như vừa trải qua một trận động đất, đồ đạc ngổn ngang, nhà cửa tan hoang, người nào cũng bộc lộ vẻ lo lắng đến tột độ. Chỉ sau một đêm thôi, nhiều người phải chịu cảnh “màn trời chiếu đất”, tài sản bỗng chốc đổ xuống sông mà không có cách gì cứu vãn. 

Để vào được nhà, họ phải bắc tạm chiếc cầu.

Chị Hoàng Thị Hương (40 tuổi), người may mắn thoát chết khi nhà bị sụt kể: “Chỉ vài phút sau khi phát hiện nhà mình bị nứt thì nhà đã sụt xuống rồi. Nhà chỉ toàn đàn bà với trẻ con nên không kịp mang gì ra mà chỉ chạy thoát được người”. Theo chia sẻ của chị Hương, gia đình chị chuyển về đây từ năm 1980. Từ đó đến khi xảy ra sự việc không hề thấy bất thường hay nhà cửa bị rạn nứt gì. 

Tuy nhiên, vào khoảng 13h30 – 14h ngày 30-7, ngôi nhà của chị bắt đầu xuất hiện vết nứt dưới nền nhà. Thấy vậy, chị Hương đã đặt viên gạch theo chiều ngang với vết nứt để theo dõi. Chỉ khoảng 10 phút sau, vết nứt đã nuốt chửng viên gạch. 

Cứ như thế, vết nứt ngày càng mở rộng hơn, sau đó kéo theo cả khu vực khoảng 40m2 gồm công trình phụ, bếp ăn. “Hiện tại, gia đình tôi không kịp chạy gì ở khu vực nhà dưới, chỉ còn một phần ở nhà trên. Cả nhà chỉ toàn là phụ nữ và trẻ con vì thế những đồ nặng là không kịp chạy. Ước tính gia đình tôi đã thiệt hại hàng trăm triệu đồng rồi”.

Qua tìm hiểu, năm 2017, gia đình chị Hương nằm trong diện giải tỏa để chuyển sang khu vực mới. Tuy nhiên, khu vực mới chưa có điện, nước nên các gia đình ở đây chưa chuyển. Những gia đình chuyển đến khu vực mới sẽ được nhà nước hỗ trợ 20 triệu đồng, khi làm xong móng nhà sẽ hỗ trợ thêm 50 triệu. Tuy nhiên sau 1 năm, khu vực này vẫn chưa được giải tỏa và chuyển đi. 

Bà Ngà mất trắng ngôi nhà 4 tầng với rất nhiều tài sản trong đó.

“Nói thật là với số tiền hỗ trợ như vậy thì không đủ để chúng tôi di dời đến chỗ ở mới. Phần cũng vì tiếc của, ở đây toàn là những ngôi nhà kiên cố, xây dựng lên đến cả tỷ đồng. Bây giờ chuyển đi thì tiếc lắm, nhiều người tiếc nên cứ cố ở, thành ra mới xảy ra thế này. Thôi thì cũng là may mắn không ai bị làm sao, tiền của mất còn làm ra” – chị Hương tâm sự.

Theo người dân tại đây, họ đã bắt đầu phát hiện vết nứt từ đầu giờ chiều, tuy nhiên mọi người chỉ cho rằng do nhà nằm ở khu vực ven sông, thời tiết lại bất thường nên xảy ra nứt là chuyện bình thường. Bà Nguyễn Thị Thoa (70 tuổi) kể lại: 

“Đúng là chúng tôi thấy vết nứt từ đầu giờ chiều, mọi người nghĩ bình thường nên mọi sinh hoạt không có gì thay đổi. Chỉ đến khi mọi người nghe thấy tiếng kêu rắc rắc phát ra từ những ngôi nhà nghiêng thì mới hoảng loạn. Ngay sau đó, mọi người đã hô hào chuyển đồ đạc ra khỏi nhà. Thời điểm nhà đổ diễn ra rất nhanh, những tiếng rầm rầm phát ra rất lớn, cũng may là không có ai bị làm sao vì chúng tôi đã lường trước khi thấy vết nứt. Đến chiều nay thì tất cả các ngôi nhà đã sụt hẳn xuống sông rồi”.

Ngôi nhà chuyên kinh doanh ăn uống của gia đình bà Ngà cũng thiệt hại rất lớn. Ngôi nhà 4 tầng giờ lún sâu chỉ còn 1 tầng, vết nứt tách đôi ngôi nhà rộng khoảng 1m, để vào nhà phải đi qua một chiếc cầu tạm. 

Chỉ tay về phía ngôi nhà của mình, bà Ngà kể: “Khi con trai tôi đang sơn cửa thì phát hiện nhà bị tụt xuống 5 cm. Cho đến 6 giờ chiều, mọi việc vẫn bình thường, nhà không lún sâu thêm nhưng chỉ 15 phút sau thì nhà sụt xuống. Toàn bộ tài sản trong nhà đều bị tụt xuống, chúng tôi chỉ kịp di dời những thứ nhẹ”.

Người dân đang cố gắng di dời một số tài sản còn lại ra khỏi ngôi nhà bị sụt lở.

Gia đình bà Ngà chuyển về khu vực này sống từ năm 1980, sau gần 40 năm chưa từng có hiện tượng sụt lún hay nứt nhà. “Năm 2017, thủy điện Hòa Bình xả tới 8 cửa, sau khi đóng cả 8 cửa, nước rút thì nhà bà chỉ bị nứt rạn không đáng kể. Vậy mà năm nay mới xả và đóng 4 cửa thì nhà đã sụt như vậy. 

Trong phút chốc, toàn bộ tài sản của gia đình bị mất sạch, chúng tôi vẫn còn nợ hơn 2 tỷ đồng vay để xây dựng quán. Cứ nghĩ vay mượn xong sẽ lấy tiền bán quán trả nợ dần, ai ngờ... Sắp tới chẳng biết lấy tiền đâu mà trả nợ. Chỉ mong sao chúng tôi được quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện để khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống”.

Thủy điện không phải "thủ phạm"

Chiều 31-7, ông Nguyễn Tiến Mạnh, Chủ tịch phường Đồng Tiến cho hay, khu vực sạt lở đã có tới 9 ngôi nhà bị đổ sập hoàn toàn xuống sông Đà, 10 ngôi nhà khác đã bị sập 1 phần, 9 nhà có dấu hiệu nứt nẻ và 7 nhà thuộc diện nguy hiểm. 

Theo thống kê thì có 100 người dân trong vùng sạt lở đã sơ tán khỏi nơi ở. Theo chính quyền địa phương, vài năm trở lại đây, khu vực này đã có dấu hiệu sạt lở, chính quyền đã có phương án chuyển các nhà dân đến khu tái định cư thuộc xã Trung Minh, TP Hòa Bình. 

“Đây là khu vực có dấu hiện sụt lún từ trước, thành phố đã lên kế hoạc di dời, tái định cư cho người dân. Tuy nhiên, do kinh phí hạn chế, cộng với một số hộ dân muốn bám trụ nên việc di dời là chưa thực hiện được. Ba trong số các căn nhà ở phường Đồng Tiến mới bị sạt lở xuông sông nằm trong quyết định di dời từ năm 2017. Thành phố thậm chí còn cắt điện nước, để họ sơ tán nhưng cũng không được” – ông Mạnh cho biết thêm.

Ngay sau vụ sạt lở này, mỗi hộ dân được hỗ trợ khoảng 70 triệu đồng và sắp xếp tái định cư. Chưa có thống kê cụ thể nhưng vụ sạt lở đã gây thiệt hại lớn về tài sản. Nhiều nhà cao tầng kiên cố của người dân bị sập đổ và hư hỏng và không đảm bảo để ở lại.

Sau khi vụ việc xảy ra, nhiều người cho rằng nguyên nhân là do Thủy điện Hòa Bình mở cửa xả. Tuy nhiên, ông Nguyễn Trường Sơn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai khẳng định, Thủy điện Hòa Bình xả nước không phải là “thủ phạm”. 

“Thủy điện Hòa Bình không xả ào ào mà đóng hoặc mở từ từ, vì vậy lưu lượng nước xuống hạ du tăng và rút đột ngột là không có. Sự cố này có liên quan đến lượng mưa lớn kéo dài gần 1 tháng nay ở Hòa Bình, do dải hội tụ nhiệt đới hoạt động mạnh, khiến đất đá ở khu vực bờ sông bị xói mòn, bở rời. Mực nước sông lên xuống ảnh hưởng không đáng kể đến các nhà ven sông” – ông Sơn giải thích .

Cảnh tượng tan hoang như sau một trận động đất.

Bên cạnh đó, TS Nguyễn Quốc Thành (Viện Địa chất, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) lý giải, phường Đồng Tiến nằm ở bờ lõm đoạn sông uốn khúc, nơi dòng nước mạnh nhất xoáy vào. Mặt khác, bờ sông được tạo thành bở cát và sét pha, khi ngấm nước sẽ mềm và trượt lở.

“Vùng hạ du bao giờ cũng xảy ra xói lở vì thường xuyên xuất hiện hiện tượng thiếu hụt phù sa. Khi thủy điện mở cửa xả nước lên cao, khi đóng nước tụt xuống nhanh. Lúc này tồn tại dòng nước chảy từ trong lòng bờ đẩy ra kéo theo đất đá” – Tiến sĩ Thành cho biết thêm.

Trước tình hình sạt lở ngày càng nghiêm trọng, chiều 31- 7, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cùng lãnh đạo tỉnh Hoà Bình đã đi thị sát khu vực bị sạt ở tại tổ 26, phường Đồng Tiến. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã trực tiếp đến thị sát tình hình và hỏi thăm chia sẻ với người dân vùng sạt lở. 

Tại đây, Phó Thủ tướng chỉ đạo tỉnh Hòa Bình sớm khắc phục hậu quả để người dân được yên tâm sinh sống, làm việc. Phó Thủ tướng đánh giá sự cố sạt lở khu vực ven sông của tỉnh Hoà Bình năm nay rất nghiêm trọng, làm thiệt hại nặng nề đến tài sản, nhà cửa của người dân. 

Thay mặt Thủ tướng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng gửi lời chia sẻ những khó khăn đối với người dân bị mất tài sản tại phường Đồng Tiến. Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Hoà Bình phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân, không để người dân quay trở lại khu vực bị sạt lở. 

“Tỉnh phải tạo mọi điều kiện cho người dân mất nhà cửa có chỗ ở an toàn, đảm bảo cuộc sống, nhất là phải đảm bảo cho các cháu được học hành đầy đủ. Tỉnh Hoà Bình phải rà soát lại tất cả các vị trí có nguy cơ bị sạt lở để sớm có biện pháp khắc phục” -  Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Phong Anh
.
.
.